Khinh công: Sắc màu huyền thoại của khinh công và thực tế
Khinh công: Sắc màu huyền thoại của khinh công và thực tế
Ngày nay, trong những bộ phim dã sử võ hiệp, ta có thể thấy các nhân vật trong phim bay lượn như chim hoặc nhảy từ dưới đất lên nóc nhà cao. Ai cũng biết đấy gọi là khinh công và thực hiện được trên phim ảnh nhờ kỹ xảo điện ảnh, vậy còn ngoài đời thì sao?
Tương truyền, khinh công do các đạo sỹ núi Võ Đang tạo ra. Khởi thủy, các đạo sỹ Võ Đang tu luyện theo thuyết “Trường sinh bất lão” của Đạo Giáo, họ ăn chay trường, tập khí công, luyện linh đan để mong muốn giúp con người hòa nhập với thiên nhiên kéo dài tuổi thọ. Thậm chí theo họ, có thể bay như chim, bơi lặn như cá, chính vì vậy người Trung Quốc mới có câu “Võ Đang Nội Gia”. Hình ảnh người đạo sỹ da dẻ hồng hào, tay cầm phất trần, chân di chuyển không chấm đất trở thành đại diện cho những cao nhân đắc đạo.
Khinh công, hiểu một cách nôm na là sự kết hợp giữa động tác cơ thể với khí công nhwàm giảm tối đa trọng lượng cơ thể so với trọng lượng thực để thoát khỏi hoặc làm giảm ảnh hưởng của lực hút Trái Đất đối với cơ thể, giúp người ta có thể nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn, xa hơn,…
Khinh công bao gồm nhiều môn như: khinh thân hay còn gọi là phi thân (nhảy cao), thần hành (chạy nhanh), bích hổ du tường (thằn lằn leo tường) và thủy thượng phiêu (di chuyển trên mặt nước)
Đối với khinh thân, đây là môn khinh công được phim ảnh, sách báo nói đến nhiều nhất. Một cuốn sách dạy cách khinh công như sau: “Đeo lên người và chân những túi đựng chì, đào một cái hố sâu khoảng 50cm, rồi tập nhảy từ dưới hố lên. Cứ vậy đào hố sâu dần xuống, khoảng 10 năm sau bỏ những túi chì ra bạn có thể nhảy cao 5m”. Thực ra đây chỉ là bài luyện tập sức bật của chân, nó chỉ có thể giúp bạn tăng tốc độ và sức mạnh của đòn đá đồng thời nhảy cao thêm đượ một hút hứ không thể bay cao như sách nói.
Tuy vậy khinh thân vẫn tồn tại nhưng ở một số dạng khác nhau.
Trong cuốn “Hành trình về Phương Đông” do một số giáo sư tiến sỹ Viện Hàn Lâm Anh ghi lại chuyến đi của mình đến Tây Tạng, họ có kể một câu chuyện về các nhà sư ngồi thiền trước bàn thờ, đột nhiên các nhà sư từ từ bay lên và cứ thế ngồi lơ lửng ở độ cao 1m cách mặt đất.
Hoặc trong mục “Chuyện lạ đó đây” trên tivi, có nói về một phụ nữ Singapore đã biểu diễn khả năng khinh thân của mình bằng cách đứng lên một tờ giấy bản đặt trên một cái khung gỗ mà giấy không rách. Nhưng nếu đặt một quả dưa khoảng 3kg lên trên hoặc chị ta không vận khí thì tờ giấy lập tức rách ngay.
Nhưng dù sao dẫn chứng này vẫn còn mang màu sắc tôn giáo. Trong võ thuật, khinh thân được thể hiện ở một dạng khác. Các võ sỹ Wushu hoặc Vovinam có thể tung mình lên cao rồi rơi cả người xuống đất một cách nhẹ nhàng không chấn thương đau đớn gì cả. Mặc dù sự góp mặt nhiều của khí không không nhiều, nhưng đó cũng là khinh thân. Có những võ sư Taekwondo biểu diễn màn khinh thân mượn lực bằng cách tung mình lên không đá vỡ tám tấm ván do tám người dàn hàng ngang cầm trên tay, mỗi khi chân đá vỡ một tấm cũng là lúc vị võ sư mượn lực phản hồi để giữ người mình trên không và lấy đà đá tấm kế tiếp.
Thần hành – tương truyền một ngày có thể đi hàng trăm dặm chân không chạm đất giống như nhân vật Đới Tung trong truyện Thủy Hử vậy. Trong cuốn “Thiếu Lâm bảy mươi hai tuyệt kỹ thất truyền” có dạy cách luyện thần hành như sau: “Trải cát dày khoảng 10cm trên đoạn đường dài 30m. Phủ lên trên một lớp giấy bản. Buộc chì thật nặng vào chân, lấy đà rồi chạy thật nhanh qua đoạn đường ấy. Cứ tập đi tập lại khoảng 10 năm, khi thấy chạy qua mà không rách giấy là được…”. Hẳn bạn đọc sẽ phải bật cười vì cách luyện tập ngô nghê như vậy. Theo như truyện kể lại, người luyện được phép thần hành phải tinh thông khinh thân và khí công, như thế mới giúp cơ thể lâu xuống sức. Đáng tiếc vào thời điểm này không có dẫn chứng minh họa nào cho thuật này, tuy nhiên so với người bình thường, những vận động viên marathon một ngày có thể chạy được hàng chục thậm chí hàng trăm cây số cũng đáng được coi là thần hành rồi.
Bích hổ du tường, môn khinh công thuộc dạng leo trèo. Trong các phim nói về Ninja, ta có thể thấy những nhân vật Ninja đeo vào tay và chân các móc sắc nhọn để bám tường hoặc bám thân cây leo lên. Đây là kỹ năng sử dụng tay chân và lợi dụng lực tì để giữ vững trọng tâm cũng như thăng bằng của cơ thể mà tạo thế bám mà leo lên cao. Hẳn không ít người đã được nghe chuyện về những chiến sỹ đặc công có thể lợi dụng điểm tiếp giáp của hai bức tường mà tạo thành góc 90 độ mà leo lên tận nóc nhà.
Bên cạnh đó trong cuộc sống cũng có nhiều kỹ thuật tương tự. Tại những vùng trồng và làm đường thốt nốt, các em bé người Kinh hoặc Khơme muốn lấy được thốt nốt phải leo lên ngọn cây cao hơn chục mét. Vậy mà chỉ cần hai tay vòng qua thân cây, hai chân đạp vào thân cây lấy thế, trên người lỉnh kỉnh những ống bương để đựng nước thốt nốt, không cần dụng cụ hỗ trợ, các em leo vun vút lên tận ngọn cây trơn láng. Hay những anh chàng thích leo tường nhà chọc trời.
Có lẽ môn bích hổ du tường bí quyết chính là ở sự khéo léo của con người và nó cũng là môn khinh công tương đối dễ tập nhất.
Cuối cùng, thủy thượng phiêu, môn khinh công giúp người ta đi lại trên mặt nước. Về lý thuyết, người thực hiện phải vận khí công giảm tối đa trọng lượng cơ thể, sau đó buộc vào chân một vật nhẹ, nổi như miếng xốp, mảnh ván hoặc một đoạn ống tre… để có thể đi trên mặt nước. Tuy nhiên thuật này phải tốn nhiều chân khí nên không thể thực hiện thường xuyên. Trên một tờ tạp chí võ thuật đã lâu, có đăng một bài và ảnh mình hoạ về một võ sư Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8. Ông đã biểu diễn tại Đà Lạt tuyệt kỹ thủy thượng phiêu của mình. Ông buộc hai bó cỏ vào hai chân và vượt qua hồ trước sự chứng kiến của nhiều người.
Có một câu chuyện nữa xảy ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do một cụ già kể lại. Hồi đó, tổ giao liên của cụ nhận lệnh chuyển thư qua sông để báo tin địch càn và xin tiếp viện. Nước sông chảy quá xiết không thể bơi qua, thuyền tuần tiễn của địch đi lại trên mặt sông nên không thể thả thuyền được. Anh Trọng, người gốc Bình Định mới gia nhập tổ giao liên quyết định một mình vượt sông. Anh lấy bốn đoạn lồ ô buộc vào hai chân, để lại tất cả vũ khí, quần áo, chỉ mặc đúng cái quần lót, ngậm thư vào miệng và lao ra sông. Thật kỳ lạ, người anh như chạy trên mặt nước, tạo thành một đường xiên xuôi theo dòng chảy sang bờ bên kia. Rõ ràng bọn lính trên canô đã nhìn thấy và chỉ cho nhau, nhưng không một viên đạn nào bắn theo, có thể bọn chúng tưởng nhìn thấy… ma. Sau đó những trận chiến ác liệt xảy ra và ông cụ già không gặp lại người đội viên của mình nữa.
Vậy đó, hy vọng sau bài này, bạn đọc sẽ có một cái nhìn cụ thể hơn về tuyệt kỹ khinh công, tuy rằng hầu hết vẫn còn mang tính lý thuyết và sách vở nhưng mong một ngày nào đó, tuyệt kỹ khinh công sẽ hiện diện cụ thể để nó không chỉ tồn tại trong giai thoại hoặc trong huyền thoại.