Ngôi miếu cổ rửa oan tình cho công chúa Huyền Trân
Ngôi miếu cổ rửa oan tình cho công chúa Huyền Trân
Dương Thanh
Nằm dưới chân núi Xuân Dương của làng chài Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ngôi miếu cổ hàng trăm năm tuổi, rêu phong cổ kính được người đời truyền tụng là miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân. Nơi đây, gắn liền với câu chuyện của một vị võ tướng tài ba dưới quyền Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung một mình ngăn mấy vạn quân Chiêm để giải cứu công chúa Huyền Trân khỏi cái chết tuẫn táng nơi đất người.
Người đời đã thêu dệt nên những câu chuyện về mối tình oan nghiệt giữa Công chúa và vị võ tướng họ Trần. Ngay trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên cũng lên án gay gắt đối với võ tướng Trần Khắc Chung tư thông với Công chúa Huyền Trân.
Nhưng theo các già làng ở Nam Ô kể lại thì từ thời các vị tổ đầu tiên rời đất Bắc vào mảnh đất dưới chân núi Xuân Dương này khai ấp, lập làng đã nghe truyền tụng chuyện về tấm gương trung liệt của vị tướng quân nhà Trần nọ, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm truy đuổi Công chúa Huyền Trân trên bước đường hồi cố quốc.
Vì vậy, các chư phái tộc làng Nam Ô đã đồng lòng suy tôn vị tướng quân nhà Trần, mà họ không biết danh tính, quê quán là “Tiền hiền triệu cơ” (Tiền hiền mở cõi) của làng, bằng tất cả tấm lòng tri ân, ghi nhớ công đức tiền nhân mở cõi đất phương Nam.
Nghi án mối oan tình trăm năm chưa có lời giải
Tìm về làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vào một buổi chiều cuối tháng ba, trước mặt chúng tôi không chỉ hiện ra bóng dáng Hải Vân quan kỳ vĩ chắn ngang dải sơn hà mà còn là nơi in dấu một thiên tình sử lắm vẻ vang mà cũng nhiều đau đớn từ tận 700 năm về trước.
Đó là mối oan tình trăm năm chưa được vén bức màn bí mật giữa công chúa Huyền Trân và vị võ tướng Trần Khắc Chung.
Chuyện kể rằng, năm 1293, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trong trang phục của một lữ tăng đã đặt chân đến xứ sở Vijaya (kinh đô của vương quốc Chiêm Thành) để tận mắt chiêm ngưỡng những tháp vàng, tháp bạc nguy nga, tráng lệ.
Vua Chiêm lúc đó là Chế Mân biết được nên đích thân đến mời ngài vào cung điện của mình đón tiếp long trọng như một vị thượng khách. Chế Mân dẫn vua Trần Nhân Tông đi du ngoạn khắp các đền đài, lăng tẩm của vương quốc Chiêm Thành.
Say mê trước vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần kỳ vĩ của xứ đàng trong, Thái Thượng Hoàng nước Việt đã lưu lại nơi đây gần chín tháng. Đến ngày về, cảm động trước thịnh tình của Chế Mân, vua Trần Nhân Tông đã hứa gả cô công chúa xinh đẹp của mình là Huyền Trần cho vua xứ Vijaya.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên chép lại thì khi nghe tin này, vua Chế Mân như mở cờ trong bụng bởi từ lâu ông đã nghe tiếng cô công chúa xinh đẹp nước Việt.
Dù đã có hoàng hậu nhưng Chế Mân vẫn sai sứ mang theo lễ vật đến kinh thành Thăng Lăng xin cưới công chúa Huyền Trân về làm vợ. Việc gả công chúa cho Chế Mân đã khiến quần thần trong triều xôn xao bàn tán.
Nhiều người đứng ra phản đối kịch liệt. Nhưng việc gã công chúa vốn đã được định liệu và sắp đặt từ trước trong một nước cờ chính trị dài lâu của hệ thống chính trị nhà Trần. Bởi lúc này, đất nước đang cần ổn định phía Nam để tập trung lo đối phó với bè lũ Nguyên – Mông đang dòm ngó từ phương Bắc.
Lúc này, công chúa Huyền Trân chỉ mới tròn 13 tuổi nên việc cưới hỏi được vua Trần Anh Tông trù trừ, chưa quyết định. Phải đến 5 năm sau, khi hoàng hậu vương quốc Chiêm Thành băng hà, Chế Mân lại tiếp tục sai người đưa lễ vật và dâng hai châu Ô – Lý cho triều đình Đại Việt.
Gạt nước mắt chia tay cố quốc, công chúa Huyền Trân quyết định sang làm hoàng hậu của đất nước mà dân gian bấy giờ vẫn gọi là “xứ man di”. Theo tích cũ truyền lại, trước khi lựa chọn về Nam làm dâu vì nghĩa nước non, Huyền Trân đã trãi qua những giờ phút ly biệt đầy nước mắt với “người tình cũ”, võ tướng Trần Khắc Chung.
Ngôi miếu cổ ở làng chài Nam Ô là nơi thờ vị võ tướng “Tiền quân oai”
Sử cũ chép lại, Trần Khắc Chung vốn là một trọng thần của triều đình nhà Trần trong hai lần chống quân Nguyên – Mông xâm lược, được nhà vua tín cẩn thường vời vào điện bàn việc quốc gia, đại sự. Trong khoảng thời gian vào chầu vua, Chung nhiều lần diện kiến công chúa Huyền Trân ngay trong nội điện.
Cặp “Trai tài – gái sắc”, mới nhìn nhau qua ánh mắt nhưng đã nảy sinh tình ý chỉ hiềm một nỗi là chưa có dịp để tỏ bày. Một lần, Khắc Chung được vua sai bảo vệ công chúa Huyền Trân lên am Ngọa Vân trên núi Yên Tử để thăm vua cha Trần Nhân Tông.
Trên đường đi, hai người có dịp chuyện trò và trao cho nhau những câu tâm tình thắm thiết. Nhưng tình yêu đôi lứa vừa mới chớm nở thì sớm đã lụy tàn bởi phận nhi nữ phải phục theo chiếu mệnh giang sơn.
Khi Huyền Trân Công chúa theo đoàn phu giá hướng về kinh đô Vijaya, nơi vua Chế Mân đang ngày đêm ngóng chờ thì Trần Khắc Chung lâm vào cảnh tuyệt vọng, suốt ngày tìm hình bóng người yêu trong những cơn say túy lúy.
Lúc ông tỉnh lại thì đoàn rước công chúa đã vào đến địa phận Thanh Hóa, Khắc Chung một mình một ngựa đuổi theo đưa tiễn người yêu một lần cuối. Cuối cùng Khắc Chung và Huyền Trân cũng gặp nhau ở dãy Hoành Sơn (đèo Ngang, đoạn giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh – PV).
Một cuộc chia tay đầy nước mắt, Huyền Trân đã thề hẹn kiếp sau sẽ báo đáp mối ân tình của vị võ tướng. Còn Khắc Chung được dân gian miêu tả như kẻ điên tình cứ quấn lấy công chúa, không chịu rời bước.
Đoàn xa giá phải dừng chân ở Hoành Sơn gần hai ngày mới khởi hành. Công chúa Huyền Trân phải hết lời khuyên can vị võ tướng sớm quay lại kinh đô lo việc chống giặc, bảo vệ cương thổ, đừng vì chuyện nữ nhi mà đánh mất công danh. Nếu còn duyên phận, ngày sau sẽ gặp lại.
Trước khi đôi lứa chia lìa đôi ngã, công chúa Huyền Trân khóc than như những lời ai oán trong “Nước non ngàn dặm” được cho là lời tâm tình của nàng công chúa nước Việt:
“Nước non ngàn dặm ra đi/ Mối tình chi! Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly/ Xót thay vì/ Đương độ xuân thì/ Số lao đao hay là nợ duyên gì?/ Má hồng da tuyết/ Cũng như liều hoa tàn trắng khuyết/ Vàng lộn theo chì/ Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì…”
Nhưng cũng có tích xưa truyền lại rằng, lúc hai người gặp mặt nhau trong triều, cảm mến tài năng của Khắc Chung nên công chúa Huyền Trân xin bái làm thầy. Vị võ tướng trẻ tuổi tài ba đã dốc hết tâm huyết để dạy dỗ cho cô học trò chỉ kém mình tám tuổi.
Tuy được mọi người khen tụng là “đôi chim câu của trời Nam”, nhưng giữa Khắc Chung và công chúa vẫn giữ đúng đạo làm thầy – trò.
Ngoài những buổi học ở thiền cung, tướng Chung thường dẫn công chúa đi cưỡi ngựa, ngao du sơn thủy, ngắm cảnh hùng vĩ của sông núi, nhưng tuyệt nhiên không hề nghĩ đến tư tình.
“Lúc này Khắc Chung đã yên bề gia thất và có hai con nhỏ. Vợ của Khắc Chung là con gái của một vị quan trong triều, được tiếng đẹp người, đẹp nết. Còn công chúa chỉ mới bước vào tuổi cập kê (16-18 tuổi) nên giữa hai người khó xảy ra tình cảm riêng.
Dù đã gần ngàn năm trôi qua, nhưng việc khẳng định liệu có hay không mối duyên tình giữa vị võ tướng này và Công chúa Huyền Trân vẫn là một bí ẩn. Người đời đã thêu dệt nên nhiều câu chuyện khác nhau” – Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô cho biết.
Trận giải cứu đẫm máu ở Nam Ô của võ tướng nhà Trần
Câu chuyện tình của ngàn năm trước đã thôi thúc chúng tôi cùng nhà sử học Lưu Anh Rô tìm về những dấu tích xưa cũ, với hy vọng có được lời giải “hợp lý nhất”. Ngồi trên con thuyền nhỏ vượt đầm Nam Ô, phía trên là mây trời, núi cao trùng điệp, phía dưới là nước non ngàn dặm nhìn ra biển.
Cụ Lê Hào (93 tuổi), người giữ hồn trăm năm của làng chài Nam Ô cho biết “Ngày tôi mới lên năm tuổi thì đã nghe ông cụ cố (hơn 80 tuổi) ngồi kể chuyện với con cháu rằng:
Ở làng mình có một ngôi mộ ngoài mé biển (nay ở gần đồn biên phòng Nam Ô – PV), là ngôi mộ của vị tướng nhà Trần dưới trướng Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung. Ông hy sinh trong một trận chiến không cân sức với gần 5 vạn quân Chiêm để bảo vệ sự an toàn của Công chúa Huyền Trân trên đường hồi cố quốc.
Người đời sau vẫn lưu truyền lại những câu chuyện về sự anh dũng chiến đấu “một mình múa giáo địch vạn quân” của vị võ tướng tài ba”.
Thực hư câu chuyện diễn ra như thế nào, nhà sử học Lưu Anh Rô dẫn lại: Vào mùa hạ năm Đinh Mùi – 1307, sau gần một năm làm dâu Chiêm quốc được tấn phong Hoàng hậu với mỹ hiệu Paramesvari thì vua Chế Mân không may gặp bạo bệnh qua đời.
Công chúa Huyền Trân trở thành góa bụa khi mới bước vào tuổi 20. Theo tập tục của người Chăm lúc bấy giờ thì “Vua chết, hậu phải chết theo”, nhưng do Công chúa Huyền Trân đang mang thai Thái tử Chế Đa Đa nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại.
Đến tháng 10 năm đó chuyện công chúa chuẩn bị lên giàn hỏa thiêu truyền về Thăng Long khiến vua Trần Anh Tông xót xa, lo lắng không nguôi. Vua cho vời các triều thần đến bàn bạc kế sách nhưng không ai đưa ra được chủ kiến hay để giải cứu công chúa.
“Lúc này, võ tướng Trần Khắc Chung đứng ra giữa triều xin lĩnh trọng trách sẽ lên đường vào Nam đưa công chúa hồi quốc. Ông chỉ xin mang theo 5.000 quân sĩ, lương thảo cùng một số chiến thuyền lớn để vượt biển.
Tượng Huyền Trân Công Chúa bằng đồng tại đền thờ ở Huế
Nghe có lý, vua Trần Anh Tông thuận lòng và ra chiếu chỉ sai quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn cùng đoàn tùy tùng đi thuyền sang Chiêm quốc viếng tang, nhằm thực hiện kế hoạch giải cứu Công chúa Huyền Trân về Đại Việt” ông Rô kể.
Trước khi tiến vào địa phận của Chiêm Thành, Khắc Chung viết một bức mật thư sai người đưa cho công chúa để thông báo kế hoạch. Theo thư này, công chúa Huyền Trần sẽ yêu cầu được dựng đàn cầu siêu cho chồng ở một nơi hiểm yếu, gần biển, không ai được quấy rầy.
Lợi dụng lúc quân lính canh gác lơ là, xe ngựa của Huyền Trân nhìn về phương Bắc “trực chỉ”. Sau khi làm lễ tế ở bãi biển Thị Nại (Quy Nhơn), võ tướng Trần Khắc Chung cùng An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng theo mưu kế định sẵn, đã đưa Công chúa Huyền Trân xuống thuyền nhanh chóng dong buồm ra Bắc.
Quân Chiêm thấy hoàng hậu bỏ trốn liền rượt đuổi, nhưng bị quân Việt phục binh tiêu diệt toàn bộ số thiết kỵ của Chiêm Thành.
Tháo chạy khỏi Quy Nhơn (thủ phủ của Chiêm Thành), Đoàn chiến thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung từ Bình Định ra Thăng Hoa, vào cửa Đại Chiêm (Cửa Đại) rồi theo đường sông Cổ Cò ra Cẩm Lệ (Đà Nẵng).
Từ đó, họ đi bằng đường bộ đến Xuân Sơn Hoa Ô (Nam Ô)… Tại làng Nam Ô, đoàn người nán lại để tìm cách vượt Ải Vân ra thành Hóa Châu (thuộc quyền quản lý của Đại Việt).
Khi biết Công chúa Huyền Trân cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung đang trên đường từ Chiêm quốc về lại Đại Việt, dân làng Nam Ô lúc bấy giờ đã tiếp đón và che chở một thời gian…
Nhưng, chẳng bao lâu sau, quân Chiêm nghe ngóng được sự tình, kéo đến bao vây bốn mặt. Dân làng đã cùng đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung chống trả quyết liệt. Gia phả họ Đặng của làng chài Nam Ô còn chép lại:
“Tướng Trần Khắc Chung chỉ huy quân sĩ lập các chiến lũy ngăn cản quân Chiêm xông vào làng. Đích thân ông cầm giáo, dẫn quân chặn ở cửa ngõ chính dẫn vào đình làng, nơi công chúa Huyền Trân đang thiền tọa.
Giao tranh ác liệt diễn ra hơn bốn ngày, bốn đêm, quân sĩ hy sinh vô số. Bước sang ngày thứ 5 thì Đại Việt chỉ còn gần 300 lính quyết tử chiến ở bốn cửa ngõ, người làng buộc phải cầm vũ khí chống quân Chiêm”.
Lúc này, Trần Khắc Chung có hai vị tướng tài là: “Tiền quân oai” và “Hậu quân oai”. Nhưng vị hậu quân oai hi sinh ở sông Cẩm Lệ, chỉ còn lại vị tướng tiền quân xin nguyện ở lại chống giặc.
Vị tướng này đã chỉ huy toán quân gần 200 lính, liều chết đánh chặn hậu để ông dùng thuyền nhẹ đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi và cả đoàn dong buồm thẳng hướng Hòn Hành, thoát ra thành Hóa Châu.
Phát hiện có đoàn người chạy trốn ra khỏi làng, quân Chiêm càng đẩy thế tấn công, dồn hết bốn điểm chống cự lại co cụm giữa sân đình. Nhưng viên tùy tướng vẫn anh dùng chiến đấu, cầm đao lao vào ngăn giặc, không cho quân binh truy đuổi theo đoàn hộ giá Công chúa.
Khi những chiếc thuyền của võ tướng Trần Khắc Chung mờ khuất trong màn sương khói khơi xa thì thế trận phòng ngự của quân Việt cũng tan vỡ. Viên tướng giữ nhiệm vụ đánh chặn hậu cùng hơn 200 binh lính cũng anh dũng hy sinh.
Sử cũ chép lại: “Ông là người Việt đầu tiên ở lại đất Chiêm Thành và chết trên đất Chiêm Thành. Sau vào thời Chế Bồng Nga, người Chiêm lấy lại đất này, phá bia mộ ông nên ông thành người vô danh”.
Ghi nhớ công đức mở đất phương Nam của Công chúa Huyền Trân, dân làng Nam Ô lập miếu thờ bà. Còn vị tướng dưới trướng Trần Khắc Chung lâm trận hy sinh cũng được chôn cất tử tế và phong làm tiên hiền của làng…
Trước di tích mộ tiền hiền làng Nam Ô, ông Lê Hào ngậm ngùi đọc mấy câu trong bài văn tế được truyền lại từ hàng trăm năm trước:
“Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình” (Tạm dịch: Sấm mây xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, bồn chồn nhớ nước, kiên gan chờ nuốt cả kình ngư).
Bài văn tế được xướng lên trong ngày giỗ tiền hiền của làng Nam Ô vào mỗi độ 24/6 âm lịch hằng năm.
Thực hư câu chuyện oan tình ở ngôi miếu cổ
Trên đường đưa tôi đến di tích ngôi mộ của vị tướng quân tử trận đã hơn 700 năm trước, cụ Hào cho hay, di tích mộ tiền hiền làng chài Nam Ô nằm trên một doi cát, bên chân sóng. Đứng ở nơi này phóng tầm mắt nhìn về núi Xuân Dương trông dải núi nhô ra phía biển tựa như một lưỡi kiếm.
Xa hơn nữa là Hòn Hành cũng tách biệt với dãy núi Hải Vân chơ vơ, cô độc giữa mênh mông sóng vỗ, ẩn hiện trong làn sương khói lênh đênh. Gió biển thổi lồng lộng, song chất giọng “ăn sóng, nói gió” của người đã ngoài lục tuần, cụ Hào cứ sang sảng khi đọc hai câu đối khắc trước trụ đá nhà bia:
“Hóa công lưu nghiệp thiên thu tại/ Ba huệ khai cơ vạn cổ tồn”. Rồi cụ Hào giải thích rằng, hai câu thơ trên đã lưu truyền từ hàng trăm năm qua để ghi nhớ người có công mở mang, bờ cõi.
Trong câu chuyện do cụ Hào và ông Rô kể, những chi tiết hư hư, thực thực đan xen lẫn nhau khiến câu chuyện càng trở nên kỳ bí, lạ lùng.
Theo ông Rô, trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn phát hành vào thời Hậu Lê – năm 1697, tức là sau 390 năm xảy ra vụ giải cứu Công chúa Huyền Trân thoát họa “lửa thiêu” của người Chiêm Thành, ông lên án gay gắt đối với võ tướng Trần Khắc Chung, nhất là chuyện tư thông với Công chúa Huyền Trân.
Có thể, từ cơ sở này nên nhiều người đời sau đã thêu dệt nên câu chuyện tình đầy lâm ly, bi đát giữa Công chúa Huyền Trân và võ tướng Trần Khắc Chung. Thậm chí, có người còn dựa vào câu ca dao:
“Tiếc thay hạt gạo trắng ngần. Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm”, cho là dân gian muốn ám chỉ câu chuyện thất tiết của nàng công chúa Đại Việt “Mượn màu son phấn. Đền nợ Ô, Lý”.
Chuyện xưa đến nay còn truyền rằng, sau khi được viên tùy tướng chặn hậu, Trần Khắc Chung dẫn công chúa dong thuyền, vượt biển. Gặp lại vị tình lang trong mộng, hai người quấn quít bên nhau, bất chấp kẻ hầu, người hạ đứng vây quanh.
Tướng Khắc Chung đã yêu cầu công chúa cùng vào đồn trú ở thành Hóa Châu, không trở về Thăng Long nữa, để mãi mãi sống kiếp “phu – thê”. Nhưng công chúa Huyền Trân không đồng ý, một mực khuyên can Khắc Chung về triều, rồi xin anh (vua Trần Anh Tông) đứng ra làm mai mối cho cuộc tình duyên dở dang.
Tuy nhiên, phần đông sử gia ngày nay khẳng định, câu chuyện tình là sự gán ghép ác ý của các sử gia thời Hậu Lê. Vì rằng, trên bước đường giải cứu Công chúa Huyền Trân, không chỉ có mỗi võ tướng Trần Khắc Chung mà còn có An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng.
Vả lại, Khắc Chung vốn người họ Đỗ, song do đã lập nên công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 nên được nhà vua ban quốc tính đổi thành Trần Khắc Chung, phong chức Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ thì con người đảm lược tài ba ấy đâu thể làm chuyện bại hoại danh tiếng.
Thêm vào đó là sự chênh lệch tuổi tác giữa Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân… Ông Rô cũng bác bỏ giả thuyết võ tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp Huyền Trân Công chúa từ bãi biển Thị Nại đưa ra biển lớn và đi loanh quanh trên biển một năm sau mới về tới Thăng Long.
“Điều ấy hoàn toàn vô lý, bởi vì tiết trời tháng 9, tháng 10 ở miền Trung mưa, bão liên miên. Một chiếc thuyền nhỏ làm sao có thể bám biển, chống chọi với phong ba bão tố.
Huống gì, thuyền nhỏ để cho võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân tư tình thì thử hỏi An phủ sứ Đặng Văn cùng những người khác trong đoàn tùy tùng đi ngã nào?”.
Từ đó, ông Rô dẫn lại chuyện kể về trận đánh chặn hậu của vị tùy tướng ở làng Nam Ô, cùng miếu thờ vọng Huyền Trân Công chúa, cho thấy dù đây là chuyện ngoài chính sử, song cũng thêm một cứ liệu xác đáng để các nhà khoa học quan tâm mà có thể rửa sạch mối oan tình bấy lâu nay người đời đồn đại giữa võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân.
Rời di tích mộ tiền hiền làng Nam Ô, tôi đến miếu thờ dưới núi Xuân Dương. Trước cảnh ngôi miếu cổ hàng trăm năm tuổi đổ nát theo thời gian mà không khỏi chạnh lòng. Các bô lão cho biết, khắc ghi lời dạy của cha, ông, hằng năm, cứ “xuân thu nhị kỳ” dân làng đều cúng tế tại miếu này.
Song, việc trùng tu, bảo tồn di tích thì chưa có sự quan tâm của cơ quan chức năng. Họ cũng tiết lộ về những bài vị trong miếu là do mới được làm lại sau này chứ không phải có cùng thời khi ngôi miếu được xây dựng.
Vì thế, có thể tên những vị thần ghi trên bài vị khác với ý nghĩa được truyền tụng trong dân gian… “Vùng đất rộng lớn thuộc hai châu Ô – Lý, kéo dài từ bờ Nam sông Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) vào đến bờ Bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam), trở thành đất của Đại Việt, kể từ khi Chế Mân dâng cho vua Trần làm sính lễ để xin cưới Huyền Trân Công chúa (1306).
Cho nên, khắp dải đất này nhân dân lập nên nhiều ngôi miếu thờ tưởng nhớ công lao của nàng công chúa “lá ngọc cành vàng” phải ra đi làm dâu Chiêm quốc vì nghĩa nước non…
Nên cần phải làm sáng tỏ mối oan tình giữa võ tướng Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân để rửa sạch những vết nhơ trong lịch sử” – ông Rô nói.
Theo một tài liệu mang tên “Đà Sơn phổ chí” do Tiến sĩ sử học Lưu Trang phát hiện nhiều điều rất thú vị.
Đó là sau đám cưới của Công chúa Huyền Trân với Chế Mân khoảng 40 năm, Vua Trần Minh Tông còn gả một nàng công chúa khác cho vị tướng quốc người Việt gốc Chăm là ông Phan Công Thiên, người được hậu thế phong thành tiền hiền làng Đà Sơn (nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).
Nàng công chúa này đã xin vua cha cho chở nhiều thóc, trâu vào và dạy cho dân từ đèo Hải Vân đến bờ Bắc sông Thu Bồn cày cấy. Nàng còn chỉ dạy người dân làm hàng chục kho lớn để chứa thóc giống…
Trở lại câu chuyện giải mối oan tình cho công chúa Huyền Trân, ông Rô và cụ Hào đều khẳng định, trận đánh chặn quân Chiêm ở làng Nam Ô là có thật và được gia phả của ba dòng họ lớn ở làng chép lại là: họ Đặng, họ Lê và họ Trần.
Nên câu chuyện thêu dệt, võ tướng Trần Khắc Chung dùng thuyền cướp công chúa Huyền Trân lênh đênh một năm trên biển và tư thông với nhau là không có cơ sở.