HỌC THUẬT- ĐẠO GIÁO - MINH TRIẾT THẾ GIỚI

NGŨ HÀNH

NGŨ HÀNH

NHỮNG KHÁI NIỆM VỀ NGŨ HÀNH

1/ Nguồn Gốc :

a/ Theo Cổ Học Đông Phương :

Vô Cực sinh Thái Cực. Thái Cực sinh Âm Dương. Âm Dương sinh Ngũ Hành. Ngũ Hành sinh Vạn Vật. Vạn Vật sinh sôi nẩy nở không ngừng nghỉ.
Ngũ Hành gồm 5 Thành Tố : Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. 5 Thành Tố này luôn luôn biến đổi, vì vậy chúng được gọi là Ngũ Hành : 五 行 – Ngũ là 5, Hành là đi, là động. Khi gọi tên từng Thành Tố thì ta không gọi là “ Ngũ Hành”, như Ngũ Hành Kim, Ngũ Hành Mộc ; mà gọi là Hành : Hành Kim, Hành Mộc, …
Âm Dương sinh Ngũ Hành. Âm Dương là Thái Cực. Vậy Ngũ Hành được sinh ra từ Thái Cực. Không phải là Hành nọ sinh ra Hành kia . Sự ra đời của mỗi Hành là độc lập với sự tồn tại của những Hành khác, cho nên, không thể nói, Hành Hỏa sinh ra Hành Thổ, Hành Kim biến thành Hành Thủy, …
Tam Mệnh Thông Hội viết : Âm Dương sinh Ngũ Hành . Ngũ Hành Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ tuy phân biệt rõ nhưng đều từ hai Khí Âm Dương sinh ra. Vạn Vật đều tạo thành từ Ngũ Hành, cũng chính là nói Vạn Vật đều là sinh ra, phát triển và biến hóa dưới sự thúc đẩy của hai Khí Âm Dương.
Ở Phương Bắc, Âm Cực sinh Hàn, Hàn sinh Thủy. Ở Phương Nam, Dương Cực sinh Nhiệt, Nhiệt sinh Hỏa. Ở Phương Đông, Khí Dương tản mát và thoát ra ngoài nên sinh ra Gió – Phong, Phong sinh Mộc. Ở Phương Tây, Khí Âm ngưng tụ và thu hút nên sinh ra Táo ( Khô ráo ), Táo sinh Kim. Ở Trung Tâm, Âm Dương giao nhau nên sinh Ôn ( Ấm áp ), Ôn sinh Thổ.

b/ Theo Cổ Học Tây Phương :

Các Nhà Triết Học Tây Phương cổ Đại, trước hết là các Nhà Triết Học Hy Lạp, như :

+/ Thalès ( 625 – 547 trước CN ) thì cho rằng, Nước là Nguồn gốc của Vạn Vật. tất cả đều sinh ra từ Nước rồi lại trở về với Nước.

+/ Héraclite ( 550 – 480 trước CN ) cho rằng, vật chất đầu tiên của Tự Nhiên là Lửa – Cái dễ biến đổi và cơ động nhất. Thế giới nói chung, những sự vật riêng lẻ và ngay cả Linh Hồn cũng từ Lửa mà ra. “ Thế giới, một chỉnh thể gồm mọi vật, không phải do Thần Thánh hoặc một Người nào sáng tạo ra, mà đã, đang và sẽ là Một Ngọn Lửa vĩnh viễn sống, bùng cháy và tắt đi theo những quy luật ”.

+/ Aristote ( 384 – 322 trước CN ) thì cho rằng, Vũ Trụ được tạo thành từ Đất, Không Khí, Lửa , Nước và một yếu tố khác huyền bí mà Ông gọi là Ête, Ête duy trì sự ổn định của Vũ Trụ và cho phép nó vận hành.

Các Nhà Triết Học Cổ Đại Hy Lạp đã thống nhất với Aristote và cho rằng, Vật Chất được xây dựng trên Tứ Chất : Đất, Nước, Gió, Lửa. Tứ Chất sản sinh ra Vạn Vật trong Vũ Trụ. Nhưng, Các Nhà Triết Học Cổ Hy Lạp đã không nêu lên quy luật vận động của Tứ Chất.

c/ Theo Khoa Học Hiện Đại :

Toàn thể Vũ Trụ xuất hiện ngay sau vụ nổ lớn Big Bang. Khác với một vụ nổ bình thường, ở đó vật chất bị bắn tung ra mọi phía rồi thôi, còn trong vụ nổ Big Bang, Không Gian và Thời Gian được tạo ra ngay trong khoảnh khắc đó và từ đó cho đến nay Không Gian vẫn tiếp tục trải rộng ra theo với Vũ Trụ đang trải rộng ra.
Sau vụ nổ Big Bang là nguồn năng lượng vô tận tạo ra Positron e+ và e-, các hạt này hút nhau và triệt tiêu nhau. Do các hạt e- nhiều hơn nên tạo ra nguyên tử Heli và Hydro. Những nguyên tố Vũ Trụ đầu tiên đã kết lại thành Vạn Vật trong các Thiên Hà. Cho đến nay, Bức Tranh về Vũ Trụ vẫn luôn luôn thay đổi.

Vũ Trụ được tạo thành từ Ngũ Hành, đó là quan niệm của Triết Học Cổ Đông Phương về Thế Giới Vật Chất – Một Quan niệm Tiến Bộ : Duy Vật và Biện Chứng.

2 / Thứ tự sinh thành của Ngũ Hành :

Thứ tự Ngũ hành là Một là Thủy, hai là Hỏa, ba là Mộc, bốn là Kim, năm là Thổ.

Tam Mệnh Thông Hội giải thích :
Thứ tự này được quyết định bởi sự biến hóa của Địa Chi và Âm Dương.
+/ Thủy ở vị trí Tý ở phía Bắc; Tý là 1 Dương ( Trên Hà Đồ là 1 chấm trắng – LTL ), do đó Thủy đứng ở vị trí đầu. +/ Hỏa ở vị trí Ngọ ở Phía Nam, Ngọ là 2 Âm ( Trên Hà Đồ là 2 chấm đen – LTL ) , do đó Hỏa ở vị trí số 2. +/ Mộc ở phía Đông, Đông thuộc Dương, 3 là số lẻ cũng thuộc Dương ( Trên Hà Đồ là 3 dấu chấm trắng – LTL ). Do đó Mộc ở vị trí thứ 3. +/ Kim ở phía Tây, phía Tây thuộc Âm, 4 là số chẵn cũng thuộc Âm ( Trên Hà Đồ là 4 dấu chấm đen – LTL ). Do đó Kim ở vị trí thứ tư. +/ Thổ ở Vị Trí Trung Tâm, 5 là số Lẻ thuộc Dương ( Trên Hà Đồ là 5 chấm Trắng – LTL ). Do đó Thổ ở vị trí thứ 5.

Giải thích lý do Thủy được sinh ra đầu tiên.
Tam Mệnh Thông Hội ghi rằng : “ Học Thuyết Chính Thống của Trung Quốc Cổ Đại cho rằng, Thủy là Nguyên Tố sinh ra đầu tiên trong Ngũ Hành. Khi Trời Đất chưa phân, Vạn Vật chưa hình thành thì Thủy xuất hiện đầu tiên. Thủy là Mẹ của Trời Đất, là nguồn gốc sinh ra Vạn Vật. Điều này được nhìn thấy như sau : Khi cây cối hoa quả chưa chín, Phôi Thai, Thai trứng của Người và Động Vật đều là Nước. Sau khi Nước tích tụ lại thì tác dụng lẫn nhau sinh ra Vạn Vật. Do đó Thủy đứng vị trí đầu là không còn nghi ngờ gì nữa ”.

Sau khi có Thủy thì tiếp theo là Hỏa. Có Thủy có Hỏa tức là có Âm có Dương. Âm Dương giao hợp, Vạn Vật bắt đầu sinh sôi và phát triển.

Thủy là nguồn gốc của sự sống. Các Nhà Khoa Học vẫn đang mải miết tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái Đất, mà trước hết là tìm kiếm những Hành Tinh có nước hoặc có dấu tích của nước.

+/ Sách Almanach, Nhà XB VH-TIN. Hà Nội, 2010 , viết :
“ Một điều kỳ lạ, việc quan niệm của người Phương Đông xưa lại có một sự trùng hợp với kết luận của một số Nhà Bác Học Châu Âu sau này. Nhà Bác Học người Ba Lan, Nicolaus Copernicus (1473 –1543) là một nhà thiên văn học đã khẳng định là tìm thấy Nguyên Tố đầu tiên trong Vũ Trụ là Nước – H2O – cũng thuộc Hành Thủy. Tiếp đó mới đến Hành Hỏa, Hành Mộc, Hành Kim, Hành Thổ. Điều này cũng giải thích cắt nghĩa vì sao nói có 6 Cục mà thực tế chỉ có 5 Cục tương ứng với Ngũ Hành. Nó được mở đầu bằng Thủy Nhị Cục, vì có Thủy mới có sự sống trên Trái Đất. Phải có hai Nguyên Tố Oxy và Hydro kết hợp với nhau mới tạo ra được Nước. Do đó mở đầu phải là Thủy Nhị Cục chứ không phải là Nhất Thủy Cục ”.

+/ Các Nhà Khoa Học nghi ngờ rằng trên Sao Chổi có Nước và có thể là Sao Chổi đã mang chất hữu cơ và nước đến Trái đất từ hàng tỷ năm trước đây.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng Tàu thăm dò Vũ Trụ Rosetta mang theo Robot Philae về hướng Sao Chổi. Sau chuyến đi dài 10 năm, Robot Philae đã đáp xuống Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko hôm 12/ 11/ 2014 . Cuộc nghiên cứu Sao Chổi đã bắt đầu.

Chú thích :
Từ thời xưa, đã có nhiều Nhà Dịch Học không thống nhất với thứ tự sắp xếp : Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ ; mà đề xuất nhiều cách sắp xếp khác.
Chẳng hạn như,
+/ Lã Thị Xuân Thu – Nguyệt Lệnh thì cho rằng, thứ tự xuất hiện của Ngũ Hành là : Mộc , Hỏa, Thổ, Kim Thủy.
+/ Quan Tử – Ấu Quan thì cho rằng, thứ tự đó là : Thổ, Mộc, Thủy, Kim, Hỏa.
+/ Kinh Thị Dịch Truyện là : Thổ, Kim, Thủy, Mộc , Hỏa.
+/ Nội Kinh là : Kim, Hỏa, Mộc, Thủy, Thổ. …

3/ Số của Ngũ Hành :

a/ Số Sinh và Số Thành của Ngũ Hành :

Theo Quan điểm của Dịch Học Cổ Đại thì Số của Ngũ hành là Số của Trời Đất. Số của Trời Đất gồm 5 Số : 1, 2 , 3, 4, 5 và 5 số : 6, 7, 8, 9, 10 . Hai Bộ 5 số đó lần lượt ứng với 5 Hành : Thủy , Hỏa , Mộc , Kim , Thổ. Trên Hà Đồ, những số này là số Chấm Đen – Âm và số chấm Trắng – Dương. Số 5 nằm ở Trung Cung và là Số có ý nghĩa quan trọng nhất. Trong 2 Bộ Số nói trên thì Bộ 5 số đầu là Số Sinh, tức là Số sinh ra Vật; Bộ 5 Số sau là Số Thành, tức là Số hình thành Vật. Mỗi Số Sinh đem cộng với Số 5 ở Trung Cung thì được những Số Thành.
Như vậy, mỗi Hành được biểu thị bởi một cặp số, số đứng trước là Số Sinh, Số đứng sau là Số Thành : Thủy ( 1 ,6 ) , Hỏa ( 2 , 7 ) , Mộc ( 3 , 8 ) , Kim ( 4 , 9 ) , Thổ ( 5 , 10 ).

Những Số nói ở trên còn Đại Diện cho Khí của Trời và Đất : “ Thiên Nhất, Địa Nhị ; Thiên Tam, Địa Tứ ; Thiên Ngũ, Địa Lục ; Thiên Thất, Địa Bát ; Thiên Cửu, Địa Thập ” . Số của Trời là những Số Lẻ : 1 , 3 , 5 , 7, 9 – Gọi là Số Dương , ứng với số chấm Trắng trên Hà Đồ. Số của Đất là những Số Chẵn : 2 , 4 , 6 , 8 , 10 – Gọi là Số Âm , ứng với số chấm Đen trên Hà Đồ . Tổng các Số Trời là 25 , Tổng các Số Đất là 30. Tổng các Số của Trời và của Đất bằng 55.
Các Số Âm Dương phối hợp thì Khí Thiên Địa có thể sinh hóa ra Vạn Vật.

b/ Số Sinh Thành và Phương Vị của Ngũ Hành :

Tiền Nhân đã để lại Khẩu Quyết về Số và Phương Vị của Ngũ Hành như sau :
“ Nhất, Lục công Tông, vi Thủy cư Bắc
Nhị Thất đồng Đạo, vi Hỏa cư Nam
Tam Bát vi bằng, vi Mộc, cư Đông
Tứ Cửu tác Hữu, vi Kim cư Tây
Ngũ Thập cư Trung, vi Thổ cư Trung ”.
Nghĩa là : +/ Số 1 và Số 6 cùng Tông, là Thủy ở Phương Bắc. +/ Số 2 và Số 7 cùng Đạo, là Hỏa ở Phương Nam. +/ Số 3 và Số 8 là Bằng Hữu, là Mộc ở Phương Đông. +/Số 4 và Số 9 là Bạn Bè, là Kim ở Phương Tây. +/ Số 5 và Số 10 ở Giữa, là Thổ ở Giữa.

c/ Số của Đại Diễn : ( Không phải là Đại Diện )

Hệ Từ nói : “ Đại Diễn chi số Ngũ Thập, kỳ dụng Tứ Thập hữu Cửu ” : Số của Đại Diễn là 50, nhưng chỉ dùng 49 .

Những Số này từ đâu đến ?

Theo Nhà Dịch Học Thiệu Vĩ Hoa thì : Từ xưa đến nay vẫn đang tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó. Cũng đã có những cách giải thích nhưng chưa thật thấu lý.

+/ Sách “ Chu Dịch Tập Giải ” chú thích về Số này như sau : Trời cao bắt đầu từ 3, rồi đếm tiếp, đó là : 3 , 5, 7, 9 ( Không lấy 1 ). Đất bắt đầu từ 2, nhưng đếm ngược lại, đó là : 2 , 10 , 8 , 6 ( Không lấy 4 ). Tất cả có 8 số và Tổng của chúng là 50.

+/ Đào Tín – Một Nhà Lý Số thời xưa, giải thích : “ Số của Trời Đất là 55. Số 6 là số 6 mặt cho nên giảm đi còn 49 ”.

Tại sao Số Đại Diễn là 50 nhưng chỉ dùng số 49 ?
Số Đại Diễn được dùng trong việc gieo Quẻ. Ngày xưa, người ta lập Quẻ bằng những Cọng Cỏ Thi. Khi lập Quẻ, Người ta chỉ dùng 49 Cọng, chứ không dùng 50 Cọng.

Tại sao chỉ dùng 49 Cọng Cỏ Thi ? Có Người giải thích rằng, vì 1 là Thái Cực, bỏ đi không dùng, do đó 50 – 1 = 49. Nhưng, theo Cụ Thiệu Vĩ Hoa thì cho đến ngày nay Các Nhà Dịch Học vẫn đang mò mẫm tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.
Cách lập Quẻ bằng Cỏ Thi rất rắc rối, phức tạp, khó hiểu. Ngày nay, không còn ai dùng nữa. Thay vào đó, người ta dùng những cái Thẻ, hoặc dùng 3 Đồng Tiền để gieo Quẻ hoặc lập quẻ theo Thời Điểm : Năm, Tháng, Ngày, Giờ.

d/ Môn Tượng số :

Từ các Số của Ngũ Hành, của Trời Đất, Nhà Dịch Học Kinh Phòng, Đời Hán, đã lập ra Học Phái “ Tượng Số ”. Môn Học đó nhằm giải thích Vũ Trụ bằng Tượng và Số.
Học Phái đó chủ trương rằng : “ Hết thảy Sự Vật trong Vũ Trụ và hết thảy sự biến hóa của Sự Vật đều có thể biểu thị bằng những biểu tượng, và hết thảy Sự Vật trong Vũ Trụ đều cấu thành và biến hóa mỗi loại theo quy luật của một Số mục ”.

+/ Tượng : Dùng Tượng của Quẻ Dịch để giải thích sự vật, sự việc. Tượng thì có Vật Tượng và Ý Tượng, trong đó, Ý Tượng quan trọng hơn và được dùng nhiều hơn.
Vật Tượng : Biểu tượng một Vật, như Quẻ Ly có biểu tượng là Lò Lửa.
Ý Tượng : Biểu tượng cho một ý, như Quẻ Càn biểu tượng sự cương cường, Quẻ Khôn biểu thị sự nhu thuận.
Ví dụ : Xét Quẻ Sơn Lôi Di .

– Vật Tượng : Hình của Quẻ trông giống cái Miệng đang mở rộng ra : Hai nét liền ở ngoài cùng giống hai cái hàm, những nét đứt ở giữa tựa như những chiếc răng. – Ý Tượng : Toàn bộ Quẻ gợi cho ta sự ăn uống để nuôi sống. Thoán Từ viết : Nuôi Tinh Thần hay Thể Chất cũng phải hợp Chính Đạo thì mới tốt. Xem cách nuôi Người và tự nuôi mình thì biết xấu hay tốt. Đại Tượng Truyện giải thích thêm : Người Quân Tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi Cái Đức, phải tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể : là vì ở Đời, “ Họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập ”. Phải giữ gìn nhất cái miệng !

+/ Số : Dùng Số để lập Quẻ đoán Mệnh.

-/ Việc lập Quẻ bằng 49 Cọng Cỏ Thi là một Ví dụ .
-/ Đến Đời Tống, một Đạo Sĩ tên là Trần Đoàn, Hiệu là Hy Dy, đưa Dịch Học rẽ vào con đường Thuật Số để đoán Mệnh. Ông đã lập ra Môn Bát Tự Hà Lạc. Ông nạp Số cho Can Chi của Năm, Tháng, Ngày, Giờ Sinh rồi chuyển Số thành Quẻ để đoán Vận Mệnh Con Người. Trần Đoàn cũng là Người sáng lập ra Môn Tử Vi Đẩu Số.

đ/ Số Thái Huyền :

Người ta Số hóa Can Chi rồi thực hiện Những Phép Tính Số Học để xác định Mệnh của Con Người, tức là xác định Ngũ Hành Nạp Âm của Can Chi của Trụ Năm .
Tam Mệnh Thông Hội, ngoài Phương Pháp Chính Thống là “ Lấy Vợ cùng Hành, Cách 8 sinh Con ” ( Tôi đã giảỉ thích Phương Pháp này trong Bài Nguyên Lý Nạp Âm , Bài đã được đăng tải trên Diễn Đàn này tại Mục Kiến Thức : Lý Số Tổng Hợp ) , còn giới thiệu thêm 5 Phương Pháp tính Mệnh bằng Những Phép Tính Số Học.

Những Con Số được dùng để tính toán thường là Số Đại Diễn và Số Thái Huyền .

Số Thái Huyền : Số Can Chi Huyền Diệu.
Từ những Số trên Hà Dồ và Lạc Thư, người ta đem gán cho Thiên Can và Địa Chi những Số xác định và gọi Chúng là Những Số Thái Huyền của Can Chi. Cụ thể như sau :
Giáp , Kỷ , Tý , Ngọ : 9 ; Ất , Canh , Sửu , Mùi : 8 ;
Bính , Tân , Dần , Thân : 7 ; Đinh , Nhâm , Mão , Dậu : 6 ;
Mậu , Quý , Thìn , Tuất : 5 ; Tỵ , Hợi : 4

+/ Giới thiệu Phương pháp Tính Nạp Âm Thứ 5 trong Tam Mệnh Thông Hội :

Cách làm : a/ Đổi Can Chi ra số Thái Huyền rồi cộng lại
b/ Lấy Số Đại Diễn là số 49 ( Không lấy 50 ) đem trừ đi Tổng số Thái Huyền.
c/ Chia Hiệu tìm được cho 5 và quan sát Số dư , rồi suy luận như sau :
Nếu :
+ Số dư là 1 : 1 thuộc Thủy, Thủy sinh Mộc. Vậy Ngũ Hành Nạp Âm là Mộc.
+ Số dư là 2 : 2 thuộc Hỏa , Hỏa sinh Thổ. Vậy Ngũ Hành Nạp Âm là Thổ.
+ Số dư là 3 : 3 thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa. Vậy Ngũ Hành Nạp Âm là Hỏa.
+ Số dư là 4 : 4 thuộc Kim, Kim sinh Thủy. Vậy Ngũ Hành Nạp Âm là Thủy.
+ Số dư là 0 : Số dư là 0 thì ta dùng Số 5. 5 thuộc Thổ, Thổ sinh Kim. Vậy Ngũ hành Nạp Âm là Kim.

Chú ý : Vì hai Năm liền nhau thì cùng một Mệnh, Ví dụ : Giáp Tý và Ất Sửu cùng thuộc Mệnh Hải Trung Kim, cho nên, khi tính phải đồng thời tính Can Chi của hai năm liền nhau.

Ví dụ 1 : Tính Ngũ Hành Nạp Âm của Năm Đinh Sửu.
Ta phải tính cho cả hai Năm liền nhau : Bính Tý và Đinh Sửu . +/ Tính Tổng số Thái Huyền của Can Chi : Bính : 7 ; Tý : 9 ; Đinh : 6 ; Sửu : 8 => 7 + 9 + 6 + 8 = 30. +/ 49 – 30 = 19 +/ 19 : 5 = 3 dư 4 +/ 4 thuộc Kim. Kim sinh Thủy. Vậy Nạp Âm của Bính Tý và Đinh Sửu là Thủy.

Ví dụ 2 : Tính Ngũ Hành Nạp Âm cho Canh Ngọ.
Ta phải đồng thời tính luôn cho hai Năm : Canh Ngọ và Tân Mùi . Sau khi tính toán ta được Số dư là 2. 2 thuộc Hỏa. Hỏa sinh Thổ. Vậy Ngũ Hành Nạp Âm của Canh Ngọ và Tân Mùi là Thổ.

Nhận xét :

Những cách xác định Ngũ Hành Nạp Âm bằng Các Phép Tính Số Học chẳng có hàm nghĩa lý luận gì cả, và cũng chẳng có bóng dáng Nạp Âm trong đó. Hơn nữa, kết quả mà chúng dẫn ra chỉ là Ngũ Hành Cơ Bản ( Thùy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ ) chứ không phải là Ngũ Hành Nạp Âm. Mỗi Hành Cơ Bản có tới 6 Hành Nạp Âm khác nhau. Ví dụ Hành Kim thì có : Hải Trung Kim , Kiếm Phong Kim , Bạch Lạp Kim , Sa Trung Kim , Kim Bạc Kim , Thoa Xuyên Kim. Có tất cả là 30 Hành Nạp Âm. Mỗi Hành Nạp Âm mang ý nghĩa khác nhau rất tinh tế . Đặc Biệt Ngũ Hành Nạp Âm còn mang ý nghĩa Nhân Bản, ý nghĩa Tâm Linh mà Ngũ Hành Cơ Bản không có. Khi nói tới Ngũ Hành Nạp Âm thì phải chỉ ra được cặp Can Chi đó Nạp Âm gì và Hành Nạp Âm là gì, chẳng hạn như, trong Ví dụ 1 thì Hành Nạp Âm là Giản Hạ Thủy chứ không phải là Thủy đơn thuần ; trong Ví dụ 2 là Lộ Bàng Thổ chứ không phải là Thổ. Vì Hành Nạp Âm và Hành Cơ Bản không cùng tính chất và ý nghĩa.
Bởi vậy, chúng ta không cần quan tâm đến những phương pháp này.

4 / Cấu trúc Mùa theo Ngũ Hành :

Người xưa hiểu rằng, Ngũ Hành chính là Khí Hậu của 4 Mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông, lưu chuyển giữa Trời Đất, tuần hoàn không ngừng nghỉ, nên gọi là Hành.
Từ những điều đã nói trong Mục “ 3b/ Số Sinh Thành và Phương Vị của Ngũ Hành ” ở phía trên, ta dễ dàng thấy được :
a/ Mùa Xuân :
Mùa Xuân là Mùa của Hành Mộc và Phương Vị là Phương Đông. Tức Mộc Vượng vào Mùa Xuân và ở Phương Đông.

b/ Mùa Hạ :
Mùa Hạ là Mùa của Hành Hỏa và Phương Vị là Phương Nam. Tức Hỏa Vượng vào Mùa Hạ và ở Phương Nam.

c/ Mùa Thu :
Mùa Thu là Mùa của Hành Kim và Phương Vị là Phương Tây. Tức Kim Vượng vào Mùa Thu và ở Phương Tây.

d/ Mùa Đông :
Mùa Đông là Mùa của Hành Thủy và Phương Vị là Phương Bắc. Tức Thủy Vượng vào Mùa Đông và ở Phương Bắc.

Còn Hành Thổ ?

Thổ Không có vị trí chuyên biệt, ở Trung Cung nhưng nhờ vào Bốn Góc – Tứ Ngung. Tứ Ngung tức Cấn , Tốn , Khôn , Càn – Là Thời Điểm giao thoa của 4 Mùa. +/ Tại Thời Điểm giao mùa của Xuân Hạ : QuẻTốn ( Thìn , Tỵ ) , Khí Mộc chưa hết, Khí Hỏa đã tới, tạo nên Tạp Khí. Loại Tạp Khí này thuộc Thổ. +/ Tại Thời Điểm giao Mùa của Hạ Thu : Quẻ Khôn ( Mùi , Thân ) , Khí Hỏa chưa hết, khí Kim đã đến, tạo thành Tạp Khí. Tạp Khí này thuộc Thổ. +/ Giao Thời của Mùa Thu và Đông : Quẻ Càn ( Tuất , Hợi ), lúc này, Khí Kim chưa hết, Khí Thủy đã đến, tạo nên Tạp Khí. Tạp Khí này thuộc Hành Thổ. +/ Giao Thời của Mùa Đông và Mùa Xuân là Quẻ Cấn ( Sửu , Dần ) : Thủy Khí chưa hết, Mộc Khí đã đến. Tạp Khí này cũng thuộc Thổ.

Xét theo cả Năm thì Thổ Vượng nhất là Giao Thời giữa Hạ và Thu, tức vào giữa năm, ứng với Quẻ Khôn. Cuối Hạ đầu Thu là mùa của Màu Vàng, cũng là mùa thu hoạch hoa quả chín, cây lá chuyển sang màu vàng – Màu của Thổ. Thời gian đó là vào khoảng Tháng 6, Tháng 7 Âm Lịch.

5/ Tính phổ cập của Ngũ Hành :

Ngũ Hành gắn kết với Học Thuyết Âm Dương. Âm Dương biến hóa sinh Ngũ Hành. Âm Dương có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc. Cũng vậy, ở mọi nơi mọi lúc không đâu là không có Ngũ Hành. Ngũ Hành tạo nên Vạn Vật và Vạn Vật tràn ngập khắp Vũ Trụ. Vũ Trụ được tạo thành bởi và chỉ bởi 5 Hành đó, sự biến hóa sinh tử của Vạn Vật trong Trời Đất đều không tách khỏi Ngũ Hành.
Nếu như Âm Dương là khái niệm biểu hiện tính trạng đối lập và thống nhất của sự vật thì khái niệm Ngũ hành biểu hiện khả năng biến đổi, tương tác chế hóa của mọi sự vật và mọi hiện tượng trong Vũ trụ.

6/ Hướng lên và Hướng xuống của Ngũ Hành :

Lý Hư Trung nói :

Ngũ Hành có các thuộc tính tự nhiên, như lá cây rụng xuống đất, nước chảy vào chỗ trũng, Kim loại bị Đất che phủ khỏi ánh sáng, ngoài ra còn có bản tính nhẹ thì bay lên, nặng thì chìm xuống.
Hướng lên : Cây mọc lên cao,Lửa bốc lên cao. Vậy, bản tính của Mộc và Hỏa là hướng lên trên, gọi là Bản Thượng.

Hướng xuống : Nước chảy xuống dưới, Đất nặng nên chìm xuống dưới, Kim loại nặng nên chìm xuống dưới. Vậy, bản tính của Thủy, Thổ, Kim là hướng xuống dưới, gọi là Bản Hạ.

7/ Âm Dương của Ngũ Hành

a/ Phân loại Âm Dương theo Bản Thượng và Bản Hạ của Ngũ Hành :

+/ Hành Mộc và Hành Hỏa mang Tính Dương.
+/ Hành Thủy, Hành Thổ, Hành Kim mang Tính Âm .

b/ Phân loại Âm Dương của Ngũ Hành theo từng cặp :

+/ Cặp Thủy – Hỏa : Thủy Âm, Hỏa Dương.
+/ Cặp Thổ – Kim : Thổ Âm, Kim Dương.
+/ Cặp Mộc – Thổ : Mộc Dương, Thổ Âm, …

c/ Phân loại Âm Dương của Ngũ Hành theo Bộ Ba ( Tam Tài ) :
Hành Mộc tượng trưng cho sự sống. Ta có thể sắp xếp Ngũ Hành thành những Bộ Ba Tam Tài như sau :
+/ Hỏa – Mộc – Thổ : Ở đây, Mộc : Âm so với Hỏa, nhưng Dương so với Thổ.
+/ Hỏa – Mộc – Thủy : Cũng vậy, Mộc : Âm so với Hỏa, Dương so với Thủy.
+/ Kim – Mộc – Thổ : Cũng như trên, Mộc : Âm so với Kim, Dương so với Thổ.
+/ Kim – Mộc – Thủy : Cũng vậy, Mộc : Âm so với Kim, Dương so với Thủy.

d / Âm Dương trong mỗi Hành

Mỗi Hành là một Thái cực nên tự nó có Âm có Dương .
Ví dụ : Hành Thủy có Dương Thủy ( Nhâm Thủy ), Âm Thủy ( Quý thủy ).
Hành Hỏa có Dương Hỏa ( Bính Hỏa ), Âm Hỏa ( Đinh Hỏa ). …
Hành Âm và Hành Dương của từng Hành xoắn quyện vào nhau trong một Thái Cực, không thể tách đôi chúng ra được.

đ/ Ngũ Hành tự Âm Dương :

Tính Âm Dương của Ngũ Hành còn thay đổi theo Thời Gian. Năng Lượng của Ngũ Hành không phải là Đại Lượng bất biến mà thay đổi theo Thời gian, ta thấy rõ điều này trong Bảng 12 Cung Trường Sinh của Ngũ Hành, hoặc Bảng Sinh Vượng Tử Tuyệt của Ngũ Hành. Tức là Ngũ Hành có Thịnh, có Suy.
Mỗi Hành Vượng, Mạnh, Thịnh thể hiện Tính Dương.
Mỗi Hành Suy, Yếu, Bất cập thể hiện Tính Âm.
Chú thích : Tính Âm Dương của Ngũ Hành có tính chất tương đối.

8/ Màu sắc của Ngũ Hành :

a/ Màu sắc của Ngũ Hành khi ở trạng thái bình thường :

Hành Mộc : Màu Xanh. Màu của sự sống, Màu của Mùa Xuân
Hành Hỏa : Màu đỏ. Màu của Lửa, Màu của sự nhiệt thành.
Hành Thổ : Màu Vàng. Màu của sự bình an
Hành Kim : Màu Trắng. Màu của sự sáng sủa, minh bạch.
Hành Thủy : Màu Đen . Màu của đêm tối, của các sự vật và hiện tượng tàng ẩn.
Quan hệ giữa các Màu Sắc cũng có Tương Sinh, Tương Khắc như Ngũ Hành.

b/ Màu sắc của Ngũ Hành biến đổi theo vòng Trường sinh :

Theo thời gian, Ngũ Hành có sự biến đổi năng lượng, có Sinh Vượng Tử Tuyệt, có Thịnh có Suy nên Màu Sắc của Ngũ Hành cũng thay đổi theo.

Trong Sách “Dụng Thần Bát Tự”, Tác Giả Lý Cư Minh giải thích :

1/ Khi một Hành nào đó đang sinh sôi , thịnh vượng thì Chính Khí của nó biểu lộ tòan vẹn do đó , Hành này cũng biểu lộ đầy đủ màu sắc cơ bản vốn có của nó : Thủy – Đen ; Hỏa – Đỏ , …

2/ Nếu Hành là Tử, Tuyệt thì Màu của nó theo Mẫu Sắc ( Màu của Mẹ ). Ví dụ :

+/ Khi Mộc Tử thì nó có Màu Đen, vì Mẹ của Mộc là Thủy – Màu Đen. Vì vậy, khi Cây chết thì nên tưới nước. Khi Mộc Tử Tuyệt thì nên dùng Thủy.
+/ Khi Hỏa Tử Tuyệt thì nó có Màu Xanh, vì Mộc là Mẹ của Hỏa. Khi Lửa sắp tắt thì nên cho thêm củi vào. Khi Hỏa Tử Tuyệt thì nên dùng Mộc.
+/ Khi Thổ Tử Tuyệt thì nó có màu Đỏ, vì Hỏa là Mẹ của Thổ. Khi Thổ Tử Tuyệt thì nên dùng Hỏa.
+/ Khi Kim Tử Tuyệt thì nó có Màu Vàng, vì Thổ là Mẹ của Kim. Khi Kim Tử Tuyệt thì nên dùng Thổ.
+/ Khi Thủy Tử Tuyệt thì nó có Màu Trắng, vì Kim là Mẹ của Thủy. Khi Thủy Tử Tuyệt thì nên dùng Kim.
😉 Tóm lại, khi Ngũ Hành Tử Tuyệt thì Khí của chúng sẽ trở về Gốc Sinh Ra nên sẽ thấy Mẫu Sắc.
Suy ra, khi cơ thể suy nhược thì nên dựa vào sự tương sinh của Ngũ Hành mà điều dưỡng. Vì thế, nên ta thấy, khi người ta gặp cảnh khổ thì hay than khổ, kêu Mẹ.

3/ Nếu Hành ở giai đoạn Quan Đới thì theo Thê Sắc ( Màu sắc theo người Vợ ) . Đó là giai đoạn Ngũ Hành mạnh khỏe, có lực để khắc Tài (Vợ ), cho nên mới nói “ Theo màu sắc của Vợ ”.

4/ Khi Bệnh hay thất bại thì Ngũ Hành mang Quỷ Sắc ( Màu Ma Quỷ ). Bệnh làm cơ thể yếu, và khi cơ thể bị yếu chính là lúc Vượng Địa của Thất Sát ( Ma Quỷ ). Ví dụ : Canh Kim là Thất Sát của Giáp Mộc. Giáp Mộc Bệnh tại Tỵ. Tại Tỵ thì Canh Trường Sinh. Khi gặp Bệnh, thất bại thì Ma Quỷ lộng hành, nên nói là “ Theo màu sắc Ma Quỷ ”.
5/ Vượng Mộ tòng Tử Sắc . Khi Thân Vượng thì Ngũ Hành thoát ra. Ngũ Hành thoát ra từ Thân ắt ứng với Thương Quan , Thực Thần. Tức ứng vào Con Cháu.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111