Sự khoáng đạt mà sâu sắc trong hội họa cổ truyền Trung Hoa
Sự khoáng đạt mà sâu sắc trong hội họa cổ truyền Trung Hoa
Văn minh nhân loại có mấy “cái nôi lớn” là Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy lạp, La Mã, Ấn Độ và Trung Hoa rực rỡ từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên.
Song các nền văn minh cổ đại ấy nếu chưa mai một như tại Lưỡng Hà, Ai Cập hay vùng ven Địa Trung Hải thì cũng trải qua những “khoảng trống” hoặc thăng trầm như Ấn Độ.
Riêng Trung Hoa là ngoại lệ: phát triển văn hóa – nghệ thuật liên tục suốt mấy ngàn năm cho tới nay.
Nghệ thuật Trung Hoa với lĩnh vực biểu hiện sâu sắc nhất trong cảm nhận nghệ thuật là Thư pháp đi đôi với Họa pháp, chứ không tách ra thành văn học và hội họa như phương Tây.
Vẽ tranh như người Trung Hoa quan niệm và vẫn thực hiện bao đời thì quả là độc nhất, vô nhị.
Tranh Trung Hoa đẹp và độc đáo đến mức ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nền mỹ thuật lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.
Tranh Quắc Quốc và Hàn Quốc phu nhân đi dã ngoại mùa xuân, họa sĩ Tống Huy Tông thế kỷ 12
Xem tranh thủy mặc, tranh thư pháp đời Đường, đời Tống, đời Minh, ta có cảm giác như đang được thưởng thức một bài thơ cổ từ quá khứ xa xưa vọng lại lẫn trong tiếng lục huyền cầm trầm đục rung vào hư không.
Ta cứ bâng khuâng mãi với cảm giác đó do từ cái vẻ đẹp thanh tao, thoáng đãng, mơ màng, huyền ảo và đầy thi hứng trong tranh.
Sức truyền cảm mạnh mẽ này đã khẳng định một phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm đà chất phương Đông của hội họa cổ truyền Trung Hoa.
Phong cách nghệ thuật này xuất phát từ ý niệm triết học phương Đông, lấy hư vô làm gốc để điều phối hài hòa cái “hư”, cái “thực”, ứng với vạn biến để diễn tả cái thần thái của vạn vật vào trong tranh.
Người Trung Hoa từ lâu vẫn thường nói “Thư họa đồng nguyên” tức là “Viết và vẽ cùng một gốc”.
Nghệ thuật Thư pháp có cội nguồn từ xa xưa, từ những nét chữ Cổ khắc trên xương thú hay mai rùa gọi là “giáp cốt văn” ngày càng biến hóa đa thức, mang những vẻ đẹp cao quí thể hiện phong độ, tính tình và cả khí phách người viết.
Qua nét bút lông khi thì nghiêm nghị, đĩnh đạc, khi thì gân guốc, kiên cường, có khi lại như rồng bay, phượng múa hoặc phất phơ, mềm buông như ngọn cỏ trước gió, thư pháp Trung Hoa không chỉ sớm chinh phục giới nho sĩ trí thức tại mấy nước lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, mà còn được ngưỡng mộ ở cả nhiều nước phương Tây.
Một bức tranh của Tống Huy Tông, họa sĩ cung đình thế kỷ 12
Tranh thủy mặc xuất hiện từ thời Chiến Quốc và phát triển rộng vào đời Hán với tích truyện huyền thoại rồi đạt đỉnh cao vào đời Đường – Tống. Đề tài xoay quanh nhân vật cung đình đặc biệt là đi sâu vào thể loại tranh sơn thủy, hoa điểu.
Các triều vua đời Nguyên, Minh, Thanh đều kế thừa và phát triển tranh thủy mặc của đời Đường, đời Tống với hai lối vẽ công bút (tỉa từng tiểu tiết bằng nét bút tinh nhọn) và tả ý (phóng bút tung hoành) kết hợp linh hoạt, sinh động gây mỹ cảm khoáng đạt mà sâu sắc.
Cách vẽ này đậm sắc thái Trung Hoa, sau được đề cao gọi là quốc họa.
Tranh của họa sĩ thời Đường
Khác với tranh phong cảnh của người châu Âu, “sông nước” trong “quốc họa” không chỉ hiện hình trong con mắt, mà nó là hiện hình cho cái sáng tạo.
Nơi đây, sức sống tinh thần trỗi lên cùng sự sống mãnh liệt của non xanh, của nước biếc, đặc sắc chỉ trong một màu mực.
Ngòi mực của họa gia thủy mặc lột tả đến tận cùng tư tưởng, lối sống, quan điểm nhân sinh và cả nét suy tư của con người trước tạo hóa.
Bởi thế mà khi ngắm một bức thủy mặc, ta không chỉ dừng lại ở mức ngắm nghía một mảnh sơn thủy yêu kiều, mà xa hơn, đó là thưởng thức một tuyệt phẩm của tâm hồn, đại diện cho tư tưởng của cả thời đại.
Vũ trụ đang xoay vần trong bức họa, và trong con người ta cũng có những mạch ngầm xúc cảm róc rách tựa nước từ suối nguồn vậy.
Bức tranh sơn thủy theo lối vẽ quốc họa
Người Trung Hoa từ xưa đã không tách mình khỏi thiên nhiên vũ trụ, vì vậy mà họa trung hữu tình – mượn cảnh diễn tình trở thành một nghệ thuật thường thấy.
Ai biết dưới những tầng tuyết trắng mênh mang kia có hay không chôn giấu một mảnh hồn thi ca dạt dào của thi Phật Vương Duy.
Những chỏm núi cao chót vót ngàn năm tĩnh lặng và dòng sông lững lờ trôi kia, vẫn đang chuyển mình trong tiếng gọi của mùa xuân sắp tới…
Thế giới trong tranh là cả một thế giới, nó không xa vời hiện thực nhưng đã vượt lên một tầm cao mới so với hiện thực, bởi đó là sự đột phá đầy trí tuệ.
Tranh vẽ một vị phu nhân và tùy tùng thời Đường
Người phương Tây thường chú trọng và đề cao kinh nghiệm, ý chí, khả năng của mình để tiếp cận chân lý.
Họ nỗ lực khám phá, thu hoạch, chiếm đoạt cái vũ trụ khách quan, cái tự nhiên và xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, họ lại tỏ ra đối lập lạnh nhạt và ngờ vực cái vũ trụ khách quan đó.
Người phương Tây vẽ tranh phong cảnh với một cái nhìn phân tích bằng thị giác và phản ánh nó bằng các yếu tố của nghệ thuật hội hoạ như đường nét, hình khối, màu sắc.
Họ tả khoảng cách và tạo không gian xa gần của cảnh vật bằng cách vẽ mọi vật ở càng xa thì càng nhỏ vút về một điểm tụ ở đường chân trời, các sự vật chịu sự chi phối của ánh sáng và vờn nổi khối theo quy luật ánh sáng.
Giá trị của nó ở chỗ làm cho người xem như được nhìn thấy cảnh thực và có sự rung động theo cảnh thực.
Tranh của Triệu Mạnh Phú đời Nguyên
Người nghệ sỹ Trung Hoa coi tâm hồn của một người là tâm hồn của trời đất. Cái lý của một vật là cái lý chung cho cả vạn vật.
Vận chuyển của một hơi thở cũng như vận chuyển của một ngày.
Vì thế tranh thủy mặc không chỉ là cảnh sắc khách quan mà chính là tâm hồn, lối tư duy của tác giả.
Xem tranh là qua hình tượng, cách biểu hiện khí chất khi biểu tả để thấu hiểu chính tác giả; trong đó, nó chứa đựng cả sự gửi gắm tình cảm, tâm hồn, tư tưởng của người vẽ.
Cũng chính vì vậy, tranh thủy mặc không lấy lối vẽ phân tích theo cái nhìn tinh tế mô tả chi tiết cho giống với thực thu nhận qua thị giác làm trọng mà thiên về tả ý, lưu lại những hình ảnh, giữ lại cái bóng của sự vật.
Họ dường như không nhìn thấy cảnh thật để sao chép nó, họ vẽ những cái tồn tại trong tình cảm của mình, do họ cảm nhận được gây cho người xem cảm giác rất xa lạ mà lại như quen thuộc tự bao giờ.
Những cảm xúc đó được chuyển vào nét bút sinh động, cái nồng ấm, sống động vào khí vận của đường bút, cái cao siêu, cái lưu chuyển qua sự tương quan của thực hư, của ý tưởng trong biểu hiện.
Thông qua tranh thủy mặc, người nghệ sỹ Trung Hoa muốn gửi gắm vào trong đó tâm trạng của mình trước cuộc đời.
Cảnh chỉ là một đối tượng để tác giả mượn cớ nói về cái tâm hồn của mình một cách tế nhị.
Giá trị của nó không chỉ ở cảnh sắc của tranh mà thông qua bức tranh còn thấy cả tâm hồn của tác giả.
Tranh vẽ mô tả trang phục phụ nữ
Tranh thủy mặc tồn tại với bề dày lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến, tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng phải nói loại tranh thủy mặc đã có một mạch đập xuyên suốt lịch sử tồn tại chưa hề gián đoạn kể từ Hán – Tuỳ – Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy cao độ, cho nên tranh thủy mặc là một loại hình hội hoạ dân tộc nằm trong hệ thống tranh quốc họa được hun đúc từ truyền thống văn hoá, tư tưởng phương Đông đặc sắc.
Vinh Hoa (TH)