Hang đá Đôn Hoàng: Nơi chứng minh Thần Phật là hoàn toàn có thật
Hang đá Đôn Hoàng: Nơi chứng minh Thần Phật là hoàn toàn có thật.
Nói đến văn hóa Thần truyền của Trung Quốc, mọi người luôn nghĩ đến các truyền thuyết thần thoại thượng cổ như Nữ Oa vá trời, Phục Hy diễn Bát quái, Thương Hiệt tạo chữ, Hoàng Đế làm nhạc. Thực ra, trong suốt năm ngàn năm qua, Thiên thượng không ngừng tạo ra những khai thị cho cõi người, để lại di tích của Thần Phật trên mảnh đất Thần Châu. Trong đó, Hang Mạc Cao tại Đôn Hoàng được xây dựng từ thời Đông Tấn là một minh chứng chói lọi nhất.
Tên Hán Việt của Hang Mạc Cao là Mạc Cao Quật, từ “Mạc Cao” có nghĩa là nơi cao giữa sa mạc. “Quật” là nơi khổ tu của các tu sĩ sau khi cách ly đời sống thế tục. Sự hình thành của hang Mạc Cao bắt nguồn từ lòng thành khẩn tu hành của các đệ tử đức Phật và lòng tín ngưỡng của họ dành cho đức Phật. Theo như ghi chép thời nhà Đường, có một vị Sa môn tên là Lạc Tôn, quyết tâm đoạn lìa những tình cảm thế tục, một lòng hướng Phật, vân du khắp núi non hoang dã. Khi ông đi đến đoạn giữa núi Tam Nguy và núi Minh Sa, ngước mặt lên thì nhìn thấy ở phía đối diện có ánh sáng màu vàng kim xuất hiện, ở giữa có một ngàn vị Phật đứng trang nghiêm. Thế là ông ngộ ra nơi này chắc chắn là nơi thánh địa cho đệ tử Phật tu hành và lễ Phật, liền đào ở vách đá một cái hang đá đầu tiên trong lịch sử hang đá Đôn Hoàng. Năm đó là năm 366 Công Nguyên.
Năm 366 Công Nguyên đúng là thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc của Trung Quốc. Sau loạn Vĩnh Gia (Người Hồ lên thống trị chiếm giữ Lạc Dương, cuộc thảm sát diễn ra), chính quyền ở Trung Nguyên thay đổi liên tục, bá tánh ly tán mất hết nhà cửa, khắp nơi đều là cảnh tượng thảm khốc. Các đại gia tộc của nhà Tấn đều di cư xuống miền nam, còn vua và thần dân người Hồ thì đến miền Bắc sống, ra sức thúc đẩy tư tưởng Phật giáo. Các dịch giả Phật học đứng đầu là Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) đem nghĩa lý của Kinh Phật dịch ra Hán văn, lưu truyền rộng rãi. Dân tộc Hán với truyền thống kính thiên tín Thần, từ đó đã tìm được tịnh độ của tâm linh trong đời sống hiện thực đầy bi thương. Các quân vương và các tướng sĩ giết người vô số mong muốn tìm kiếm sự chuộc tội, cũng tìm thấy được một nơi an thân trong quan niệm Phật giáo. Từ đó Phật giáo ở Trung Quốc trở nên hưng thịnh, trở thành hệ thống tín ngưỡng quan trọng không thua kém Nho giáo và Đạo giáo.
Đôn Hoàng nằm ở cuối phía tây hành lang Hà Tây, là điểm xuất phát từ con đường tơ lụa đi sang Tây Vực (các quốc gia nằm ở phía tây Trung Quốc), vô số những người tín Phật, bao gồm những thương nhân đến từ Ấn Độ, Trung Á và những người Hán di cư khỏi trung nguyên để lánh nạn, đều đến đào thêm rất nhiều hang đá xung quanh hang đá mà tu sĩ Lạc Tôn đã đào, để chứng minh lòng thành tâm kính Phật của mình, và cảm tạ sự che chở của Phật. Càng ngày càng nhiều hang đá xuất hiện trên vách núi Minh Sa, công việc xây dựng đào hang trải qua các thời kỳ thập lục quốc, Bắc triều, nhà Tùy, nhà Đường, Ngũ Đại, Tây Hạ, nhà Nguyên, đến nay có tổng cộng 735 hang động, 45.000 mét vuông bích họa, có 2.415 pho tượng điêu khắc bằng đất sét màu, mới đây mọi người lại phát hiện thêm một tàng kinh động (hang động cất giấu Kinh sách), bên trong có hơn 50.000 văn vật cổ đại, trong đó bao gồm những cuốn Kinh và sách về Phật giáo và Đạo giáo. Hiện nay Đôn Hoàng đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, và là kho báu nghệ thuật của văn hóa Phật giáo. Mọi người gọi Đôn Hoàng là hang động ngàn Phật, ứng với cảnh tượng mà tu sĩ Lạc Tôn đã nhìn thấy lúc mới bắt đầu đào hang.
Đi vào bên trong hang đá Đôn Hoàng, mọi người có thể nhìn thấy bức tường chính diện được đục thành bàn thờ Phật, những tượng Phật và Bồ Tát điêu khắc bằng đất sét màu rất nghiêm trang, tâm thái yên bình, tĩnh lặng, từ bi. Lúc đầu khi mới đục hang đá, ở hai bức tường bên cạnh có thiết kế các hỏm đá nhỏ, để các tu sĩ ngồi vào trong đó tu thiền, còn tượng Phật ở bức tường chính diện dùng để lễ bái, quán tưởng. Quán tưởng là một phương pháp tu luyện của Phật giáo, khi nội tâm đạt đến cảnh giới vô cùng trong sáng, tập trung và thành khẩn, tu sĩ có thể thông qua hình tướng Phật để nhìn thấy sự hiển hiện của Phật.
Tượng tu sĩ ngồi thiền trong hang 285 của Hang Mạc Cao
(Bên trong gian phòng chính của hang 285 của Hang Mạc Cao)
Từ những hình ảnh bích họa trong hang đá, mọi người có thể nhìn thấy nghĩa lý và các câu chuyện Phật giáo thông qua hình thức liên hoàn họa (kể chuyện bằng tranh ảnh) vô cùng dễ hiểu hiện ra ngay trước mặt, truyền đạt lại lời dạy của Phật với những người thế tục, cho dù là những chúng sinh không biết chữ cũng có thể tiếp nhận được giáo lý của Phật pháp. Những bích họa này bao gồm các câu chuyện tiền kiếp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, câu chuyện tu hành của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kiếp thành Phật và vẽ những nội dung trong Kinh Phật (dựa theo hình ảnh được miêu tả trong Kinh). Trong đó có rất nhiều câu chuyện như: Hiến thân cho đàn hổ đói, cắt thịt nuôi chim ưng, cửu sắc lộc, năm trăm tên cướp thành Phật đều được lưu truyền rộng rãi.
Những câu chuyện này hàm chứa quan niệm từ bi với chúng sinh, bỏ ác theo thiện, xả thân vì người khác, cho dù là những người thế tục chưa từng quyết tâm tu hành cũng đồng tình với những đạo lý này, từ đó tăng trưởng tâm hướng thiện. Hình ảnh và nội dung của một số bích họa khác thì lại miêu tả vẻ đẹp của thế giới Cực Lạc, nơi đó có hồ nước bảy báu, cung điện trang nghiêm, cát vàng trải dưới mặt đất, cung điện lầu cát cao chót vót, ca múa rộn vang, hoa trời rải xung quanh. Các Phật tử nhìn thấy cảnh đẹp trong tranh là lại nhớ đến câu nói được ghi chép trong Kinh Phật: “Thế giới Cực Lạc, không có đao binh, không có nô tỳ, không có dối trá, không có đói khát”. Từ đó trong lòng họ khởi lên sự khao khát vô hạn, và càng thêm kiên định lòng quyết tâm khổ tu.
Từ những tượng đất sét màu và những bích họa trong hang đá, mọi người có thể nhìn ra được, mỗi một chi tiết nhỏ được chạm khắc và diễn tả bằng hình ảnh đều vô cùng tinh tế tuyệt diệu. Vậy có phải những tác phẩm nghệ thuật này đều được sáng tạo từ bàn tay của các nghệ nhân nổi tiếng của thời đó không? Thật ra những tác phẩm nghệ thuật này đều là do những người cúng dường thuộc mọi giai cấp xã hội bỏ tiền ra, thuê thợ điêu khắc về tạo thành. Sau nhà Đường, những người cúng dường cũng được vẽ ở vị trí nổi bật nhất trên các bức bích họa trong hang đá, kích cỡ lớn bằng người thật hoặc thậm chí còn lớn hơn người thật. Tuy nhiên vào thời kỳ Thập lục quốc, hình ảnh của người cúng dường được vẽ rất nhỏ, ngoài đề tên ra thì không có ghi chức danh, địa phương như là sau thời nhà Tùy và Đường, mà thông thường chỉ thêm vào bốn chữ “một lòng cúng dường”.
Theo quan niệm Phật giáo, thì việc cúng dường có ý nghĩa như sau: “Người thành tâm cúng dường Phật sẽ có được phước báo, nếu có thể cúng dường Phật mà không mong báo đáp thì có được công đức”. Phước báo chỉ là những điều tốt lành xảy ra trong cõi người ở kiếp hiện tại, còn công đức sẽ đi theo người tu hành mãi mãi. Từ đó chúng ta có thể suy đoán, trước thời nhà Tùy và Đường thì những người đào hang có niềm tin thành kính với Phật hơn, không mong báo đáp.
Bích họa thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) tức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhìn thấu sinh lão bệnh tử, từ bỏ ngai vàng và vợ con, nửa đêm cưỡi ngựa ra khỏi thành. Vì để tránh tiếng ngựa hý làm người dân tỉnh giấc, các vị Trời hiện ra nâng móng ngựa lên, thái tử Tất Đạt Đa bay lên giữa không trung.
So với người cúng dường, thì những người thợ chế tác tượng Phật, tên của họ đã bị chôn vùi theo dòng nước lũ của lịch sử, chỉ có vài cái hang đá còn sót lại những nét chữ mờ nhạt “ai đó kính tạo”. Họ có xuất thân ra sao? Họ đến từ đâu? Đến nay vẫn không ai biết, chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng môi trường làm việc và điều kiện cuộc sống của họ vô cùng gian khổ, nhưng họ dùng bút và con dao trổ trong tay mình làm việc chăm chỉ để miêu tả những hình ảnh sống động và chân thực, một ngàn năm về sau vẫn còn được người được thờ cúng chiêm bái. Người lễ bái nhìn khóe miệng mỉm cười và đôi mắt mở he hé, cơ bắp săn chắc, các đường gân mạnh mẽ của Bồ Tát, bàng hoàng nghĩ rằng giây phút tiếp theo là có thể nghe thấy được lời chỉ dạy từ bi của Quán Thế Âm Bồ Tát, nhìn thấy ma quỷ loạn pháp biến mất dưới những pháp khí hàng ma. Những pho tượng sống động như thật này khiến mọi người tin rằng những người thợ vẽ và thợ điêu khắc vượt qua mọi gian khó chỉ một lòng sáng tác, không cầu mong lưu lại tên tuổi này thực sự là con của Phật, họ đã tận mắt nhìn thấy hiện thân của Phật.
Hang đá Đôn Hoàng là kho báu nghệ thuật văn hóa Trung Quốc nổi tiếng thế giới. Ngày nay khi niềm tin tín ngưỡng dần bị phai nhạt đi, con người vẫn luôn khen ngợi thành tựu nghệ thuật này. Từ phong cách đơn giản sang trọng trong thời kỳ Thập lục quốc đến dung mạo thanh tao của thời kỳ Bắc triều, rồi đến phong cách tròn trịa đầy đặn của nhà Tùy và Đường, những tác phẩm nghệ thuật này ghi lại phương pháp nghệ thuật và thẩm mỹ của mỗi triều đại. Đối với việc nghiên cứu các phương diện văn hóa của nhiều triều đại như kiến trúc, thời trang, dân tộc v..v… những tác phẩm nghệ thuật này đều có những giá trị đáng quý. Tuy nhiên, giá trị đáng quý nhất của Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng nằm ở chỗ nó bảo tồn được giá trị tinh thần của Phật Pháp và minh chứng rằng Thần Phật thực sự có tồn tại.
Hang đá Đôn Hoàng nằm ở rìa hoang mạc, nơi có rất ít người lui tới, vì vậy mà tránh được chiến tranh của sự thay đổi triều đại, ngày nay trở thành chùa hang đá được bảo tốt nguyên vẹn nhất thế giới. Từ “Đôn Hoàng” được giải thích theo sử sách: “Đôn là mặt đất, Hoàng là thịnh vượng. Do mở rộng ra Tây Vực, nên mới nổi tiếng”. Có lẽ, từ ngày xưa khi Trương Khiên mở ra con đường tơ lụa, liên thông Tây Vực, chính là làm theo kịch bản mà ông trời sắp đặt để mở ra vị trí của hang Mạc Cao trong lịch sử.
Mấy ngàn năm sau, hang đá Đôn Hoàng trên sân khấu của Đoàn nghệ thuật Thần Vận, vẫn đóng vai diễn quan trọng trong việc trao đổi văn hóa Đông – Tây. Tất cả đều là vì nó diễn tả được một đạo lý ngàn năm bất biến: nghệ thuật thực sự của con người được sáng tạo ra để tôn kính thần thánh và nhờ có được sự khai thị và bảo hộ của Thần mà càng trở nên đẹp đẽ.
Theo Epochtimes
Châu Yến biên dịch