LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Hé mở bí quyết bách chiến bách thắng của quân đội Thành Cát Tư Hãn

Hé mở bí quyết bách chiến bách thắng của quân đội Thành Cát Tư Hãn.

Thành Cát Tư Hãn làm thế nào để xưng bá lãnh thổ Á- Âu? Bí mật nằm ở cách huấn luyện quân đội

Theo như tư liệu ghi chép lại: vào thời của Thành Cát Tư Hãn, quân đội kiểm soát nghiêm ngặt phần lớn tính mạng và cuộc sống của người dân Mông Cổ. Tất cả các bé trai tròn 14 tuổi đều phải gánh vác được chức vụ trong quân đội, chỉ ngoại trừ bác sĩ, ‘ngỗ tác’ – người khám nghiệm tử thi, và tăng sĩ…

Nhà quân sự kiệt xuất Thành Cát Tư Hãn từng xây dựng đế quốc Mông Cổ trên khắp địa lục Á – Âu, trong cuộc đời chinh chiến đầy màu sắc huyền thoại của mình, Thành Cát Tư Hãn đã tạo ra một đội quân thiết chiến bất khả chiến bại.

Đội quân Mông Cổ năm xưa tại sao được gọi là hình mẫu tiên phong để cho quân đội hiện đại sau này tham chiếu chiến thuật, hình thành nên tổ hợp từ pháo và xe tăng? Tác chiến nơi tiền tuyến mấy trăm cây số, các đội quân Mông Cổ độc lập riêng biệt làm sao có thể phối hợp xuất sắc đến như thế? Tại sao trong trang bị của mỗi một binh lính Mông Cổ đều phải có một cái áo lót lụa?

Trong cuốn sách “Cơn Bão Phương Đông: Từ Thành Cát Tư Hãn đến Hốt Tất Liệt, khuấy động lãnh thổ Á – Âu” có giới thiệu chi tiết về phương pháp đặc biệt của Thành Cát Tư Hãn trong việc xây dựng và quản lý quân đội như sau:

Theo như tư liệu ghi chép lại: vào thời của Thành Cát Tư Hãn, quân đội kiểm soát nghiêm ngặt phần lớn tính mạng và cuộc sống của người dân Mông Cổ. Tất cả các bé trai tròn 14 tuổi đều phải gánh vác được chức vụ trong quân đội, chỉ ngoại trừ bác sĩ, ‘ngỗ tác’ (người khám nghiệm tử thi) và tăng sĩ.

Sau khi được kêu gọi nhập ngũ, những binh lính trẻ tuổi rời khỏi gia tộc của mình, mang theo bốn năm con ngựa để thay dọc đường, đi đến đơn vị quân sự được xây dựng bất cứ lúc nào. Vợ và con cái đều đi theo quân đội, khi quân đội di dời, người nhà cũng mang theo gia súc để di dời cùng.

Lều của bác sĩ và địa điểm phân phối vũ khí đều được thiết lập riêng biệt bên ngoài khu vực bình thường, như vậy một khi có người mới cưỡi ngựa đến Oát Nhĩ Đóa (tức doanh trại quân đội) để gia nhập vào đội quân, họ sẽ ngay lập tức tìm được bác sĩ và nhận vũ khí được phân bổ. Sau đó lính mới sẽ gia nhập vào trong đơn vị quân sự của họ. Những đơn vị quân sự này được chia thành Yêm ban: tức là một đội mười người cơ bản nhất; Trát hồn: gồm 10 Yêm ban hoặc đội quân 100 người; Minh an: 10 Trát hồn hoặc đội quân một ngàn người; Thổ man: 10 Minh an hoặc đội quân mười ngàn người.

Oát Nhĩ Đóa sẽ do quan quân nhu hay còn gọi là vũ nhi dịch quản lý, họ phụ trách cung cấp và quyết định địa điểm di trú.

Binh lính cần phải đảm bảo trang bị của mình luôn hoạt động tốt, và tiếp nhận kiểm tra định kỳ của tướng lĩnh. Nếu như không giữ gìn tốt trang bị của mình, thông thường sẽ bị khai trừ khỏi quân đội, bị đưa trở về nhà. Trong trạng bị của mỗi một binh lính đầu tiên là có một chiếc áo lót bằng lụa, đây là một thứ rất thú vị được du nhập từ Trung Nguyên. Nếu như binh lính không may bị mũi tên bắn vào người, tuy là mũi tên đó có thể bắn xuyên qua áo giáp, nhưng không thể bắn thủng áo lót lụa. Miếng vải lụa sẽ theo đầu mũi tên cắm vào trong vết thương. Thông thường mà nói, muốn nhổ một mũi tên ra khỏi cơ thể, sẽ gây ra vết thương lớn hơn là bị một mũi tên bắn vào người, nhưng nếu như là một mũi tên bị vướng vải lụa bắn vào cơ thể, vậy thì việc nhổ mũi tên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bản thân người lính hoặc bác sĩ chỉ cần  kéo nhẹ miếng vải xung quanh vết thương là có thể lấy được đầu mũi tên ra khỏi người, mà không gây ra vết rách lớn hơn.

Bên ngoài áo lót lụa thông thường là một cái áo ngoài buộc lưng, nếu như là một trọng kỵ binh, còn có thêm một áo giáp và một áo yếm làm bằng da, bên ngoài miếng da có các miếng sắt hình vảy cá. Mỗi một binh lính đều có một cái khiên gỗ liễu, và một chiếc mũ giáp, có thể là mũ giáp da hoặc mũ giáp sắt, tùy theo cấp bậc của binh lính. Còn có hai cây cung phức hợp và một túi mũi tên không dưới 60 mũi. Khinh kỵ binh có một cây đoản kiếm và hai ba cây giáo, trọng kỵ binh thì sử dụng dao lưỡi cong, rìu chiến, chùy và một cây giáo dài khoảng 4 mét. Trang bị của binh lính còn bao gồm vật dụng lữ hành. Đương nhiên họ đều trang bị dụng cụ cho ngựa, dụng cụ nấu ăn, thịt khô, bình nước, dao dùng để mài mũi tên, kim chỉ và những vật dụng hữu ích khác. Túi yên ngựa thông thường là một cái dạ dày của bò, nó có thể chống nước, độ đàn hồi cũng rất tốt, ngoài ra khi lội qua sông còn có thể dùng nó để làm vật nổi.

Chân dung của Thành Cát Tư Hãn. Tranh vẽ trên lụa, trích album về dòng dõi Nhà Nguyên, lưu trữ tại Bảo tàng Cố cung Quốc lập tại Đài Loan.

Thành Cát Tư Hãn lập ra một chế độ vô cùng quan trọng, chính là biến hoạt động săn bắn mà người dân du mục yêu thích nhất thành các buổi huấn luyện quân sự. Bất luận con mồi săn được là sói, lợn rừng hay là nai, việc săn bắn đều biến thành một loại huấn luyện, trong quá trình huấn luyện sẽ tạo được niềm tin hợp tác hỗ trợ nhau cho các chiến sĩ. Loại huấn luyện bằng săn bắn này thông thường được tiến hành vào mùa đông, kéo dài trong ba tháng, tất cả binh lính đều phải tham gia. Căn cứ vào quy mô của đơn vị quân sự để sử dụng các loại chiến thuật khác nhau.

Một đội quân nhỏ có thể sẽ được ra lệnh giãn ra ở các điểm theo hình vòng cung. Con mồi sẽ bị một loạt những cuộc tấn công được lên kế hoạch tỉ mỉ dồn vào một nơi có lợi cho việc săn bắt nhất. Đôi lúc con mồi sẽ bị săn đuổi chạy theo một vài kỵ thủ, kỵ binh, khiến những con mồi ở phía sau bị rơi vào bẫy. Ngụy trang và đánh lừa là chiến thuật thường gặp ở người Mông Cổ, hơn nữa còn thành công hết lần này đến lần khác. Một khi con mồi chạy đến địa điểm được xác định từ trước, những kỵ binh mai phục sẵn ở xung quanh nơi đó sẽ lập tức chạy lên bao vây và bắt giết.

Còn có một thế trận thường được sử dụng là cho các binh lính của một đơn vị quân đội xếp thành hàng ngang – tại điểm xuất phát xếp thành hàng ngang như một con rắn dài, đôi lúc dài khoảng 130km. Khi có tín hiệu, đội quân với đầy đủ vũ trang  giống như đang ở trong chiến trường, lập tức xông thẳng đến đích. Kiểu huấn luyện này cực kỳ có ích cho những trận đánh ở trên đồi núi, Đại Hãn và tùy tùng của ông có thể nhìn thấy toàn bộ quá trình tấn công. Tiếp theo binh đoàn được trang bị đầy đủ vũ trang không ngừng tiến về phía trước, quét sạch và đuổi theo tất cả những con mồi mà họ nhìn thấy trên đường đi.

Các loại hình hoạt động tương tự cho đến ngày nay vẫn được cử hành trong lễ hội Naadam của người Mông Cổ. Naadam là một kiểu so tài trên lưng ngựa hiện đại, biểu diễn những kỹ năng truyền thống của Mông Cổ như bắn tên, đấu vật trên lưng ngựa và cưỡi ngựa. Lộ trình đua ngựa dài khoảng 30km hoặc hơn, số người tham gia thông thường lên đến 500 người, lúc đầu họ đều cưỡi rất bình thường, không nhanh không chậm, sau đó mới từ từ tăng tốc, cuối cùng khi sắp đến đích thì mới phi nước đại.

Trong săn bắn, thế trận rắn xếp hình ngang khi sắp chạy đến đích, hai bên cánh sẽ tăng tốc, vượt qua những kỵ binh ở chính giữa, toàn bộ thế trận biến thành một hình vòng cung cực lớn. Sau đó hai bên cánh sẽ bắt đầu chạy về phía đối phương, bao vây những con mồi đã bỏ chạy kiệt sức. Trong quá trình tiến lên từ điểm xuất phát đến đích, không được phép giết bất cứ con mồi nào, nhưng nếu như để con mồi thoát khỏi vòng vây thì càng xấu hổ hơn. Trong toàn bộ quá trình săn bắn tướng lĩnh sẽ đi ở phía sau binh lính để phát hiệu lệnh cho họ, chỉ huy toàn bộ hành động.

Người Mông Cổ cũng phát triển một hệ thống thông tin cực kỳ đáng tin cậy, thông qua cờ, ngọn đuốc hoặc kỵ binh tín sứ để truyền tín hiệu ở khoảng cách xa. Những cách làm này giúp họ đạt được hiệu quả tốt nhất trong lĩnh vực truyền tin: Đạt được hiệu quả thông tin cao mà lại đáng tin cậy. Thông qua hệ thống thông tin siêu việt này, giúp cho tất cả các đơn vị quân sự của Mông Cổ duy trì được sự liên hệ không gián đoạn, nhận được lệnh lập tức hành động, ngay ngắn chỉnh tề.

Một tiết mục biểu diễn cuối cùng trên sân khấu săn bắn được chuẩn bị kỹ lưỡng này chính là các binh lính sẽ biểu diễn kỹ thuật chiến đấu của mỗi người. Sau khi hai bên cánh hợp lại hình thành một vòng vây lớn, Đại Hãn sẽ từ vị trí của mình đi vào trong vòng vây, lựa chọn một con mồi cho mình. Đây thực sự là một chuyện mang tính thách thức rất cao, bởi vì Đại Hãn sẽ trình diễn khả năng chiến đấu của mình ở trước mặt mọi người. Khi Đại Hãn bắt được con mồi của mình và quay trở về trên núi, lúc đó mới đến lượt các binh lính. Mỗi người đều có cơ hội biểu diễn kỹ năng sử dụng kiếm, cung tên hoặc giáo dài trước mặt tướng lĩnh của mình. Cuối cùng, những người già và trẻ em sẽ cầu xin Đại Hãn phóng sinh những con dã thú vẫn còn sống, sau khi được phê chuẩn thì cuộc săn bắn sẽ chính thức kết thúc.

Thông qua kiểu huấn luyện này, người Mông Cổ phát triển thành một loại chế độ diễn tập quân sự, giúp cho họ mãi mãi duy trì được một đội quân chuyên nghiệp tràn đầy sức chiến đấu, điều này rất hiếm thấy trong thế kỷ 13. Ngoài kỹ năng cưỡi ngựa, bắn tên và dùng kiếm ra, mỗi một chiến sĩ Mông Cổ đều phải học cách tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật quân đội, phối hợp với nhau và phục tùng mệnh lệnh. Tuy rằng chiến thuật của người Mông Cổ so với chiến thuật của những bộ lạc du mục khác không có sự khác biệt về bản chất. Nhưng mưu lược của họ đầy đủ hơn và tính sáng tạo cũng táo bạo hơn. Đuổi bắt con mồi chính là đuổi bắt kẻ địch, chỉ trong chốc lát là các tướng lĩnh đã có thể đưa ra mưu lược khiến kẻ địch trở tay không kịp. Dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ đã tạo ra một quân đội hiện đại tuyệt thế vô song.

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111