Họa Sĩ Huỳnh Văn Thuận: Người vẽ huy hiệu Đoàn và tiền Việt Nam
Họa Sĩ Huỳnh Văn Thuận: Người vẽ huy hiệu Đoàn và tiền Việt Nam
Năm sinh: 18/04/1921
Năm mất: 18/10/2017
Phong cách nghệ thuật: Tranh sơn khắc
Các tác phẩm chính: Thôn Vĩnh Mốc, Làm sạch thóc nộp kho (1981), Ngày mùa ở Vĩnh Kim (1960 – 1997), Vết xích xe tăng giặc (1998), Kéo bừa thay trâu (1954 – 2016)
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh ngày 18/4/1921 tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, trong một gia đình không có truyền thống hội họa. Năm 1936, vào tuổi 15 ông thi đỗ vào Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định, sau 3 năm học tập và tốt nghiệp. Ông thi vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1939 – 1944) cùng với: Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Tấn Báu, Nguyễn Thị Kim,…
Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những hoạ sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, hoạ sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động chất lượng tốt trong thời kỳ kháng chiến, góp phần vào thành tựu của nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam. Ông là một trong những họa sĩ có nhiều dấu ấn vào nghệ thuật tranh sơn khắc, thuộc thế hệ đầu tiên của nền mỹ thuật Đông Dương, cùng với các họa sĩ tên tuổi Huỳnh Văn Gấm, Trần Quang Lắm. Tranh của ông có giá trị nghệ thuật cao, gắn bó, gần gũi với đời sống người dân Việt Nam, là người có nhiều sáng tác về tranh cổ động chất lượng tốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, góp phần vào thành tựu của nền Mỹ thuật Việt Nam cách mạng và hiện đại.
Năm 1950, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Bắc, đi phục vụ chiến dịch giải phóng biên giới. Năm 1951, ông cùng họa sĩ Tôn Đức Lượng được tổ chức giao cho phác thảo huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc. Và bản phác thảo của ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm biểu tượng của Đoàn TNSC Hồ Chí Minh cho đến ngày nay. Huy hiệu Đoàn được giữ nguyên cấu trúc hình khối theo bản vẽ ban đầu do họa sỹ Huỳnh Văn Thuận thiết kế Huy hiệu có hình tròn, trên nền sọc xanh lá và trắng là hình ảnh một cánh tay nắm chắc lá cờ Tổ quốc đi lên.
Đến năm 1953, ông cùng họa sĩ Lê Phả, Bùi Trang Chước được giao nhiệm vụ vẽ đồng tiền riêng của Việt Nam. Nhớ lại những ngày đó, ông kể: “Công việc vẽ tiền phải tuyệt đối bí mật, thậm chí cả vợ con cũng không được biết. Do yêu cầu của tờ tiền là phải tinh xảo đến mức tối đa để tránh làm giả nên tôi vừa đeo kính, lại vừa phải soi kính lúp để nét vẽ suông, nhỏ và đều nhau. Chúng tôi cũng mất nhiều tháng lên các đền chùa để tham khảo phục trang của người dân tộc để nét hoa văn trên tờ tiền mang bản sắc Việt Nam”. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cho biết, khi vẽ mẫu tiền thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông phải soi kính lúp và tập trung cao độ để nắn nót từng nét vẽ sao cho họa tiết thật suông, nhỏ và đều để tránh bị làm giả.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận có nhiều tranh được Bác Hồ chọn làm tặng phẩm nguyên thủ Quốc gia, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được in vào các tập sách, tranh của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nước Âu, Á, Phi, Mỹ la tinh sưu tập. Tên ông được được nêu danh trong từ điển Bách khoa Liên Xô cũ. Ngoài ra ông còn được nhân dân yêu thích với tờ tiền 10 đồng đỏ và tờ 10 đồng tím (1962, 1979) và các mẫu tem 1965, 1967, 1970 (giải nhì cuộc thi tem).
Năm 1967, ông cùng tập thể các tác giả sáng tác tranh sơn mài Xô Viết – Nghệ Tĩnh với kích thước lớn (5,2m2), đây là bức tranh sáng tác tập thể đầu tiên về đề tài chiến tranh cách mạng, có chất lượng nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, tác phẩm “Kéo bừa thay trâu” cũng là một tác phẩm ấn tượng của họa sỹ tài hoa này. Tác phẩm tạo ấn tượng mạnh với người xem không chỉ bằng những nét vẽ điêu luyện, độc đáo về màu sắc, bút pháp và bố cục hài hòa mà bức tranh còn có một xuất xứ rất đặc biệt. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cho biết, “Kéo bừa thay trâu” được ông ấp ủ và phác thảo từ năm 1954, tức 62 năm trước, đến năm 2016 mới hoàn thành và được mang ra triển lãm khi ông bước sang tuổi 97. Đây có thể là bức tranh kỷ lục về thời gian thực hiện kể từ khi phác thảo đến lúc hoàn thành kéo dài đến hơn nửa thế kỷ. Kéo bừa thay trâu miêu tả cảnh quân và dân ta cùng nhau kéo bừa thay cho trâu trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và thiếu thốn.
Ông có công trong việc xây dựng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật – Bộ Văn hóa từ những ngày đầu thành lập và cũng là họa sĩ cuối cùng của thế hệ mỹ thuật Đông Dương. Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương, một nhân cách của người nghệ sỹ chân chính được giới Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao. Vào lúc 20h40 ngày 18/10/2017, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận qua đời tại bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh sau một thời gian ngắn chống chọi với bệnh viêm phổi, hưởng thọ 97 tuổi.
Giải thưởng:
Tác phẩm của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã được Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc: Giải Nhất năm 1958, Giải Nhì năm 1960 và năm 1990
Giải thưởng toàn bộ tác phẩm năm 1981
Giải A Triển lãm 10 năm Nghệ thuật Đồ hoạ Toàn quốc năm 1985
Giải thưởng Triển lãm Tranh cổ động Toàn quốc: giải A năm 1987, giải Nhì năm 1995
Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Hà Nội
Giải tặng thưởng khu vực I (Hà Nội) Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 1998
Giải Nhất Tranh cổ động Toàn quốc và biểu tượng phòng chống AIDS năm 1992
Năm 2001, Huỳnh Văn Thuận được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I
Huân chương Độc lập hạng Ba
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất
Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam
Huy chương Vì thế hệ trẻ
Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng
Một số tác phẩm của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
Một số hình ảnh của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
TỔNG HỢP/VIET MY/DESIGNS.VN