Thanh thản ra đi
Thanh thản ra đi.
Bạn muốn chết trong phòng cấp cứu? Trong một tai nạn? Trong lửa hay trong nước? Hay trong nhà dưỡng lão hoặc phòng hồi phục trí nhớ? Câu trả lời: Chắc là không.
Nếu bạn sẵn lòng suy nghĩ về đề tài này, có thể bạn thà chết ở nhà với người thân bên cạnh. Bạn muốn được ra đi mà không phải đau đớn. Muốn còn nói năng được và các ước nguyện trước khi ra đi của bạn được tôn trọng.
Nếu có hành thiền, bạn hy vọng là mình có thể hành thiền trước khi chết. Hãy tưởng tượng bạn ngồi thiền, với nến và nhang trầm, trước mặt hình tượng Đức Phật – dường như đang mỉm cười khi bạn thở hơi cuối cùng, tỉnh táo đến giờ phút cuối.
Dĩ nhiên, khó mà được vậy. Nhiều người bày tỏ rằng họ thích được ra đi tại nhà (chết êm ả trong giấc ngủ là điều được chọn lựa nhất), nhưng chỉ một số rất ít được như thế. Nhiều người ra đi với cái chết “mặc định”: như trong các tổ chức, nơi người trong tổ chức quyết định mọi thứ theo hướng dẫn của luật pháp và cương lĩnh. Nhiều người khác ra đi không kịp để lại di chúc, và nhiều người khác nữa không hề nói với người thân về những điều cần thiết lúc cuối đời.
May mắn thay, các dữ liệu gần đây cho thấy quan niệm đó đang thay đổi: Đề tài về cái chết được trao đổi cởi mở, các cơ sở làm giảm đau hay chăm sóc người sắp ra đi đang dần được chấp nhận, và nhiều người đã ký các hợp đồng dàn xếp trước cho sự ra đi của mình. Chúng ta có thể dự các hội thảo, có những cuộc trao đổi đầy ý nghĩa, và có những quyết định đúng lúc về những gì ta có ảnh hưởng và những gì sẽ để lại. Chúng ta chuẩn bị, một cách tốt nhất có thể, cho “một cái chết tốt đẹp”.
Giống như Josie, cô là một bệnh nhân ở trung tâm chăm sóc người sắp ra đi, với căn bệnh ung thư hạch. Mặc dầu tiên lượng ban đầu có nhiều hứa hẹn nhưng việc điều trị không được như thế. Cô chia sẻ cởi mở về kinh nghiệm của mình, làm một cuộc hành trình cuối cùng về lại quê để nói lời từ giã và tổ chức một bữa tiệc chia tay với những người bạn thân khi cô còn có thể. Cuối cùng cô tuyên bố rằng không ích lợi gì để nắm níu, và cô sẽ ra đi trong năm ngày nữa; sự thật là sau sáu ngày, cô ra đi. Một cách êm ả, với bạn bè, người thân quanh mình.
Khi tôi viếng thăm Josie lần cuối, chỉ vài ngày trước khi cô ra đi, cô đã hỏi tôi: “À, cô tuyên úy, cô nghĩ thế nào? Còn gì tôi chưa chuẩn bị không?”. Tôi nói cô làm tôi ngưỡng mộ về sự chuẩn bị cho ngày ra đi của cô. Cô nói: “Vậy hãy viết về nó”.
Là một tuyên úy ở nơi chăm sóc cho người sắp ra đi, mỗi ngày tôi đã chứng kiến bao cái chết và những sự chuẩn bị cho chúng. Tôi biết cách Josie từ giã cõi đời thật khác biệt, dầu cô còn khá trẻ. Thực ra chúng tôi khoảng tuổi nhau – hơn năm mươi – nên sự ra đi khá sớm của cô lại là một lời nhắc nhở nữa, như Shantideva đã nói: “Không thể tin cậy thần chết, nó không chờ đợi ta hoàn tất chuyện phải làm. Dầu là người bệnh hay người khỏe mạnh, cuộc sống tạm bợ này thật bấp bênh”.
Người bạn tâm linh đầu tiên của tôi, một nữ tu sĩ Tây Tạng tên Ani Tsewang Chodron, đã di tản đến Pháp, thường nói về cái chết một cách dễ dàng. Bà đã ẩn tu ba năm lúc cuối đời (sau khi đã hoàn tất những nghi thức gian truân của Phật giáo Tây Tạng chín lần, cộng thêm hơn 400.000 cái lễ lạy). Ẩn tu, bà nói, đặc biệt cao quý, vì khi bạn đã làm được như thế, bạn không còn biết sợ chết. Bạn sẽ nhận ra các giai đoạn của tiến trình chết và có thể chuyển hóa chúng thành một phương cách đưa đến giác ngộ.
Nhưng ngay với ba năm tu miên mật và với hơn cả trăm ngàn cái lạy, bạn cũng chưa chắc định trước được sự ra đi của mình. Ani Tsewang ra đi ở một bệnh viện Hong Kong sau một thời gian dài đau bệnh và bao tuần rơi vào hôn mê. Dẫu thế, tôi vẫn muốn tin rằng Ni sư vẫn thực tập trong khoảng thời gian cuối cùng đó của cuộc đời, và rằng bà luôn sẵn sàng cho cái chết dù nó đến bất cứ khi nào, và dưới hình thức nào.
Tôi thấy ngại ngần khi nghĩ rằng nếu cái chết được đa số chấp nhận rộng rãi, thì chúng ta dễ có khuynh hướng muốn xác định trước một cái chết tốt đẹp theo các tiêu chí mà ta không thể kiểm soát. Có người sẽ nghĩ ra rằng họ có thể kiếm tiền từ ý tưởng đó, để tạo ra sản phẩm – có thể có cả thương hiệu – về “một cái chết tốt đẹp”. Sẽ có những cuộc hội thảo, phỏng vấn, quảng cáo: Một cái chết tốt đẹp sẽ nhẹ nhàng, đúng lúc, thảnh thơi; nhưng nó vẫn đảm bảo tính cách linh thiêng. Các pháp sư, giáo sĩ sẽ tham gia, chắc chắn thế.
Thực tế thì, dẫu có nhắm tới kiểu chết ưa chuộng nào thì điều đó luôn đầy những cơ hội để thất vọng, chán nản ở thời điểm đó: quá nhiều áp lực để “khiến nó đúng”; quá nhiều cơ hội để “khiến nó sai”. Mặc dù có các biện pháp phòng ngừa cẩn thận nhất, chúng ta có thể vẫn phải kết thúc trong bệnh viện, khi còn trẻ tuổi, do sự ngông cuồng hay lầm lỡ của ai đó, hoặc ra đi khi bạn đang còn chan chứa yêu đời hay đang xuống cấp một cách rất chậm rãi. Vậy thì sao?
Những người may mắn hơn mà tôi được biết, khi họ chuẩn bị để bỏ cuộc đời này lại phía sau – Josie và nhiều người khác – ra đi trong an bình không phải vì sự ra đi của họ là cái kết thúc mà họ đã tự chọn, nhưng bởi vì họ đã sẵn sàng để chấp nhận bất cứ điều gì sẽ xảy ra. Họ thực sự có khả năng buông bỏ.
Họ buông bỏ những tiếc nuối về quá khứ, các dự tính tương lai, những đồ án chưa hoàn thành, những cuộc hành trình vẫn còn trong hoạch định. Buông bỏ những giấc mơ được thấy người thân yêu thành đạt. Đối với đa số chúng ta, sự buông bỏ cuối cùng này sẽ diễn ra một cách tự nhiên, nếu chúng ta đã trang trải gánh nặng tình cảm, thu xếp các thứ vật chất, phát triển tâm linh, đã nói những lời cảm tạ và từ giã cần thiết. Và thay vì ao ước có một cái chết tốt đẹp, ta sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến. Như thế chúng ta mới có thể chào đón thần Chết với sự tử tế, lịch sự, không cần biết cái chết sẽ đến lúc nào hay như thế nào.
Pamela Gayle White *
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo A Good Death, tạp chí Tricycle, mùa đông 2017)
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo A Good Death, tạp chí Tricycle, mùa đông 2017)