Võ điện ảnh và võ thực tế khác nhau như thế nào?
Võ điện ảnh và võ thực tế khác nhau như thế nào?
Không như nhiều người nghĩ, võ điện ảnh tuy chỉ là diễn nhưng cũng đòi hỏi lắm công phu không thua kém gì so với những môn võ thực tế. Thậm chí, những võ sĩ khi lên phim cũng phải chịu nghe lời những biên đạo võ thuật.
Đã từng có thời gian, cộng đồng võ thuật Việt Nam tẩy chay mạnh mẽ võ thuật điện ảnh vì quá xa rời thực tế. Có thể khẳng định rằng, những cascadeur (diễn viên đóng thế) có thể không phải là những bậc thầy võ thuật, nhưng chắc chắn một điều, chuyên môn điện ảnh của họ cao hơn những võ sĩ chuyên nghiệp.
Võ sĩ tư duy đài, biên đạo võ tư duy điện ảnh
Nếu như các võ sĩ phải động não tư duy làm sao để có thể giấu được đòn đánh của mình thì các nhà làm phim lại trái ngược hoàn toàn, họ phải làm sao để thể hiện rõ nét đòn đánh trên bạn diễn của mình. Một biên đạo võ tốt có thể hiểu được ý đồ của đạo diễn, hiểu được các góc quay để có thể tận dụng mà diễn sao cho đẹp mắt nhất, chân thực nhất.
Một biên đạo võ thuật chuyên nghiệp có thể sáng tạo ra những pha chiến đấu ngoài sức tưởng tượng của khán giả. Đối với những người không chuyên, võ thuật chỉ giới hạn trong phạm vị từng môn nhất định với những món vũ khí nhất định, nhưng khi lên màn ảnh, sự đơn điệu đó sẽ giết chết những cảnh quay gay cấn.
Một biên đạo võ thuật tốt phải phối hợp ăn ý với đạo diễn hình ảnh (DOP), trong nhiều trường hợp, vì giới hạn của phim trường và vị trí đặt góc quay không đáp ứng, các biên đạo võ thuật phải linh hoạt đề ra phương án thay thế kịp thời mà không gây ảnh hưởng đến lịch trình quay phim của nhà sản xuất.
Bên cạnh yếu tố sáng tạo trong những pha hành động, các cascadeur phải đánh đổi nhiều thứ trong việc thực hiện các màn võ thuật điện ảnh. Vì phải sáng tạo để dựng nên những cảnh quay đáng nhớ, những cascadeur và các biên đạo võ thuật không hề có tư liệu để nghiên cứu sẵn. Do đó, để thuần thục một kỹ thuật mới, các diễn viên, biên đạo phải tập luyện với nhau dưới áp lực thời gian gấp gáp.
Phải đẹp và phải chân thực
Cảnh chiến đấu của những chiến binh phải khác với cảnh chiến đấu của những đặc vụ, tương tự như cảnh chiến đấu của võ sĩ phải khác với cảnh chiến đấu của những siêu anh hùng. Nếu biên đạo cho nhân vật đặc vụ chuyên đánh lén những cảnh quay quá màu mè, tính chân thực sẽ bị mất. Nếu biên đạo cho nhân vật võ sĩ những đòn đánh quá bay bướm, cảnh quay sẽ không phù hợp. Để làm được điều này, các biên đạo võ thuật phải tham khảo qua rất nhiều môn võ, thậm chí có người học cả các khóa đào tạo chiến thuật quân đội để có thể tránh “sạn” trong tác phẩm của mình.
Các võ sĩ, dù là những người sống bằng nắm đấm, vẫn chưa chắc có thể nghĩ ra những cảnh hành động đẹp mắt. Nguyên nhân vì bởi họ bị ảnh hưởng bởi lối thi đấu đậm chiến thuật của võ thuật đối kháng hiện đại mà quên mất rằng, trên điện ảnh, góc quay mới là thứ quyết định khán giả sẽ xem điều gì. Huyền thoại võ thuật Chuck Liddell dù là sát thủ trên võ đài UFC, khi bước vào màn ảnh, ông lại tỏ ra khá “thô” trong các pha hành động của mình.
Với những lý do trên, có thể kết luận rằng: “rừng nào cọp nấy”, điện ảnh sinh ra mảng biên đạo võ thuật cũng có lý do của nó.
Theo Webthethao.vn