BỐN ĐIỂM CỐT YẾU TRONG PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG.Chang Chen Chi (Trương Trừng Cơ) Như Hạnh biên dịch
BỐN ĐIỂM CỐT YẾU TRONG PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG
Chang Chen Chi (Trương Trừng Cơ) Như Hạnh biên dịch
Ở Tây phương có rất nhiều quan niệm sai lầm về Thiền quan hệ đến một số điểm cốt yếu mà bên Đông phương cho là dĩ nhiên, nhưng tâm thức Tây phương không hiểu và tán thưởng nổi.
Trước hết, trong việc nghiên cứu Thiền, không phải chỉ học giáo lý là quan trọng, mà phải biết đôi chút về lối sống của các Thiền gia ở các nước Đông phương.
Áp dụng vào nội tâm, Thiền là một “kinh nghiệm” và một sự “thực hiện”, hoặc một giáo lý đem người ta đến những trạng thái này; nhưng bề ngoài Thiền chính yếu là một truyền thống và một đạo sống.
Vì thế, muốn hiểu Thiền một cách đứng đắn, ta phải học không những chỉ giáo lý, mà cả đạo sống của nó nữa.
Ít ra, một hiểu biết thoáng qua về đời sống tự viện của các Thiền sưhẳn là một hỗ trợ rất giá trị để hiểu Thiền đúng đắn hơn.
Khi đọc những công án Thiền, chúng ta thường bắt gặp sự xác nhận rằng một ông tăng ngộ liền ngay sau khi nghe lời nói nào đó, hay sau khi bị một gậy của Thiền Sư. Chẳng hạn, khi Triệu Châu nghe Nam Tuyền nói “Đạo chẳng thuộc biết chẳng thuộc không biết…,” Sư hoát nhiên đại ngộ; khi Hồng Châu bị Mã Tổ đạp cho một đạp, Sư hoát nhiên đại ngộ; và đại loại như vậy.
Điều này có thể gây cho ta cái ấn tượng rằng “Ngộ” rất dễ đạt đến. Nhưng những công án “nhỏ bé” này, thường là chỉ gồm dưới một trăm chữ, chỉ là một mẫu của toàn thể câu chuyện.
Các Thiền Sư thoạt đầu ghi lại chúng, hiếm bao giờ phác họa bối cảnh của chúng, vì các ngài thường cho là không cần phải đề cập đến bối cảnh quen thuộc của chúng cho những người được nuôi dưỡng trong truyền thống Thiền và biết nó rõ rệt. Các Thiền Sư nghĩ rằng chả ai lại ngu xuẩn đến nỗi nghĩ rằng có thể đạt đến “Ngộ” lập tức chỉ nhờ nghe một câu nói giản dị như là “một cái que cứt khô” (càn thỉ quyết) hoặc nhờ bị một cú đá hay một cái đấm, mà không hề có sẵn từ trước “tình trạng chuẩn bị” của một tâm thức đã chín muồi. Đối với họ hiển nhiên rằng chỉ vì trạng thái tinh thần của một đệ tử đã đạt đến mức chín chắn thì những cái đá hay đấm, những tiếng la hét của một ông Thầy mới có lợi cho hắn được.
Họ biết rằng trạng thái chín chắn của tâm thức này khó lòng mà đạt đến. Trạng thái đó phải đạt được bằng mồ hôi nước mắt, nhờ nhiều năm tu tập và dụng công cần mẫn.
Học nhân phải ghi khắc lấy điều này và nhớ rằng hầu hết các công án Thiền mà họ biết chỉ là những đoạn gây cấn của một vở kịch chứ không phải là toàn thể kịch bản.
Những công án này nói về sự rơi rụng của “những trái táo” chín, chứ không phải là tiểu sử của những trái táo này, mà chuyện đời của chúng là một chuyện dài đầy những vui thú và phiền não, những hoan lạc và khổ đau, những tranh đấu và thử thách chua cay.
Thiền Sư rung cây táo và những trái chín rụng; nhưng trên những cành đong đưa những trái chưa chín vẫn còn lại.
Ta phải luôn luôn nhớ rằng đa số những người học Thiền ở Đông phương là những tu sĩ đã hiến trọn đời mình để tham thiền.
Họ chỉ có một mục đích duy nhất: Giác Ngộ; họ chỉ có một công việc độc nhất trên đời: tu tập Thiền; cuộc sống mà họ sống là cuộc sống giản dị, giới hạnh; và họ chỉ học Thiền bằng một lối duy nhất – bằng cách sống và tu tập với các bậc Thầy trong một thời gian rất lâu.
Trong những hoàn cảnh này bất cứ lúc nào họ cũng thấy Thiền, nghe Thiền, nếm Thiền và thậm chí ngửi Thiền nữa.
Trước khi trở thành những Thiền gia “tốt nghiệp”, họ sống với tư cách “tập sự” cạnh thầy trong rất nhiều năm.
Họ có rộng thì giờ và dịp để hỏi và nhận chỉ thị trực tiếp từ thầy.
Làm thế nào mà ta không học được Thiền khi ta sống cả đời trong những điều kiện lý tưởng như vậy?
Hơn nữa, các học tăng này có thể tùy ý tha hồ đi tham vấn hết Thầy này đến Thầy khác cho đến khi họ tìm ra vị Thầy giúp đỡ được họ nhiều nhất.
Người ta bảo rằng Thiền Sư danh tiếng Triệu Châu mãi đến lúc tám mươi tuổi mà vẫn còn đi hành cước học Thiền! (Triệu Châu bát thập do hành cước). Mặt khác, Quốc Sư đời nhà Đường, ẩn cư trong núi suốt bốn mươi năm, Trường Khánh tham Thiền hai mươi năm, ngồi mòn hết bảy tám tọa cụ! Đó là những thí dụ cụ thể về những sinh hoạt hiện thực của Thiền.
Những Thiền Sư này không phải là những kẻ điên.
Họ biết tất cả những phản đối kịch liệt quan hệ đến cái “bây giờ và ở đây”, cái “bình thường tâm”, và “đốn Ngộ”. Nhưng họ vẫn kiên trì tham Thiền suốt cả đời. Tại sao vậy?
Bởi vì họ biết từ kinh nghiệm trực tiếp rằng Thiền giống như một đại dương mênh mông, một kho tàng bất tận đầy những của cải và bảo vật.
Người ta có thể chiêm ngưỡng kho tàng này, đạt đến nó, ngay cả chiếm lấy nó, mà vẫn không sử dụng hoặc thụ hưởng nó trọn vẹn ngay lập tức.
Thường là phải mất khá lâu người ta mới học được cách sử dụng khôn ngoan một gia sản bao la, ngay dù sau khi đã làm chủ nó trong một thời gian.
Điều này cũng đúng trong việc tham Thiền.
Thiền chỉ bắt đầu vào cái giây phút mà người ta thoạt Ngộ, trước khi đó người ta chỉ đứng ngoài và nhìn Thiền bằng trí thức.
Trong một ý nghĩa sâu hơn, Ngộ chỉ là khởi đầu, chứ không phải kết cuộc của Thiền. Điều này được chứng tỏ rõ ràng trong các pháp ngữ của Thiền Sư Bác Sơn, và luận thuyết về “Ngộ Thiền” liên tiếp trong các chương II và III.
Có một phương diện khác của Thiền chưa được giải thích viên mãn cho Tây phương.
Trong khi nghiên cứu Thiền, người ta nên làm quen với hai chữ Trung Hoa mà các Thiền gia thường sử dụng: Kiến và Hành.
Dùng là động từ, Kiến có nghĩa là “thấy” hay “nhìn”: đúng là danh từ, nó có nghĩa là “cái nhìn”, “kiến thức” hoặc “sự quan sát”. Hành có nghĩa là “thực hành”, “hành động”, hoặc công việc. Chữ này cũng có thể vừa dùng làm động từ vừa dùng làm danh từ. Kiến theo nghĩa rộng ngụ ý sự hiểu biết toàn triệt giáo lý Phật giáo; nhưng trong nhà Thiền chữ đó không những biểu thị sự hiểu biết các nguyên tắc và chân lý Thiền, mà còn ngụ ý cả cái nhìn thức tỉnh phát xuất từ kinh nghiệm “Ngộ”.
Kiến theo nghĩa này, có thể được hiểu là “thấy thực tại” hoặc “một cái nhìn về thực tại”. Nhưng trong khi Kiến có nghĩa là nhìn thấy thực tại, nó không hàm ý “sở hữu”, hay “khắc phục” thực tại.
Một chăm ngôn Thiền nói: “Lý tuy đốn ngộ, Sự phải tiệm tu”.
Nói cách khác, sau khi đã đạt được Ngộ người ta vẫn phải tu luyện để đưa nó đến mức chín muồi, cho đến khi đạt được đại cơ đại dụng.
Sự tu luyện hậu-Ngộ này, cùng với cuộc tìm kiếm và nỗ lực tiền- Ngộ, là cái Thiền gọi là hành, sự “tu tập” hay “công phu”.
Thiền Sư Nguyên Tĩnhnói, “Toàn thể công phu Thiền mà ta có thể thành tựu trong trọn cả một kiếp sống có thể tóm tắt trong mười giai đoạn sau đây, có thể làm tiêu chuẩn để đo lường hay thẩm định mức độ ngộ và thành tựu của mình”.
Mười giai đoạn liên tục đó là:
1. Phải tin có giáo ngoại biệt truyền.
2. Phải hiểu biết giáo ngoại biệt truyền đó.
3. Phải hiểu hữu tình thuyết pháp và vô tình thuyết pháp chẳng phải là hai.
4. Phải thấy Tánh như xem thấy đồ vật trên bàn tay rõ rệt phân minh, mỗi bước đi phải chắc chắn vững vàng.
5. Phải có “con mắt pháp” khéo phân biệt.
6. Phải đi đường chim bay, lối huyền nhiệm.
7. Phải văn vũ kiêm tề.
8. Phải phá tà hiển chính.
9. Phải đại cơ đại dụng.
10. Phải lao vào nhiều hoàn cảnh khác nhau mà tu tập.
Như vậy, tham Thiền gồm hai phương diện. “Kiến” và “Hành”, và cả hai đều cần thiết.
Một châm ngônThiền nói: “Để kiến được tánh, ta phải leo lên tận đỉnh núi và nhìn từ đó, để bắt đầu cuộc hành trình[Thiền] ta phải xuống tận đáy biển, và bắt đầu đi từ đó”.
Mặc dầu tòa nhà Thiền được chống đỡ bởi hai cột trụ chính, “Kiến” và “Hành” này, giáo lý Thiền phần lớn nhấn mạnh vào Kiến hơn. Điều này đã được chứng thực bởi Thiền Sư vĩ đại Qui Sơn.
Sư nói: “Cái kiến của ông chứ không phải cái hành, chính là điều mà ta quan tâm”. Đó là lý do tại sao mà các Thiền Sư chỉ toàn nhấn mạnh vào Ngộ và dồn hết nỗ lực để đem đệ tử họ trực tiếp đến đó.
Là một giáo lý thực tiễn và trực chỉ nhất, Thiền tìm cách gạt qua một bên tất cả những vấn đề và những thảo luận phụ thứ và chỉ thẳng vào kiến – cái thấy hay nhìn Thực Tại.
Điều này được biểu thị trong toàn thể truyền thống Thiền. Sự nhấn mạnh vào Kiến được thị chứng bởi vô số công án Thiền hay ngôn cú Thiền.
Có lẽ lời của sư Bách Trượng là đầy ý vị nhất: “Nếu một đệ tử có thị kiến ngang với thầy mình, hắn chỉ có thể, nhiều nhất là, thành tựu được một nửa những gì mà ông Thầy đã thành tựu.
Chỉ khi nào một đệ tử có thị kiến vượt thầy, hắn mới xứng đáng được truyền thụ”.
Khi nào mà ta còn thấy Tánh, ta vẫn ở trong Thiền; gánh củi, xách nước, ngủ, đi – tất cả những hành vithường nhật đã trở thành sự thực hiện Thiền một cách huyền diệu.
Như thế bình thường tâm tức là Phật Tâm; “ở đây và bây giờ” là thiên đàng của Tịnh Độ; không cần phải có Tam Thân của Phật, ta cũng ngang hàng với Phật. Và một Thiền gia nắm trong tay mình Tính của Thượng Đế, Tâm của Phật.
Làm chủ được cái kho tàng vô giá này, người ấy còn cần gì nữa?
thế mà Thiền gia lỗi lạc Bàng Uẩn nói: “Vác củi và xách nước là thần thông diệu dụng; Ta và chư Phật ba đời cùng thở một lỗ mũi”. Cái nhìn dũng cảm và táo bạo này quả thật là tuyệt đỉnh của Thiền.
Tinh thần cũng như truyền thống Thiền phản ảnh ở chỗ Thiền có phần nhấn mạnh vào kiến hơn hành. Vì thế dù Ngộ chỉ là khởi đầu, nó cứ là Tinh Túy của Thiền. Nó không phải là tất cả của Thiền, nhưng nó là trái tim của Thiền.
Sau hết, Thiền có một khía cạnh thần bí hay siêu nhiên cũng là một thành phần cốt yếu của bản chất nó.
Không có khía cạnh đó nó không thể là cái tôn giáo mà tự căn bản nó vẫn là, và Thiền hẳn mất cái địa vị là diễn viên khôi hài nhất trong vở kịch Phật giáo.
Năm câu chuyện sau đây giải minh cái phương cách Thiền thị hiện những thần thông và cái lối Thiền diễu cợt chúng một cách trắng trợn.
A. Thiền Sư Ẩn Phong mùa đông thường ở núi Hành Nhạc, mùa hè thường ở núi Thanh Lương. Vào thời Nguyên Hòa đời Đường khi sư đi đến núi Ngũ Đài [một tên khác của Thanh Lương] vừa đến Hoài Tây, thuộc đất của loạn quân Ngô Nguyên Tế nghịch chiến lại triều đình. Quan quân và giặc giao phong, chưa phân thắng bại Sư tự nhủ: “Ta nên ra tay giải hoạn cho họ vậy”. Nói rồi ném tích trượng lên không phi thân mà đi. Quân tướng hai bên ngước mặt mãi xem, thấy sự thể hợp với điềm mộng, liền chẳng còn lòng tranh đấu với nhau. Sư sau khi đã thị hiện thần thông, sợ rằng như thế sẽ làm mê hoặc quần chúng, bèn bỏ núi Ngũ Đài, định thị tịch trước hang Kim Cương. Trước tiên Sư hỏi chúng: “Các tăng chư phương khi hóa, ngồi mà đi, hoặc nằm mà đi, thì ta thường thấy, thì đứng mà đi thì có chưa nhỉ?”. Chúng đáp, “Có”. Sư hỏi, “Thế có kẻ đứng ngược đầu mà đi chưa?”. Chúng đáp, “Chưa từng thấy có vậy”. Sư bèn đứng ngược đầu mà hóa. Sừng sững ra đó mà y phục vẫn ngay ngắn theo thân thể.
Lúc đó chúng đề nghị đem hỏa táng. Nhưng thân xác Sư vẫn đứng vững bất động. Gần xa thiên hạnghe tin đổ xô đến xem, tán thán chẳng xiết. Sư có người em làm ni, lúc ấy có mặt tại đó, bèn đến cạnh xác mà hét: “Lão huynh hồi xưa chẳng tuân theo pháp luật, khi chết lại giở trò chơi khăm làm hoa mắtthiên hạ!” Nói rồi giơ tay đẩy xác đổ chổng kềnh. Rồi đem hỏa táng, thâu xá lợi nhập tháp.
B. Mục Châu Đạo Tung là sư phụ của Thiền Sư danh tiếng Vân Môn. Chính Sư là người đã khai mở tâm thức cho Vân Môn bằng cách làm Vân Môn què chân. Sau này Đạo Tung trở về quê của Sư ở Mục Châu, vì thân mẫu của Sư đã quá già và cần có người phụng dưỡng. Từ đó trở đi Sư sinh sống bằng nghề đan giầy cỏ.
Vào thời loạn lớn do Hoàng Sào cầm đầu bùng nổ, khi loạn quân tiến đến Mục Châu, Đạo Tung đến cửa thành treo lên một chiếc dép lớn. Khi quân Hoàng Sào đến họ không tài nào mở cửa thành được. Hoàng Sào nhẫn nhục ra lệnh cho thủ hạ, “Hẳn phải có một vị tôn túc sống trong tỉnh này. Ta nên để yêntỉnh này là hơn”. Nói rồi rút quân, và Mục Châu thoát khỏi bị tàn phá”.
C. Sư Phổ Hóa một hôm sắp thị tịch, bèn ra chợ xin một chiếc áo tràng. Có người cho áo ngắn, có người cho áo vải. áo cừu; Sư đều không nhận, chống gậy mà đi. Lúc ấy Lâm Tế sai người đem cho Sư một chiếc quan tài Sư cười nói, “Cái gã Lâm Tế lắm mồm”. Rồi nhận và cáo từ dân chúng: “Ngày mai Phổ Hóa này sẽ ra cửa đông mà nhập diệt”. Hôm sau dân trong quận dẫn nhau theo tiễn Sư ra ngoài thành. Sư bỗng lớn tiếng nói: “Hôm nay chết không hợp địa lý”. Rồi nói, “Mai sẽ nhập diệt ngoài cửa Nam”. Hôm sau dân chúng lại đi theo. Sư lại nói, “Ngày mai ra cửa Tây mới tốt”. Hôm sau người theo xem có phần thưa hơn. Ra đến nơi rồi Sư lại trở về. Thiên hạ cũng đâm chán. Đến hôm thứ tư Sư tự vác quan tài ra cửa Bắc. Chống gậy vào nằm trong quan tài mà mất. Dân trong quận nghe tin đổ xô ra ngoài thành mở quan tài ra xem thì chẳng thấy gì cả, chỉ nghe tiếng chuông càng lúc càng xa. Chẳng ai rõ là Sư đi đâu.
Ba truyện này chứng tỏ rằng Thiền không thiếu những yếu tố “siêu nhiên” và Thiền cũng có những chuyện “thần bí” và đưa ra các truyện về sự làm phép lạ như các tôn giáo khác. Nhưng Thiền không bao giờ khoa trương những thành tích của mình, cũng chẳng bao giờ tâng bốc những thần thông để đề cao giáo lý của mình. Trái lại, truyền thống Thiền đã biểu lộ một cách hiển nhiên thái độ khinh thị đối với thần thông. Thiền không mong cầu mà cũng chẳng quan tâm đến bất cứ loại thần thông nào. Điều mà Thiền thực sự quan tâm đến là sự liễu tri và chứng ngộ cái huyền diệu của tất cả những huyền diệu – cái Pháp Thân bất khả tư nghị – mà ta có thể tìm thấy ở tất cả mọi chỗ và vào tất cả mọi thời. Điều này được biểu lộ rõ rệt trong lời của Bàng Uẩn khi ông nói: “Thần thông cùng diệu dụng, gánh củi và xách nước”.
Thần thông tinh diệu dụng, vận thủy cập ban sài.
Nhiều công án chứng tỏ thái độ khinh thị đối với thần thông mà Thiền chủ trương Thiền không những không khuyến khích nhưng môn đồ tìm kiếm các thần thông này “mà còn cố phá hủy chúng nếu có thể, bởi vì Thiền coi những “thần thông”, “khải tượng”. và “khải thị” là những trò vui thường dụ dỗ người ta lạc khỏi chính đạo. Câu truyện sau đây là một ví dụ hay về tinh thần đó.
D. Có một lần Hoàng Bá gặp một ông tăng và cùng đi với ông. Khi đến một con sông Hoàng Bá cởi nón và để gậy qua một bên đứng đó tính xem làm cách nào để qua sông. Nhưng ông tăng kia đã đi qua sông mà chân chẳng hề chạm mặt nước và đến bờ kia ngay. Thấy vậy Hoàng Bá cắn môi nói, “Ồ, ta đâu biết là ông ấy làm vậy được; nếu không ta đã đẩy ông chìm xuống tận đáy sông”.
Mặc dầu họ chế diễu và không ưa những hành động làm phép lạ và thần thông các Thiền Sư đã đắc pháp tuyệt nhiên không phải là không có khả năng làm những cái đó. Họ có thể làm nếu họ cho là cần thiết cho một mục đích xứng đáng. Những thần thông này chỉ là cái phó-sản tất nhiên của thực Ngộ. Một người ngộ hoàn toàn phải có chúng nếu không cái Ngộ của người ấy nhiều nhất chỉ có thể coi là mới được phần nào thôi.
Truyện cuối cùng của loạt này có ý nghĩa đặc biệt.
E. Cửu Phong là thị giả của Thạch Sương. Khi Thạch Sương mất, chúng tăng trong tự viện họp và quyết định chọn vị Đệ Nhất Tòa làm Trụ Trì mới. Nhưng Cửu Phong đứng lên nói với cử tọa: “Trước hết chúng ta phải biết rằng Đệ Nhất Tòa có thực sự hiểu giáo lý của Thầy không đã”. Đệ Nhất Tòa hỏi: “Ông định hỏi gì về giáo lý của Thầy?”. Cửu Phong đáp. “Thầy nói, ‘Quên tất cả, đừng động gì, cố ngơi nghỉ hoàn toàn! Cố trải qua mười ngàn năm trong một niệm! Cố trở thành tro lạnh và cây khô! Cố ở gần lư hương trong ngôi cổ tự! Cố trở nên một dải lụa trắng’. Tôi không hỏi ngài về phần đầu của lời dạy này, mà chỉ về câu cuối; ‘Cố trở nên một dải lụa trắng?’ Thế có nghĩa là gì?”. Đệ Nhất Tòa đáp, “Đó chỉ là một câu giải thích về vấn đề Nhất Tướng”. Cửu Phong la lên: “Đó! Tôi biết ông chẳng hiểu giáo lý của Thầy!”. Đệ Nhất Tòa hỏi: “Ông không chấp nhận kiến giải nào của tôi? Bây giờ hãy đốt một nén hương cho tôi. Nếu tôi không thể chết trước khi hương cháy hết, lúc ấy tôi chịu nhận là tôi không hiểu ý Thầy ta muốn nói gì!”. Rồi thì hương được đốt và Đệ Nhất Tòa bắt đầu ngồi, thẳng như một chiếc gậy. Và kìa, trước khi nén hương cháy hết, vị Đệ Nhất Tòa đã mất, ngay chỗ ông ngồi! Lúc ấy Cửu Phong vỗ vai tử thi và nói: “Ông muốn ngồi mà tịch hay đứng mà hóa cũng được; còn về ý nghĩa những lời dạy của Thầy, ông vẫn chẳng hiểu chút nào!”.
Nếu Thiền đúng là giáo lý tinh túy và tối thượng của Phật giáo, một giáo lý có thể thực sự giải thoát ta khỏi những đau khổ của sinh tử, chứ không phải chỉ là những lời bép xép vô ích, chỉ dùng để giải trí, nó phải đưa ra bằng chứng cụ thể và hiển nhiên để chứng minh hiệu lực của nó cho mọi người.
Chỉ danh tự không thôi không đủ để duy trì được một tôn giáo; lời nói trống rỗng không thuyết phục được thiên hạcũng chẳng duy trì được đức tin của tín đồ. Nếu Thiền không sản xuất đều đều ra “những bậc giác ngộ”, những người mà, một mặt thực hiện cái Chân Lý Nội Tại, và mặt khác, đưa ra chứng cớ cụ thể cho sự Ngộ của họ, nó đã chẳng bao giờ làm lu mờ tất cả các tông phái Phật giáo khác ngay nơi quê hương nó và tồn tại trên một ngàn năm.
Ngộ của Phật giáo không phải là lý thuyết trống rỗng hoặc một vấn đề ao ước. Ngộ là một sự kiện cụ thể có thể thử thách và chứng minh.
Trong câu truyện trên, khi vị Đệ Nhất Tòa bị Cửu Phong thách, ông đã can đảm quả quyết trí thức nội tại của mình bằng cách thực sự giải thoát cái tâm ý thức khỏi thân xác vật lý trong một vài phút. C
ó kẻ nào, không có đôi chút giác ngộ nội tại về Chân Lý Thiền, mà lại có thể thực hiện một việc táo bạo đáng kể như vậy?
Nhưng, ngạc nhiênthay, ngay cả thành tích phi thường này cũng không đúng với tiêu chuẩn của Thiền!
Có thể giải thoátmình khỏi sinh tử theo đúng nghĩa đen của nó cũng vẫn còn cách xa mục tiêu của giáo lý Thiền Sư!
Phê phán Thiền từ quan điểm này, chúng ta thấy những lời bép xép của “các chuyên gia” chả biết gì ngoại trừ những líu lo về Thiền mới thảm hại làm sao, và những kẻ không những ghê tởm sự hiện hữucủa loại công án này, mà còn cố ý xuyên tạc nó trong những thuyết giáo và những tác phẩm “Thiền” của họ – hoặc bỏ quên nó hoàn toàn như thể chưa từng bao giờ có nó! Do đó, tôi xin khuyến cáo độc giảsách này cố cặn kẽ tìm những dị biệt giữa Thiền thật và Thiền giả, – giữa Thiền phát xuất từ tâm và Thiền phát sinh từ miệng, giữa Thiền của sự chứng đắc cụ thể và Thiền của danh ngôn thuần túy, giữa Thiền của chân trí và Thiền của khoát loác.
Vạch ra những lằn phân biệt này, độc giả hẳn không còn bị bịp nữa, hoặc không còn lúng túng bởi những tiên tri giả mạo của Thiền.
Thái độ phân tích và có phần bảo thủ trên có thể nói không ngoa mấy là đã “giết chết” Thiền.
Nhưng đó là cách duy nhất trình bày Thiền một cách chân thực và đồng thời khiến người Tây phương thấy Thiền rõ rệt hơn, họ vì chẳng có phương tiện nào khác, phần nhiều phải đi vào vấn đề bằng trí thức và tuân theo một con đường nếu có chậm hơn, thì lại an toàn hơn, con đường nếu có chậm hơn, thì lại an toànhơn, con đường của Đông phương để tìm ra và đi bước đầu tiên trên cuộc hành trình đến Ngộ.
Trích trong THIỀN ĐẠO TU TẬP Kinh Thi in lần thứ I 1972