Hội họa trên gốm
Hội họa trên gốm
Gốm, một vật liệu có nguyên liệu từ đất và qua lửa sẽ biến thành các vật liệu hữu ích từ xây dựng, kiến trúc: gạch, ngói, trang trí nội ngoại thất… là đồ gia dụng, đồ thờ cúng để chứa thức ăn, thức uống, các đồ cho ẩm thực… Gốm gọi chung là đồ đất nung và đồ có tráng men. Và nguyên liệu là đất sét hoặc cao lanh (đất sét trắng).Thường đồ dùng đất sét vàng, đen xám thì được gọi là đất nung, sành nhưng khi được dùng chất đất sét trắng càng tinh, được tráng men thì được gọi là sứ. Men nhiều loại màu nhưng phổ biến là men trắng, men lam xám, men rạn, men trắng ngà, xanh rêu và men vàng nâu. Khi đồ gốm được gọi là vẽ lam là sau khi tạo hình dáng như đĩa, bình, ché… bằng tay hoặc kết hợp với bàn xoay, đổ từ khuôn ra đợi khô người ta sẽ vẽ màu ôxid cobalt sau đó phủ men trắng xám. Công phu hơn với loại men hoa lam (dưới men) sau đó vẽ màu và màu vàng kim lấp lánh (trên men) gọi là Tam Thái (3 màu). Với nhiều màu này ta còn thấy là lục, đỏ, vàng. Vậy nên loại vẽ dưới men thì có độ bền, còn vẽ trên men thì độ bền kém hơn.
Ví dụ các đồ bị chìm dưới đáy biển như các gốm ở con tàu đắm Cù Lao Chàm thì đồ vẽ trên men thường bị xỉn màu hoặc bị mất màu (chỉ còn nét mờ, và nhìn nghiêng mới có thể thấy). Để có thể cảm nhận về các tác phẩm đầy chất mỹ cảm xem như hội họa trên gốm, tôi xin giới thiệu các sản phẩm trên gốm xuất khẩu mang linh hồn Việt được trục vớt ở vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam có nguồn gốc từ lò Chu Đậu, Hải Dương. Hội họa: Có nét chung là khi vẽ trên gốm hoặc trên giấy thì người ta đều dùng cọ (bút lông đầu nhọn, đầu bằng và loại lông mềm hay cứng), kỹ thuật vẽ thường phóng bút (vẽ nhanh, hoạt tay…) hay Công bút (tỉ mỉ, chậm rãi và chi tiết). Tờ giấy và mặt gốm (chưa nung) rất dễ hút nước, mực vẽ, men vẽ, một tờ giấy phẳng hay một mặt phẳng của cái đĩa thì tương tự để người họa sĩ hay nghệ nhân phóng bút hay công bút. Trong giới hạn trang viết tôi xin giới thiệu và 1 tác phẩm được vẽ trên gốm thuần chất hội họa nhất. Bức tranh đầu tiên là phong cảnh (ảnh 1) được vẽ lam (dưới men) có đường kính khá lớn 33,2cm) với cảnh đồi núi gần, xa, vẽ theo bố cục ước lệ của Quốc họa là gần vẽ dưới, xa vẽ trên.
Xem đây như là bức tranh vẽ Thủy mặc với mực nho trên giấy. Thêm bức cũng vẽ lam trên đĩa có kích thước đường kính nhỏ 24,1cm. Là hình cô gái tư thế ngồi với hai chân duỗi thẳng với lò hương đốt phía trước, sau lưng là khóm cây tre, trúc (ảnh 2). Một tranh vẽ trong lòng đĩa, đơn sắc với loại men lam xám phong cảnh đầm sen cùng với ba con vịt (vịt trời) với tư thế bay và đậu (ảnh 3). Cũng đề tài sen, vẽ lam, xem như bứ c tĩnh vật được vẽ trong lòng cái chậu có kích thước lớn 37,9cm (ảnh 4). Và cũng vẽ lam trên cái nắp hộp có đường kính 27,7cm là bức phong cảnh vẽ những người chèo thuyền, trong khung cảnh đồi núi…(ảnh 5). Một bức tranh vẽ trong lòng đĩa lớn với nhiều màu tả toàn cảnh “Lầu Son Gá c Tía” của chốn Thần Kinh với kiến trúc lầu các, thủy tạ, các vương tôn đang đi lại, thêm cảnh non bộ, đồi núi, chim lành, cỏ cây… một cõi thanh bình ngày xưa (ảnh 6, màu đỏ, lục, vàng được người viết, vẽ phục chế). Sẽ gần gũi với chúng ta là bức hai con gà đang đá nhau bên mô đất và trên là nhành thông vươn xuống, cũng vẽ màu (màu đỏ, xanh lục đã mất, còn giữ lại ở mép dưới của vành đĩa), đĩa có nhiều thùy, đường kính 27cm (ảnh 7). Nhưng sẽ thú vị nhất là một cái đĩa nhỏ, kích thước chỉ 12,5cm vẽ nét rất mộc mạc với mô tả đôi trai gái đang giao hợp với tư thế khá ngộ nghĩnh mà dân gian gọi là “vác cày qua núi” thêm chi tiết là có người núp rình xem (ảnh 8). Nét khác biệt là nếu khi vẽ trên mặt gốm là hình khối cong như cái bình, âu, lọ… thì đòi hỏi người vẽ phải tập luyện.
Nếu sao chép các hình vẽ trên một khối tròn của cái bình trên giấy, rồi thì trải ra trên mặt phẳng xem như là toàn diện tích bức tranh. Nhưng khó là ta sẽ vẽ cho vừa đúng bức ấy trên mặt khối tròn. Người giỏi vẽ thì có thể ước chừng, người chưa giỏi thì phải vẽ nháp… Nhưng khó nhất là điều khiển cây cọ vẽ trên bề mặt không phẳng và nét vẽ sẽ bị khúc xạ khi nhìn vì độ cong của bình gốm (người viết bài này cũng đã từng vẽ thử ở công ty gốm Hải Dương). Ta sẽ thử quan sát bình gốm kích thước lớn nay là cổ vật quốc gia cao 56,8cm vẽ lam với việc mô tả con Vịt (các nhà nghiên cứu cho là con Thiên Nga) hình ảnh rất dân dã, dễ bắt gặp với các tư thế minh họa tích loài nhạn: bay (phi), ăn (thực), ngủ (túc), gọi đàn, kêu (minh) lồng trong khung cảnh đồng quê cây cỏ, đá, hoa… Nghệ nhân vẽ bức này cả công bút và phóng bút (ảnh 9). Với vẽ màu thì người vẽ trên gốm phải vẽ nét trước (màu đậm như nâu, đen) rồi các màu nhạt vẽ sau (ảnh 10 minh họa). Trong khi vẽ trên giấy thì người vẽ có thể vẽ cả hai cách. Ngày nay với công nghệ tạo men phong phú các họa sĩ, nghệ nhân vẽ gốm có thể sử dụng nhiều màu để vẽ. Việc vẽ trên gốm không phải ai cũng thực hiện tốt và rất tốn thời gian nếu vẽ lần thứ hai (vẽ trên men). Nhiều công ty gốm buộc phải có những sản phẩm in để giá thành hạ. Nên một sản phẩm gốm vẽ bằng tay sẽ rất có giá trị.
Nguyễn Thượng Hỷ
(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 383, tháng 11-12/2024