4 cảnh giới khó đạt nhất trong đời người
4 cảnh giới khó đạt nhất trong đời người
Đời người, ai cũng trải qua những lúc long đong, lận đận, có vui có buồn và có cả sự thăng trầm.
Đời người chính là như thế, là một quá trình tu luyện từ non nớt đến thành thục.
Vậy đời người cần tu luyện trở thành người như thế nào?
Có 4 loại cảnh giới cao, khó đạt được trong cuộc đời, nhưng nếu có thể đạt được những cảnh giới này, người ta sẽ sống được thong dong tự tại và thản đãng vô cùng.
1. Đau mà không than là một loại kiên cường
Con đại bàng đau liền cất tiếng kêu thảm thiết, như thế nó sẽ mất đi khả năng vật lộn trên trời cao.
Con thỏ đau liền dừng lại kêu gào, như thế rất có thể nó sẽ trở thành một bữa tối ngon lành cho kẻ thù của nó.
Cho nên, hễ đau mà than vãn thì sẽ mất đi cơ hội được tôi luyện, quỹ đạo của đời người cũng theo đó mà đổi thay.
Đau chính là nền tảng của thành công.
“Đau mà không than” chính là không trốn tránh mà dám đối mặt với nỗi đau buồn, niềm đau thương và sự đau đớn của bản thân.
Muốn làm được “Đau mà không than”, chúng ta cần tôi luyện được sự kiên cường.
Chúng ta cần có trí huệ để chống đỡ lại những sóng gió trên đường đời.
Kỳ thực, “đau mà không than” chỉ có thể bắt nguồn từ một nội tâm lạc quan, mạnh mẽ.
Nó cho chúng ta một tín niệm: “Sau khi mưa gió qua đi, ánh cầu vồng sẽ đến”.
2. Cười mà không tranh cãi là một loại rộng lượng
Người xưa có câu quân tử lúc nào cũng vô tư thản đãng, chỉ có kẻ tiểu nhân mới thường sợ sệt, ưu sầu.
Đôi khi một nụ cười có thể làm tiêu tan ân oán giữa đôi bên, có thể khiến những người xa xứ, tha hương nơi đất khách quê người cảm thấy ấm áp trong lòng.
Trong thế gian, có lẽ nở một nụ cười là động tác đơn giản nhất nhưng lại hoàn mỹ nhất.
Đời người, có những lúc chúng ta phải đối mặt với những lời giễu cợt của người khác, cũng có lúc chúng ta sẽ thấy bất lực vì bị người khác hiểu lầm.
Khi ấy, nếu chúng ta cứ nhất quyết phải giải thích, tranh biện với họ thì chỉ càng đẩy họ sang phía đối lập với chúng ta.
Cái tâm của chúng ta cũng sẽ bị khuấy động, do đó loạn càng thêm loạn.
Lúc này chi bằng chỉ cần giữ một nụ cười trên môi và để mặc cho người đời bàn luận đúng sai, tốt xấu.
Nhân sinh, mãi cứ oán giận chi bằng tĩnh hạ tâm xuống suy nghĩ sâu xa, thời gian như nước chảy sẽ cuốn trôi tất cả những điều không hay trong cuộc đời.
3. Mê mà không lạc là một loại trí tuệ
Một người chỉ có thể mê mà không bị lạc mất khi đã tôi luyện được nội tâm cường đại.
Cổ nhân có một câu rất hay rằng: “Ai nhi bất thương” (đau mà không thương, buồn mà không ủy mị).
Khi gặp phải chuyện thống khổ, chúng ta có thể buồn bã.
Đây cũng là những cảm xúc rất tự nhiên và cần thiết của con người.
Nhưng khi buồn đau chúng ta cũng đừng quên rằng luôn có một con mắt thứ 3 đang trông chừng tất cả.
Chỉ cần giữ vững thiện lương trời xanh sẽ tự có an bài tốt nhất.
Người có thể coi nhẹ những được mất trên thế gian thì khi đột nhiên phải đối mặt với sự mất mát họ mới có thể không bị mê mờ.
Người có trí tuệ và tín ngưỡng kiên định cũng có thể làm được điều này.
Bởi vì họ đã có nhận thức thanh tỉnh và siêu thoát về sinh tử, vô thường, nhân duyên đời người…
Trái lại, người không có trí tuệ và tín ngưỡng kiên định hễ gặp chuyện là suy sụp và thống khổ.
Có đôi khi sự ảnh hưởng vô cùng lớn của ngoại giới sẽ khiến chúng ta bị lạc mất cảm xúc, không tự mình khống chế được bản thân, nhưng khi chúng ta có đủ trí tuệ và nội tâm cường mạnh, một thời gian sau chúng ta sẽ khôi phục lại được.
4. Kinh mà không loạn là một loại “tĩnh khí”
Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, hiền nhân, càng gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, việc nguy hiểm thì càng có thể tĩnh tâm như nước, thấy biến mà không hề sợ hãi.
Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn nhất định phải là người có “tĩnh khí”, gặp đại sự mà không loạn.
“Gặp việc lớn mà không loạn, đứng giữa ranh giới được mất mà không mất đi thói quen thường hằng” là một loại bình tĩnh, một loại cảnh giới cao của thái độ xử thế. Đây cũng là một tâm thái xử thế ung dung tự tại, giỏi ứng biến linh hoạt.
Khi có việc lớn xảy đến, không sợ hãi thất thố, có thể bình tĩnh an định phải là người không lo được mất, bảo trì được thái độ bình thản trong tâm.
Đứng trước một việc, người có “tĩnh khí” gặp nguy mà không loạn sẽ tự có thể sản sinh ra trí huệ mà hóa giải khó khăn.
Người “loạn khí” đứng trước một việc lớn sẽ chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm hỏng việc.
Tục ngữ có câu “Thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng”, ý nói trong tay mà có lương thực rồi thì trong tâm sẽ không lo lắng.
Sách của các bậc hiền nhân chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức, trí tuệ của những người đi trước, nâng cao năng lực, vượt qua được hoang mang sợ hãi.
Vì vậy, càng là người học rộng, thông thái thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt, rộng lớn và suy nghĩ cũng càng thanh tĩnh hơn, đạt đến cảnh giới cao siêu hơn.
An Hòa (dịch và t/h)