Một chữ Đức vì sao lại hàm chứa Thiên cơ lớn đến như vậy?
Một chữ Đức vì sao lại hàm chứa Thiên cơ lớn đến như vậy?
Người xưa vẫn thường nói: “Người có đức thì được, kẻ thất đức thì mất”, hay “Có đức mặc sức mà hưởng”.
Một chữ Đức ấy lại hàm chứa ý nghĩa vô cùng rộng lớn…
Chữ Đức (德) gồm bộ Xích (彳) – bước nhỏ, chữ Thập (十) – mười, chữ Mục (目) – mắt, chữ Nhất (一) – một và chữ Tâm (心) – tim cấu thành.
Trong “Thuyết văn giải tự” giải nghĩa: “Đức, thăng dã”, nghĩa là “Đức có nghĩa là lên cao”.
Có hàm ý là chỉ đạo đức, tâm tính của con người cần thăng hoa lên cao.
Bởi ‘Đức’ có nghĩa lên tầng thứ cao, nên cũng có nghĩa chỉ người tu luyện hàng ngày tu luyện tinh tấn, do đó chữ Đức có bộ Xích (彳) – bước đi nhỏ.
Sự thăng hoa đạo đức, tâm tính của con người, hay sự tinh tấn của người tu luyện, là những bước đi nhỏ chứ không phải chạy, không phải nhảy, cũng không phải tản bộ trên mặt đất, hay rảo bước, mà là mỗi bước một dấu chân đi lên, leo lên cao.
Đối với con người mà nói, đức lớn hay nhỏ sẽ quyết định năng lực cá nhân đó lớn hay nhỏ, cũng như quyết định mức độ hạnh phúc, hướng đi và tầng thứ luân hồi của người đó.
Cho nên muốn đắc được thì cần đắc cái đức, mà muốn “đắc” thì phải “thất’: muốn đắc được thì phải xả, buông bỏ những toan tính, dục vọng và thói quen xấu, muốn đắc được thì phải phó xuất.
Chiểu theo thuyết Pháp của Phật gia, đối với người tu luyện thì đức lớn hay nhỏ sẽ quyết định mức độ dễ hay khó tu luyện, công cao hay thấp, tầng thứ và quả vị có thể đạt được của người đó…
Bên phải chữ Đức là “Thập mục nhất tâm” (十目一心) – mười mắt một lòng.
Trước tiên nói về chữ Nhất, chúng ta đều biết Nhất là số 1, là đơn giản nhất.
Thực tế chữ số này phức tạp nhất.
Trong “Thuyết văn giải tự”, chữ Nhất được giải nghĩa nhiều nhất, trong đó có nói rằng “Ban đầu Thái cực, Đạo hình thành từ Nhất, tạo thành phân chia Trời Đất, hóa thành vạn vật”.
Do đó chữ Nhất là thủy tổ của vạn vật, là cội nguồn của tất cả mọi vật.
Từ Nhất phái sinh ra âm dương, phái sinh ra Trời Đất.
Cho nên chữ Nhất một nét ngang này thực tế là phân chia Trời Đất, trên là Trời, dưới là Đất.
Còn chữ Thập là “Thập phương thế giới, tứ diện bát phương”, nghĩa là “Thế giới 10 phương, 4 mặt 8 phương”.
Như vậy chữ Đức này có ý nghĩa rất thâm sâu.
Trên chữ Nhất là Thập Mục, nghĩa là khắp trên Trời đều là con mắt.
Còn ở dưới chữ Nhất là chữ Tâm, nghĩa là ở dưới Đất là nhân tâm, tâm con người.
Như vậy có nghĩa là mắt Trời đang nhìn lòng người.
Người xưa nói “Trên đầu 3 thước có Thần linh”, “Phòng tối có lỗi trong lòng, mắt Thần như điện”, chính là nói mắt Trời nơi đâu cũng có, mắt khắp trên Trời đang nhìn xuống dưới Đất.
Điều này cho thấy người xưa nhận thức Đức là gì?
Bất kể có người nhìn thấy hay không, có pháp luật truy cứu hay không, thì hành vi con người đều phải hợp với lẽ Trời, đây mới là Đức chân chính.
Lão Tử nói: “Vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức”, nghĩa là “Vạn vật không gì là không tôn quý Đạo và Đức”, vạn vật không có Đạo thì không sinh, không có Đức thì không thành.
Sở dĩ trời đất vạn vật có thể sinh tồn và phát triển, đều là khởi nguồn từ sự dưỡng dục của Đạo Đức.
Đức là một loại vật chất cao năng lượng nhìn không thấy, sờ không được nhưng thực sự tồn tại.
Do đó nói rằng, chữ Đức quyết định hết thảy mọi thứ của con người.
Đức hạnh nhiều hay ít, mỏng hay dày quyết định phúc phận và vận mệnh con người.
Bởi vậy mà người xưa vẫn thường nói: “Người có đức thì được, kẻ thất đức thì mất”, hay “Có đức mặc sức mà hưởng”.
Lành dữ họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với đức: có đức là có phúc; vô đức là chịu tai họa.
Đây cũng chính là đạo lý “Đạo Trời không thân với ai, mà thường giúp người thiện”.
Trong “Thượng thư – Cao Đào mô” miêu tả có Cửu Đức – 9 loại tiêu chuẩn hành vi: “Khoan dung lại cẩn thận, ôn hòa lại có chủ kiến riêng, cẩn trọng lại cung kính, có khả năng trị loạn lại thận trọng, tiếp thu ý kiến lại cương nghị, chính trực lại ôn nhu, giản đơn lại liêm khiết, cứng rắn lại thực chất, mạnh mẽ lại đạo nghĩa”.
Trong “Thượng thư – Hồng phạm” viết có Tam Đức: “Một là chính trực, hai là cương khắc, ba là nhu khắc”.
Trong “Chu lễ – Địa quan” có viết về Lục Đức – 6 loại đức hạnh: “Tri, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa”.
Trong “Luận ngữ” Khổng Tử nói về Ngũ Đức: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Người xưa vô cùng kính sợ đối với Thần linh Trời Đất, nên có thể tuân theo Đạo mà giữ được Đức, cho nên đức tính tốt đẹp, phúc phận lớn.
Con người ngày nay thường coi đạo đức là hư vô, tầm thường hóa, nông cạn hóa đạo đức, cho rằng hai chữ Đạo Đức chỉ là một loại thuyết giáo, mà không thực sự hiểu nội hàm đích thực.
Bởi vậy nhiều người chỉ nói cửa miệng vậy thôi, không thực sự thành tâm thành tín, không biết hàm nghĩa thâm sâu của đạo đức cũng như năng lượng vật chất và tinh thần to lớn của nó.
Thế nên con người hôm nay đã xa rời đạo đức rất xa rồi; thiếu đức, phúc phận mỏng, tai ương họa hoạn nhiều.
Chỉ có thể quay về với đạo đức, học tập cổ nhân tu dưỡng tâm tính, thăng hoa đạo đức ngay trong cuộc sống hàng ngày, mới thực sự giúp con người rời xa hiểm họa mà dựng lập được lai tươi sáng cho sinh mệnh.
Theo soundofhope
Kiến Thiện biên dịch