Những đạo lý trị quốc an dân thời cổ đại : Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia
Những đạo lý trị quốc an dân thời cổ đại :
Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia
Mạnh Tử nói: “Chính nhờ nhân đức mà Hạ, Thương, Chu đã giữ được ngai vàng, và cũng vì bất nhân mà họ mất nước.
Nó quyết định sự suy đồi hay hưng thịnh, bảo tồn hay diệt vong của các nước chư hầu”.
Vậy nên, người xưa đã tổng kết: Đạo trị quốc, chỉ là yêu dân mà thôi!
Dưới đây là trí tuệ trị quốc an dân của tiền nhân, được ghi chép trong các thư tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay:
1. “Từ xưa đến nay, kẻ thù địch với người dân thì sớm muộn người dân tất thắng”.
(Trích “Tân thư – Đại chính thượng” của Giả Nghi đời Hán)
Trong bài thơ “Cảm hứng”, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng tri tại đắc dân.”
Tạm dịch:
Xưa nay quốc gia lấy dân làm gốc,
Giữ được quốc gia là do được lòng dân.
Các triều đại lịch sử xưa nay đều vậy, thuở đầu lập nước là do được lòng dân. Nhưng đến thời mạt vận thì chỉ vì lợi ích mà đối địch với lòng dân, vua quan quân coi dân như kẻ thù nên mới dẫn đến họa diệt vong.
2. “Cái gốc trị quốc là ở yên dân. Cái gốc yên dân là ở đủ dùng. Cái gốc đủ dùng là ở không quấy nhiễu dân làm ăn”.
(Trích “Hoài Nam Tử – Thái tộc”)
Cái gốc quản lý quốc gia là phải làm cho người dân an cư lạc nghiệp.
Cái gốc an cư lạc nghiệp là để người dân được ăn mặc tiêu dùng đầy đủ.
Cái gốc để người dân có đầy đủ ăn mặc tiêu dùng là không can nhiễu quấy rối cưỡng đoạt, để người dân hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ cũng có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi Thiên”, nghĩa là: Quốc gia lấy người dân làm gốc, người dân coi việc ấm no là Trời. Như vậy, cái gốc của trị quốc là lo cho người dân được an cư lạc nghiệp, được ấm no.
Người dựng được nước là người coi trọng nhân dân, lo cho cuộc sống và lợi ích của nhân dân, như vậy người dân ắt sẽ quy về, từ đó mà giúp vương triều thành đại nghiệp.
Những năm cuối triều Tần có một thư sinh tên là Lịch Thực Kỳ, học vấn uyên bác. Ông từng hiến kế giúp Lưu Bang mưu trí chiếm được đất Trần Lưu.
Sau này ông được phong làm Quảng Dã Quân.
Sau khi triều Tần diệt vong, Lưu Bang và Hạng Vũ tranh bá.
Lưu Bang liên kết các địa phương chống lại lực lượng của Hạng Vũ, chiếm đóng Huỳnh Dương và Thành Cao.
Phía tây bắc Huỳnh Dương có ngọn núi Ngao Sơn, trên núi có tòa thành nhỏ được xây dựng từ thời nhà Tần.
Trong thành có rất nhiều kho chứa lương thực nên mới gọi là Ngao Thương, đây cũng là kho lương thực lớn nhất vùng Quan Đông.
Sau khi bị Hạng Vũ tấn công dữ dội, Lưu Bang tính kế rút lui, nhường khu vực từ Thành Cao về phía đông cho Hạng Vũ.
Lưu Bang hỏi Lịch Thực Kỳ có kế sách nào không. Lịch Thực Kỳ nói: “Bậc vương giả coi dân là Trời, mà người dân coi cái ăn là Trời. Quân Sở không biết giữ kho thóc mà tiến về phía đông, đây là cơ hội Trời giúp nhà Hán thành công đó. Nếu chúng ta rút khỏi Thành Cao lui về giữ đất Củng, đất Lạc, như thế tức là đem kho lương thực quan trọng như thế này dâng cho kẻ thù. Việc này sẽ gây ra bất lợi vô cùng cho cục diện hiện nay. Mong ngài hãy nhanh chóng tổ chức binh lực, cố thủ Ngao Thương, nhất định sẽ thay đổi được cục diện bất lợi hiện nay”.
Lưu Bang thực hiện theo kế sách Lịch Thực Kỳ, cuối cùng giành được thắng lợi.
3. “Ngựa mệt không sợ roi, dân mệt không sợ hình phạt”.
(Trích “Giám thiết luận – Chiếu Thánh” của Hoàn Khoan đời Hán)
Khi ngựa sức cùng lực kiệt thì roi vọt cũng không có tác dụng, nó cũng chẳng sợ nữa.
Người dân đói rét khổ cực thì hình phạt nghiêm khắc cũng không khiến họ sợ nữa. Khi người dân bị dồn đến mức không thể sống tiếp thì trấn áp tàn khốc thế nào đi nữa cũng không có tác dụng.
Tục ngữ cũng có những câu như: “Chó cùng rứt giậu”, hay “Con giun xéo lắm cũng quằn”, chính là nói lên đạo lý này.
4. “Một người kêu than, thì đạo trị quốc (vương đạo) đã bị tổn hại”.
(Trích “Tiềm phu luận – Cứu biên” của Vương phù đời Hán)
Đạo trị quốc dùng nhân đức cảm hóa thu phục lòng người nên mới được gọi là vương đạo.
Trong nước chỉ cần có một người dân kêu than thống khổ thôi thì có nghĩa đạo trị quốc đã bị tổn hại rồi. Câu nói này tuy đơn giản nhưng lại chứa đựng trí tuệ rất sâu xa:
Chớ vì vấn đề nhỏ chỉ liên quan đến thiểu số hoặc người cá biệt mà coi thường bỏ qua.
Khổ đau, vui buồn của mỗi người dân đều ảnh hưởng đến an nguy và trị an quốc gia.
5. “Chân lạnh tổn thương đến tim, dân lạnh tổn thương đến quốc gia”.
(Trích “Thân giám – Chính thể” của Tuân Duyệt đời Hán)
Chân lạnh sẽ gây tổn thương cho nội tạng cơ thể người.
Người dân áo không đủ mặc thì chính quyền quốc gia sẽ bị tổn hại, bị chê trách.
Tuân Duyệt từng nói rằng sự vui buồn giàu nghèo của người dân là có quan hệ mật thiết đến chính quyền, đến quân chủ, đến người lãnh đạo.
Đây cũng chính là tư tưởng ‘lấy dân làm gốc’ của Nho gia.
6. “Quốc gia hưng thịnh bởi coi dân như con đỏ, quốc gia suy vong bởi coi dân như cỏ rác”.
(Trích “Tam quốc chí – Ngô chí – Hạ Thiệu truyện”)
Quốc gia sở dĩ hưng thịnh là do coi người dân như trẻ sơ sinh mà nâng niu chăm sóc. Ngược lại, một quốc gia khi đã coi người dân như cỏ rác mà chà đạp ruồng bỏ thì quốc gia đó đã đến bờ diệt vong rồi.
Đây chính là lời mà Trung thư lệnh Hạ Thiệu của nước Ngô nói khi khuyên Ngô đế Tôn Hạo, đại ý rằng quân vương cần phải yêu quý và bảo vệ bách tính, bởi chính người dân mới có thể quyết định sự hưng suy tồn vong của quốc gia.
7. “Trên bình an là bởi làm yên vui kẻ dưới; tốt cho mình là bởi đem lợi ích cho người”.
(Trích “Ngũ đẳng chư hầu luận” của Lục Cơ đời Tấn)
Người thống trị muốn bình an vô sự, thì cần phải yêu quý bảo vệ chăm lo cho những người dân ở dưới, khiến người người yên vui.
Bản thân mình muốn có được lợi ích, thì trước tiên cần phải làm cho người khác có được lợi ích.
Lục Cơ cho rằng: Người thống trị phải chia sẻ quyền lợi với người ở dưới thì mới có thể duy trì thống trị lâu dài được.
Cần coi trọng người dân và lợi ích của họ thì đó chính là nguyên tắc quan trọng quản lý quốc gia.
8. “Việc thiên hạ thì nên cùng với người thiên hạ gánh vác. Trí tuệ một người sao có thể làm nên”.
(Trích “Tống thư – Nhan Diên Chi truyện” của Lương Thẩm Ước đời Nam Triều)
Sự việc của cả một quốc gia nên cùng bàn bạc với người dân toàn quốc để cùng quản lý.
Việc phức tạp như thế này lẽ nào trí tuệ sức lực của một người có thể làm nổi?
Thời Tống Văn Đế, Lưu Trạm và Ân Cảnh Nhân độc chiếm triều chính, Binh bộ hiệu úy Nhan Diên Chi đã dùng lời nói này bày tỏ phê phán những người nắm quyền, và nói rõ cái đạo trị quốc.
9. “Người giỏi tàng trữ tài sản là tàng trữ ở trong nhân dân”.
(Trích “Tấn thư – Mộ Dung Hoàng tải ký” của Phòng Huyền Linh đời Đường)
Bậc quân chủ giỏi tàng trữ tài sản là người đem tài sản tàng trữ ở trong nhân dân.
Vua nước Tiền Yên là Mộ Dung Hoàng khuyến khích phát triển sản xuất. Nhưng vì chế độ thuế điền địa quá hà khắc, nên Ký thất tham quân Phong Dụ bèn khuyên ông: “Nên giảm thuế mà tàng trữ tài sản đó ở trong bách tính”.
Chỉ cần người dân giàu có thì nguồn tài sản quốc gia mới được có được cơ sở vững chắc lâu bền.
Người yên ổn thì tài sản dồi dào, gốc bền chắc thì nước mới bình yên
10 . “Lòng dân thường thay đổi, duy chỉ quy thuận người nhân ái.”
(Trích “Nam Tề thư – Cao Đế bản kỷ” của Tiêu Tử Hiển thời Nam Triều)
Trên đây là một câu trong chiếu thư của Tống Thuận Đế thời Nam triều khi ông nhường ngôi cho Tiêu Đạo Thành. Tuy việc thay triều đổi đại chẳng qua chỉ là cuộc tranh giành quyền lực, nhưng câu nói trên đã cho thấy một đạo lý bất di bất dịch: Lòng dân chỉ quy thuận những người yêu mến và bảo vệ họ mà thôi.
11. “Lòng dân nhiều oán hận thì không phải là cái phúc của quốc gia.”
(Trích “Nam Tề thư – Võ Thập Thất Vương truyện” của Tiêu Tử Hiển thời Nam triều)
Đương thời, thiên tai, lụt lội và hạn hán liên tiếp xảy ra, cộng thêm các hình phạt khắc nghiệt của triều đình khiến nhà tù luôn chật ních phạm nhân, còn nhân dân thì oán trách đầy đường. Tiêu Tử Lương đã dùng câu nói này để đề xuất với vua cha rằng chỉ có khoan dung giải quyết nỗi khổ đau của người dân thì mới có thể duy trì được sự thống trị lâu dài cho vương triều.
12. “Không nỗ lực để người dân giàu có trước tiên mà chỉ nói làm lợi cho quốc gia, làm sao có chuyện dân bên dưới nghèo khổ mà quốc gia bên trên lại giàu mạnh được?”
(Trích “Nam Tề thư – Vũ Thập Thất Vương truyện” của Tiêu Tử Hiển đời Nam triều)
Năm xưa, Chu Thái Tổ Quách Uy vì đã từng lăn lội trong dân gian suốt một thời gian dài nên mới có thể thấu hiểu nỗi thống khổ của dân chúng.
Nhưng từ khi Lương Thái Tổ Chu Ôn đặt ra ‘thuế trâu bò’, hơn 60 năm sau đó bách tính phải sống khổ cực.
Quách Uy đã bãi bỏ hết những điều luật hà khắc, đồng thời đem trang viên ruộng đất công ra phân chia cho các hộ nông dân làm tài sản vĩnh cửu của họ, khiến dân chúng vui mừng ca ngợi.
Có người đề xuất với vua rằng nếu đem bán những trang viên ruộng đất công này đi thì có thể thu về một khoản tiền lớn để quốc gia chi dùng.
Quách Uy đã dùng câu nói trên để trả lời. Ông chủ trương chia tặng cho các hộ nông dân, không thu một xu.
13. “Không đổi mạng một người dân để có được thiên hạ.”
(Trích “Văn trung tử trung thuyết – Thiên địa” của Vương Thông đời Tùy)
Không vì tranh đoạt thiên hạ mà coi thường sinh mệnh người dân.
Đây là câu trả lời của Vương Thông thời nhà Tùy khi Lý Mật hỏi Vương Thông về sách lược bá vương.
Câu nói này đã nhấn mạnh đạo lý rằng: Bậc quân vương nếu muốn thành bá nghiệp thì phải yêu quý và bảo vệ dân chúng của mình.
14. “Đế vương nào có cố định bất biến, người được nhân dân ủng hộ thì trở thành đế vương.”
(Trích “Bắc sử – Vũ Văn Quý truyện phụ Vũ Văn Hân” của Lý Diên Thọ đời Đường)
Vũ Văn Hân là tả mệnh thân tín của Tùy Văn Đế.
Ông vì bị cách chức quan mà trở nên bất mãn, bèn bàn với Lương Sỹ Ngạn mưu đồ đoạt ngôi vị hoàng đế.
Câu nói trên đây là của Vũ Văn Hân nói với Lương Sỹ Ngạn trong hoàn cảnh này.
15. “Đạo làm vua trước tiên phải khiến bách tính sinh tồn. Nếu tổn hại bách tính để phụ sự bản thân thì giống như cắt đùi để nuôi bụng, bụng no nhưng thân thể tử vong.”
(Trích “Trinh Quán chính yếu – Quân đạo” của Ngô Căng đời Đường)
Đây là câu nói của Đường Thái Tông đối với cận thần vào năm Trinh Quán thứ nhất. Đường Thái Tông là vị hoàng đế vô cùng coi trọng bách tính nên đã trở thành bậc minh quân vĩ đại trong lịch sử.
16. “Bách tính an lạc mới là vũ khí và áo giáp.”
(Trích “Trinh Quán chính yếu – Nhân nghĩa” của Ngô Căng đời Đường)
Bách tính an cư lạc nghiệp mới là vũ khí, là sức mạnh quốc phòng chống ngoại bang xâm lấn.
Năm Trinh Quán thứ tư, khi Phòng Huyền Linh tấu rằng: “Hôm nay kiểm duyệt vũ khí áo giáp kho vũ khí, thấy vượt xa triều Tùy rất nhiều”, Đường Huyền Tông đã dùng câu:
“Bách tính an lạc mới là vũ khí và áo giáp” để trả lời. Ý nghĩa câu trên là: trang bị vũ khí tất nhiên là việc quan trọng, nhưng khiến cho người dân an cư lạc nghiệp mới là điều quan trọng hàng đầu.
17. “Lấy con người làm gốc, lấy tài sản làm ngọn. Con người yên ổn thì tài sản dồi dào, cái gốc bền chắc thì nước mới bình yên.”
(Trích “Điều thứ nhất – Giảm thuế khóa thương xót người dân” của Lục Chí đời Đường)
Câu nói trên cũng tương đương với hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản,
Đắc quốc ưng do tại đắc dân.”
Nghĩa là:
Xưa nay nước lấy dân làm gốc,
Được nước là do được lòng dân.
18. “Nếu làm lợi cho dân thì có khác gì với làm lợi cho quốc gia?”
(Trích “Cựu ngũ đại sử – Chu thư – Thái Tổ kỷ” của Lô Đa Tốn đời Tống)
Câu nói trên cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và quốc gia:
Nhân dân là gốc, quốc gia là ngọn, gốc rễ bền thì ngọn mới tốt tươi, dân có giàu thì nước mới vững mạnh.
Do đó trước hết phải làm lợi cho dân, để dân yên vui, giàu có.
Mệnh dân là ở nguyên khí, mệnh nước là ở lòng người
19. “Chia sẻ hạnh phúc của mình với người thì người ắt sẽ cùng chia sẻ nỗi lo của mình. Chia sẻ cuộc sống yên định với người thì người ắt sẽ cứu giúp mình lúc nguy nan.”
(Trích “Cựu Đường Thư – Lý Bách Dược truyện” của Trương Thiều Viễn đời Ngũ Đại)
Năm Trinh Quán thứ hai, Hoàng đế Đường Thái Tông phong đất cho các chư hầu. Lễ bộ Thị lang Lý Bách Dược dâng tấu “Phong kiến luận” đã dựa vào lý lẽ để phản đối. Lý Bách Dược chỉ ra rằng, củng cố chính quyền trung ương không chỉ là phong đất cho các thành viên hoàng tộc để làm phiên dậu mà là ở chỗ nhân dân đều được an định lạc nghiệp.
20. “Dân là gốc của nước, xưa nay chưa từng có gốc lung lay mà cành lá không rung động.”
(Trích “Chỉ quỹ sớ” của Tô Thuấn Khanh đời Tống)
Trong cuốn “Tạp thuyết” của tác giả Tống Kỳ cũng có câu tương tự: “Người dân là nền móng quốc gia. Bức tường thành cao 5 nhận (khoảng 30 mét) sở dĩ không bị sụp đổ là do có nền móng dày, bị sụp đổ là do nền móng mỏng. Cũng như vậy, con cuốn chiếu không cương cứng là do có nhiều chân, con sông nước chảy khôn cùng là do có nguồn xa”.
21. “Câu Tiễn sống trong núi, quốc dân vẫn nguyện ý chết vì ông.”
(Trích “Thu sơn nhị thủ” của Cố Viêm Võ đời Thanh)
Thời Xuân Thu, Câu Tiễn sống ở trong núi rừng, lánh xa nơi thế tục nhưng người dân toàn quốc vẫn tỏ ý sẵn sàng hy sinh vì ông, đó là bởi ông có được lòng người.
22. “Mệnh quốc gia là ở người dân, mệnh người dân là ở cái ăn.”
(Trích “Thu hoài 36 thủ” của Thiệu Ung đời Tống)
Dân chúng chính là sinh mệnh quốc gia, mà vấn đề ăn ở sinh hoạt lại là sinh mệnh của dân chúng.
23. “Mệnh quốc gia như mệnh con người. Mệnh con người là ở nguyên khí, mệnh quốc gia là ở lòng người.”
(Trích “Vương Thần Luân đối đệ nhất trát tử” của Dương Vạn Lý đời Tống)
24. “Cái tâm làm chủ con người như cái cây có rễ, như ngọn đèn có dầu, như cá có nước, như nông dân có ruộng, như thương nhân có tài sản. Cây không rễ thì khô, đèn không dầu thì tắt, cá không nước thì chết, nông dân không ruộng thì đói, thương nhân không tài sản thì nghèo, người mất cái tâm thì tiêu vong”.
(Trích “Thượng Thần Tông hoàng đế thư” của Tô Thức đời Tống)
25. “Vương giả sở dĩ có được thiên hạ là vì có được người dân. Người có được người dân là vì được lòng dân”.
(Trích “Tấu luận chư tướng vô công trạng” của Uông Tảo đời Tống)
Nguyên nhân quốc quân có được thiên hạ là do được người dân ủng hộ, được người dân ủng hộ chính là vì người dân vui lòng thuận theo.
26. “Sức mạnh có thể chinh phục được thiên hạ nhưng không thể chinh phục được lòng người”.
(Trích “Triều Châu Hàn Văn Công miếu bi” của Tô Thức đời Tống)
Dựa vào sức mạnh vũ lực có thể đoạt được thiên hạ nhưng không thể có được sự ủng hộ thành tâm thành ý của người dân bình thường.
27. “Sở dĩ thiên hạ phục tùng thường do triều đình xử lý sự việc công chính không thiên lệch, mà không phục tùng thường do triều đình xử lý sự việc không công chính, thiên vị gây ra bất bình”.
(Trích “Ngự lại” của Dương Vạn Lý đời Tống)
28. “Thà đắc tội với quan trên còn hơn đắc tội với người dân.”
(Trích từ “Tống sử – Ngô Phất truyện” của Âu Dương Huyền đời Nguyên)
Đây là câu nói của Long Đồ Các trực học sỹ Ngô Phất đời Tống Hiếu Tông triều Nam Tống, đã nói rõ cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân ở dưới, không được đón ý lấy lòng thượng cấp.
29. “Được đất đai dễ, được lòng người khó.”
(Trích “Tống sử – Dương Giản truyện” của Âu Dương Huyền đời Nguyên)
Muốn có được đất đai thì khá dễ dàng, muốn được nhân dân ủng hộ thì mới là việc khó.
Thời Tống Ninh Tông triều Nam Tống, người Kim kiểm soát khu vực phía bắc khiến xảy ra nạn đói lớn. Hàng ngày đều có những nhóm đông dân chúng vượt biên vào đất Nam Tống, viên quan giữ biên ải cự tuyệt không tiếp nhận nên “đến sông Hoài Thủy bắn vào đoàn người”. Dương Giản đã nói lời này nhằm vào sự việc trên, chỉ rõ rằng dùng vũ lực chiếm đất đai thì không thể có được lòng người.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch