Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

5 hậu quả khôn lường từ thí nghiệm chỉnh sửa gen người của nhà khoa học Trung Quốc

5 hậu quả khôn lường từ thí nghiệm chỉnh sửa gen người của nhà khoa học Trung Quốc

Thời gian qua, thông tin về cặp sinh đôi chỉnh sửa gen đầu tiên ra đời tại Trung Quốc của ông Hạ Kiến Khuê gây ra sự náo động lớn trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học cho rằng, động thái này đã mở chiếc hộp Pandora và sẽ mang lại những thảm họa khủng khiếp cho nhân loại.

26/11, Ông Hạ, giáo sư trường đại học Phương Nam tuyên bố, cặp song sinh biến đổi gen Lulu và Nana đầu tiên đã chào đời ở Trung Quốc. Ông đã thông qua kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR thay đổi một gen từ trong bào thai giúp bé có thể ‘tự miễn dịch đối với bệnh AIDS’.
Sau khi tin tức được công bố, lập tức dẫn tới làn sóng lên án mạnh mẽ từ các chuyên gia và học giả trong cũng như ngoài nước Trung Quốc. Đêm hôm đó, 122 nhà khoa học tại Trung Quốc Đại Lục cùng lên tiếng bày tỏ quan điểm trên group “Phần tử trí thức” của mạng xã hội Weibo như sau: “Công nghệ chỉnh sửa gen người đã tồn tại từ rất lâu chứ không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng vì nó mang đến những rủi ro rất lớn và quan trọng hơn là liên quan tới những luân lý đạo đức, nên các nhà khoa học đều không thực hiện”. Không những vậy, những nhà khoa học này còn lo lắng rằng, lần thử nghiệm này ‘đã khiến chiếc hộp Pandora được mở ra’.
Các nhà khoa học cho rằng, có nhiều cách để ngăn chặn trẻ sơ sinh mắc bệnh AIDS, và không cần làm thử nghiêm chỉnh sửa gen trên các bé. Phương pháp này sẽ mang tới những hậu quả khủng khiếp khó dự đoán.
5 rủi ro khủng khiếp từ việc chỉnh sửa gen đó là:
1. Gây tổn thương các gen khác
Việc sửa đổi bộ gen người không dễ dàng như việc sửa đổi một linh kiện máy. Trong quá trình thao tác, khả năng “Off-Target Effect” (Một thuật ngữ trong ngành di truyền học, là hiệu ứng xảy ra khi các RNA tác động qua lại lẫn nhau làm mất đi khả năng biểu hiện tính trạng trên một gen, ngược với hiệu ứng On-Target kích thích biểu hiện một tính trạng trên một gen) có thể xảy ra, và các gen khác có thể vô tình bị tổn thương, dẫn đến đột biến gen, xóa gen, nhiễm sắc thể và những vấn đề tương tự.
Giáo sư Trần Gia Lâm đến từ Học viện Sinh học và Hóa học Trung Quốc chia sẻ trên BBC, công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR rõ ràng sẽ xuất hiện hiệu ứng Off-Target Effect: “Ngoài các gen mục tiêu, còn có thể dẫn tới những tổn thương, tác dụng phụ cho các gen khác. Loại tác dụng phụ này thường xảy ra ở động vật, xác suất là rất cao và đây không phải là việc hiếm gặp”.

Ông Hạ trả lời báo chí tại hội nghị thượng đỉnh Quốc tế về chỉnh sửa gen người lần thứ hai tại Hồng Kông (Ảnh: new.seehua.com)

2. Dẫn tới những căn bệnh không mong muốn
Mặc dù một gen có thể tồn tại yếu tố gây bệnh, nhưng đồng thời nó cũng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh khác và duy trì chức năng sinh lý bình thường trong cơ thể người. Mazhar Adli, nhà di truyền học tại Đại học Y khoa Virginia, trong cuộc trả lời phỏng vấn Live Science chia sẻ: “Sự chỉnh sửa này tạo cho phôi thai có thể ngăn ngừa nhiễm HIV. Tuy nhiên, vấn đề là gen CCR5 bị xóa có nhiều chức năng khác chứ không chỉ là cánh cửa cho HIV xâm nhập. Nó cũng có các tính năng quan trọng hơn, bao gồm hỗ trợ các tế bào máu trắng hoạt động tốt. Hơn nữa, các gen không tồn tại riêng biệt. Chúng liên tục tương tác với các gen khác, tạo ra sự ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể. Việc xóa một gen đơn không chỉ làm thay đổi cách các gen khác hoạt động, mà còn có thể thay đổi hành vi tổng thể của tế bào và kiểu hình của sinh vật (một kiểu hình là một đặc điểm quan sát được, chẳng hạn như màu mắt nâu mà một người có được nhờ gen)”.
Hậu quả xấu của việc chỉnh sửa gen giống như một quả bom tiềm ẩn dài hạn có thể xuất hiện trong giai đoạn phôi thai, ở giai đoạn phát dục, và thậm chí có thể ở tuổi trung niên và khi về già. Ví dụ, nếu nó ảnh hưởng tới hệ sinh sản, có thể những đứa trẻ này trưởng thành tới 20 hay 30 tuổi mới xuất hiện; nếu tổn thương tới các cơ quan khác hoặc gây ung thư, có thể tới khi đứa trẻ 40 hay 50 tuổi mới có thể phát hiện.
3. Ảnh hưởng mang tính quần thể và không thể đảo ngược tới thế hệ tương lai
Việc chỉnh sửa gen từ phôi thai không chỉ đơn thuần là thay đổi gen của một đứa trẻ, mà là sự cải biến ảnh hưởng tới cả thế hệ sau, nó có liên quan tới gia đình, tổ tông. Khi em bé lớn lên, kết hôn và có con, các gen bị biến đổi sẽ truyền lại cho thế hệ tương lai. Thừa kế từ thế hệ này sang thế hệ khác, sau một số thế hệ, sẽ có một nhóm gen lớn bị thay đổi.
Tuy nhiên, những thay đổi này là không thể đảo ngược, việc chỉnh sửa gen này tới một vài đời sau có thể gây ra nhiều bệnh mang tính di truyền và đưa tới hậu quả khó kiểm soát trên quy mô lớn. Ông Peter Dabrock chủ tịch hội đồng luân lý Đức bày tỏ, tác dụng phụ và những phản ứng tiếp sau khi chỉnh sửa gen người hiện không thể dự đoán được và càng không thể kiểm soát được.

Việc sửa đổi bộ gen người không dễ dàng như việc sửa đổi một linh kiện máy. Nó sẽ làm các gen khác vô tình bị tổn thương, dẫn đến đột biến gen, xóa gen, nhiễm sắc thể và những vấn đề tương tự. (Ảnh: news.iqilu.com)

4. Sinh mệnh nhân tạo
Nhiều nhà khoa học và luân lý học lo lắng, nếu cho phép việc chỉnh sửa gen người từ trong phôi thai, đến lúc đó không chỉ còn là gen bệnh bị chỉnh sửa, mà các gen mang tính năng khác của cơ thể như thông minh, ngoại hình… cũng sẽ bị sửa đổi một cách tự do. Mọi người có thể sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen hay công nghệ GM để “tạo ra” những em bé mà họ muốn. Sinh mệnh ban đầu được sinh ra từ cha mẹ sẽ trở thành sinh mệnh biến đổi nhân tạo.
5. Sự lựa chọn của bản thân sinh mệnh bị bỏ qua
Thí nghiệm biến đổi gen từ phôi thai được sự đồng ý của cha mẹ em bé và sự cho phép của tổ chức có liên quan nhưng không được sự đồng ý của bản thân sinh mệnh đó, trong khi sự chỉnh sửa này là trên bản thân chúng và thế hệ tiếp theo của chúng. Nếu thử nghiệm được thực hiện với quy mô lớn, có nghĩa là từ trước khi sinh ra, một cách không biết rõ tình trạng, cơ thể chúng đã bị tùy ý chỉnh sửa và bản thân không cách nào tự kiểm soát, trong khi bất cứ hậu quả nào sau đó bản thân phải tự gánh chịu.
Chuyên gia nghiên cứu mối liên hệ giữa công nghệ sinh học và vấn đề đạo đức Tetsuya Ishii đến từ đại học Hokkaido (Sapporo, Nhật Bản) bày tỏ trên tờ Tin tức Kinh tế Nhật Bản, em bé chỉnh sửa gen ra đời không cách nào biết được chính xác sẽ xuất hiện vấn đề gì về sức khỏe. Một khi những ảnh hưởng xấu xuất hiện, sẽ không cách nào bù đắp được, đây là vấn đề về nhân quyền rất lớn. Dù ở trong hay ngoài nước, đều không nên thực hiện thử nghiệm này trên cơ thể người.
Phóng viên tờ Tin tức Bắc Kinh tìm thấy thư cho phép thực hiện thử nghiệm đăng trên trang web chính thức của Phòng nghiên cứu của ông Hạ thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam trong đó có viết: “Mục tiêu chủ yếu của thí nghiệm để ‘sản xuất’ ra em bé có thể miễn dịch với virus HIV, và không gánh chịu các hậu quả rủi ro vượt quá kỹ thuật của khoa học và công nghệ. Ông Hạ cũng đã nhận được hơn 200 triệu NDT tiền đầu tư cho việc thực hiện thử nghiệm này”.
“Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những em bé bị chỉnh sửa gen trong tương lai khi các bé khác được điều trị bằng một viên thuốc đơn giản và sống hạnh phúc, còn người chỉnh sửa gen đang trải qua tất cả các hiệu ứng chưa được xác định?”, ông Adli đặt câu hỏi.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định biên dịch

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111