Thiền sư – Võ sư Đoàn Tâm Ảnh (Tô Văn 1900-2008)
Thiền sư – Võ sư Đoàn Tâm Ảnh (Tô Văn 1900-2008)
Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh (tên thật là Tô Văn), biệt danh Sáu nhỏ sinh năm 1900 tại Chợ Lớn Sài Gòn.Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh là con trai út trong 1 gia đình đông con gồm 6 chị em, cha của ông là cụ Tô Nghiêm, người gốc Trung Quốc, mẹ là bà La Thị Muối, người Nghệ An, Việt Nam.Do thể chất nhỏ bé và thường hay bị bệnh tật nên cha mẹ đã gửi ông cho Mộc Đức Thiền Sư, một người Hoa lưu lạc ở Việt Nam, thâu nhận làm đệ tử với mong muốn ông được rèn luyện võ nghệ, tăng cường sức khỏe. Thấy Tô Văn nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, tháo vát lại có năng khiếu về võ thuật, Mộc Đức Thiền Sư hết lòng quý mến truyền dạy võ nghệ cho cậu. Năm 1913, được sự đồng ý của gia đình, 2 chú cháu khăn gói sang Trung Quốc. Từ đây, cậu bé Tô Văn được các hòa thượng trong chùa Phi Lai Tự thâu nhận. Họ dạy cho ông cách Thiền định và võ học của Bắc phái như: Côn Luân, Cửu Ngũ Tam Vương, Xà Quyền.Ngoài ra ông được thầy Trường Giang Mạnh Vũ truyền dạy cho Thiếu lâm Nam phái.
Sau 11 năm ông quay trở lại quê hương, đổi tên hiệu thành Thiện Tâm Thiền Sư Đoàn Tâm Ảnh. Từ bộ căn bản “Thất Thập Nhị Huyền Công” (72 thế căn bản tuyệt diệu nhất của Thiếu Lâm Tự), “Thập Bát La Hán Thế” bao gồm 18 chiêu thức chiến đấu (18 thế này đã được đúc thành 18 pho tượng ở Chùa Thiếu Lâm; “La Hán Thần Công” (18 chiêu thức tuyệt kỹ) đều được Tô Văn đón nhận, say mê luyện tập. Khi đã lĩnh hội được hầu hết những tinh hoa của Thiếu lâm, kết hợp với 1 số người, Tô Văn vận dụng “Thất thập nhị Huyền Công”, 18 thế quyền La Hán kết hợp với quyền của bên Bắc phái sáng chế ra 18 bài quyền, (Bài thấp nhất có 21 thức chính, bài dài nhất có 73 thức chính). Trong 18 bài quyền này ông lấy “Thất Thập Nhị Huyền Công” làm căn bản, lấy “Thập Bát Chưởng Công”, “Lục Bộ Thần Công” để ghép đan xen vào thành 18 bài quyền theo thức tự từ thấp lên cao, riêng bộ La Hán Thần Công ông để vào chương trình Thượng Đẳng và đặt tên cho môn võ này là môn “Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền”.
Ngày 03/11/2008 (tức ngày 06/10 năm Mậu Tý), lão Thiền sư Đoàn Tâm Ảnh tạ thế, hưởng dương 109 tuổi. Ông mất đi để lại cho các thế hệ sau một kho tàng tài liệu về võ thuật; từ các bí kíp võ thuật của Bắc phái như “Côn Lôn”, “Cửu Ngũ Tam Vương”, “Xà Quyền“… cho đến tài liệu về võ học của phái “Võ Lâm Chánh Tông Thập Bát La Hán Quyền” và cả những kinh nghiệm mà ông đã đúc rút ra trong suốt cuộc đời phiêu bạt giang hồ của mình.
Nhớ lại hồi nhỏ, khoảng năm 1969, tôi mới 15 tuổi, có dịp được thọ giáo môn Võ Lâm Côn Luân Bắc phái của Bác Sáu. Thời chúng tôi thọ giáo, Lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh bảo các môn sinh không được gọi là thầy, mà gọi là Bác Sáu. Đây là một duyên may, tôi thích học võ, nhưng học Judo không được vì không đủ tiền sắm bộ võ phục. Một anh bạn rủ tôi học võ ở hẻm Vườn Chuối, đối diện Trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ (cũ) nay là hẻm 58 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Chỉ quần đùi, ở trần là tập được, không cần võ phục. Thêm một điều rất đặc biệt của Bác Sáu là nếu võ sinh là học sinh thì được miễn phí, Bác Sáu chỉ lấy học phí của những người có làm việc hoặc người lớn. Hai điều kiện này quá phù hợp với đám học sinh nghèo như bọn tôi.
Trong thời gian học võ với Bác Sáu, các võ sinh được học tập với thời khóa biểu tự do, không có giờ học phổ thông thì cứ đến tập. Dần dần các võ sinh mới tự ổn định giờ tập luyện. Số giờ học không hạn chế, mệt thì nghỉ. Học tập bảy ngày trong tuần, không nhất thiết phải nghỉ Chủ nhật.
Trong quá trình học tập, ngoài các bài võ, đôi khi Bác Sáu giảng dạy thêm cho chúng tôi về võ lý, đạo đức của võ sinh. Chúng tôi thường thấy Bác Sáu cặm cụi ghi ghi, chép chép vào các quyển tập. Rồi sau đó, các quyển này được chuyền tay cho các võ sinh chép lại tại chỗ hoặc mượn về nhà chép. Chỗ nào chưa hiểu thì hỏi, Bác Sáu giải thích rất cặn kẻ. Anh bạn tôi là một người siêng năng nên chép được rất nhiều di bút của Bác Sáu. Trong đó có nhiều bài võ của nhiều dòng võ La Hán, Tứ linh, Bát tiên, Mai hoa quyền… Nhiều bài lý luận về các nguyên tắc học võ, dạy võ, nhận định thế võ đúng hay sai,… Bác Sáu đã soạn nhiều sách võ thuật được xuất bản trước năm 1975. Trong đó, nổi tiếng nhất là quyển Thất thập nhị huyền công và Thập bát La Hán quyền, xuất bản năm 1971.
Bác Sáu chính là người đã hệ thống hóa các thế căn bản của môn võ cổ truyền Việt Nam. Theo sách Võ Cổ Truyền Việt Nam của Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam, xuất bản năm 2011, nếu thống kê sẽ thấy có trên hai phần ba các thế võ căn bản, còn gọi là căn bản công, tên gọi có một phần khác nhau, nhưng động tác trùng khớp với 72 thế căn bản mà Bác Sáu đã soạn trong sách trên.
Picture10.jpg
Phương pháp tập luyện của Bác Sáu có lẽ cũng có một không hai ở Việt Nam, mà cũng có thể cả quốc tế, đó là đấu quyền. Nếu như các phái võ khác chỉ có bài quyền riêng lẽ, hoặc đấu nhau cùng lúc vài ba thế. Bác Sáu lại dạy từng cặp bài quyền đối nhau. Hai võ sinh, mỗi người một bài võ đấu luyện với nhau. Đây là một trong những phương pháp huấn luyện võ thuật tuyệt vời, tạo hứng thú cho võ sinh, giúp quen đòn dạn thế trong chiến đấu. Sau một thời gian tập luyện sẽ trở thành phản xạ tức thời.
Bác Sáu có rất nhiều đồ đệ thành danh trong và ngoài nước, kể cả ở môn phái võ khác. Điển hình là anh Nguyễn Văn Phước (Phu Nguyen), Việt kiều Canada, hiện là Bát đẳng huyền đai, Phó Tổng Thư ký Tae Kwon Do hệ phái WTF (World Taekwondo Federation), phụ trách Châu Á.
Tôi và người bạn miệt mài tập võ cho đến năm 1973 thì bạn tôi qua đời. Thêm vào đó, bận việc học, tôi phải nghỉ tập để hoàn tất việc học phổ thông.
Rồi sau năm 1975, thời gian khoảng từ năm 1987 – 1990 tôi có tham gia huấn luyện Võ lâm. Nhưng phần lớn thời gian còn lại, vì chuyện học hành, làm việc, sinh kế quá bận rộn, nên tôi không chuyên tâm đến chuyện võ nghệ. Gần đây, sắp đến tuổi về hưu, công việc giảm, tôi mới có dịp đọc lại các di bút của Bác Sáu, do các bạn sưu tầm trước và sau năm 1975, giao lại cho tôi. Một số khám phá mới mà tôi hồi nhỏ, hoặc không hiểu hoặc không để ý đến.
Có lẽ Bác Sáu đã đạt đỉnh cao của võ thuật. Với triết lý, học võ cũng là học làm người, không tấn công trước mà lấy nhẫn làm đầu, áp dụng võ thuật theo cách của người Việt xưa là lấy nhu chế cương.
Xin trích nguyên văn một đoạn trong di bút của Bác Sáu, được viết tại Cần Thơ, khoảng năm 1988: “… Tự vệ – thể thao – đạo hạnh, đào tạo người học cho k
ỳ được cả nghề lẫn nết. Không chiến đấu cũng đặng khỏe mạnh, thể xác sung mãn, tinh thần có tác phong đạo đức.
Bởi vì coi quyền thuật là môn giáo luyện về cơ thể. Trong đó, có những cử động cương nhu, khí lực biến chuyển thân thể. Khi dạy, động kình phát chiêu, đầy chưởng. Đó là làm cho động mạch, điều hòa hơi thở để bồi dưỡng sức khỏe, tăng cường khí lực, sung mãn tinh thần. Già bảy tám mươi còn sức lao động. Đó là môn võ chú trọng về ba điểm chính: ích cho nước, thuận cho nhà, lợi cho dân……
….. Không có võ nào mà không chiến đấu. Là trường hợp cây muốn lặng mà gió không muốn ngừng mới có. Bởi vì võ Bắc phái luyện về di ảnh kỳ hình, lấy nhu áp cương. Nếu háo chiến thì thua bệnh viện, thắng nhà tù. Như vậy sao gọi là võ đạo được.
Lối nhẫn nhịn của Bắc phái tối thượng. Bởi vì không nghiên cứu tấn công trước ai khi gây chiến, mà đứng chờ tối đa, nếu bãi chiến càng tốt. Vì cách di ảnh, khi bị ai tấn công, chỉ lắc lư một cái thì xuất nhập như quỷ thần. Nếu biết tấn công trước thì họ chết, như ta cũng chết tù. Thế nên, không biết đòn tấn công trước ai là chờ đợi cho hòa, càng tốt….”.
Xin mạn phép vài dòng, cũng có thể suy nghĩ chưa thật thấu đáo, để tưởng niệm con người tài ba xuất chúng trong làng võ thuật Việt Nam, Lão Võ sư Đoàn Tâm Ảnh. Chúc hương hồn Bác Sáu an lạc ở cõi vĩnh hằng./.
Khải Đăng