Võ thuật cổ truyền: Những nét đặc trưng bộ môn Võ cổ truyền Việt Nam
Võ thuật cổ truyền: Những nét đặc trưng bộ môn Võ cổ truyền Việt Nam
Võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong quá trình lịch sử Việt Nam.
Về danh xưng “Võ cổ truyền Việt Nam”, theo võ sư Võ Kiểu, nguyên tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung: “Võ ta đã gắn bó với dân tộc ta từ hàng ngàn năm qua, nó mang một vẻ đẹp không môn phái nào trên thế giới có được, nó không chỉ là một môn võ phòng thân, chống lại bao giặc thù hàng ngàn năm qua mà còn là một lối sống, một nhân sinh quan, một tư tưởng vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng Việt Nam. Đánh mất tên gọi “võ ta”, là chúng ta đã vô tình đánh mất luôn cả cái hệ tư tưởng Việt Nam quý giá ẩn chứa trong môn võ vô cùng đẹp này!” Võ sư Võ Kiểu còn cho rằng việc thay thế danh xưng “Võ Ta” bằng tên gọi “võ cổ truyền Việt Nam”có thể “vô tình đánh mất luôn cả hệ tư tưởng Việt Nam quý giá ẩn chứa” trong môn võ đẹp này.”
Võ thuật cổ truyền việt nam là một môn võ rất đa dạng và phong phú, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ miễn là có quá trình phát triển lâu dài ở Việt Nam có cùng một lý tưởng nghiên cứu, bảo lưu truyền bá có sáng tạo và thống nhất ý chí trên cơ sở dạy và học theo triết lý lấy việc rèn luyện đạo đức, tác phong làm chuẩn mực, làm thước đo, từng bước đưa võ thuật đến nghệ thuật và hướng tới là 1 môn thể thao phổ cập vĩnh hằng, mang đậm đà bản sắc dân tộc có lòng vị tha, có ý chí quyết thắng, biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sẵn sàng tiếp thu cái mới, phù hợp với khoa học và tiến bộ của nhân loại.
Từ ngày có Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam (1991), bộ môn võ thuật cổ truyền đã củng cố và soạn thảo qui chế hoạt động chuyên môn, xây dựng một hệ thống đai, đẳng, cấp, tuyển chọn được 10 bài võ thống nhất trong cả nước và đã ứng dụng có hiệu quả trong việc quản lý, ổn định và định hướng thống nhất giáo trình huấn luyện.
Ban ngành chuyên môn biên soạn và bổ sung Luật thi đấu đối kháng, Luật thi quyền ngày càng hoàn chỉnh, đã thực sự là thước đo tương đối chính xác cho các cuộc thi đấu ở địa phương cũng như toàn quốc. Hàng năm Liên đoàn Võ Thuật cổ truyền Việt Nam đều tổ chức các kỳ Hội nghị chuyên môn để thống nhất các nội dung quan trọng, để bổ sung điều chỉnh các kế hoạch tổng kết thực tiễn, xây dựng định hướng vi mô và vĩ mô, cùng với việc tổ chức các lớp trọng tài + giám khảo, các lớp sơ cấp cứu, trặc đả bấm huyệt đảm bảo hệ thống thi đấu 2 giải trong 1 năm (giải trẻ + giải vô địch) có hiệu quả cao và an toàn.
Các cấp của LĐVTCT/VN đã thực hiện giáo trình huấn luyện theo qui chế chuyên môn của Liên đoàn, tổ chức các kỳ thi thăng cấp đai theo đúng hệ thống, đào tạo được những HLV, võ sư có năng lực, có đạo đức, phục vụ cho việc phát triển võ học cổ truyền Việt Nam.
Liên đoàn LĐVTCT/VN đã cử HLV tham gia giảng dạy võ cổ truyền ở nước ngoài, cử các vận động viên tham dự Đại hội Thể thao các dân tộc Quốc tế và Thế giới.
Đặc biệt trong năm 2002, bộ môn võ thuật cổ ttruyền được thi đấu chính thức ở các Đại hội TDTT toàn quốc, điều này đã khẳng định được sự phát triển vững chắc của bộ môn, và được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.
Tại TP.Hồ Chí Minh hiện có hơn 50 võ phái, 150 võ sư, chuẩn võ sư, 300 HLV các cấp, 50 trọng tài + giám khảo. Khoảng 15.000 môn sinh, đang tập luyện thường xuyên tại trên 100 điểm tập và CLB trong toàn thành phố. Ngoài những hoạt động của các Chi hội địa phương, Hội VTCT Thành phố đã tuyển chọn 12 bài võ đưa vào chương trình huấn luyện thống nhất và tổ chức các hoạt động thường xuyên.
HỘI VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN TP. HỒ CHÍ MINH