Nhà sư thiếu lâm: Cao thủ võ lâm ẩn mình dưới tấm áo cà sa
Nhà sư thiếu lâm: Cao thủ võ lâm ẩn mình dưới tấm áo cà sa
Tương truyền trong nhân gian có câu “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”. Câu nói này nhằm khẳng định sức mạnh của Thiếu Lâm Tự và mọi môn võ trong thiên hạ đều có nguồn gốc từ đây. Trải qua hơn 1000 lịch sử, Thiếu Lâm Tự và các nhà sư tại đây vẫn đứng vững và trở thành một điều gì đó bất diệt trong lòng của nhiều người.
Thiếu Lâm Tự – nơi huyền thoại bắt đầu
Thiếu Lâm tự là một ngôi chùa ở Trịnh Châu, thị xã Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nổi tiếng trên khắp thế giới, chùa Thiếu Lâm được nhiều người biết đến là nơi ở của những vị sư có võ công cao cường. Từ năm 1983, chùa được công nhận là Tu viện Phật giáo quốc gia quan trọng của Trung Quốc. Nơi đây là một trong những điểm hút khách du lịch bậc nhất với vị trí đắc địa khi nằm giữa những ngọn núi hùng vĩ. Chùa có hơn 1.500 năm lịch sử, và nằm trong quần thể các công trình lịch sử ở Đăng Phong được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thiếu Lâm tự cũng là nơi khai sinh môn phái cùng tên nổi danh khắp thế giới. Nó cũng được xem là nguồn gốc của một số võ công tại Trung Quốc, gắn liền với thành ngữ: Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm, nghĩa là mọi võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm.
Quyền thuật Thiếu Lâm vang danh khắp thiên hạ và được miêu tả là “nhẹ như mèo, vọt như hổ, đi như rồng, động như chớp, tiếng như sấm”. Những miêu tả trên cũng đủ cho người ta biết về uy phong, sức mạnh của môn phái này. Môn phái này cũng có nhiều bài quyền nổi tiếng như Mai Hoa quyền, Ngũ hình quyền, Trường quyền, La Hán quyền…
Ra đời năm 495 sau Công nguyên, Thiếu Lâm đã có hàng ngàn năm phát triển và bắt đầu nổi tiếng về võ thuật từ năm 620 sau công nguyên.
Có lẽ người nổi tiếng nhất có liên hệ với chùa Thiếu Lâm là Bồ đề Đạt Ma. Ông là một nhà sư được cho là từ Ba Tư hoặc Nam Ấn Độ sang Trung Quốc vào thế kỉ thứ 5 hay thứ 6 để truyền bá Phật giáo. Trường phái Phật giáo do Bồ đề Đạt Ma lập ra ở Thiếu Lâm trở thành nền tảng cho Thiền tông sau này. Sau khi vào Thiếu Lâm tự, truyền thuyết kể rằng Bồ đề Đạt Ma thấy các nhà sư không có hình thể mạnh khỏe cho thiền định và họ thường ngủ gục trong khi thiền. Chuyện kể rằng Bồ đề Đạt Ma ngồi thiền quay mặt vào tường trong một hang đá cạnh chùa trong chín năm, sau đó ông giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là Thập bát La Hán chưởng hay là các bài tập co giãn cơ bắp kinh điển Đạt Ma. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật.
Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là một kỉ luật về tinh thần và thể chất. Sự hệ thống hóa võ thuật bởi các nhà sư có lẽ bắt đầu với những viên quan võ trong quân đội về hưu và đi tu tại đó. Tu viện là một nơi ở ẩn, không giống như là trong chiến trường, do vậy những người đó có thể trao đổi võ thuật và hoàn thiện các miếng võ theo thời gian.
Đã tồn tại hơn 1000 năm lịch sử nhưng Thiếu Lâm Tự và các nhà sư vẫn đứng vững dẫu cho suốt hơn 1000 năm đó, nhiều binh biến, nhiều sóng gió đã nổi lên. Ở bất cứ thời kì nào, Thiếu Lâm Tự cũng sản sinh ra những cao tăng võ nghệ cao cường đứng ra bảo vệ ngôi chùa thiêng liêng của họ.
Kungfu Thiếu Lâm vang danh 4 cõi
Theo nhiều nguồn tin, võ Thiếu Lâm gồm tất cả 708 bộ, trong đó những kungfu liên quan đến chưởng thuật và vũ khí chiếm 552 bộ, còn lại là các công pháp gồm: 72 tuyệt kỹ, cầm nã pháp, cách đấu pháp, tá cốt, điểm huyệt, khí công… hiện tồn hơn 200 bộ.
Trong đó, 72 tuyệt kỹ của võ Thiếu Lâm chính là hệ thống phương pháp, cách thức, bí quyết tu luyện võ công (ở tất cả các loại công phu như khinh công, thủy công, nhuyễn công, ngạnh công, nội công, ngoại công …). 72 tuyệt kĩ võ học này bao quát toàn diện những hệ thống võ công từ nguyên khởi đến cả những thời điểm hoàng kim nhất của võ phái, cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên trong số 72 tuyệt chiêu thì có không ít đã được “huyền thoại hóa” và bị thổi phồng lên quá mức so với khả năng thực. Trên thực tế, 72 tuyệt kỹ này là những kĩ pháp đặc biệt khó luyện, đòi hỏi một chặng đường rất dài khổ luyện mới có thể đạt thành tựu.
Trong quá khứ, một số võ sư dù chỉ am hiểu được một vài tuyệt kĩ đã có thể tự mình sáng lập một môn phái.
Hệ thống 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm được phân chia thành nhiều dạng: nhuyễn công, ngạnh công, nội công, ngoại công và tập hợp thành các nhóm khác nhau gồm: Các bí quyết luyện chỉ lực (luyện ngón tay); Các bí quyết luyện chưởng (luyện lòng bàn tay hay cạnh tay); Các bí quyết luyện khinh công và phi hành (luyện chạy nhanh, nhảy cao, lướt trên mặt nước); Các bí quyết luyện thiết quyền và thiết tí (luyện nắm đấm, sức mạnh của cánh tay…); Các bí quyết luyện thiết cước và thiên cân trụy (luyện đòn chân); Các bí quyết luyện những công phu đặc dị (như đầu cứng như sắt, cơ thể nhu nhuyễn, thu hạ bộ vào khoang bụng …).
Trong số này, có thể kể tới một số tuyệt chiêu đã đi vào huyền thoại như Điểm thạch công hay Nhất Chỉ Thiền công: là một loại nội công đặc sắc, thường xuất hiện trên phim ảnh với tên gọi “Nhất dương chỉ”.
Người luyện loại nội công này thành thục có khả năng phát huy toàn bộ sức mạnh tụ lại nơi một ngón tay, thậm chí có thể trồng cây chuối chỉ bằng một ngón tay hoặc dùng 1 ngón tay làm lõm cả tường. Để tập tuyệt kỹ này, thông thường các nhà sư khởi đầu sẽ dùng ngón tay đập vào các gốc cây, sau tăng lên đập vào đá. Để tránh chấn thương, các nhà sư phải có thuốc ngâm tẩm đặc biệt để tập.
Một chiêu thức lừng danh khác mà Thiếu Lâm sản sinh ra là Phi đảm tẩu pháp hay Phi Thiềm Tẩu Bích. Đây là môn khinh công nổi tiếng của Thiếu Lâm. Nói là khinh công nhưng thật ra đây là phương pháp tập luyện giúp các nhà sư trở nên nhanh nhẹn. Người luyện thành thục môn võ này có khả năng chạy lướt trên độ cao 5m, tường dốc 85 độ mà vẫn như đi trên đất bằng.
Thiết Đầu Công cũng là một tuyệt kỹ lừng danh khác của các nhà sư Thiếu Lâm. Loại công phu này giúp người luyện võ có cái đầu rắn chắc và cứng như đá. Tuy nhiên, để luyện thiết đầu công cũng chẳng mấy dễ dàng, các nhà sư phải tập luyện bằng cách trồng chuối bằng đầu, đập đá vào đầu đến khi đạt cảnh giới cao nhất. Thiết sa chưởng là môn công phu luyện cho bàn tay cứng như sắt, khi ra đòn có thể tạo ra kình lực cực mạnh có thể làm vỡ cả những tảng đá, gạch ngói…
Kim Chung Tráo: Theo truyền thuyết, tuyệt kỹ này gồm 12 ải, luyện đến ải cuối đao thương bất nhập, thủy hỏa bất cụ, bách độc bất xâm, trở thành thân kim cang bất hoại, thiên hạ vô địch. Môn đáng công (luyện hạ bộ) – môn này còn có tên là Kim Thiền công (ve sầu vàng thoát xác): luyện sức chịu đựng của những đòn tấn công vào hạ bộ.
Những người luyện thành thục tuyệt kỹ này có thể chịu được những cú đá rất mạnh vào hạ bộ mà không hề hấn gì.
Trên đây, chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng võ học của Thiếu Lâm. Các nhà sư tu hành tại đây đều phải tập luyện qua những thứ này. Mục đích của việc tập luyện không gì khác ngoài rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân. Với những môn võ đòi hỏi sự khổ luyện như vậy, các nhà sư Thiếu Lâm cũng phải có cho mình chế độ tập luyện khắc nghiệt, không hề thua kém những võ sĩ chuyên nghiệp.
Đau đớn về thể xác dường như chẳng thấm vào đâu với các nhà sư. Với họ, bí quyết của việc rèn luyện kungfu nằm ở tinh thần. Tâm linh, tinh thần và thể chất phải hòa vào nhau để có thể đạt cảnh giới cao nhất.
Nhà sư cũng là chiến binh
Kungfu cũng được các nhà sư truyền bá khắp nơi. Chính việc khổ luyện đã giúp các nhà sư của Thiếu Lâm không chỉ là một phật tử truyền đạo mà còn có thể trở thành một chiến binh khi cần. Thiếu Lâm qua hơn 1000 năm lịch sử không hề thiếu những chiến binh giỏi. Giữa thời đại phong kiến loạn lạc, Thiếu Lâm Tự luôn phải đề phòng về diệt vong. Bên cạnh việc học đạo, các nhà sư của Thiếu Lâm với võ nghệ cao cường luôn có thể đứng ra bảo vệ sự tồn vong của chùa, của đất nước.
Thiếu Lâm không chỉ đào tạo ra những cá nhân có võ công cái thế, ở đây còn dạy binh pháp, trận pháp để sẵn sàng cho mọi cuộc chiến ảnh hưởng đến thịnh suy.
Tiếng tăm về quân sự của các nhà sư bắt đầu vào đầu đời nhà Đường (618–907). Dưới thời của vị hoàng đế Vương Thế Sung có chính sách cai trị hà khắc, độc đoán và tàn bạo. Các nhà sư Thiếu Lâm nhận ra cần phải có một cuộc đảo chính để quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Thiếu Lâm Tự cùng các nhà sư nhận ra phẩm chất tốt đẹp của Lý Thế Dân vì thế phò tá ông này lên làm hoàng đế mới của Trung Hoa Đại Lục.
Với võ công cao cường, đoàn quân của các nhà sư đánh đâu thắng đó, tiến quân thẳng về kinh thành, phế vị Vương Thế Sung, lập hoàng đế mới. Trong các trận chiến, các võ sư Thiếu Lâm được miêu tả là uy dũng vô song. Lên ngôi hoàng đế, nhớ ơn công phò tá của Thiếu Lâm Tự, Lý Thế Dân đã quyết định cho mở rộng chùa Thiếu Lâm. Bên cạnh đó, những võ tăng mạnh mẽ, bất phàm còn được đưa vào triều đình để dạy kungfu cho quân đội.
Trải qua nhiều lần binh biến, Thiếu Lâm Tự vẫn trụ vững và phát triển không ngừng. Dù ở thời đại nào, Thiếu Lâm Tự vẫn giữ nguyên mục đích đào tạo võ tăng của mình. Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644). Lúc này, rất nhiều cao tăng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, trực tiếp đứng ra dạy võ cho quân đội.
Các nhà sư Thiếu Lâm dưới thời Đường còn là lực lượng tiên phong để bảo vệ vương vị. Đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt. Danh tiếng của các nhà sư Thiếu Lâm vang danh khắp thiên hạ, kẻ xấu nghe danh phải bủn rủn tay chân.
Có thể nói, các nhà sư Thiếu Lâm không chỉ là những tín đồ Phật giáo, ngày ngày truyền bá những điều tốt đẹp cho đời mà khi có chuyện, họ luôn sẵn sàng đứng ra, liều mình vì cái đúng trong thiên hạ. Thiếu Lâm Tự với người Trung Quốc không đơn thuần chỉ là một ngôi chùa, nó là một niềm tự hào, một tôn giáo và một bản sắc văn hóa đậm đà.
Ngôi chùa nguyên thủy vẫn tồn tại sau nhiều lần bị cướp phá và được xây dựng lại. Vào 1928, thủ lĩnh Thạch Hữu Tam phóng hỏa đốt chùa, thiêu hủy đi nhiều văn thư vô giá trong thư viện chùa, một số sảnh đường, và làm hư hại nặng tấm bia đã nói đến ở trên. Cách mạng Văn hóa Trung Quốc thanh trừng tất cả các nhà sư và các tài liệu Phật giáo tồn tại trong khuôn viên chùa, để chùa hoang tàn trong nhiều năm.
Sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng vai chính vào năm 1982, chùa được Nhà nước Trung Quốc cho xây dựng lại và trở thành địa điểm du lịch chính thức. Các nhóm võ thuật trên khắp thế giới đã quyên góp để bảo trì chùa và các khuôn viên quanh đó, và sau đó được ghi danh trên những viên đá có khắc chữ gần lối vào chùa.
Một đại hội Đạt-ma được tổ chức trong hai ngày 19 và 20 tháng 8 năm 1999, tại chùa Thiếu Lâm, Tung Sơn, Trung Quốc, đã phong hòa thượng Thích Vĩnh Tín làm phương trượng. Ông là người kế nhiệm thứ mười ba của hòa thượng phương trượng Tuyết Đình Phúc Dụ. Vào tháng 3 năm 2006, tổng thống Nga Putin đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm chùa. Nơi đây luôn thu hút du khách khắp nơi trên thế giới từ thường dân cho đến những ngôi sao nổi tiếng.
Ngày nay, Thiếu Lâm vẫn sản sinh ra nhiều võ sĩ thi đấu trên các võ đài chuyên nghiệp, những đại hội võ thuật tổ chức ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.
Thiếu Lâm tự với bề dài lịch sử đã thật sự trở thành niềm tự hào của người dân đại lục. Nhà sư Thiếu Lâm dù ở thời đại nào cũng đã và đang tiếp giữ những truyền thống quý báu của ngôi chùa này. Với người dân Trung Quốc và thậm chí hơn thế nữa, Kungfu Thiếu Lâm và những di sản mà các nhà sư đã để lại cho hậu thế sẽ được tạc ghi muôn đời.
Hoài Phương (Tổng hợp)