Những câu chuyện có thực về rồng được ghi lại trong sách cổ
Những câu chuyện có thực về rồng được ghi lại trong sách cổ.
Trong tâm khảm của người Phương Đông, rồng luôn được xem là một hình tượng thần bí, vậy loài sinh vật này liệu có thật sự tồn tại hay không?
Trong thời hiện đại có người từng chụp được hình ảnh của rồng và có những ghi chép liên quan, trong sách cổ của Trung Quốc lại càng có rất nhiều ghi chép liên quan đến rồng, chúng ta có thể cùng nhau tìm hiểu đôi chút về chủ đề này.
Hoàng đế Khang Hy đi tuần sát phía nam đã tận mắt nhìn thấy rồng thật
Sử sách có ghi: Tháng 3 năm Khang Hy thứ 44 (năm 1705), hoàng đế Khang Hy đi tuần sát phía nam lần thứ năm, từng ở trong Kim Sơn Tự hai lần. Vào ngày 30 tháng tư, hôm đó không có gió không có sấm chớp, chỉ có một trận mưa rất nhỏ.
Lúc này Khang Hy nhìn về phía con sông ở đằng xa, đột nhiên trông thấy phía tây nam xuất hiện một con rồng khổng lồ, dài khoảng 10 trượng, xoay tròn trên bầu trời, rồi nhanh chóng bay vào trong các đám mây. Vua Khang Hy nhìn thấy cảnh tượng này, bèn cầm bút viết ra “Kiến Long Hành”.
Trong “Kiến Long Hành” tả rằng: Rồng có phong thái mạnh mẽ, hơi thở thuần dương, nó có thể biến hóa muôn màu muôn vẻ. Rồng ở trên mặt đất, sẽ không phá hủy mùa màng và nhà cửa; bay lượn trên bầu trời cũng sẽ không phá hỏng vườn cây ăn quả; bay vào trong các đám mây còn có thể phóng ra những luồng sáng mang điềm lành may mắn…
Quan sai gặp rồng, biết được Phổ Am là Thánh tăng
Năm Thiệu Hưng thứ 26 thời Nam Tống (năm 1156), có một vị cao tăng đắc đạo, hậu thế tôn xưng ông là “Phổ Am tổ sư”, Phổ Am truyền dạy Phật pháp trong chùa, bởi lẽ ngày thường có rất nhiều người nhận được sự giúp đỡ từ ông cho nên hương hỏa trong chùa lúc nào cũng nghi ngút khói. Tuy nhiên có một số đạo sĩ sinh lòng đố kỵ, cố tình chạy đi báo với Tổng đốc phủ, nói rằng Phổ Am là một yêu tăng, mê hoặc dân chúng. Vì thế Đô đốc đại nhân phái tuần kiểm quan dẫn theo mấy trăm quan sai đi bắt Phổ Am. Vậy là đám quan sai hùng hổ kéo đến chùa để bắt người, khi đi đến nơi cách chùa khoảng mấy dặm đường, đột nhiên trời đổ xuống một cơn mưa nhỏ, ngay lập tức mây đen kéo đến.
Lúc này chỉ nhìn thấy một con rồng khổng lồ dài mấy dặm xuất hiện, dáng vẻ uy nghi, thần quang hiển hiện, bay lượn trên các tầng mây. Những quan sai đang đi bắt Phổ Am nhìn thấy cảnh này đều hoảng sợ và vô cùng chấn động, tuần kiểm quan dẫn đầu liền quỳ xuống cầu xin sám hối, sau đó ngay lập tức trời lại tạnh mưa và rồng biến mất. Vậy là cả đội nhân mã bèn hộc tốc quay trở về Đô đốc phủ, tuần kiểm quan báo cáo với Đô đốc đại nhân rằng: “Phổ Am đại sư là Thánh tăng, không phải yêu tăng”.
Rồng trên đỉnh điện Tử cấm thành Huế (ảnh: Wikipedia).
Hai con rồng nhỏ nhìn giống cá chạch bùn
Vào thời nhà Đường, trong Trường An có một nhân vật là Hoạn Long Hộ, ông chỉ cần quan sát dòng chảy của nước là biết chỗ nào có rồng hay không, và là loại rồng gì. Vào thời của Đường Ý Tông, Hoạn Long Hộ tâu lên với vua rằng trong ao bị mất hai con rồng. Hoàng đế ra lệnh cho ông đi ra ngoài tìm kiếm, thế là ông đi về hướng đông của Hàm Cốc Quan tìm kiếm mấy chục ngày, cuối cùng tìm thấy hai con rồng nhỏ bị mất ở trong ao của Ngụy Vương ở Đông Đô Lạc Dương, liền đem hai con rồng nhỏ quay về Trường An.
Khi ông đi qua Hoa Châu (nay thuộc huyện Hoa tỉnh Thiểm Tây), Thứ sử của Hoa Châu lúc đó là Lý Nột, người này vô cùng chính nghĩa, nghe nói có rồng đến Hoa Châu, tưởng rằng có người đang giở trò lừa bịp, liền sai người đi gọi Hoạn Long Hộ đến nha môn, để điều tra xem là thật hay giả. Sau khi Hoạn Long Hộ đến nha môn của quan phủ, ông lấy ra một cái bình nhỏ, đổ vào trong một cái thau lớn, Lý Nột kiểm tra thấy trong thau là hai con cá chạch bùn, viên quan Thứ sử tức giận nói: “Nếu ngươi không thể chứng thực đây là do hai con rồng biến hóa ra, vậy tức là ngươi khi quân phạm thượng”.
Hoạn Long Hộ đáp rằng: “Nếu như đại nhân muốn kiểm chứng cũng không phải chuyện khó, đại nhân chỉ cần sai người đào một cái ao nhỏ dưới mặt đất, không cần quá to, một hình vuông có chiều dài cạnh bằng một thước (=0.333m) là được”. Lý Nột sai người làm giống như vậy, và đổ sẵn nước vào trong ao, Hoạn Long Hộ bỏ cá chạch bùn vào trong ao nước, chỉ nhìn thấy hai con cá chạch bùn sau khi được bỏ vào trong nước liền xoay tròn quanh người nhau, cái đuôi chạm vào bốn mặt của cái ao, xung quanh cái ao đột nhiên lún xuống, mức nước trong ao cũng theo đó mà dâng lên, bỗng chốc cái ao cũng to ra gấp mấy lần. Mọi người đứng xung quanh cảm thấy hơi lo lắng, nói với Lý Nột rằng: “Sợ rằng cái ao này vẫn còn to ra nữa, đến lúc đó mới ngăn lại thì sẽ khó đó”. Lý Nột liền vội vàng kêu Hoạn Long Hộ thu hai con rồng nhỏ lại, ngay lập tức Hoạn Long Hộ liền cho hai con rồng nhỏ vào trong bình. Lúc này Lý Nột mới thốt lên là trong thế giới rộng lớn không có chuyện lạ gì là không có, sau đó tiếp đãi Hoạn Long Hộ rất chu đáo, còn tặng cho Hoạn Long Hộ rất lộ phí để ông mang hai con rồng nhỏ về gặp Hoàng đế.
Tượng rồng Việt Nam, Tử cấm thành, Huế (ảnh: Wikipedia).
Xử lý lũ lụt, đào đến long đường
Trong những năm Khai Nguyên của nhà Đường, tại Hà Nam khi ấy do tình hình lũ lụt nguy cấp, nên đã thỉnh cầu lên triều đình xin được đào sông rộng ra thêm 18 dặm, để dẫn nước vào Thanh Thủy, những mong giảm bớt nước lũ ở vùng Trường Hoài.
Huyện lệnh huyện Chân Nguyên là Thôi Diên Điệu tập hợp nhân lực trong huyện, đào rộng ra mấy ngàn bước chân, đào được một long đường. Lúc mới đào tưởng là cổ mộ, nhưng nhìn thì thấy rất giống như mới xây, bên trong rất sạch sẽ. Nhìn xung quanh, dưới bức tường này có một con rồng ngũ sắc đang nằm ở đó, dài hơn một trượng, bên cạnh đầu rồng có năm sáu con cá chép, mỗi con cá dài hơn một thước. Còn có hai con linh quy, mỗi con dài một thước hai thốn, mắt dài chín phân, giống với con rùa bình thường. Thôi Diên Điệu đem chuyện này báo cáo lại với quan Khai hà Ngự sử Ổ Nguyên Xương, Ổ Nguyên Xương lại báo cáo lên Tề Hoán.
Tề Hoán ra lệnh cho bọn họ di chuyển con rồng vào trong Hoài Thủy, đem rùa bỏ vào Biện Thủy. Thôi Diên Điệu đem rồng và cá chuyển ra ngoài hơn hai trăm dặm, khi đi đến bên bờ Hoài Thủy, bỗng nhiên thấy hàng trăm con cá nhảy lên khỏi mặt sông bơi về phía con rồng, nước sông khi này cũng cuồn cuộn dâng cao.
Sau khi con rồng bay vào trong sông Hoài Thủy liền phun nước lên phía trên, tạo thành cảnh sương mù mờ ảo, từ đó không nhìn thấy nó nữa.
Lại nghe kể, Ổ Nguyên Xương phái người dùng lưới mang rùa đến lãnh thổ nước Tống, trên đường đi nhìn thấy một hồ nước nhỏ, con rùa nhiều lần đưa cổ ra hướng về chỗ hồ nước, người vận chuyển thấy nó đáng thương, liền thả nó vào tạm trong nước một lúc. Mặt nước chỉ rộng có vài thước, sâu không quá năm thốn, nhưng không biết tại sao không thấy con rùa đâu nữa. Múc cạn nước ra để tìm cũng không tìm thấy.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch