“ĐẠO”- Chất liệu của bộ môn nghệ thuật kiếm đạo thuần túy
“ĐẠO”- Chất liệu của bộ môn nghệ thuật kiếm đạo thuần túy
Từ trước đến nay, Kendo – kiếm đạo thường được biết đến là bộ môn võ đạo đến từ đất nước mặt trời mọc. Không chỉ đại diện cho một nền văn hóa lớn với bề dày lịch sử sâu rộng mà nó còn là biểu tượng của sức mạnh thể chất và tinh thần, mang vẻ đẹp độc đáo được kết hợp giữa các giá trị võ thuật với nghệ thuật đấu tranh tư tưởng.
Kiếm đạo (剣道 Kendo) được mệnh danh là môn võ thuật “rèn luyện nhân cách con người thông qua đường kiếm”. Bắt nguồn từ những chiến binh đáng tự hào của Nhật Bản- các Samurai, kiếm đạo không chỉ mang bao hàm các kỹ năng về đường kiếm mà đằng sau đó còn là tinh thần thượng võ và kỷ luật sống. Không quan tâm tới cái chết, luôn tu dưỡng nhân cách con người, tập trung vào lối sống có kỷ luật và trung thành với khái niệm “thanh kiếm mang lại sự sống” cũng là một nguyên tắc “đến chết mang theo” của các Samurai.
Đối với những người chuyên về kiếm đạo, họ được gọi là các “kendoka (剣道家)”. Các “kendoka” nắm giữ thuần thục những phương pháp của Kiếm đạo và áp dụng nó vào chính cuộc sống đời thường của mình. Họ tạo nên một mô hình giao tiếp dựa vào sự liên kết về thể chất, tinh thần lẫn kết hợp hệ tư tưởng thuần túy của võ đạo. Nhờ thông qua việc rèn luyện, người tập còn có thể hòa nhập với xã hội hơn bằng việc nâng cao khả năng tập trung.
Lễ nghi là một phần quan trọng không thể thiếu trong kiếm đạo, phản ánh một nguyên tắc quan trọng trong phép xã giao. Với mục tiêu “tâm khí lực hợp nhất (心気力一致)” thông qua việc sử dụng kiếm tre shinai, lễ nghi cũng góp một phần thể hiện sự tôn trọng của các võ sĩ dành cho nhau mọi lúc mọi nơi, cho phép họ tập trung rèn luyện bản thân và phát triển thái độ khiêm tốn trong hoặc ngay cả khi ngoài Kiếm đạo. Ngoài ra, khái niệm “giao kiếm tri ái (交剣知愛)” – lý tưởng về sự hiểu biết lẫn nhau trong sự phát triển và tiến bộ của nhân loại còn là một phần thưởng dành cho mỗi võ sĩ gắn bó với bộ môn này.
Nhờ lẽ đó, rèn luyện Kiếm đạo giúp con người hình thành nên một lối sống tốt đẹp, nâng cao ý thức cống hiến cho xã hội, yêu mến cộng đồng và góp phần thúc đẩy nền hòa bình trên toàn thế giới. Trên hết trui rèn cho mỗi cá nhân những kỹ năng và sự phát triển để áp dụng cho mọi khía cạnh của cuộc sống đời thường.
Thy Diệu