TÙY DUYÊN ĐỂ TU
TÙY DUYÊN ĐỂ TU
- Bồi dưỡng niệm lành, tiêu trừ niệm ác.
Niệm lành là niệm gì ? Niệm ác là niệm gì?
Niệm tức là những dấy niệm, nhớ nghĩ.
Có khi ta không muốn nó khởi mà nó cứ khởi.
Như chuyện buồn, ta muốn yên chớ đâu muốn chuyện đó khởi lên.
Ví dụ chúng ta có đứa cháu nội cưng hết sức, nhưng nó có tật gì đó làm mình buồn, không có cách gì giáo dục được.
Mình không muốn buồn nó, chỉ muốn thương nó thôi. Nhưng cái buồn thỉnh thoảng cũng xen vô.
Chúng ta làm sao tiêu trừ ? Nếu cứ để như vậy thì hóa ra chúng ta nuôi dưỡng nó, mình tu mà nuôi dưỡng phiền não thì sao gọi là tu ?
Quí vị đừng tưởng những niệm nho nhỏ không làm cho chúng ta bạc đầu vì lo lắng.
Tuy là những niệm nhỏ nhưng nếu chúng ta không tiêu dung, không loại được thì nó khởi lên, có khi nó làm cho mình mất ngủ.
Cho nên chủ yếu là chúng ta phải hóa giải những niệm tưởng xấu đó.
Nếu muốn hóa giải, chúng ta phải có cái khác thế vào.
Giống như hợp đồng hai chiều vậy, có thứ khác thì những tạp nhạp kia không dấy khởi.
Ví dụ sáng nay chúng ta ăn chay, thì dù cho đồ mặn có ngon cách mấy mình cũng không ăn.
Người tu thiền thì phải mạnh mẽ, phải có một thái độ dứt khoát.
Cái gì không phải, không đúng với chân lý, chúng ta loại nó ra ngay.
Cho nên cần phải bồi dưỡng niệm lành và loại trừ những niệm ác.
Điều thứ nhất của việc bồi dưỡng là lấy niệm lành đuổi niệm ác, lấy từ bi đuổi sân hận.
Chúng ta phải bỏ tất cả những gì không đúng, phát triển những gì đúng đắn chân thật.
Ví dụ sáng nay có người rủ quí vị đi chùa, quý vị liền nhận lời.
Đó là bồi dưỡng nghiệp lành. Biết rằng không phải đi chùa từ sáng đến chiều là mình giữ được niệm hoàn toàn thanh tịnh.
Đôi khi lên xe có ai chọc mình nổi sân lên, bình thường mình sẽ la lối um sùm, nhưng nhờ biết đi chùa nên mức độ sân giảm nhẹ lại.
Đó là việc làm thuộc về hướng công đức.
Dù không trọn vẹn nhưng nó là hướng tốt.
Chúng ta phát tâm ăn chay một bữa cũng là lành, phát tâm đi chùa cũng là lành, nghe người gây gổ mình khuyên can cũng là lành…
Những việc hết sức nhỏ, hết sức bình thường, giản dị ngay trong đời sống, nhưng nếu mình không nuôi dưỡng, không phát huy, không tạo điều kiện cho nó tăng trưởng thì nó bị mai một, bị chết đi.
Nên hành động nổi nóng, nói thô, nói xấu người, bực bội, đánh đập… phải loại ra.
Nếu còn một chút nào trong tâm thì nó sẽ làm khổ mình trong hiện tại, mà cũng là tai họa nhiều đời.
Biết tu chỉnh dần dần như thế gọi là bồi dưỡng.
Tu là sửa, chớ không phải tu là thành Phật liền.
Nói thành Phật liền tức là Phật nhân, tức là tánh giác.
Nếu chúng ta nhận và sống được với tánh giác thì không bị những thứ bên ngoài quấy rầy, sai sử.
Nhưng tu để thành Phật quả thì vô lượng vô lượng kiếp chuyên cần tu sửa mới được.
Cho nên đề nghị trước nhất của chúng ta là bồi dưỡng niệm lành.
Chúng ta hôm nay có điều kiện bồi dưỡng niệm lành, thì cố gắng phát huy dù chỉ là một niệm lành nhỏ thôi.
Nơi nào có người làm một điều phải, điều tốt thì nơi đó có sự chuyển hóa.
Một xã hội được sắp đặt, được bồi dưỡng, được phát huy như vậy thì chắc chắn xã hội đó tốt đẹp.
Đức Phật Thích Ca khi giới thiệu cảnh giới của đức Phật A Di Đà nào là hàng cây, đường đi, nước, chim, đá, rừng, núi, con người… tất cả đều niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.
Phật là gì ? Phật là giác. Pháp là gì ? Pháp là chân chính. Tăng là gì ? Tăng là thanh tịnh.
Đi đâu cũng thấy lòng mình sáng suốt thanh tịnh, đó là thế giới Cực Lạc.
Nếu như cảnh giới, khung trời, hay ngôi chùa của chúng ta, đi tới chỗ nào mình cũng thấy trong lòng bình yên, tỉnh táo, sáng suốt, đó là niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Ngược lại, bước ra thấy cái gì cũng trói buộc, hoặc thích thú muốn ôm giữ hoặc phiền não muốn vứt bỏ, thì không phải là niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.
Cho nên dù tu pháp môn nào Tịnh độ, Thiền, Mật… nếu trong lòng chúng ta không niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng thì chúng ta không tu được.
Với pháp môn thiền, Thầy Tổ dạy tất cả chúng ta phải sống lại với tánh giác của mình.
Tánh giác là sự sáng suốt của tự mình.
Mỗi lần quy y trên chánh điện, ta thường nhắc chính ta, Phật tự tâm là gì ? Là trí tuệ sáng suốt của tâm mình, đó là tánh giác. Pháp là gì ? Là tâm chân thật. Tăng là gì ? Là thanh tịnh giải thoát.
Những đức ấy đều từ bản tâm của chính chúng ta mà có.
Khi nhận định, tu tập và hướng dẫn Phật tử được như vậy, thì pháp môn nào mình cũng thấy thích thú hết.
Bởi vì mỗi ngày chúng ta tăng trưởng và bồi dưỡng được niệm lành.
Mỗi ngày cắt đứt không để cho những phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu phát triển.
Không nên để những thứ ấy phát triển trong đời sống tu hành của mình.
Như vậy nhất định chúng ta tu tiến, tu thành Phật thôi.
Như trong kinh Pháp Hoa, Phật đã thọ ký cho những đứa bé vùa cát chơi, chúng chỉ niệm Nam mô Phật thôi mà sau này sẽ được thành Phật.
Huống là chúng ta nhiều đời nhiều kiếp kết duyên với nhau nên mới được gặp Phật pháp như thế này.
Người chưa xuất gia nhưng biết đi chùa, biết nghe pháp, biết ăn chay, biết làm lành, biết làm phước, biết một câu nhịn chín câu lành…
Thế là đã tiến một bước khá xa.
Vì vị đó đã biết bồi dưỡng nghiệp lành, loại trừ nghiệp xấu vậy.
Người tu sau khi có ý chí, quyết tâm tu hành rồi, đã có sự sắp đặt bồi dưỡng niệm lành rồi cuối cùng lời nói của mình phải là lời đạo lý.
Muốn nói tới lời đạo lý thì phải học, phải hiểu và thực hành.
Học hành từ từ rồi thấm nhuần.
Học Phật chúng ta thấy rõ ràng, lời Phật nói ra là lời đạo lý, không lời nào mà không đạo lý cả.
Trong giai đoạn cuối cùng trước khi Phật thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, bao nhiêu ma sự hiện tới phá hoại Ngài.
Lúc đó nếu không có ý chí thì Ngài đã thất bại.
Nhưng Phật nói ta có cung thiền định và kiếm trí tuệ. Ta biết bọn bây không thật nên ta không sợ.
Cung thiền định ở chính trong ta, kiếm trí tuệ tức là sự sáng suốt của mình.
Chúng ta nên phát huy thiền định và trí tuệ ở chính mình, thì mới có thể gặp Phật và thành Phật.
Điều thứ hai ta muốn nói, nghĩ tới niệm ác là khổ.
Ví dụ như nghiện thuốc lá là khổ, nên phải cố gắng kiêng bỏ.
Chúng ta ở ngoài đời có khi một ngày hút một gói thuốc. Chúng ta nếu không tu cũng có thể sẽ như vậy hay hơn nữa. Nhưng nhờ có tu nên không hút. Đó là đã cắt đứt nghiệp ác.
Con người ai cũng có đầy đủ các thứ chủng tử thiện và ác cả.
Nhưng những điều xấu tệ, cù cặn không phải là ít.
Bây giờ tu thì phải loại những thứ đó. Biết hậu quả không tốt thì không làm.
Ví dụ ta biết ta nói lời đó, sẽ làm cho chú bác của ta buồn nhưng trong đầu ta không dừng được. Thế là từ ý nghĩ ác sẽ dẫn tới miệng nói ác, thân làm ác. Từ đây mà đưa đến khổ đau.
Người xưa nói ngậm máu phun người, người chưa bị dính thì miệng mình đã dơ trước rồi.
Cho nên cần phải loại trừ những cái xấu, bồi dưỡng những cái tốt là vậy.
Muốn thế đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ.
Có những việc rất nhỏ nhưng nếu ta không đủ lực, không đủ trí tuệ để cắt đứt thì sẽ bị nó hành hạ mãi cho tới chết.
Chúng ta làm sao quên đi những niệm ác, không nghĩ đến nó nữa, đừng để nó thúc bách mình.
Đây cũng là vấn đề khó khăn.
Nếu chúng ta cứ để nó nổi lên mà mình không có cách gì đánh đuổi, loại trừ, khắc phục được thì nó sẽ dẫn chúng ta đến những hoàn cảnh điêu đứng, khốn cùng.
Vì vậy cần thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ để chúng ta đủ sáng suốt dẹp trừ các thứ u tối kia.
Ví như khi đang nóng, làm sao cho nó nguội ? Lấy nước lạnh uống cho nó nguội được không ?
Dễ gì ! Người tu hành chỉ có đạo lý của Phật mới điều phục được các thứ ma chướng ấy.
Thầy Tổ thường dạy nóng giận không thật, buồn vui không thật, cuộc đời không thật, thân này không thật, tâm này không thật… tất cả đều không thật, thì nóng giận cái gì ?
Thầy Tổ từng kể câu chuyện này, có một anh chàng không tay mà hay đánh, một anh không miệng, không lưỡi, không răng mà hay nói.
Bây giờ anh không có tay đánh anh không có miệng thì thế nào?
Chúng ta chỉ cười thôi vì đó là chuyện không có thật.
Chẳng qua do cố chấp nên mình cho đó là đúng, nên mới có chuyện.
Nếu chúng ta biết tất cả đều không thật, là giả thì ai làm gì được mình.
Như vậy là tự tại rồi.
Đó là ứng dụng được Phật pháp, tư lương niệm lành bồi dưỡng để loại trừ những niệm ác.
Dùng sức mạnh của ý chí và nghị lực để vượt qua tất cả những khó khăn.
Người tu không có ý chí thì không làm gì được hết.
Chúng ta tu là phải hạ quyết tâm, phải có tâm trường viễn và phải gan dạ.
Những gì không đúng, không cần thiết thì mình cắt.
Cắt bằng đao trí tuệ Bát-nhã.
Cho nên người tu mà thiếu ý chí thì không làm gì được.
Thiếu ý chí thì như sắt vụn, thiếu ý chí thì giữa đường bỏ cuộc.
Như người niệm Phật thì tưởng là được Phật rước.
Niệm Nam Mô A Di Đà Phật là được Phật rước, đâu có giản dị như vậy!
Mình phải biết Phật là gì? Phật là giác.
Muốn Phật rước mà mình là ma, Phật rước được không?
Phật là giác, muốn được Phật rước thì trước mình phải giác.
Chúng ta có đồng ý như vậy không?
Phật dạy niệm Nam Mô A Di Đà Phật là phải nhớ, phải giác thì Phật mới rước.
Nếu tới lúc chết, mình quờ quạng đủ thứ chuyện thì làm sao Phật rước được.
Chúng ta tu Mật tông hay các tông phái khác mà không có ý chí, không hạ quyết tâm, không có công phu, thì Phật nào mà rước.
Làm sao được giác ngộ ?
Giác ngộ là tự tâm mình, bỏ được tất cả những việc sai trái. Phát huy cung thiền định và kiếm trí tuệ thì mới thành công.
Chúng ta khi đã nói tu thì phải tu.
Nếu tu mà còn hẹn thì không được.
Mạng sống của ta không có gì bảo đảm, một luồng gió độc thổi, đuổi không kịp là tiêu.
Người tu cần phải có ý chí để vượt qua được tất cả những trở ngại.
Bởi vì trong việc làm, trong tổ chức, trong sự sắp đặt nào cũng có trở ngại, vượt qua được những trở ngại đó thì mới thành công.
Nếu còn ngại ngùng, e dè, chưa dứt khoát thì còn bị ngại, bị chùn bước.
Vượt qua những trở ngại là như thế này: Khi mình phát tâm tu thì không tính những việc bên ngoài nữa. Như ngày xưa có vườn cà phê, mỗi năm thu hoạch được hai mươi tấn, năm nay đi tu cà phê thu hoạch còn có mười tấn, mấy đứa nhỏ ở nhà phiền trách. Tại ba đi tu làm ở nhà hỏng hết, thiếu tiền xài. Lúc đó mình làm sao ? Không thèm quan tâm nữa, đã giao hết cho chúng thì khôn nhờ dại chịu.
Có khi phải nhẫn tâm như vậy mới tu được.
Chứ nếu nghe rồi mình nói để ba xin thầy về nửa tháng, sắp xếp cho tụi con thì thất bại lớn.
Chung ta về nhà nửa tháng, trở về chùa một năm cũng chưa lấy lại sự tu học bình thường của mình.
Ở chùa anh em, huynh đệ luôn nhắc nhở nhau.
Nhắc nhở nhau có nhiều cách khác nhau. Đâu phải họ thương mình mà họ nhắc nhở. Có những người không thương mình, nghe mình nói gì đó họ không ưa, họ bực, rầy la mình. Như vậy chính là nhắc mình. Bởi vì mình nói mà người ta không ưa thì mình phải sửa. Hoặc được người thương nhắc mình, ta đừng nói lời đó không hay, đó cũng là cách nhắc nhở cho mình.
Đức Phật từ khi vượt thành xuất gia cho tới ngày thành đạo, không bao giờ Ngài nhớ nghĩ lại chuyện gia đình ở thành Ca Tỳ La Vệ.
Đến khi thành đạo rồi, vua Tịnh Phạn trông nhớ vô vàn nên cho nhiều sứ giả tìm thỉnh đức Thế Tôn về thăm hoàng thành một lần.
Năm phen bảy lượt như vậy Phật cũng chưa hứa.
Bao nhiêu sứ giả tới nghe Phật thuyết pháp cũng đều đi tu hết.
Cuối cùng vua sai quan cận thần giỏi nhất là Ca Lưu Đà Di thỉnh Phật.
Khi gặp Phật, tuy ông cũng nghe pháp, nhận ra đạo lý, phát tâm xuất gia nhưng không quên trách nhiệm của mình.
Cuối cùng ông đã thỉnh được Phật.
Ngày đức Thế Tôn về hoàng thành, vua Tịnh Phạn chuẩn bị tiền hô hậu ủng, trang hoàng mọi thứ lộng lẫy.
Nhưng đức Thế Tôn vẫn đi chân trần cùng 1250 vị Tỳ-kheo khất thực từng nhà. Vua Tịnh Phạn than trách, ta là vua mà đức Thế Tôn đi xin như thế thì nhục nhã cho triều đình biết bao nhiêu.
Phật giải thích đây là nghi thức của chư Phật mười phương, chứ không chỉ riêng Ngài làm như vậy.
Sau chuyến về thăm hoàng thành của đức Phật, hầu hết các hoàng thân trong thành Ca Tỳ La Vệ đều xuất gia. Luôn cả A-nan, Nan-đà, La-hầu-la, Ma-ha-nam… đồng loạt xin theo Phật.
Tuy nhiên chỉ riêng Ma-ha-nam bị từ khước, vì phải thay thế vua Tịnh Phạn trông coi việc nước.
Song tâm đạo của ông rất nhiệt thành. Có một lần, ông lo lắng hỏi Phật:
– Bạch Thế Tôn, con vì chuyện quốc gia đại sự, không thể đi tu được. Vậy sau khi chết, con sẽ đi về đâu?
Đức Phật trả lời:
– Ví như cây cổ thụ, bình thường nó nghiêng về phía nào thì khi bị đốn nó sẽ ngã về hướng ấy. Ở trong giáo pháp của Như Lai, tín tâm kiên cố, nhất định sẽ không rơi vào đường tà. Ông không phải lo sợ.
Qua đó, chúng ta mới thấy giáo pháp của Phật cao siêu tới bậc nào. Ngài đã hoàn thành, siêu thoát, thể hiện một bậc quí báu giữa cõi đời như thế.
2- Làm sao huynh đệ vui tu.
Một là đối với tất cả những oan khiên oán cừu, ta biết rõ không thật và tất cả những khổ vui trên đời này cũng không thật.
Chẳng qua do sự yêu ghét mà ta lầm mê tạo nghiệp.
Từ đó nó dẫn chúng ta đi lẩn quẩn trong vòng nhân quả. Biết như vậy rồi thì khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, chúng ta vẫn có niềm vui để trả nợ cũ.
Những oán cừu, thù hận, những bất như ý… mình biết trước đều do mình gây ra, bây giờ phải trả.
Có nợ trả nợ là hết, chỉ trừ khi mình quịt nợ mới sợ người ta bắt mình. Nếu chúng ta sẵn sàng trả thì nợ bao nhiêu cũng hết, như vậy mình bình yên.
Người tu biết trả nợ thì sẽ thấy nhẹ thôi.
Trong nhà từ vợ chồng, con cái, cháu nội cháu ngoại, bà con xa gần, những người liên hệ, hễ ai tới lăng nhăng gì thì biết hồi trước có nợ nhau đây, bây giờ phải trả.
Biết như thế là trả nợ trong sự sáng suốt, trả trong tâm đạo, trả trong mức độ tu hành, trả theo tinh thần đạo lý.
Mình không phải là người u mê, mình là người trí tuệ.
Phật là bậc giác ngộ, chúng ta là đệ tử Phật thì chúng ta cũng phải giác.
Giác để trả tất cả những gì phải trả, như vậy mới hết chứ.
Thành ra niềm vui thứ nhất của người biết tu là chấp nhận trả nợ cũ.
Trong chúng ta, nhìn lại có ai mà không nợ, không nợ thì không có mặt ở đây.
Cho nên chúng ta phải tỉnh sáng, có ý chí, có bản lãnh tu hành thì mới yên được.
Hai là biết được các pháp không thực thể, ta tùy duyên sống.
Duyên đến duyên đi chỉ là duyên.
Nghiệm cho kỹ trong cuộc đời này có gì là thật.
Tùy duyên thôi, mình sống không cố chấp thì an lạc hạnh phúc.
Trong kinh nói phước tùy duyên là phước lớn.
Phước này ngang bằng với người tu tạo chính phước ấy.
Còn chống trái thì mất phước.
Vì thế chúng ta cố gắng vui vẻ tu, tùy duyên tiêu nghiệp cũ.
Ngài Lâm Tế nói:
Tùy duyên tiêu cựu nghiệp,
Nhậm vận trước y xiêm.
Dịch:
Tùy duyên tiêu nghiệp cũ,
Hồn nhiên mặc áo xiêm.
Ngài nói tùy duyên tu tập để tiêu hết các nghiệp cũ của mình.
Nhậm vận tức là hằng ngày sống một cách bình thản an nhiên với tất cả mọi người, không có vấn đề gì cả.
Chứ không phải tùy duyên là người ta kéo mình đi đâu cũng được, như vậy không đúng.
Tùy duyên đây là tùy duyên tha thứ, tùy duyên của người hiểu đạo, tùy duyên tu tập nên được công đức.
Tùy duyên mà bất biến.
Nghĩa là cương lĩnh, lập trường của mình vẫn vững vàng, dứt khoát.
Chớ không vì tùy duyên mà mất mình.