Kiệt tác kiến trúc Hang Đôn Hoàng và truyền thuyết con đường tu luyện Phật Pháp (P.2)
Kiệt tác kiến trúc Hang Đôn Hoàng và truyền thuyết con đường tu luyện Phật Pháp (P.2)
Sự ra đời của hang đá Mạc Cao gắn liền với một tích cổ về con đường tu luyện Phật Pháp.
Ở đây, những nghệ thuật bích họa đỉnh cao của người xưa đã khiến con người hiện đại trầm trồ thán phục…
Nghệ thuật khu Mạc Cao chủ yếu là tượng và bích họa.
Nghệ thuật gia cổ đại kế thừa truyền thống tiền đại, sáng tạo rất nhiều các pho tượng màu đặc sắc.
Nhưng những pho tượng nơi đây đều bằng đất, khác với các pho tượng đá ở thạch khu Long Môn, Tân Cương.
Vì chất liệu đá của núi Tam Nguy khá thô cứng, không thể tạc tượng được, cho nên các nghệ nhân mới dùng đất để tạc tượng.
Với những dụng cụ đơn giản, điều kiện khó khăn, bằng sức tưởng tượng phong phú và kỹ xảo điêu luyện của mình, các nghệ nhân đã sáng tác không ít những pho tượng độc đáo màu mang nhiều sắc thái khác nhau.
Những pho tượng đời Bắc Ngụy dáng dấp to cao, trán rộng, mũi cao, mày dài, tóc quăn, ngực trần, mang đậm sắc thái nghệ thuật Ấn Độ.
Những pho tượng đời Đường, gương mặt đầy đặn, nhu hòa, tai to, mũi thấp, dáng dấp khác nhau, mang phong cách dân tộc Trung Quốc.
Đời Đường, tượng khu Mạc Cao đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Tổng cộng có hơn 670 pho tượng, chiếm hơn 1/4 trong số những pho tượng điêu khắc ở đây.
Những pho tượng này hoàn toàn mang sắc thái riêng – nét mặt hài hòa, thần thái trang nghiêm, phục sức trang nhã.
Tượng Thiên Vương thể hiện rõ phong cách của đấng trượng phu: oai nghiêm, chính trực, dũng mãnh, cương nghị.
Tượng Bồ tát dáng vẻ thoát tục, gương mặt đầy đặn, miệng mỉm cười, sinh động như thật, thể hiện nét đẹp hiện thực trong sinh hoạt của người phụ nữ đời Tùy Đường.
Ở khu Mạc Cao, tượng cao nhất hơn 30m, tương đương độ cao tiền môn lầu thành Bắc Kinh; tượng nhỏ nhất chỉ hơn 10cm, điêu khắc tinh xảo.
Những pho tượng này không những thể hiện được tài năng sáng tạo, trí tuệ siêu việt của nghệ nhân cổ đại Trung Quốc, mà còn hình thành nên chiều dài lịch sử phát triển nền nghệ thuật tạc tượng qua các triều đại Trung Quốc.
Bích họa khu Mạc Cao càng đặc sắc hơn. Nghệ thuật gia dùng bút màu, họa rất nhiều cảnh sinh động trên tường vách.
Nội dung chủ yếu của các bích họa gồm: kinh biến, bổn sinh, tôn tượng, tượng người cúng dường và các đồ trang sức.
Kinh biến: kinh, chỉ Phật kinh; biến, là biến dịch. Có nghĩa là những bức họa biến Phật kinh thành hình tượng hóa.
Khiến người xem khi chiêm ngưỡng những bích họa này như xem một màn kịch diễn thuyết trong kinh Phật.
Kinh biến, chính là tranh Phật kinh. Những bức họa này chiếm phần quan trọng trong thạch động.
Như “Tây phương tịnh độ biến”, các họa sư dùng sức tưởng tượng của mình, họa cảnh Cực lạc thế giới:
Cung điện lầu đài nguy nga tráng lệ, ao nước thanh khiết, bồ đề xinh tươi, thiên không tường vân bay, trong ao thủy điểu dang rộng cánh, chính giữa là Phật Di Đà đang tọa trên tòa sen, hai bên là hai vị Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí, cùng rất nhiều Thánh chúng vây quanh.
Bổn sinh: Bổn sinh là chỉ những câu chuyện tiền thân Đức Phật Thích Ca.
Tứ chúng Phật tử tin vào thuyết luân hồi, cho rằng Phật Thích Ca trước khi thành đạo đã trải qua nhiều kiếp, có kiếp là quốc vương, tăng sĩ, thương nhân… làm rất nhiều việc thiện cứu độ chúng sinh, đây là những câu chuyện chủ yếu trong kinh Bổn Sinh.
Điển hình như phía Bắc thạch động số 275, có bức bích họa mô tả câu chuyện vua Thi Tì, vì cứu chim bồ câu sắp bị chim ưng ăn thịt, đã hiến thịt mình cho chim ưng.
Trong bích họa, bên cạnh vua Thi Tì là một người đàn ông ngồi cắt thịt, cắt rất nhiều, nhưng vẫn không bằng trọng lượng chim bồ câu, cuối cùng đành phải lấy thân thể vua làm trái cân, và bồ câu được đặt trên bàn cân.
Thạch khu số 254, họa câu chuyện bổn sinh của thái tử Tát Đóa Na.
Bích họa miêu tả 3 vương tử cưỡi ngựa đi săn, giữa đường trông thấy một con cọp đói, trừng mắt nhìn 7 con cọp con vừa sinh của mình. Xem chừng, nếu không có gì lót dạ, e rằng nó sẽ ăn thịt 7 cọp con.
Thái tử Tát Đóa Na cảm thương cọp con, quyết định hy sinh mạng sống của mình để cứu chúng. Thái tử để các anh đi trước, còn mình cởi áo quần, nằm trước mặt cọp mẹ. Qua hồi lâu, hai người anh không thấy em đâu, mới đi tìm, trông thấy áo quần và hài cốt của em, đau lòng bất tỉnh. Quốc vương và hoàng hậu sau khi nghe tin, đau buồn vô hạn, liền cho kiến tạo một ngôi bảo tháp ngay nơi thái tử xả thân để an táng di cốt thái tử…
Tôn tượng: là ảnh vẽ tượng Phật, Bồ tát, A la hán, tiểu thiên Phật, thuyết pháp đồ… Trong bích họa tôn tượng, gây sự chú ý nhất là tượng phi thiên.
Phi thiên là hình ảnh tiên nhân, tự do bay lượn trên không, Phật giáo gọi là “Thần Hương Âm”, có thể tấu nhạc, nhảy múa, toàn thân tỏa hương.
Đạo Ki-tô phương Tây cũng có tiên, gọi là thiên sứ.
Thiên sứ có đôi cánh, có thể bay. Đạo giáo cũng tin tưởng có tiên, thường vẽ những đám mây dưới chân các vị tiên, biểu đạt chư tiên cưỡi mây bay.
Tuy nhiên, phi thiên trong những bích họa khu Mạc Cao gồm cả hai.
Các họa sư giỏi chỉ cần vẽ trên thân chư thiên hai dây phiêu đai, một xoay một gấp, thư thái nên trông các vi tiên trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển như đang bay.
Phương pháp này đơn giản, khéo léo, lại giàu óc tưởng tượng.
Tượng người cúng dường: chỉ người xuất tiền cúng dường kiến tạo thạch khu, họ muốn họa hình ảnh mình trên tường vách, muốn thể hiện Phật tượng trong thạch động là do chính họ cúng dường, và như vậy, Phật và Bồ tát sẽ hộ trì cho họ.
Những người cúng dường này là người có thật trong xã hội, có tên có tuổi đàng hoàng.
Trong số họ có công tôn quý tộc, cũng có người ở vào địa vị thấp kém nhất. Như thạch khu số 107, có tượng của các kỹ nữ v.v…
Những pho tượng và bích họa này đã mô tả lịch sử thời đại một cách sống động. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống hiện thực, tôn giáo vào thời đó.
Một bích họa khác miêu tả cảnh tượng cuộc sống ở gần Phổ Đà Sơn.
Trong tranh có rất nhiều lữ quán: quán Long Tuyền có người đang giã gạo, quán Linh Khẩu có người đang đẩy cối xay, quán Thái Nguyên có người đang mài dao; trong chùa có người đang hội yến, các tăng sĩ đang hoạt động; trên đường người đi kẻ lại, không khí thật náo nhiệt.
Trong bích họa thạch khu số 45, chúng ta có thể thấy được một số thương buôn người Hồ, mũi cao, mắt sâu, râu cằm rậm đang lùa đàn lừa thồ đầy hàng, đi vào sơn cốc.
Đột nhiên, đoàn thương buôn gặp cường đạo, họ chắp tay cầu xin tha mạng, hàng hóa rơi vãi đầy trên đất.
Bức họa phản ánh được cảnh giao thương thời đó..
Những bích họa sinh động này không chỉ mang nghệ thuật tôn giáo, mà còn là bức tranh lịch sử, là di sản văn hóa xán lạn, huy hoàng của dân tộc Trung Hoa, miêu tả được hiện thực xã hội, thể hiện rõ hỉ, nộ, ái, ố của con người,
Có thể nói rằng, đây là một di tích lịch sử hùng tráng nhất của nhân loại, nơi quần tụ những tài hoa của nghệ thuật điêu khắc, bích họa của người cổ xưa.
Mặt khác đây là một công trình nghệ thuật tôn giáo về tín Phật có từ hàng năm lịch sử.
Nói lên một tín ngưỡng lâu đời và đạo Phật như một nền tảng đạo đức của mọi giai tầng thời đó.
Dẫu trải qua hàng năm lịch sử, nhưng màu sắc trên những bức họa dường như vẫn còn rực rỡ, điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu thắc mắc: họ đã dùng gì để tô màu cho những bích họa đó? Để nó có thể trường tồn với thời gian. Và còn rất nhiều bí ẩn đang đợi câu trả lời của hậu thế.
Tịnh Tâm