Sự hình thành và phát triển Văn Học Bát Nhã
Sự hình thành và phát triển Văn Học Bát Nhã
Luật Thiện
- GIỚI THIỆU
Vào giữa 100 năm đến 200 sdl., Phật giáo Đại thừa phát triển phong phú về kinh điển, và nếu ai muốn tìm đến tinh thần của Đại thừa thì có thể tìm thấy nó ở trong kinh Pháp Hoa và Duy-ma-cật. Tuy nhiên, học thuyết chính yếu của Phật giáo Đại thừa lại được trình bày ở trong hệ thống kinh điển Bát-nhã.
Phật giáo các thời kỳ đều so sánh thế giới này khổ đau, sanh tử này với dòng sông cuồn cuộn chảy. Ở bên này bờ bị hành hạ bởi các bất an và phiền não. Bờ bên kia chính là Niết-bàn, nơi tất cả phiền não, cái tôi riêng biệt đều chấm dứt. Những kinh điển của Bát-nhã trong khi đó, rất là súc tích và khó hiểu khi cho rằng chính ngay trong sinh tử chính là Niết bàn, ngay trong cái hiện tượng biến thiên sinh diệt mà tìm thấy thực tại tánh không rốt ráo.
Có thể nói, vào đầu kỉ nguyên Tây lịch, với sự phát triển của văn học Phật giáo Đại thừa, sự ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hoá xã hội Ấn Độ được mở rộng theo một chiều kích mới, đa dạng trong hình thức, sâu thẳm trong tư tưởng, biến hoá trong tính cách. Từ sự khởi phát này mà tư tưởng Phật giáo được phát triển rộng rãi, đa dạng và phong phú, mở rộng ra khỏi biên giới của Ấn Độ mà vươn tận các vùng đất xa xôi khác.
Tuy nhiên, bên cạnh việc truyền bá kinh điển như thế tùy thuộc vào truyền thống và tư tưởng từng nhóm nhỏ mà không phải là của toàn bộ Tăng già, nhất là những vị Tăng đi truyền giáo khắp bốn phương thì cũng chỉ truyền bá những kinh điển và tư tưởng mình đang phụng trì. Chính sự kiện này làm cho Phật giáo mỗi nơi có mỗi dáng vẻ khác biệt. Bên cạnh việc truyền bá Phật giáo đi tứ phương, thì Phật giáo Ấn Độ cũng tiếp nhận rất nhiều cao tăng từ các phương đến. Gần đây, học giả Jan Nattier trong tác phẩm của mình, đã cho rằng Bát-nhã Tâm Kinh, bộ kinh nổi tiếng nhất của văn học Bát-nhã, là kinh điển ngụy tạo của Trung Hoa, được viết từ những bản dịch của Bộ Bát-nhã. Rồi từ Trung Hoa, Bát-nhã Tâm Kinh được truyền bá ngược trở lại vào Ấn Độ và dịch ra Phạn văn, có thể bởi ngài Huyền Tráng (Nattier 1992). Tương tự chính là bộ Kinh Dược Sư cũng được truyền bá vào Ấn Độ (Birnbaum 1980, trang 52).
II. Những Ý kiến Về Sự xuất hiện của Văn Học Bát Nhã
Và theo sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả (538 – 597), Đức Phật bắt đầu giảng dạy văn hệ Bát Nhã cho chúng đệ tử từ năm thứ hai mươi kể từ khi Ngài thành đạo.
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật A hàm thập nhị, Phương đẳng bát Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm Pháp hoa, Niết Bàn cộng bát niên.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự phán giáo có ý nghĩa hết sức tương đối, vì sao? Vì nếu chúng ta đọc kỹ các kinh thuộc văn hệ A-hàm hay Nikāya… chúng ta thấy rằng, ở trong các kinh này, Đức Phật cũng đã trình bày giáo lý Duyên Khởi, Không, Vô thường, Vô ngã và Niết Bàn một cách tóm tắt và cô đọng, và những giáo lý nầy đã được Đức Phật trình bày một cách sâu rộng và có hệ thống ở trong Văn hệ Bát-nhã mà thôi.
Do đó, suốt bốn mươi chín năm du hóa, tùy theo căn cơ và khả năng tu chứng của hàng đệ tử nghe pháp mà Đức Phật thuyết giáo với giáo lý hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc rộng, hoặc hẹp, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc cô đọng, hoặc khai triển, hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc không thể nghĩ bàn…. chứ không phải đi theo một tuần tự rạch ròi, mang tính khoa bản như sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả.
Kim Cang Tiên Luận 1 có nêu quan điểm Ngài Thế Thân (Vasubandhu; 316-396) cho rằng Bát-nhã được Đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương Xá, bắt đầu từ năm thứ năm, kể từ khi Đức Thế Tôn thành đạo và kinh Kim Cang Bát Nhã đã được Đức Phật giảng dạy sau cùng trong văn hệ Bát-nhã, và cũng theo Ngài Thế Thân các kinh thuộc văn hệ Bát- nhã trước Kim Cang, Đức Phật dạy cách loại trừ “tướng”, nhưng chưa triệt để, đến thời sau cùng, là nhắm tới dùng Bát-nhã để chặt đứt mọi sự mắc kẹt của tâm vào các tướng một cách triệt để, do đó mà gọi văn hệ Bát Nhã sau cùng là Kim Cang (Kim Cang Tiên Luận 1, bản Hán dịch của Ngài Bồ Đề Lưu Chi, tr 798a, Đại Chính Tân Tu 25).
Gần đây, các học giả, khi nghiên cứu về văn học Bát-nhã đều có chung ý kiến rằng từ bộ kinh đầu tiên là Bát thiên tụng Bát-nhã, những tư tưởng căn bản được triển khai rộng ra thành những bộ kinh dài (như Bách thiên tụng), và rồi sau đó lại được rút gọn thành những bộ kinh tóm lược (như Bát-nhã Tâm Kinh).
Tóm lại, Kinh điển thuộc hệ thống Bát-nhã được phát triển hơn 1000 năm. Theo Eward Conze có thể phân chia sự phát triển văn học Bát-nhã thành 4 giai đoạn:
- Hình thành bộ kinh căn bản (khoảng 100 năm trước Công nguyên đến 100 năm sau Công nguyên);
- Phát triển (mở rộng) các kinh văn (khoảng 100-300 năm sau Công nguyên);
- Giai đoạn trình bày lại kinh điển trong hai hình thức: 3a) những bản kinh ngắn và 3b) tóm tắt bằng kệ tụng (khoảng 300 – 500 năm sau Công nguyên) và;
- Giai đoạn ảnh hưởng Mật giáo và tiếp thu những yếu tố huyền thuật (khoảng 500-1200 năm sau Công nguyên).
III. Giai đoạn hình thành (110Tcn-100Cn)
- Thời điểm
Theo T.R.V Murti thì có nhiều chứng cứ để tin rằng Bát thiên tụng bát-nhã (Perfection of Wisdom in 8,000 Lines) là bộ kinh cổ nhất và căn bản nhất của hệ thống kinh văn Bát-nhã mà về sau nó được phát triển, mở rộng thành các kinh văn dài khác như Bách thiên tụng, nhị vạn ngũ thiên tụng… rồi sau đó được rút gọn thành các bộ kinh ngắn khác như Văn thù sư lợi Bát-nhã, Kim Cang và cả Tâm Kinh. Bản kinh Bát thiên tụng bát-nhã được Chi-lâu-ca- sấm dịch ra Hán văn lần đầu vào khoảng năm 172stl. Do bản kinh này đã nổi tiếng tại Ấn Độ và khó khăn lắm mới được truyền qua Trung Hoa, do đó, ông khẳng định sẽ không có gì sai lầm nếu cho rằng Bát thiên tụng bát-nhã ra đời vào thế kỷ I trước CN, nếu không muốn nói sớm hơn. (Murti, 124)
Theo E. Conze, Bát thiên tụng bát-nhã (Perfection of Wisdom in 8,000 Lines), gồm có 32 chương, là bộ kinh đầu tiên nhất. Một số phần của kinh này có mặt khoảng 100 năm trước Công nguyên, còn những phần khác thì được thêm vào ở những giai đoạn sau. Để hoàn chỉnh bộ kinh này, thời gian có thể kéo dài đến hơn 200 năm.
III.2. Nơi chốn
Về nơi chốn xuất hiện của văn hệ Bát-nhã vẫn còn là điều tranh cãi.
1. Đa phần các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó có thể phát triển từ Đại chúng bộ (Mahāsāṅghikas) ở bên bở sông Kistnā, thuộc tiểu quốc Andhra (P: Andhakas), Nam Ấn. Ở gần Amarāvatī và Dhānyakaṭaka (còn gọi là Dharanikoṭa, một làng ở Palnadu, bang Andhra Pradesh), Đại chúng bộ có hai ngôi tự viện nổi tiếng là nơi thành lập hai bộ phái Đông sơn trụ bộ (Pūrvaśailas) và Tây sơn trụ bộ (Aparaśailas). Hai bộ phái này được lưu ý vì bởi:
- họ có những bản kinh Bát-nhã ngôn ngữ Prakrit;
- trình bày vấn đề “pháp giới” (dharmadhatu) giống như Bát-nhã, và;
- Phật thân luận của họ mở đường cho sự phát triển của Bát-nhã.
Những học thuyết được trình bày trong Kathāvatthu (Luận sự), được cho là của các bộ phái vùng Andhakas, thì lại giống với những học thuyết của Đại thừa, nên có thể Phật giáo Đại thừa phát triển từ họ.
2. Ngài Long Thọ,1người gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là kinh Bát-nhã, cũng đến Nam Ấn, có thể là vùng Nāgājunīkoṇḍa ở Andhaka, cách Amarāvatī không xa. Giáo sư P. S. Sastri trong Nagarjuna and Aryadeva đã đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh Nāgājuna là người Theo Tāranātha, ngài Long Thọ sống ở vùng Dhānyakaṭaka, và cái tên Bhadanta Nāgārjunācārya (⼤德⿓樹阿阇梨) xuất hiện trong bia kí được tìm thấy ở gần tháp Phật gần vùng Jaggayyapaṭa. Vùng này chịu ảnh hưởng của cả hai văn hóa Dravidian và Hy Lạp, nên Grousset gọi tháp ở Amarāvatī là “sự tổng hợp văn hóa Dravidian và Hy Lạp” (Dravido-Alexandrian). Và theo E. Conze, từ những phân tích chi tiết về sự liên hệ về triết học giữa văn học Bát-nhã và triết học Địa Trung Hải thì điều này dường như hữu lý. Ngòai ra, cộng đồng dân cư ở Andhaka không phải là người Aryan vì họ nói tiếng Telugu, cùng với truyền thống mẫu quyền của người Dravidians có gì đó liên hệ với việc đưa vào tín ngưỡng “Mẹ của chư Phật” vào văn học Phật giáo.
Trong lá thư Suhṛllekha viết cho vua Śātavāhana có nói rằng, ngài Long Thọ đã vào Long cung để thỉnh kinh Bát-nhã đem về lưu hành.2 Một minh chứng rõ ràng cho truyền thuyết này cũng được tìm thấy trong bản kinh Nhị vạn ngũ thiên tụng thế kỷ thứ 11stl, hiện được lưu trữ trong bảo tàng Baroda.
3 . Trong Bát thiên tụng Bát-nhã, có đoạn nói “sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn” trí tuệ Bát-nhã sẽ được truyền về phương Nam, rồi truyền qua phía Tây, sau đó lên phía Bắc. Tất cả những văn bản được lưu giữ về Bát-nhã, từ những bản xưa nhất, được lưu trữ tại Trung Hoa, đa phần đều đồng ý rằng lộ trình truyền bá văn học Bát-nhã bắt đầu từ phía Nam, hoặc là Đông-Nam. Hơn nữa, trong Văn-thù Sư-lợi Căn bản tục (Mañjuśrimūlatantra; ⽂殊師利根本續), như được chỉ ra bởi Obermiller,3 thừa, thì có 4 nơi diễn nói kinh điển Đại và Bát-nhã “được tuyên thuyết ở phương Nam”.
4 . Bằng chứng về nơi phát xuất của Bát-nhã ở Nam Ấn chỉ là vấn đề suy diễn mà chưa có kết luận cụ thể. Gần đây, E. Lamotte (Sur la formation du Mahāyāna, Asiatica, 1954, p. 386) đặt vấn đề này trở lại và nghiêng về giả thiết Bát-nhã được viết ở từ vùng Tây Bắc Ấn cụ thể là Khotan (Vu-điền). Tuy nhiên, theo E. Conze, có thể Nam Ấn là nơi khởi điểm, còn Bắc Ấn là nơi Bát-nhã tồn tại, phát triển. Một học thuyết tư tưởng mới có thể phát sinh ở một vùng đất mà nơi đó, hoàn cảnh, lịch sử môi trường có thể không thuận lợi cho việc phát triển, tồn tại thì nó phải chuyển qua khu vực khác, cụ thể là Tây Bắc Ấn, rồi từ đó truyền bá đi các nước Trung Á, Nepal và dịch sang các thứ tiếng khác.
Cũng không phải là vô lý khi mà kinh điển mới tồn tại bằng khẩu truyền một thời gian trong ngôn ngữ Prakrit ở vùng mà nó xuất hiện, và rồi sau đó, vào khoảng đầu Công nguyên, nó được chuyển thành chữ viết của ngôn ngữ Sanskrit Hỗn chủng (Buddhist Hybrid Sanskrit), từ đó không còn liên hệ đến ngôn ngữ Prakrit4 phương Nam nhưng lại giống với Ardha-Māgadhī5, Apabharaṃśa và cả chứa đựng một số từ ở vùng Trung Á. Một vài bằng chứng tài liệu đã cho thấy bảng chữ cái Arapacana được cải tiến khi đến Tây Bắc Ấn. Cũng thế, bảng liệt kê của A-tỳ-đàm và xuất xứ các huyền thoại cũng được biên tập lại… Do đó, những điều mà E. Lamotte đưa ra không thể hiện điều gì khác hơn là Bát-nhã trở nên cực thịnh ở Tây-Bắc Ấn dưới triều Kushāṇa (30CE-350CE), và như thế, nơi đó trở thành “pháo đài hay ngôi nhà” nhưng không phải là “cái nôi” của phong trào Phật giáo Đại thừa. Theo Mañjuśrimūlakalpa, dưới thời Kaniṣka, Bát-nhã được hình thành ở Tây-Bắc Ấn, song không phải là nơi khởi điểm, do đó, E. Conze cho rằng nguồn gốc ở Nam Ấn vẫn là vấn đề chưa hẳn là không đúng.
III.3. Những kinh văn đầu tiên
III.3.1. Về Bát thiên tụng Bát-nhã
Không phải tất cả những điều chúng ta thấy trong văn bản hiện tại của Bát thiên tụng Bát-nhã đều được nói trong cùng một thời điểm. Giống như nhiều tác phẩm khác, Bát thiên tụng đã được thêm vào, chỉnh đổi qua hàng thế kỷ để phù hợp với từng thời đại khác nhau. Bằng chứng ngay trong chính văn bản, so sánh với Phật mẫu bảo đức tạng cùng với những văn bản Bát-nhã lớn hơn về sau và cùng với những bản dịch đầu tiên của Trung Quốc thì dễ dàng thấy rằng có sự phát triển lớn dần một cách rõ ràng so với văn bản gốc. Có ba điểm chính:
- Từ chương 29 đến 32 của Bát thiên tụng rõ ràng được thêm vào sau những chương còn lại bởi không tìm thấy phần tương đương trong Phật mẫu bảo đức tạng và Đại phẩm. Chương 29 là kinh văn, chương 30,31 là câu chuyện, kéo dài cho đến đầu trang của chương 32, kể về câu chuyện của Bồ-tát Thường Đề (Sadāprarudita) đi tìm cầu trí tuệ toàn hảo. Mục đích câu chuyện là để truyền đạo và khai trí. Tác giả muốn khuyến khích sự khao khát về trí tuệ toàn hảo và chỉ cho biết điều kiện để chứng trí tuệ toàn hảo.
- Bốn đoạn thêm vào ở chương 19, 27 và 28 cho thấy danh hiệu Phật A-súc được nêu lên trong kinh. Đức Phật A-súc (Akṣobhya) rất là phổ biến vào đầu Công nguyên. Sự liên kết giữa Ngài và Bát-nhã trong nguyên thủy vốn có thể là vì vấn đề tâm lý, và nó được tiếp tục cho tới giai đoạn Mật giáo. Nghiên cứu tỉ mỉ về bốn đoạn văn có tên đức Phật A-súc cho thấy rằng những tác phẩm này được viết trong thời gian mà tín ngưỡng đức Phật A-súc phát triển thịnh hành nên những tín đồ của tín ngưỡng này đã thêm vào.
Theo nghiên cứu của Jan Nattier trong “The Realm of Akṣobhya: A Missing Piece in the History of Pure Land Buddhism” tín ngưỡng Phật A-súc và A-di-đà có mặt từ rất sớm. Hiện chưa có tài liệu nào để khẳng định thời điểm và hình thức của tín ngưỡng này xuất hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào các bản dịch ra Hán ngữ của các bộ A-súc Phật quốc kinh (Akṣobhyavyūha, T.313) thì bản dịch đầu tiên nhất của kinh này xuất hiện vào năm 186 stl hoặc sớm hơn, cùng thời với bản dịch Bát thiên tụng Bát-nhã (179 stl). Trong hai tác phẩm kể trên, cùng với Ban-chu tam muội kinh (T.418), Phật A-súc, một trong chư Phật mười phương, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và rằng hành giả có thể diện kiến Ngài bằng phương pháp thiền định. Do đó, chắc chắn tín ngưỡng về hai vị này phải có mặt tại Ấn Độ sớm hơn các bản dịch này.
- Một vài chỗ thêm thắt còn nghi vấn được đề cập trong văn bản. Chẳng hạn chương 8 và 9 đã được sắp xếp sau này; chương 13 dường như sau cả Phật mẫu bảo đức tạng. Những đoạn văn trong chương 20, 21 bắt đầu lộn xộn, ý tứ không rõ ràng, văn phong lủng củng, rời rạc và về tổng thể có lẽ ra đời muộn hơn chương Cũng như thế, phần chính của chương 22 và 24 dường như được thêm vào sau này.
III.3.2. Về Phật Mẫu Bảo Đức Tạng (Ratnaguṇasaṃcayagāthā)
Kệ văn tóm tắt của kinh Bát thiên tụng, cụ thể là 28 chương đầu, được gọi là Phật Mẫu Bảo Đức Tạng (Prajñāpāramitā Ratnaguṇasaṃcayagāthā; 佛母寶德藏般若波羅蜜經). Rất nhiều kinh điển Đại thừa tồn tại trong hai hình thức: thi kệ hoặc văn vần, nhưng thường văn kệ có đầu tiên. Bản gốc của Phật mẫu bảo đức tạng hiện đã mất. Bản hiện còn chính là bản của ngài Sư Tử Hiền (Haribhadra), đã được biên tập lại tương đương với chương mục trong Bát thiên tụng vào thế kỷ thứ 8 stl.
Tình trạng của kinh này không được rõ ràng. Có 3 khả năng:
- Kệ tụng đã tạo thành một phần Bát thiên tụng, và sau đó tách biệt thành hai;
- Kệ tụng là bản gốc của Bát thiên tụng.
- Kệ tụng được viết sau
Thật khó để minh định vấn đề này rõ ràng bởi trong một vài trường hợp Phật mẫu bảo đức tạng và Bát thiên tụng tương thích từng chữ, một số nơi khác thì Bát thiên tụng có vẻ được viết lại hoặc tóm tắt lại, hoặc dường như được viết trước bởi vì văn của Phật mẫu bảo đức tạng rất súc tích và khó hiểu nếu như không đối chiếu với Bát thiên tụng.
Cụ thể, từ chương 1 đến 28, Phật mẫu bảo đức tạng gần giống hệt với Bát thiên tụng. Tuy nhiên, chính ngay trong phần đó, cũng có một số kệ, khoảng 1/7 không có phần tương đương trong Bát thiên tụng. Mặt khác, một số trang ở trong Bát thiên tụng lại không được trình bày trong Phật mẫu bảo đức tạng. Số lượng trang thiếu xót khá lớn, khoảng chừng giữa 1/2 và 1/3 trên tổng số trang. Còn phần kệ tụng từ chương 29 đến 32 trong Phật mẫu bảo đức tạng thì hoàn toàn không tương ứng với Bát thiên tụng.
IV. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KINH BÁT-NHÃ (100sdl-300sdl)
Vào đầu Công nguyên, kinh Bát-nhã căn bản được mở rộng thành Đại Bát-nhã (Larger Prajñāpāramitā) với ba bản khác biệt như chúng ta có ngày hôm nay, gồm Bách thiên tụng bát-nhã (Perfect Wisdom in 100,000 Lines), Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã (Perfect Wisdom in 25,000 Lines) và Thập Bát thiên tụng Bát nhã (Perfect Wisdom in 18,000 Lines). Thực ra, ba bộ này chính là một, và giống nhau. Chúng chỉ khác ở chỗ phần lặp lại được sao chép. Kimura Taiken nhận xét: “xét theo nội dung thì Đại-Phẩm Bát Nhã là sự mở rộng thêm của Tiểu-Phẩm Bát Nhã, nếu trong đó tư tưởng có khai triển thì phần lớn chỉ khai triển về phương diện “diệu hữu”.” (Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận)
Phần chính yếu của thiền Phật giáo truyền thống chính là phương thức lặp lại, được áp dụng bởi một công thức hay nguyên lý cho một loạt các sự vật tương ứng. Ví dụ, nếu như nói “X là không và không chính là X” thì trong Bách thiên tụng đã ứng dụng công thức này đến 200 sự vật khác nhau, bắt đầu bởi Sắc… các pháp, cho đến các đức tính của chư Phật. 4/5, hoặc 85,000/100,000 dòng của Bách thiên tụng sử dụng hình thức lặp lại các công thức và thỉnh thoảng chúng xuất hiện trong hàng trăm trang liên tiếp nhau. (Ở bản dịch Anh ngữ, phần lặp lại này đã được giảm bớt nên chỉ còn lại khoảng 600 trang giấy in; Bản Sanskrit và Tây Tạng vẫn còn đầy các hình thức lặp lại đơn điệu như thế gây khó hiểu và cắt đứt mạch cảm xúc tư tưởng.) Bản Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã và Thập Bát thiên tụng Bát nhã thì ngắn hơn rất nhiều bởi đưa ra ít sự vật, thỉnh thoảng chỉ nêu cái đầu tiên và cái cuối. Bản Thập Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng (125,000 Lines) nếu như từng tồn tại, thì nay lại không còn. Bản 25,000 Tụng là bản ưa thích của các nhà chú giải, trong khi đó bản 18,000 tụng lại nổi tiếng ở Trung Á.
Ngoài ra, còn có hai bản kinh ngắn nhưng về bản chất thì giống chuyên luận, là bản gần giống với Phật mẫu bảo đức tạng cũng được viết trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Bản thứ nhất chính là Ngũ Bách Tụng Bát-nhã (Perfect Wisdom in 500 Lines= The question of the Bodhisattva Nāgaśrī). Bản này sử dụng những khái niệm cơ bản của Bát-nhã Ba-la- mật cho nhiều vấn đề khác nhau, từ khất thực, ăn uống, thức ăn… Bản còn lại chính là Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa. Kinh này liên hệ đến mặt ứng dụng thực tiễn của Bát-nhã trong xã hội, trong đó dạy rằng một vị vua thực hành Bát-nhã sẽ tăng trưởng công đức và nhận được sự gia hộ của đại Bồ-tát, người sẽ diệt trừ mọi tai ương để bảo vệ đất nước. Edward Conze tin rằng phần lớn kinh này có lẽ được viết ở Trung Hoa.
(Nhân vương hộ quốc kinh còn gọi Nhân vương bát-nhã kinh, Nhân vương kinh, có hai bản dịch, một là của Cưu-ma-la-thập, đề Phật thuyết nhân vương bát-nhã-ba-la-mật kinh(T 245), bản kia là của Bất không, đề Nhân vương hộ quốc bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (T 246).
Trong các ghi chép về quá trình phiên dịch kinh điển từ xưa, ngoài hai bản hiện còn kể trên, người ta còn thấy ghi chép về bản dịch của Trúc Pháp Hộ vào đời Tấn và của Chân đế vào đời Lương. Cuốn Kinh pháp lục xuất bản đời nhà Tuỳ cũng xếp kinh này vào những kinh có nội dung đáng nghi ngờ, và có tên là Nhân vương kinh, 2 quyển, cuối kinh có ghi chú: “Những ghi chép khác nói kinh này do Trúc Pháp Hộ dịch, nhưng đầu quyển kinh lại ghi là do Cưu-ma-la-thập tuyển tập những lời Phật dạy, nay xem xét nghĩa lý, văn từ của kinh, trước sau đều nghi rằng không phải do hai vị Hiền tăng dịch (tức chỉ Trúc pháp hộ và La-thập), cho nên xếp nó vào tạng những kinh khả nghi”. Trong cuốn Du-già sư địa luận lược toản, quyển 10, Khuy Cơ đã thuật lại lời của thầy mình là Huyền Tráng rằng, khi ở Ấn độ Huyền Tráng chưa từng nghe nói đến bản kinh này, do đó, có hay không nguyên bản tiếng Phạn cũng trở thành vấn đề khả nghi. (theo khảo cứu ‘Thử tìm hiểu kinh Nhơn vương hộ quốc’ của Thích Nguyên Hùng))
V. GIAI ĐOẠN BIÊN TẬP & TÓM LƯỢC (300sdl-500sdl)
Phạm vi rộng lớn cũng như sắp xếp lộn xộn của những bộ kinh Bát-nhã đã gây ra những khó khăn, trở ngại cho thế hệ sau. Sự phát triển vượt bậc trong ba thế kỷ đã tạo ra hệ văn học đồ sộ, tạo được tiếng vang lớn nhưng đồng thời cũng khó cho tín đồ nắm bắt. Tư tưởng thì quá cao thâm và trừu tượng, không dễ gì để thực hành theo nên phương thức lặp đi lặp lại được sử dụng nhiều lần để giải quyết vấn đề. Cuối cùng, bởi vì bản kinh được tập hợp từ những luận thuyết rời rạc trong những thời điểm khác nhau, người ta đã phải phân loại các luận thuyết, do đó, hai hình thức sáng tạo mới đã ra đời:
- Những kinh mới và ngắn hơn mang tính triết lý;
- Tóm tắt một cách ngắn gọn những bộ kinh lớn.
V.1. Những bộ kinh ngắn
Trong những bản kinh ngắn thì bản kinh hay nhất lại là bản kinh ra đời sớm nhất, cả hai đều có mặt trước 400 năm sdl. Đó là Tâm kinh (Prajñāpāramitāhṛdaya), gồm Lược bản (14 tụng) và Quảng bản (25 tụng) và kinh Kim Cang (300 tụng).
1 . Tâm kinh, bản kinh tuyệt diệu nhất của loài người, trình bày lại Chân lý 4 sự thật dưới ánh sáng của tánh Không.
Bản lược thông dụng ở Trung hoa và Nhật bản.
Donald S. Lopez (1988, pp. 8-13) cho rằng, theo khảo cứu các văn bản chú thích tại Ấn Độ thì có thể thấy, Tâm Kinh xuất hiện tại Ấn Độ sớm nhất là vào thế kỷ thứ 8 sdl. Trước thời gian đó, các nhà học giả không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào để chứng minh Tâm kinh có mặt. Trong khi đó, Tâm kinh bằng Hán ngữ có mặt tại Trung Hoa và trước tiền bán thế kỷ thứ 7sdl cả 10 năm.
Theo Suzuki (Thiền và Bát Nhã), trong giới hạn mà chúng ta có thể quả quyết, Bồ-tát Quán Tự tại (Bodhisattva Avalokiteśvara) không xuất hiện trong bất cứ kinh nào thuộc văn hệ Bát-nhã (prajñāpāramitāsūtra), với nhiều tác phẩm như Śatasāhasrakā, Pañcaviṁśatisāhasrikā, Aṣṭasāhasrikā, Saptaśatikā, v.v… trong tiếng Sanskrit và bộ Đại Bát-nhã gồm sáu trăm quyển trong Hán văn và các tác phẩm tương đương trong Tạng văn. Theo đó, chúng ta có thể nói Tâm kinh là một sản phẩm hậu kỳ, và trong đó có pha trộn các yếu tố ngoại lai.
2 . Kinh Kim Cang, mặc dù văn chương hơi lủng củng, lại đưa ra một cái nhìn tổng quát mang tính hệ thống của kinh văn Bát-nhã. Giới hạn trong một vài chủ đề chính nhưng Kim Cang khơi gợi tuệ giác một cách trực tiếp, vượt ra khỏi luận lý thông thường. Do đó, Kinh này trở thành một trong những bộ kinh nổi tiếng, cao quý, uyên áo và ảnh hưởng nhất của Phật giáo Đại thừa. Kinh dạy rằng hãy quán chiếu các pháp đều là không. Tuy từ Không (empty) không được sử dụng, nhưng triết học tánh Không được nói đến trong Kim Cang trên cả ba phương diện: bản thể, tâm lý và luận lý.
a . Về mặt bản thể. Vô ngã của các pháp nghĩa là không có một pháp nào. Ngay cả các pháp tuyệt đối cũng không hiện hữu, huống hồ phương pháp tu tập.
b. Về mặt tâm lý. Kinh kêu gọi thực hành tư tưởng “vô trụ” nghĩa là không vướng mắc, không dính mắc vào bất cứ một nơi nào, hoặc dựa vào, an trụ vào bất cứ nơi đâu.
c . Về mặt luận lý. Kinh dạy rằng mỗi khái niệm chính trong Phật giáo đều tương ứng với mặt đối lập của nó. Công thức đặc biệt được sử dụng tư tưởng này đó là “Công đức lớn, này Tu-bồ-đề, đức Như Lai dạy rằng không phải là công đức lớn nên mới được gọi là công đức lớn.” Công thức đó cũng áp dụng cho tất cả chúng sanh, sắc thân Như Lai, các Uẩn, Nhẫn ba-la-mật, thiện pháp, vọng tưởng,…
3. Ngoài Kim Cang và Tâm kinh, những bản kinh tóm lược khác được viết vào thế kỷ thứ 5 hoặc đầu thế kỷ 6 stl., gồm Thất bách tụng Bát-nhã (Perfect Wisdom in 700 Lines), Nhị thiên Ngũ bách tụng Bát-nhã (Perfect Wisdom in 2,500 Lines), và thậm chí còn có Ngũ thập tụng Bát-nhã (Perfect Wisdom in 50 Lines). Những kinh này khác với những kinh trước đó ở chỗ nhấn mạnh về tính trái ngược, tự mâu thuẫn của học thuyết tánh Không. Và một trong những nét đặc trưng của văn kinh này chính là cố gắng làm sáng tỏ ‘mật nghĩa’ của Như Lai.
V.2. Sự ảnh hưởng của các phái Duy thức
Trong những bộ luận tóm lược bằng kệ thì nổi tiếng nhất chính là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayālaṅkāra; 現観荘厳論) được viết vào thế kỷ thứ 4 stl., tương truyền do ngài Di Lặc soạn. Bộ luận này tóm tắt lại nội dung của Nhị vạn Ngũ thiên tụng Bát-nhã và giới thiệu hệ quả tất yếu của luận thuyết của kinh, cùng lúc đó phân chia từng phần kinh văn dựa theo tiến trình tâm linh qua đó giúp hành giả dễ dàng tiến đến Phật quả. Về nguyên do soạn thuật luận này, cứ theo Bát thiên tụng bát nhã thích luận của ngài Sư tử hiền (Haribhadra) thì vì trong kinh Bát nhã ba la mật đa có nhiều chỗ trùng lập, nhiều chỗ ý nghĩa rất sâu xa khó hiểu, nên ngài Vô trước thỉnh cầu bồ tát Di Lặc giải thích rõ kinh Bát- nhã, do đó mà ngài Di Lặc tạo luận này.
Dù hơi giản lược ở nhiều chỗ, bộ luận này thật là vô giá cho những ai muốn tìm hiểu về Bát-nhã. Nó cũng tạo ảnh hưởng rất lớn trong việc luận giải tư tưởng Bát-nhã trong nhiều thế kỷ tiếp theo ở Ấn và Tây Tạng, dù không nổi tiếng ở Trung Hoa.
Những nhà Duy thức khác cũng viết Kệ tụng tóm lược về nội dung Bát-nhã gồm có Vô Trước (Asaṅga, 300-370) viết Năng đoạn kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh luận tụng (āryabhagavatī prajñāpāramitā vajracchedikā saptārthaṭīkā), và Trần Na (Dignāga, ~480-540tl) trong tác phẩm Bát-nhã Ba-la-mật-đa Viên Tập Yếu Nghĩa Luận (Prajñāpāramitāpiṇḍārtha /Prajñāpāramitāsaṃgraha; 般若波羅蜜多圓集要義論) ngài đã chú giải về Bát thiên tụng bát-nhã bằng cách sắp xếp giáo lý thành 32 chủ đề và nhấn mạnh chủ yếu ở 16 loại tánh không.
VI. Giai đoạn ảnh hưởng bởi Mật tông
Sau 600 năm stl., với sự phát triển của Mật tông (Tantra), đã nảy sinh phong trào muốn đưa những tư tưởng và hương vị mới vào Bát-nhã. Những khái niệm mới của triết học Kim Cương thừa, tuy nhiên, chỉ được giới thiệu trong trường hợp của Adhyardhaśatikā. Sự ảnh hưởng Mật tông lên Bát-nhã được thể hiện qua ba đặc tính riêng biệt:
VI.1. Thần chú-Phương thức mới
Cô đọng thông điệp của Bát-nhã vào trong hình thức những câu thần chú đơn giản, ngắn gọn nhưng hiệu quả. Trong Bát thiên tụng, Bát-nhã ba-la-mật được mô tả như là minh chú (vidyā) và là trời Đế thích (Indra) được khuyên nên dùng nó để chiến thắng A-tu-la. Tâm kinh (khoảng 350 tl) thì được thêm thần chú ở sau. Bản dịch Mahāmāyūri của Cưu-ma-la-thập (400 tl.) đề cập đến Bát-nhã ba-la-mật đà-la-ni (Prajñāpāramitā-dhāraṇi) ngay phần đầu tiên.
VI.2. Thần thông và cầu nguyện
Theo De Visser trong Ancient Buddhism in Japan, sự ảnh hưởng to lớn của Bát-nhã đã giúp gợi mở nó nên được sử dụng như là nguồn năng lượng vô biên, do đó từ thế kỉ 6tl về sau, những nhà quản lý đã sử dụng Kinh cho các hoạt động sám hối và cầu thần thông, ứng nghiệm như cầu mưa, diệt trừ bệnh tật, tai ương… Vào thế kỷ thứ 7, vua Harṣavardhana và Huyền Trang (Hsūan-tsang) xem Tâm kinh như là thần hộ mạng. (Chuyện kể rằng Huyền Trang (~618) gặp người đàn ông bệnh tật, thương cảm nên cho áo quần thức ăn. Người bệnh, nhớ ơn nên mới cho Huyền Trang Tâm Kinh. Từ đó, Huyền Trang đem theo bên mình để trì tụng. Khi vượt qua sa mạc Gobi rộng lớn, với biết bao chướng ngại, nhờ niệm Tâm Kinh nên vượt qua tất cả.) Trong văn học Mật giáo, Bát-nhã ba-la-mật được trình bày qua hình thức của chủng âm thần chú (bīja-mantra), chân ngôn và đà-la-ni6.
Vào khoảng 550 stl., những hình thức biên tập kinh kiểu cũ đi đến hồi kết. Vào khoảng 600-1200 năm stl, một loạt bài tóm tắt mang tính Mật tông về Bát-nhã được thực hiện, tất cả đều rất ngắn. Đặc sắc nhất chính là Perfection Wisdom in a Few Words, dùng để đối lập lại Tâm Kinh. Trong khi Tâm Kinh dành cho những bậc thượng căn lợi trí, thì kinh này lại dành cho “thiểu trí”, “không có khả năng lãnh thọ giáo pháp huyền vi”, “ít công đức” và “ngu độn”.
Có khoảng 10 bộ kinh Bát-nhã Mật tông khác được tìm thấy trong Tạng Kanjur của Tây Tạng. Một trong số đó chính là Nhất Tự Bát-nhã (Perfection Wisdom in One Letter). Nhất tự đó là chữ A (अ). Chữ này được cho là dung chứa và biểu hiện trí tuệ Bát-nhã. Một bộ khác nói về 108 tên gọi và phân loại bát-nhã. Một bản kinh khác nữa có tên “Nhất Bách Ngũ Thập Bát-nhã” (Perfection Wisdom in 150 Lines) được viết trước năm 650 stl. Tuy gọi là Bát-nhã nhưng thực ra kinh này thuộc Mật tông vì trình bày những tư tưởng của Mật tông
VI.3. Thần cách hóa
Cuối cùng, Bát-nhã được thần cách hóa để trở thành vị thần trong hệ thống thần linh, trở thành đối tượng của tín ngưỡng, và rất nhiều nghi thức hành lễ để cầu sự cảm ứng từ năng lực của Ngài. Thực ra, việc nhân cách hóa thần Bát-nhã đã diễn ra vào thế kỷ thứ 4 stl. Những hình tượng đầu tiên nhất của Bồ-tát Bát-nhã được có mặt vào thế kỷ thứ 4 được ghi chép trong tư liệu của Ngài Pháp Hiển. Tuy nhiên biểu hiện sớm nhất của thần Bát-nhã hiện không còn, cái còn lại thì không sớm hơn 800 stl. Những tư liệu văn bản cổ xưa nhất hiện chỉ còn lưu trữ văn tạng Hán ngữ. Bản kinh xưa nhất Dhāraṇisamuccaya, được dịch sang Hán ngữ vào năm 625 stl. Kinh dành một chương rất dài nói về Bồ-tát Bát-nhã, sau đó mô tả những đức tướng, thủ ấn, chân ngôn, mạn-đà-la và nghi lễ của Bồ-tát. Văn bản thứ hai chúng ta có là bộ Luận giải về Ninnō (Commentary to the Ninnō), được dịch sang Hán ngữ vào năm 750 stl., mô tả Bồ-tát Bát-nhã ngồi kiết già trên hoa sen, thân màu vàng óng, oai nghiêm và hùng dũng, với xâu chuỗi ngọc trên cổ cùng chiếc mão có hai dãy lụa rũ xuống hai bên, tay trái cầm kinh, tay phải bắt ấn.
Trong hình thức Mật tông, Bồ-tát Bát-nhã xuất hiện hai lần trong Mạn-đà-la Thai Tạng giới (garbhadhātumaṇḍala); Mañjuśrimūlakalpa đã mô tả ít nhất hai mạn-đà-la trong đó Bồ-tát Bát-nhã xuất hiện bên cạnh đức Phật Thích-ca và ngài Văn-thù.
Sự phát triển của Mật tông đã biến Bồ-tát Bát-nhã, đức Phật A-súc và những vị khác thành những vị thần có khả năng hóa giải những sân hận, hung hăng và tàn bạo. Kinh A-súc Phật quốc (Akṣobhyatathāgatasyavyūha, T 313) có mối liên hệ mật thiết với Kinh Bát-nhã. Đức Phật A-súc từ lâu đã phát thệ nguyện rằng ngài sẽ trở thành đấng siêu việt và không bao giờ sân hận với bất kỳ chúng sanh nào trong quá trình tu tập hướng đến giải thoát. Bởi vì ngài không bao giờ bị lay động bởi phiền giận nên ngài được gọi là Bất Động. Những câu chuyện liên hệ đến đức Phật A-súc cũng được tìm thấy ở trong Đạo Hành Bát-nhã kinh. Chính vì vậy, tín đồ của Bát-nhã cũng thỉnh thoảng nguyện cầu sanh về cõi Phật A-súc, gọi là Cực lạc. Tín ngưỡng về đức Phật A-di-đà chưa xuất hiện trong văn học Bát-nhã, do đó có thể xuất hiện ở một nơi nào đó hoặc dưới một hoàn cảnh khác.
VII. Dấu chấm hết trên “cái nôi” tâm linh
Sau năm 1200 stl, không còn tác phẩm nào về Bát-nhã xuất hiện tại Ấn Độ. Phật giáo cũng dần biến mất tại đó. Nhưng trước đó, văn học Bát-nhã đã đạt đến đỉnh cao trong thời đại Pāla (750-1200stl), triều đại trị vì từ Magadha cho đến Bengal và ủng hộ Phật giáo Bát- nhã và Mật tông. Tāranātha thuật lại rằng “vua Dharmapāla (770-815) tôn thờ ngài Haribhadra và lệnh truyền bá kinh Bát-nhã và bộ Bí mật tập hội (Guhyasamājatantra) đi khắp nơi. Ông cũng lệnh rằng người nào mà hiểu biết Guhyasamāja và Bát-nhã thì được tôn trọng. Ngay sau khi lên ngôi, vua đã mời tất cả những nhà luận giải Bát-nhã đến giảng kinh, nhưng đặc biệt nhất là ngài Sư Tử Hiền (Haribhadra). Vua cũng thành lập tất cả 50 trường phái tôn giáo, mà 35 trong số đó xiển dương về Bát-nhã. Bắt đầu từ thời vua này, Phật giáo được truyền bá đi khắp nơi.”
Các nhà luận giải dưới thời Pāla đã không biết được rằng văn học Bát-nhã đã phát triển lâu dài theo lịch sử như đã phân tích. Với họ, tất cả kinh điển không chỉ cùng thời với nhau mà có mặt ngay trong đức Phật. Chính vì vậy, sự phân loại kinh điển của họ khác với sự phân loại ở đây. Theo nhà sử học Tây Tạng Bu-ston (Bố-đốn, 1290–1364), ngài Đàm-vô- mật-đa (Dharmamitra: 356–442) đã phân loại văn học Bát-nhã như sau:
1) bản chất của học thuyết,
2) tiến trình nhận thức chân lý.
Về bản chất của Bát-nhã thì đã được trình bày trong Tâm Kinh… trong đó đã nói về chân lý tuyệt đối, tánh không của tất cả hiện tượng, và 3 cánh cửa giải thoát. Về tiến trình trực nhận chân lý thì: Bách thiên tụng là bản kinh chi tiết nhất trong các kinh; Pañcaviṃśatisāhasrikā thì chi tiết hơn trong các kinh vừa; Aṣṭadaśasāhasrikā thì vừa trong các kinh vừa; Daśasāhasrikā thì ngắn gọn trong các kinh vừa; Bát thiên tụng thì chi tiết trong các kinh ngắn gọn; Phật mẫu bảo đức tạng thì tóm lược nhất trong các kinh tóm lược. Tất cả các kinh này đều có cùng chủ đề chính, đó là những lời dạy về tám hình thức trực ngộ chánh đạo (Bát chánh đạo), chỉ khác nhau về độ tóm lược hoặc rườm rà mà thôi.
VIII. SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC BÁT-NHÃ BÊN NGOÀI ẤN ĐỘ
- Trung Quốc
Các bản dịch kinh văn Bát-nhã đã tạo ra ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng Phật học tại đó. Những tư tưởng căn bản của Bát-nhã tương đồng với truyền thống bản địa của Đạo giáo, do đó đã phát triển nhanh chóng vào thế kỷ thứ 3-4tl. Vào thời điểm đó, chỉ có Bát thiên tụng Bát-nhã và Nhị vạn ngũ thiên tụng Bát-nhã được cho là chắc chắn có mặt.
- Bát thiên tụng được phiên dịch đầu tiên nhất vào năm 179-180 (Murti: 172) stl bởi ngài Chi-lâu-ca-sấm với tên là Đạo hành Kinh. Bản dịch này còn thô sơ và khó hiểu. So với bản Sanskrit ngày hôm nay, thì bản kinh đó nhiều đoạn bị bỏ sót, một số dường như viết tắt, một số thì bị thay đổi vị trí. Khoảng nửa thế kỷ sau (khoảng 250tl), ngài Chi Khiêm dịch thành Đại Minh Độ kinh với ước muốn ‘xiển dương giáo điển Bát-nhã một cách khoáng đạt cho giới trí thức’. Chương đầu của bản dịch đó chưa đựng nhiều thông tin luận giải thêm thắt vào không rõ ràng, có thể do đời sau đưa vào. Mặc dù bản dịch này mang văn phong Trung Quốc và được đề cao nhưng nó nhanh chóng mất dần ảnh hưởng chỉ sau nửa đầu thế kỷ thứ 3tl.
- Nhị vạn ngũ thiên tụng được dịch lần đầu thành Quang tán kinh vào năm 286 tl bởi ngài Dharmarakṣa ở Đôn Hoàng, tuy nhiên một phần của bản dịch này, chỉ có 27 chương đầu, là hiện vẫn còn. Một bản dịch khác của ngài Vô-la-xoa (Moksala) Phóng quang Bát- nhã kinh. Tên gọi bản kinh này dựa vào chương thứ nhất, ở đó mô tả sự phóng hào quang của đức Phật như là điềm lành dự báo cho việc thuyết kinh của Ngài. Bản dịch này đóng vai trò to lớn trong việc củng cố tư tưởng Phật học Trung Quốc hơn bất kỳ bản dịch nào khác. Có thể nói, tất cả các tông phái Phật giáo Trung Quốc vào thế kỷ thứ 4 tl đều chủ yếu dựa vào các bản dịch xưa nhất của Bát-nhã, cụ thể là bản của ngài Vô-la-xoa và bản của ngài Chi-lâu-ca-sấm.
Bất kỳ bản dịch nào về các văn bản Bát-nhã được thực hiện trong thời điểm này đã không còn tồn tại nên chúng ta không chắc về sự có mặt của chúng.
Văn học Bát-nhã ở Trung Quốc được phát triển qua một giai đoạn mới dưới thời của ngài Cưu-ma-la-thập. Ngài sanh vào năm 344 và đến TQ vào năm 385. Ngài đã dịch 25,000 bài tụng thành Đại phẩm và 8,000 bài tụng thành Tiểu phẩm, kinh Kim Cang và cả Đại Trí Độ luận. Bản Tâm Kinh Bát-nhã được đệ tử của ngài dịch, nhưng Khai Nguyên Thích Giáo Lục (Trí Thăng soạn năm 730tl) lại cho là Ngài dịch.
Ngài Huyền Trang trở về TQ vào năm 645. Khoảng từ năm 659-663tl, Ngài đã dịch bộ Đại Bát-nhã với 600 tập. Đây được xem là một tập đại thành của Bát-nhã căn bản và Bát- nhã tạp bộ – căn bản là kinh Đại Phẩm Bát Nhã; tạp bộ là các kinh còn lại. Ngài cũng dịch lại Tâm Kinh, nhưng bản này tương tự như bản của Cưu-ma-la-thập. Sau ngài, còn có rất nhiều các vị khác nữa phiên dịch nhiều bản kinh khác nhau.
V.2. Nepal
Hầu hết các thủ bản của kinh Bát-nhã mà chúng ta đang có đều đến từ Nepal, nơi mà chúng được nhân bản liên tục trong 9 thế kỷ liền. Bát thiên tụng ở đó được xem là một trong chín kinh quan trọng Phương quảng. Về hình tượng, ta sẽ thấy hình thức tam thân được tạo thành từ đức Phật, 4 tay của Bát-nhã và 4 tay của Bồ-tát Quan Âm-biểu thị Phật, Pháp, Tăng tương ứng. Đây là hình tượng rất phổ biến ở Nepal và thường thấy ở trong các chùa và bàn thờ gia đình. Bát-nhã ở đây được coi như là tinh hoa của triết học, giống như đức Từ Bi của Bồ-tát Quan Âm, là hình mẫu tiêu biểu của các tu viện Phật giáo.
V.3. Tây Tạng
Bát nhã được truyền vào đầu tiên bởi Śāntarakṣita & Kamalaśīla (750tl). Tương truyền, một cuộc tranh luận giữa Kamalaśīla và thiền sư TQ, cả hai đều dẫn kinh Bát-nhã và Kim Cang để biện luận.
Vào năm 800, bản dịch đầu về Bát thiên tụng được thực hiện bởi sKa-pa dPal-brtsegs. Vào khoảng 840-1000dl, tư tưởng Bát-nhã được tiếp tục xiển dương bởi Dīpaṅkarasrījñāna (Atīśa), Abhayākaragupta.
Abhisamayālaṅkāra: quan trọng trong Bát-nhã.
Thế kỷ 13, Tạng Kanjur được hình thành. Bát-nhã tạng: 30 bản, 24 tập.
Buston: rất nhiều bản dịch được thực hiện tk 11-12, phần lớn liên hệ đến Bát thiên tụng, và nhiều bản luận giải thực hiện đến tk 15. Văn học Bát-nhã được chỉnh đốn, sao chép, nghiên cứu, tặng phẩm giá trị.
Vị trí của Bát-nhã. Theo lời khuyên của Brog-mi vào năm 1010: “Nghiên cứu Giới luật vì đó là nên tảng giáo pháp. Nghiên cứu BN vì đó là bản chất giáo pháp. Nghiên cứu Mật tông vì đó là Linh hồn của giáo pháp.
Don-grup rin-chen, thầy của Tong-kha-pa: ‘nên nghiên cứu tường tận Hiện quán trang nghiêm luận với 3 người Mẹ (kinh dài, vừa, ngắn của BN). Nếu tinh thông nó, ngươi sẽ thấu triệt toàn bộ kinh điển.”
IX. Kết luận
Sự hình thành văn học Bát-nhã đã mở ra một thời kỳ mới vô cùng quan trọng trong nền tư tưởng Phật giáo. Các nhà Phật học trong giai đoạn này xem tư tưởng Bát-nhã chính là lần thứ hai chuyển Pháp luân của đức Phật (lần một là sau khi thành đạo, và lần 3 là Du- già tông). Bu-ston lưu ý rằng, giáo lý Bát-nhã chủ yếu chỉ nói đến tánh Không, và hướng đến việc giúp cho tín đồ Bát-nhã thoát ly được tà kiến để hướng thẳng đến nhứt thừa. Tuy nói tất cả các pháp đều là không, song nó thể hiện sự linh hoạt và diệu dụng của tánh không tức “chơn không diệu hữu”.
Chính vì thế, có thể nói toàn bộ Văn học Bát-nhã có thể tóm lược trong hai vấn đề.
- Nhắc chúng ta rằng một người phải trở thành một vị Bồ-tát chơn chánh nhưng không nên hài lòng hay mãn nguyện về tất cả trí tuệ đã đạt được;
- Không có một pháp nào, cũng không có một Bồ-tát như thế, trí tuệ như thế hoặc sự chứng ngộ như thế, nghĩa là trong tâm tưởng không một ý niệm gì về Bồ-tát hay những trí tuệ đã chứng đắc, thậm chí cũng không có một Bồ-tát chứng đắc như thế.
Tóm lại, dù triển khai qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều hình thức được trình bày để phô diễn triết học tánh Không và diệu dụng của nó, Bát-nhã không những được xem là tư tưởng cốt lõi của toàn bộ Phật giáo Đại thừa, mà luôn làm mới mình để đáp ứng mọi trình độ tư tưởng và căn cơ của chúng sanh.
Khi nói về tầm quan trọng của kinh điển thuộc văn học Bát-nhã, Murti đã có những lời nhận xét hết sức xác đáng như sau: “Cùng với hệ thống kinh Prajñāpāramitā, Phật giáo đã mở đầu cho một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ. Một hình thái Tuyệt đối luận nghiêm mật – được xác lập bằng biện chứng pháp, bằng sự phủ nhận toàn triệt mọi khái niệm tiên nghiệm (tức tánh Không), cùng mọi lý thuyết tư biện – đã thay thế cho đa nguyên luận cùng thuyết giáo điều cực đoan của Phật giáo sơ kỳ. Kinh Prajñāpāramitā đã tạo nên một cuộc cách mạng cho Phật giáo trong mọi phương diện triết học lẫn tôn giáo, bằng khái niệm nền tảng về Tánh Không (Śūnyatā).” (Murti: Tánh Không…, tr. 122)
Chú thích :
1 Về niên đại của Long Thọ, có nhiều quan điểm khác nhau. Có luận điểm cho là cuối tk 1stl ( S. Lévi Ja; D. Shackleton Bailey, Śatapanñcāśatka of Mātṛceṭa, [Cambridge, 1951], p. 9); vào thế kỷ 2stl, gồm có (M. WINTERNITZ, History of Indian literature, ii [Calcutta, 1933], p. 342; E. LAMOTTE, Traité de la Grande Vertu de Sagesse, i [Louvain, 1944], p. x; T. R. V. MURTI, Central philosophy of Buddhism [London, 1955], 87); và vào thế kỷ 3 Stl. (M. WALLESER, Life of Nāgārjuna, in Asia Major, Hirt Anniversary Volume [1923], p. 423).
2 Theo Bu-ston, Đại kinh Bát-nhã có ba bản khác nhau. Bản chi tiết nhất gồm có 1,000,000,000 ślokas được cất giữ trên cung trời của vua Ghandharvas, bản chi tiết vừa gồm có 10,000,000 ślokas được cất giữ trong cung của vua cõi trời, bản tóm lược của chi tiết là Bách thiên tụng (100,000) ślokas nằm ở trong cung của Long vương. (Prajñāpāramitā Literature, p. 18.)
3 Obermiller, Analysis of the Abhisamayālaṅkāra, tr. 36.
4 Prakrit là nhóm phương ngữ của người Middle Indo-Aryan được sử dụng ở Ấn vào khoảng thế kỷ 3BC- tk 8CE. Từ Prakrit có nghĩa là ‘tự nhiên’ (natural) hoặc phát sinh (derived), đối lập với Sanskrit (saṃskṛta) có nghĩa là hoàn chỉnh (complete, perfected)/cải tiến (refined). Do đó, Prakrit được xem là ngôn ngữ nói (không chính thức) còn Sanskrit là ngôn ngữ chuẩn được dùng trong văn chương, tôn giáo, hành chánh…
5 Nói đủ là Ardhamāgadhī Prakrit, là ngôn ngữ Middle Indo-Aryan và Dramatic Prakrit, từng được sử dụng bởi Phật giáo và Jain. Nó được xem là tiền thân của phương ngữ Māgadhī Prakrit, do đó có tên là Ardhamāgadhī (nửa-Māgadhī). Phật giáo Thượng tọa bộ từng cho rằng Pāli đồng dạng với Māgadhī, và do đó có nhiều tương đồng giữa Pāli và Ardhamāgadhī.
6 Ba loại chân ngôn, đà-la-ni và chủng âm thần chú có sự khác nhau:
- Mantra được dịch là chân ngôn, các cách dịch ý khác là Chú (咒), Minh (明), Thần chú (神咒), Mật ngôn (密⾔), Mật ngữ (密語), Mật hiệu (密號), có nghĩa là “lời nói chân thật”, là biểu hiện của chân như. Chân ngôn có thể là một câu thần chú, trích dẫn của kinh Phật hay một Đà-la-ni ngắn. Lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến kết quả siêu nhiên hay thế tục. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, Chân ngôn có thể là một âm tiết, một chữ hoặc câu kệ được tiết lộ cho những vị Thấu thị (sa. ṛṣi) trong lúc thiền định. Trong Phật giáo, người ta cho rằng Chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính, có nguồn gốc xuất phát từ Phật là chỗ vô lượng vô biên, không thay đổi như 1 chân lý nên gọi là chân ngôn.
- Đà-la-ni (dhāraṇī) dịch ý là tổng trì, năng trì hay năng giá, chỉ cho một pháp môn tu tập có khả năng duy trì thiện pháp không bị tán thất và ác pháp không sinh khởi.
Sau này, vì một lý do nào đó, hầu hết khi nói đến đà-la-ni là chỉ cho các bài thần chú dài, như Đại bi tâm đà- la-ni, Phật đảnh tôn thắng đà-la-ni; còn các câu thần chú ngắn được gọi là chân ngôn, như Vãng sinh quyết định chân ngôn, Thất Phật diệt tội chân ngôn… Luận Đại trí độ cho biết có cả 500 loại đà-la-ni, Kinh Bồ-tát trì địa 3, quyển 8, luận Du-già sư địa 4, quyển 45 lại nêu bốn loại đà-la-ni.
- Bīja mantra, chủng âm thần chú, có nghĩa là hạt giống âm tiết Thần chú bija là một âm thanh đơn âm có thể được sử dụng trong thiền định để tăng cường sức khỏe, sức sống và nguồn cảm hứng. Trong tiếng Phạn, “bija” có nghĩa là “hạt giống”. Vì vậy, khi bạn thực hành thiền định bằng cách sử dụng thần chú bija, nó giống như tưới những hạt giống có mục đích cao nhất của bạn để mang lại sự cân bằng về tinh thần, cảm xúc, thể chất và tâm linh — và tạo ra sự hài hòa với môi trường của bạn.