BÀN VỀ HAI LÁ THƯ CỦA GANDHI GỞI HITLER Nguyễn Xuân Chiến
BÀN VỀ HAI LÁ THƯ CỦA GANDHI GỞI HITLER
Nguyễn Xuân Chiến
Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) đã qua đi rất lâu, nhưng mỗi lần nhắc tới Hitler, Mussolini… thì ai nấy đều ghê tởm và muốn quên đi cái quá thứ thê thảm của loài người một thời nào đó.
Một nửa nhân loại đều khiếp sợ và lo lắng khi Hitler lên cầm quyền. Nhưng sau gần mười năm, thì cả loài người đều ăn ngủ không yên vì đế chế Đức không những tiêu diệt Do Thái, chiếm đóng Âu châu mà còn đòi thống trị thế giới.
Cả mặt đất này đều chìm trong chiến tranh. Nghĩa là lửa, đạn, súng ống và chém giết, những trò phi nhân. Máu đổ và tiếng khóc nhục nhằn của chinh phu và trẻ nít.
Mahatma Gandhi thì lạ lùng gì con người của Hitler, nhất là khi ấy, Gandhi đã đọc cuốn sách có tựa đề “Mein Kampf”. Đây là cuốn sách do Adolf Hitler viết và xuất bản năm 1924, trong đó trình bày tư tưởng và cương lĩnh của ông ta về Đế chế Đức một khi ông ta lên nắm quyền.
Mahatma Gandhi đã đọc rất kỹ hiểu nội dung mà Hitler muốn nhắn nhủ tới nhân loại:
“Trên trái đất này, chỉ có một không gian đủ lớn cho một quốc gia tự do tồn tại”,
Hitler viết trong tác phẩm của y. Khi đọc đến đây, nhà lãnh đạo Ấn Độ M.Gandhi đã mường tượng ra một thế giới mà ở nơi đó chỉ có chiến tranh, nơi sức mạnh được ngự trị và không có đất dành cho kẻ yếu.
Tình cờ, mùa hè 2018 mới đây, chúng tôi đọc được trên mạng, phát hiện rằng: Hai lá thư của nhà tranh đấu Gandhi gởi cho Hitler, quốc trưởng nước Đức, hồi năm 1939-1940 đã được trình bày trước công chúng.
Trong cuốn sách có tựa đề “Les vies cachées de Gandhi” xuất bản tháng 1-2018 ở Pháp, nhà văn, nhà báo Gilles Van Grasdorff đã tiết lộ nội dung 2 bức thư mà lãnh đạo phong trào độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi gửi Quốc trưởng Đức quốc xã Adolf Hitler trước đây trong những năm 1939-1940.
Vấn đề cho chúng ta ở đây là: Tại sao Gandhi đã hiểu rõ cương lĩnh của tên đồ tể Hitler mà còn viết 2 lá thư để bày tỏ cảm tình và khuyên y cải ác tùng thiện?
NỘI DUNG HAI LÁ THƯ ẤY:
Mới các bạn đọc 2 lá thư ấy:
Trong bức thư đầu tiên đề ngày 23-7-1939, gửi đi từ Wardha, Mahatma Gandhi viết cho Hitler có nội dung như sau:
Nhiều người đã đề nghị tôi viết thư cho bạn nhân danh bảo vệ nhân loại. Nhưng tôi đã phản đối yêu cầu của họ. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy tôi không thích hợp. Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó khiến tôi không thể phớt lờ lời đề nghị này và cần phải nói với bạn bất kể hậu quả gì sẽ xảy ra.
Hôm nay, rõ ràng rằng, bạn là người duy nhất trên thế giới có thể ngăn cản một cuộc chiến tranh nổ ra, kéo theo một thảm họa nhân loại. Bạn có thực sự tin rằng, mục đích mà bạn đang tìm kiếm sẽ trả một giá đắt không?
Hãy lắng nghe lời đề nghị này mà từ bỏ chiến tranh, đó cũng không phải là một thành công đó sao?
Dù thế nào, tôi cũng mong bạn tha thứ nếu tôi có điều gì sai khi viết thư cho bạn.
Tôi vẫn là người bạn chân thành của bạn.
M. K.Gandhi”.
Tuy nhiên, Gandhi không đồng tình với cách thực hiện của Hitler, rằng phương pháp dùng vũ lực để tranh đấu cho Hitler cũng như xâm lược các quốc gia vô tội khác như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đan Mạch… Vì lẽ đó, Mahatma Gandhi viết bức thư thứ hai gửi Hitler. Bức thư đề ngày 24-12-1940 được gửi đi từ Wardha.
“Bạn thân mến,
Tôi muốn nói chuyện với bạn như một người bạn bình thường. Tôi không có kẻ thù. Cả cuộc đời tôi 33 năm qua là kết nối tình bằng hữu giữa loài người với nhau, bất kể sắc tộc, màu da và tôn giáo.
Tôi hy vọng bạn sẽ có thời gian và mong muốn tìm hiểu xem những người đã sống dưới ảnh hưởng của triết lý về tình bạn cho cả thế giới đó nghĩ sao về hành động của bạn. Chúng tôi không hề nghi ngờ sự can đảm và tận hiến của bạn cho quê hương mình, chúng tôi cũng không tin rằng bạn là con quái vật như những địch thủ của bạn từng mô tả.
Nhưng những lời nói và hành động của bạn, của bạn bè và những người ngưỡng mộ bạn, khiến cho chúng tôi phải tin rằng nhiều hành động của bạn là đáng lên án không phù hợp với đạo đức của loài người, nhất là từ những người tuyệt đối tin tưởng ở tình bằng hữu toàn thế giới như tôi. Chẳng hạn như việc bạn sỉ nhục Tiệp Khắc, cưỡng đoạt Ba Lan và sáp nhập Đan Mạch.
Tôi hiểu rằng, quan điểm về cuộc sống của bạn coi đó là những hành vi chính đáng. Nhưng từ thời thơ ấu, chúng ta đều đã được dạy rằng những hành động đó làm hạ thấp phẩm giá chúng ta. Vì thế chúng tôi không thể nào chúc bạn thành công.
Chúng tôi có một vị thế đặc biệt. Chúng tôi cũng chống lại đế quốc Anh giống như đảng Quốc xã. Nếu có sự khác biệt thì chỉ là ở mức độ. 1/5 nhân loại đã phải sống dưới gót giày của đế chế Anh. Nhưng sự phản kháng của chúng tôi không phải là để làm hại người dân Anh.
Chúng tôi muốn họ thay đổi, chứ không muốn đánh bại họ trên chiến trường. Chúng tôi nổi dậy, nhưng không vũ trang, chống lại ách cai trị của người Anh. Nhưng dù chúng tôi có thay đổi họ được không, chúng tôi quyết không để họ cai trị mình thông qua việc bất hợp tác bất bạo động. Đó là một phương pháp mà về bản chất là không thể dập tắt được. Nó dựa trên việc không kẻ áp bức nào có thể đạt được mục tiêu mà thiếu sự hợp tác nhất định, dù là tự nguyện hay cưỡng bức, của nạn nhân.
Những kẻ cai trị có thể chiếm đoạt đất đai và thân thể chúng tôi, nhưng không phải là linh hồn chúng tôi. Họ chỉ có thể làm thế nếu tiêu diệt tất cả những người Ấn Độ, đàn ông, đàn bà và trẻ em. Bạn cũng sẽ không thể thống trị bằng cách đó ở những quốc gia mà bạn cưỡng đoạt. Và hãy tin tôi, rất nhiều người Ấn Độ đã tranh đấu như thế trong suốt 20 năm qua.
Phong trào độc lập của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ như thế này. Tổ chức chính trị hùng mạnh nhất, ý tôi là đảng Quốc đại Ấn Độ, đang nỗ lực vì mục tiêu cuối cùng là độc lập. Chúng tôi đã khá thành công cho tới giờ thông qua các nỗ lực phi bạo lực. Chúng tôi đã tìm thấy những phương tiện đúng đắn để chống lại đế quốc bạo lực được tổ chức tốt nhất thế giới. Bạn hẳn muốn thách thức điều đó, rằng quốc gia nào mới được tổ chức tốt hơn, Anh hay Đức.
Chúng tôi hiểu sự áp bức của đế quốc Anh với chúng tôi và những giống người không phải ở châu Âu là thế nào. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ muốn chấm dứt bạo lực của người Anh nhờ vào bạo lực của người Đức. Chúng tôi đã tìm thấy một con đường phi bạo lực mà nếu tổ chức tốt, có thể có đủ sức mạnh chống lại mọi bạo lực trên thế gian này.
Trong phương pháp phi bạo lực, như tôi đã nói, không bao giờ có thất bại. Phương pháp của chúng tôi có thể không cần tiêu tốn tiền bạc và không cần thứ khoa học của sự hủy diệt mà bạn đang thực hiện một cách hoàn hảo đó. Tôi lấy làm khó hiểu tại sao bạn không nhận ra rằng bạo lực không phải là độc quyền của ai.
Nếu không phải người Anh, thì ai đó sẽ có thể cải thiện phương pháp của họ và đánh bại bạn bằng bạo lực, như chính bạn đang đánh bại người khác. Bạn không để lại chút di sản nào để người dân của mình tự hào. Họ không thể tự hào vì những hành vi tàn bạo, dù cho nó có được lên kế hoạc khéo léo đến đâu.
Vì thế, tôi kêu gọi bạn, nhân danh loài người, chấm dứt cuộc chiến này. Bạn sẽ không mất gì nếu đưa những tranh cãi giữa bạn và người Anh ra tòa án quốc tế theo lựa chọn chung của cả hai. Nếu bạn tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến, điều đó không khiến bạn đúng, nó chỉ cho thấy sức mạnh hủy diệt của bạn đã lớn hơn.
Bạn hẳn biết cách đây chưa lâu, tôi kêu gọi mọi người Anh chấp nhận phương pháp của tôi. Tôi làm thế vì người Anh biết tôi là một người bạn, dù là một kẻ nổi loạn. Tôi là một người lạ với bạn và dân tộc bạn. Tôi không có can đảm kêu gọi bạn như tôi đã kêu gọi mọi người Anh. Nhưng đề xuất của tôi thực tế, quen thuộc và đơn giản.
Lúc này đây, khi mọi trái tim ở châu Âu đều mong mỏi hòa bình, chúng tôi đã tạm ngưng ngay cả cuộc tranh đấu không đổ máu của chúng tôi. Có phải là quá nhiều nếu kêu gọi bạn nỗ lực vì hòa bình lúc này, khi hòa bình không có ý nghĩa gì với cá nhân bạn, nhưng lại có ý nghĩa rất nhiều với hàng triệu triệu người châu Âu? Tôi đã định gửi một lá thư chung cho bạn và Signor (bạn) Mussolini, người tôi đã được vinh hạnh gặp mặt khi ởRome trong chuyến thăm Anh mới đây tại Hội nghị Bàn tròn. Tôi hy vọng bạn sẽ chuyển lại lời cho bạn ấy khi nào có thể.
M. K. Gandhi”.
SỬA ĐỔI MỘT TÊN ĐỒ TỂ, ĐƯỢC CHĂNG?
Thói thường, người ta chỉ muốn sửa đổi những ai có thể lắng nghe, hoặc muốn thay đổi những đối tượng có thể giáo huấn được. Còn những cá nhân quá quắt lắm, “cùng hung cực ác”, vượt ngoài tầm mức bình thường thì bậc siêu xuất cũng đành chịu! Chuyện Đức Phật dạy ngựa vẫn còn rành rành trong kho tàng giáo lý căn bản.
Cuộc sống rày đây mai đó, gần gũi với thiên nhiên, loài người, cùng thú vật của Đức Phật đã khiến cho các bản kinh thời nguyên thủy mang rất nhiều hình ảnh sống động của thế giới hiện thực. Nhờ vậy loài ngựa đã in dấu chân rải rác trên các tờ lá bối. Chẳng hạn như: “Hôm nọ, có một chàng trai tên Kesy đến viếng Phật. Biết anh làm nghề luyện ngựa, Đức Đạo Sư bèn hỏi thăm anh về khả năng chuyên môn. Nghe đúng sở trường, Kesy thao thao giảng giải về bí quyết nghề nghiệp của mình: – Bạch Thế Tôn, con thường chia ngựa ra làm bốn loại:
1. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng.
2. Loại được nhiếp phục bằng lời thô ác.
3. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn thô ác.
4. Loại bất trị, không thể nhiếp phục nổi. Với hạng này chỉ còn cách đem giết thịt để khỏi mất danh dự của nhà luyện ngựa”.
Xong, Kesy hỏi Phật về cách nhiếp phục hàng môn đệ. Đức Đạo Sư đáp rằng, Ngài cũng chia hàng đệ tử ra làm bốn loại:
1. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng: khi được chỉ dạy về các việc thiện của thân, khẩu, ý cùng các quả báo tương ứng ở cõi trời, người, họ liền tinh cần tu tập.
2. Hạng người được nhiếp phục bằng lời cứng rắn: khi được chỉ dạy về các hành động bất thiện của thân, khẩu, ý, cần nên tránh vì chúng sẽ đưa đến quả báo tương xứng nơi ba đường ác.
3. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn cứng rắn: bao gồm cả hai lối trên.
4. Hạng người bất trị, không thể nhiếp phục bằng lời mềm mỏng hay cứng rắn, thì đành phải giết đi.
Nghe đến đây, Kesy hốt hoảng hỏi: – Nhưng, bạch Thế Tôn, tại sao lại giết đi? Há không phải Ngài thường khuyên răn hàng môn đệ nên trì giới bất sát đó sao?
– Này chàng trai, trong giáo pháp của ta, giết đi chỉ có nghĩa là không thèm nói tới, vì đương sự không xứng đáng để bỏ công dạy dỗ, nhắc nhở nữa.
(Tương Ưng Bộ kinh) (theo báo Giác Ngộ)
Đối với con mắt bình thường của chúng ta thì tên Hitler là hạng người bất trị, không thể nhiếp phục bằng lời mềm mỏng hay cứng rắn, thì đành phải bỏ đi, loại trừ đi – không thèm lưu ý đến hắn nữa. Hà cớ gì lại viết thư thăm hỏi ân cần như một người bạn?
THÁNH GANDHI NHÌN THẾ GIAN BẰNG TÂM PHẬT
Đọc 2 lá thư ấy, trước tiên, chúng tôi thoạt nghĩ rằng, ông thánh Gandhi đã làm một việc vô ích, nếu không muốn nói là dở hơi, rồ dại, khi mất công viết lá thư gởi cho một người không có tai, không có mắt, và không có trái tim như tên Hitler!
Nhưng sau khi đọc bài “CON QUỶ HAY BỒ TÁT” chúng tôi mới hiểu thấu ý nghĩa thâm sâu những việc làm của Mahatma Gandhi. Và hơn thế nữa, chúng tôi mới thâm nhập huyền nghĩa của giáo lý DUY TÂM SỞ HIỆN.
Mời các bạn đọc lại bài “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức của tác giả Nguyễn Thế Đăng, hiện đăng trong THƯ VIỆN HOA SEN. Đây xin trích một đoạn như sau:
BA CÕI DUY TÂM
“Ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức” là một chân lý, một sự thật được nói nhiều trong tông Duy thức, và rộng ra, có trong tất cả kinh, luận.
Ở đây, tâm là gì? Kinh Hoa Nghiêm nói, “Tất cả ba cõi duy chỉ Nhất tâm” (phẩm Thập Địa)
Kinh lại nói:
Như tâm, Phật cũng vậy Như Phật, chúng sanh đồng Tâm, Phật, và chúng sanh Cả ba không sai khác… Nếu người muốn rõ biết Tất cả Phật ba đời Phải quán tánh pháp giới Tất cả duy tâm tạo. (Dạ-ma cung kệ tán)……
Chúng sanh có thấp đến đâu cũng ở trong Tâm đó. Chư Phật có cao tới đâu cũng ở trong Tâm đó. Ba cõi có rộng đến đâu cũng ở trong Tâm đó. Đây là nghĩa “Tâm, Phật, và chúng sanh. Cả ba không sai khác”.
Ba cõi chỉ là Một Tâm. Tâm ấy tất cả chúng sanh đều có. Và Tâm ấy chính là Phật.
Tất cả những bậc chứng ngộ đều nói như thế, đều dạy như thế.
Thiền sư Mã Tổ nói:
“Các ngươi mỗi người phải tin tâm mình là Phật, tâm này tức là tâm Phật. Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền pháp thượng thừa Nhất Tâm, khiến các ngươi khai ngộ”.
Rinpoche Karma Chagmé (Tây Tạng, thế kỷ 17) nói:
“Không có vị Phật nào và không có chúng sanh nào
Ở ngoài viên ngọc tâm”.
……
Kinh Quán Vô lượng thọ Phật nói:
“Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh. Thế nên, khi tâm các ngươi tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi tướng phụ của Phật. Tâm tưởng niệm Phật, tâm quán tưởng Phật thì tâm ấy chính là Phật”.
Với người tin, thực hành thiền định và thiền quán cùng các hạnh để thấy được và sống được tâm này thì toàn thể vũ trụ đều nằm trong tâm này. Như bóng nào cũng nằm trong gương. Như sóng nào cũng ở trong đại dương. Sự vật nào, phàm thánh nào cũng đều ở trong Nhất Tâm này và chính là Nhất Tâm này.
Và chúng ta thử đọc truyện ngụ ngôn sau đây, sẽ nói lên ý nghĩa Duy Tâm Sở Hiện.
CON QUỶ HAY BỒ TÁT (trích trong Truyện cổ tích trong suốt của Zangthalpa, vị tu sỹ kiếm tiền và du lịch)
…
Tôi xin kể lại một câu truyện từ kho tàng cổ tích thế giới, mà tôi đã nghe được trên đường đi du lịch. Câu truyện có tên là: CON QUỶ HAY BỒ TÁT.
Ngày xửa ngày xưa, trên một vùng thảo nguyên xa xôi nọ, có một cô gái tên là Jaya. Được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, ba mẹ hết lòng yêu thương, cô sống mà không phải suy tư gì. Nhưng kể từ khi cha mẹ qua đời, Jaya phải sống một mình với người dì họ tên là Sagara. Chồng của dì cũng mất sớm, dì có 2 người con và chỉ coi cô như con ở. Càng ngày dì càng trở nên cáu gắt và bất công đối với cô. Jaya phải làm việc nhà quần quật từ sáng đến tối nhưng chẳng bao giờ làm dì hài lòng.
Vào một buổi sáng nọ, Jaya thức dậy từ năm giờ sáng để nấu cám cho lợn ăn. Nồi cám chưa kịp sôi, dì cô đã gắt lên: “Sao giờ này còn chưa đi chẻ củi?”. Jaya chạy vội ra sân, ôm đống củi đi chẻ thì một lúc lại nghe tiếng cằn nhằn: “Sao cái sàn nhà bẩn thế, giờ này mà mày còn chưa quét nhà?”. Xếp nhanh những thanh củi vừa được chẻ, cô chạy vào vớ lấy cái chổi và quét nhà. Vừa quét được vài nhát, Jaya lại nghe tiếng dì la ló ở dưới bếp: “Cái nồi này bẩn quá, bao giờ mày mới học được cách lau sạch đây?”.
Cô liền chạy xuống bếp: “Con xin lỗi, tối qua con vội đi vắt sữa bò nên rửa có phần không sạch. Dì để đấy, tí nữa con rửa lại”. Bà dì hét lớn: “Không xin lỗi gì hết, đồ lười biếng!”
Nước mắt lăn xuống từ đôi mắt nâu buồn của Jaya. Cô để chổi sang một bên, xắn đôi tay áo nhàu nát màu đất của mình lên ngang khuỷu rồi bắt đầu lấy giẻ lau chiếc nồi. Tay của cô run lên cùng với tiếng nức nở làm nước lại bắn xuống sàn nhà. Dì của Jaya với khuôn mặt đỏ giận dữ và đôi mắt trợn trừng, xông tới mắng: “Mày bôi bẩn còn nhiều hơn làm sạch, đồ ẩu đoảng vô tích sự! Nuôi mày chỉ tốn cơm, lớn tí nữa tao sẽ bán mày đi làm vợ lẽ người ta cho rảnh nợ…”
Jaya đáng thương cất vội cái nồi, cúi xuống lau sàn nhà rồi ôm khuôn mặt đầy nước mắt chạy thẳng ra ngoài cánh đồng. Quá đau khổ, cô đứng khóc nức nở dưới gốc cây. Đây không phải lần đầu tiên dì bất công với cô như thế. Cô cố nhắc lại với mình lời của vị sư già cô thường kính trọng: “Hãy nhìn mỗi người con gặp như một vị Bồ tát”. Nhưng khác với mọi lần, nó không làm cô vơi nhẹ một chút buồn nào. Hình ảnh của người dì với khuôn mặt đỏ dữ tợn, đôi mắt long sòng sọc và tiếng quát tháo không tài nào ra khỏi tâm trí của cô. Tuyệt vọng, cô chỉ muốn tìm một góc nào thật kín, thật tối để được nằm khóc cho đến cạn kiệt nước mắt và có lẽ không cần phải dậy nữa!
Cô lầm lũi bước đi về phía ngọn núi phía sau nhà, nơi có một cái động to và sâu thẳm. Chiếc động này cô đã đi qua nhiều lần nhưng chưa bao giờ dám chui vào. Khi Jaya đến trước cửa động, cô trèo lên những tảng đá, tò mò nhìn vào phía trong. Một miệng hang sâu hun hút hiện ra với những tiếng gió rít lên ghê rợn. Mím chặt môi, cô bước vào cửa động.
“Thật là tối, đúng là chỗ mình cần!”, cô tự thì thầm với chính mình. Dần dần chỉ còn một chút ánh sáng từ bên ngoài có thể lọt vào. Mỗi bước chân của cô vang lên rồi lọt thỏm vào chiều sâu hun hút. Jaya bỗng trượt ngã xuống mặt hang lạnh ngắt. Khi cô ngẩng mặt lên, cô cảm thấy như đông cứng lại vì những gì mình nhìn thấy…
Trước mắt của cô là một gương mặt đỏ rực với hai mắt long sòng sọc giống như một nữ quỷ hung dữ. Jaya bò lùi về phía sau một tảng đá, thân thể cô run rẩy. Một âm thanh ồm ồm vang lên từ phía đối diện:
– Vẻ ngoài này tạm bợ – Con yêu ơi đừng sợ!
Jaya vẫn không yên tâm hơn, cô lùi sâu hơn vào phía sau tảng đá và rút con dao mang sẵn trong người. Âm thanh lại vang lên:
– Đừng trốn và đừng chạy – Không như con thấy vậy!
– Có phải ngươi đang nói chuyện với ta không? Jaya thốt lên từ phía sau tảng đá.
– Mở trái tim con ra – Cho nỗi sợ lùi xa!
Không nghi ngờ gì nữa, nữ quỷ đang nói chuyện với Jaya.
– Bà muốn gì ở tôi? Jaya nói như khóc.
– Hãy nhìn sâu vào mắt – Những nhầm lẫn sẽ tắt!
“Nhìn vào mắt nữ quỷ ư? Làm sao mình dám!”, Jaya nghĩ vậy nhưng ngồi dậy, ngẩng đầu lên, nhìn qua tảng đá với đôi mắt he hé. Nữ quỷ đang gần ngay phía trước rồi, “Có lẽ mình nên làm điều đó nếu không nữ quỷ sẽ ăn thịt mình mất!”. Cô mở mắt ra nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt nữ quỷ mà vội quay đầu đi ngay vì vẫn còn sợ hãi.
– Nhìn ta như người bạn – Nỗi sợ con sẽ cạn.
– Tôi sẽ cố gắng, nhưng bà đừng đến gần hơn nhé!
Jaya lấy hết can đảm, quay đầu nhìn lại một lần nữa. Cô nhớ lời của vị sư già: “Hãy nhìn bất cứ ai con gặp như một vị Bồ Tát”. Đầu tiên cô nhìn thấy một nữ quỷ hung tợn, sau đó cô nhìn thấy một đôi mắt long lanh. “Đây có thể là một vị Bồ Tát như lời tu sĩ dạy”, cô tự trấn an mình. Nhìn sâu hơn nữa vào đôi mắt ấy, cô bỗng thấy một sự dịu dàng kỳ lạ rồi khuôn mặt của nữ quỷ bỗng trở nên xinh đẹp lạ thường. Ngay thời điểm ấy, nữ quỷ bỗng tan thành một làn khói. Và, ngay ở chỗ đó, một người phụ nữ xinh đẹp và hiền từ đang đứng giữa một quầng sáng rực rỡ! Quá bất ngờ, Jaya lắp bắp:
– Bà…. Bà là ai?
– Bồ tát chính là ta – Cuối cùng con nhận ra.
Jaya thở phào nhẹ nhõm, trong cô dâng lên một sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ:
– Con đã từng nghe về các nữ Bồ tát, họ có những phép thuật rất kỳ diệu, chắc hẳn bà cũng có chứ?
– Kỳ diệu hơn mọi điều – Trái tim biết thương yêu.
Câu trả lời quả là khó hiểu. Nhưng Jaya vẫn chưa hết bỡ ngỡ, cô nhìn quanh và hỏi:
– Thế còn con quỷ dữ lúc nãy đâu rồi?
Một nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt nữ Bồ tát:
– Ta là như thế nào – Do cách con nhìn vào.
– Có nghĩa là bà cũng là con quỷ dữ lúc nãy ư?
Nữ Bồ tát mỉm cười gật đầu và nói thêm:
– Điều bây giờ con cần – Là nuôi những hạt mầm.
Jaya tròn mắt:
– Hạt mầm gì cơ ạ?
Nữ Bồ tát cho tay vào trong tảng đá cứng, thật kỳ lạ, tảng đá bỗng như trong suốt mà không hề ngăn cản tay bà. Bà lấy ra một cuộn giấy và đặt vào tay của Jaya:
– Vượt qua mọi sợ hãi – Tình yêu sẽ còn mãi!
Vừa nói xong, nữ Bồ tát tan dần vào ánh sáng và biến mất.
– Từ từ đã, con vẫn chưa hiểu gì cả!
Jaya nói vọng theo, nhưng cô đã không còn thấy thêm gì nữa.
Tuy không hiểu nhiều nhưng Jaya vẫn cảm thấy trong lòng ấm áp, cô rời khỏi hang. Trời đã gần tối, mặt trăng đã lấp ló trên đỉnh núi. Nhìn xuống bàn tay, Jaya thấy cuộn giấy mở đầu bằng 4 chữ “Con đường Trong suốt”. Từ những gì nữ Bồ tát nói, cô hiểu đây là những hạt mầm mình cần phải vun trồng. Tậm trạng vui vẻ, Jaya cất bước về nhà…
Vừa mở cửa, cô đã nghe thấy tiếng hét của dì Sagara:
– Sao giờ này mày mới về? Đáng ra giờ này mày phải nấu xong cơm rồi! Lại đây, mày sẽ biết tay tao.
Nỗi sợ bị dì đánh mắng lại nổi lên trong lòng. Cô lùi vào phía sau cánh cửa, hai tay nắm chặt, chuẩn bị đón cơn thịnh nộ sắp đổ lên đầu. Cô định chạy ra cánh đồng và khóc như mọi khi…
“Vẻ ngoài này tạm bợ – Con yêu ơi đừng sợ!”
Âm thanh lúc nãy trong động bỗng tự nhiên vang lên trong đầu cô. Jaya dừng lại, nỗi sợ của cô dường như yếu đi…
“Đừng trốn và đừng chạy – Không như con thấy vậy!”
Trí nhớ rõ mồn một về những gì đã diễn ra trong động sâu lại hiện ra. Jaya suy nghĩ về câu nói đó, tự nhủ rằng, có lẽ hoàn cảnh chưa đến mức đáng sợ như mình tưởng.
“Mở trái tim con ra – Cho nỗi sợ lùi xa”.
Jaya nhìn về khuôn mặt đỏ lựng của dì, cô cố gắng suy nghĩ cho dì mình. Phải chăng dì cũng có những nỗi khổ riêng nên mới suốt ngày cáu gắt như vậy? Thay vì sợ hãi, cô mở rộng trái tim, một niềm thương cảm nhen nhóm…
“Hãy nhìn sâu vào mắt- Những nhầm lẫn sẽ tắt”.
Cô nhìn sâu vào mắt dì… Đầu tiên cô thấy một ánh mắt giận dữ, nhưng ẩn dưới đó là bao đau khổ khôn nguôi vì phải hứng chịu cái chết của chồng cùng với những năm tháng nhọc nhằn một mình nuôi 2 đứa con ruột lẫn đứa cháu họ. Rồi cô thấy một ánh mắt cũng đang khao khát yêu thương và thông cảm.
Cô bỗng thấy biết ơn và yêu thương dì hơn bao giờ hết! Dù sao nếu không có dì, cô cũng đã phải sống cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó. Nếu không có dì, cô sẽ không chạy vào động và không gặp được nữ Bồ tát. Nếu không có dì, cô đã không có quyết tâm thực hành những điều nữ Bồ tát dạy.
“Nhìn ta như người bạn – Nỗi sợ con sẽ cạn”
Người dì suốt ngày chỉ đem đến khổ đau và tai họa dường như biến mất. Trước mặt cô là một bà mẹ tần tảo, thân thương, đã chịu nhiều đau khổ mà không có ai chia sẻ cùng. Không còn một chút sợ hãi nào, cô tiến đến gần hơn, ôm chầm lấy dì.
“Bồ Tát chính là ta – Cuối cùng con nhận ra”
Jaya nghẹn ngào xúc động… Nhờ có lời dạy này, cô nhận ra rằng dì mình không khác nào một vị Bồ tát đã ở bên cô từ lâu. Tất cả những điều dì đã làm với cô từ yêu thương, chăm sóc đến giận dữ, đánh đập đều có một ý nghĩa nào đó mà đến giờ cô mới bắt đầu hiểu được. Cô thơm lên má dì. Lần đầu tiên, cô thấy khuôn mặt dì khi dịu xuống cũng thật là đẹp!
“Vượt qua mọi sợ hãi – Tình yêu sẽ còn mãi”.
Ở đâu không còn sợ hãi, ở đó sẽ có tình yêu. Tình yêu đã có sẵn ở đó nhưng tạm bị nỗi sợ hãi che mờ. Có lẽ đó là bài học đầu tiên, “Bồ tát dì” đã đến và dạy cho cô.
“Ta là như thế nào – do cách con nhìn vào”.
Đó là bài học thứ 2.
Bà Dì của Jaya có phải là một nữ Bồ tát hay không hoàn toàn do cách cô nhìn.
Cái ôm và nụ hôn của Jaya làm dì cô khựng lại, trái tim của bà như được đánh thức, người của bà chùng xuống, không nói nên lời. Tuy cơn giận chưa tan hẳn nhưng bà bỗng thấy lòng nhẹ đi, bà không muốn trách mắng nữa mà chỉ đẩy cô ra rồi bỏ đi.
“Kỳ diệu hơn mọi điều – Trái tim biết thương yêu”.
Lúc này, tất cả những điều nữ Bồ tát nói trở nên vô cùng ý nghĩa đối với Jaya. Cô học được rằng, thật tuyệt vời khi biết cách yêu thương ngay khi người khác đang làm mình đau khổ. Cô không muốn nhìn dì như một người gây chuyện nữa, cô sẽ nhìn dì mình như một vị Bồ tát.
“Điều bây giờ con cần – là nuôi những hạt mầm”.
Cô sẽ học cách gieo những hạt mầm của tình thương và trí tuệ, cho dù người kia đối xử với cô như thế nào. Cô muốn làm theo những gì ghi trong cuộn giấy. Còn gì tuyệt vời hơn nếu có thể trở thành một vị Bồ tát để giúp đỡ mình và mọi người một cách sâu sắc! Cô tự hứa với lòng phải quyết tâm thực hiện những gì ghi trong cuộn giấy mà nữ Bồ tát đã trao.
Ngày qua ngày, Jaya đối xử với dì mình như đối xử với một nữ Bồ tát. Mỗi khi bị dì nóng giận và quở trách, cô liền coi đó là một cơ hội để áp dụng Pháp. Dù bị dì đối xử bất công, cô cũng không giữ một chút oán trách nào trong tâm. Mỗi lần bị làm tổn thương, nhờ có Pháp, cô đều cố gắng đáp lại bằng ánh mắt và nụ cười yêu thương. Cô thực hành chăm chỉ những gì ghi trong cuộn giấy. Đối với cô, Dì thực sự đã trở thành một vị Bồ tát giúp cô tiến nhanh hơn trên con đường đã chọn.
Rồi ngày nọ, vào một đêm trăng sáng, Jaya đang ngủ trên tấm nệm của mình. Dì đã đến ngồi bên, vuốt nhẹ mái tóc mềm mại của cô, thì thầm:
– Con yêu, hãy chỉ cho ta cách để trở nên yêu thương và trí tuệ, giống như con!
…
Khi Zangthalpa kể xong câu chuyện, ngay cả những người nghi ngờ về ông nhất cũng không còn để ý chuyện tại sao ông lại ngồi đó giữa đám cầu vồng nữa. Họ đang mải nghĩ xem nên nhìn người khác là Bồ tát như thế nào và nên bắt đầu từ ai trong số họ quen!
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…