Y HỌC-SỨC KHỎE - DƯỠNG SINH-VÕ THUẬT NỘI CÔNG

Võ cổ truyền – Nhất Nam Võ Phái

Võ cổ truyền – Nhất Nam Võ Phái

Võ phái Nhất Nam đã phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 nước trên thế giới. Nét đặc trưng của môn võ này là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều… Các đòn thế của Nhất Nam được bắt nhại theo hình dạng và những gì tinh tuý của muôn loài trong tự nhiên như:

Khai môn – Lập phái

Võ cổ truyền Nhất Nam là môn võ được khởi phát từ thủa sơ khai ở vùng đất tối cổ Châu Hoan – Châu Ái ( Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) dưới dạng gia phái (dòng họ, gia tộc) và ngày càng hoàn thiện trong công cuộc dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi quốc gia, dân tộc qua các triều đại phong kiến.

Trước những năm 1980 của thế kỷ XX, dòng võ cổ truyền ở vùng đất Thanh – Nghệ còn nằm trong tình trạng manh mún, tự phát, chưa có sự thống nhất và ghi nhận cụ thể. Phải đến năm 1982, một người con ưu tú của xứ Nghệ, võ sư Ngô Xuân Bính – người có công miệt mài theo học, tìm hiểu sâu về võ cổ truyền trên vùng đất quê hương, đã dung hợp, thống nhất các chi phái, gia phái võ Hét quy tụ về một mối, với tên gọi: Nhất Nam.

Chữ “NHẤT” ở đây là thuần nhất, không pha tạp các bài tập của bất cứ môn phái nào khác ở trong và ngoài nước; “NAM” là nước Việt Nam.

Nhất Nam là môn võ của dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng phù hợp với thể tạng, tâm sinh lý, tư duy của người Việt. Kể từ khi Nhất Nam ra mắt công chúng và làng võ thủ đô Hà Nội (1982), từ đó đến nay, Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính đã dày công hoàn thiện chiều sâu về chuyên môn và đưa môn phái phát triển rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Không chỉ có công lớn truyền dạy, đào tạo hàng trăm võ sư, huấn luyện viên xuất sắc cho môn phái, hàng chục nghìn môn sinh trong và ngoài nước, võ sư còn biên soạn 10 tập sách “Nhất Nam căn bản” đồ sộ, bàn về võ thuật và y thuật của môn phái, mỗi tập dày từ 400-500 trang. Những tập sách này đang được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc học, y học, cùng tất cả những người yêu thích võ thuật quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Ông Ngô Xuân Bính hiện là Giáo sư Y học dân tộc Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Châu Âu, kiêm Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam Quốc tế.

Mặc dù khoảng thời gian chính danh lập môn chưa lâu, nhưng nay võ phái Nhất Nam đã phát triển thành phong trào tập luyện thường xuyên ở hơn 30 nước trên thế giới. Đã có nhiều quốc gia thành lập Liên đoàn võ Nhất Nam cấp quốc gia như: Nga, Ba lan, Ucraina, Belarus, Latvia… Nét đặc trưng của môn võ này là linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với thể trạng của người Việt, lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều… Các đòn thế của môn phái võ cổ truyền Nhất Nam được bắt nhại theo hình dạng và những gì tinh tuý của muôn loài trong tự nhiên như: sự nhanh, khéo, mạnh của hổ, báo; sự quấn riết quằn quại của trăn, rắn; cái lầm lì, vững chãi của voi, gấu… Môn sinh Nhất Nam, trước khi học quyền cước, đòn, thế thì đều được học về Tâm pháp để hiểu về phép tắc đối nhân xử thế, tính triết lý trong luyện tập của môn phái, về cơ chế hoạt động của cơ bắp, sự vận hành khí huyết… Tiếp theo, các môn sinh sẽ được học các đòn thế, các bộ pháp, các bài quyền đặc thù như hổ quyền, xà quyền, vân vũ quyền, ảo quyền,…Ngoài ra, võ sinh còn được học các bài binh khí như: côn, kiếm, rìu, chùy, phảng, cờ trận, nhung thuật…. Đặc biệt, Nhất Nam có những bài luyện nội công, khí công võ thuật, khí công chữa bệnh phù hợp với từng căn bệnh, từng lứa tuổi…. Hiện nay, võ Nhất Nam đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xem xét để đưa vào danh sách đề nghị Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những nốt thăng trầm trên đất tổ Nghệ An

Mùa hè năm 1989, môn phái Nhất Nam lần đầu tiên xuất hiện tại Nghệ An. Ngay những khóa chiêu sinh đầu tiên đã có hàng nghìn môn sinh theo học. Tại thành phố Vinh có nhiều địa điểm tập luyện như: Nhà văn hóa Lao động tỉnh, nhà thiếu nhi Tenlơman, Trường kỹ thuật Việt Đức, Trường Đại học Vinh, Sân vân động tỉnh…Ở các huyện, thị, phong trào luyện tập võ thuật Nhất Nam phát triển khá mạnh mẽ, từ Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu lên đến cả huyện miền núi Nghĩa Đàn. Tuần hai buổi, khắp sân vận động, sân bãi, trung tâm Văn hoá thông tin thể thao của các địa phương trên luôn diễn ra những buổi tập võ Nhất Nam đầy ấn tượng về sự lạ mà quen của nhiều đòn thế, của tiếng thét đặc trưng của môn phái…

Nếu ai đã từng chứng kiến không khí hứng khởi của những lớp võ thuật Nhất Nam ngày ấy thì có lẽ, không thể nghĩ đến một lúc nào đó môn võ này có thể “trầm xuống”. Có nhiều nguyên nhân khiến cho phong trào luyện tập võ thuật nói chung và học võ Nhất Nam nói riêng bị “chùng xuống” một cách đáng buồn như hiện nay. Nhưng tựu chung lại, đối với các nhà quản lý thể thao văn hoá vẫn còn thiếu một sự quan tâm cổ vũ, cổ xuý cho một dòng võ đặc dị, phát xuất từ cái nôi văn hoá làng xã vùng đất  Thanh Nghệ. Bảo tồn, phát triển vốn văn hoá cổ truyền còn có ý nghĩa gì, nếu chúng ta không chú ý gìn giữ, phát huy những giá trị cụ thể. Nhất Nam là một môn võ thuật, bản thân nó chứa chất, và toát lên một giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt qua các đường quyền, ngọn cước riêng biệt. Cũng như người võ sĩ đạo Samurai- từ tinh thần, trang phục cho đến đường kiếm, đều biểu trưng một nét khá đậm trong bức tranh lịch sử văn hoá độc đáo của Nhật Bản vậy.

Trở lại với vị võ sư đã có công gây dựng, quảng bá Nhất Nam trong hơn 30 năm nay. Là một người con ưu tú của làng võ Việt Nam, năm 1990, Võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính đã được Tổng cục Thể dục Thể thao cử làm chuyên gia sang phát triển võ dân tộc Nhất Nam trên đất nước Bạch Dương xa xôi. Kể từ đó đến nay, trên đất người phong trào học Nhất Nam đã phát triển đến mức thành lập được những liên đoàn mang tính cách quốc tế. Đó là những thành công đáng tự hào về võ thuật Việt, văn hoá Việt đã toả sáng ra thế giới. Nhưng đối diện với thực tế phong trào luyện tập Nhất Nam tại Nghệ An, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng cho một môn võ đặc dị đang phát triển rất yếu ớt tại một số câu lạc bộ nhỏ trên chính vùng đất tổ đã sinh ra nó.

Ở Nghệ An, những thế hệ môn sinh tài năng đầu tiên như các anh Bùi Duy Vinh, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Công Mạnh, Trần Trọng Cường thì hầu hết đều phải tập trung vào công việc chuyên môn khác nhau được giao, nên một số trong các anh mới chỉ duy trì được các CLB chứ không thể phát triển phong trào luyện tập Nhất Nam rầm rộ như nó vốn có trong những năm 90 của thế kỉ trước.

Vĩ thanh

Mùa hè 2008, với niềm đau đáu về sự phát triển môn võ thuật cổ truyền Nhất Nam tại quê hương, võ sư Ngô Xuân Bính đã trở về Việt Nam và tập trung một số người có trách nhiệm với môn phái để hướng dẫn tập luyện thêm, cũng như định hướng lại sự phát triển cho môn phái. Từ đây, sự phối hợp đồng bộ của môn phái với các đơn vị chức năng có thẩm quyền, các CLB Nhất Nam đã được mở ra. Riêng CLB Nhất Nam Đại Học Vinh,  CLB Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, CĐKT Nghệ An, Nhà thiếu nhi Việt Đức, Thành Đoàn Vinh có hàng trăm võ sinh tham gia tập luyện và đã tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao lớn trên cả nước như: Biểu diễn “Chào mừng 50 năm Đại học Vinh anh hùng”; Biểu diễn “Chào mừng 120 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại”; “ Tri ân Hoàng đế anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ” trên đỉnh Dũng Quyết; tham gia biểu diễn trong Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại đền thờ Hồng Sơn – Thành phố Vinh; “Khí phách Thăng Long – Dấu ấn Nghìn năm” chào mừng Nghìn năm Thăng Long tại thủ đô Hà Nội, chương trình đạp xe xuyên Việt – “Hành trình tuổi trẻ vì quê hương”, chương trình đi bộ xuyên Việt “Hành trình theo dấu chân Bác – Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”; “ Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc” tại Chí Linh – Hải Dương, tưởng nhớ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, danh nhân văn hóa thế giới – anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ….

Để ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, để xứng danh là con dân nước Việt anh hùng, và để góp phần quảng bá ra khắp năm Châu về một nền văn hóa võ học cổ truyền dân tộc Việt, cùng với hàng vạn môn sinh Nhất Nam trên thế giới, tại Việt Nam, với tiêu chí “Sức khoẻ – Trí tuệ – Đoàn kết – Nhân ái”, các CLB võ cổ truyền Nhất Nam đã đang có hàng chục nghìn lượt môn sinh tìm hiểu, theo học. Đây là những môn sinh sẽ góp một phần tâm sức bé nhỏ đưa môn phái về với cội nguồn xưa là các gia đình, bản làng, thôn xóm. Tại thành phố Hải Dương và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, môn phái Nhất Nam đã được đưa vào tập luyện ở các trường học, cấp học như là môn môn học tự chọn.

Hi vọng rằng, sau những thăng trầm theo thời gian, các cơ quan có thẩm quyền ở Nghệ An sẽ tạo mọi điều kiện để môn phái võ Nhất Nam phát triển mạnh về phong trào tập luyện, và tiến tới đưa vào trường học nhằm góp phần bảo tồn, phát huy một nguồn di sản văn hóa cổ truyền. Đó chính là nghệ thuật chiến đấu rất đặc trưng do người Việt trên vùng đất tối cổ Châu Hoan, Châu Ái, tức các tỉnh Thanh – Nghệ Tĩnh ngày nay sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động, hòng chống lại sự xâm lược của giặc ngoại bang.

(Nguyễn Công Minh – Hồ Dương Cầm)

 

Võ Nhất Nam là môn võ có nguồn gốc ở Việt Nam. Trước đây chỉ tồn tại dưới các dạng gia phái hoặc trong cộng đồng làng xã. Có người cho rằng cái gốc ban đầu của Nhất Nam là võ Hét, hoặc võ Héc, của vùng châu Hoan, châu Ái xa xưa mà sau này là xứ Thanh, xứ Nghệ (hay Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Trong số Tạo sĩ, Tạo toát thời Lê Trung Hưng, rất nhiều người quê ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoàng Hóa, nhất là các huyện Kỳ Hoa, Tống Sơn và Thạch Hà của vùng Thanh-Nghệ, trong số đó nổi bật lên các họ Vũ Tá, Nguyễn Đình, Ngô Phúc, Phạm Phúc, Văn Đình…

Tiếng gọi thiêng liêng mãi vọng xa
Hùng Vương dấy nghiệp dựng sơn hà

 

Trống đồng giục chí trai anh tuấn
Chim Lạc khơi lòng gái vị tha

Lịch sử
Võ Nhất Nam là môn võ có nguồn gốc ở Việt Nam. Trước đây chỉ tồn tại dưới các dạng gia phái hoặc trong cộng đồng làng xã. Có người cho rằng cái gốc ban đầu của Nhất Nam là võ Hét, hoặc võ Héc, của vùng châu Hoan, châu Ái xa xưa mà sau này là xứ Thanh, xứ Nghệ (hay Thanh Hóa,Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Trong số Tạo sĩ, Tạo toát thời Lê Trung Hưng, rất nhiều người quê ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoàng Hóa, nhất là các huyện Kỳ Hoa, Tống Sơn và Thạch Hà của vùng Thanh-Nghệ, trong số đó nổi bật lên các họ Vũ Tá, Nguyễn Đình, Ngô Phúc, Phạm Phúc, Văn Đình…

Tác giả giới thiệu
Võ sư Ngô Xuân Bính xuất thân trong gia đình có truyền thống về võ, ông học võ ngay từ thân phụ và các võ sư nổi tiếng trong vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đã lĩnh hội được truyền thống võ thuật dân tộc lâu đời, muốn thống nhất, đồng nhất các kỹ thuật võ Việt ông đã tiếp thu được để cùng vun vén về cội nguồn, hy vọng quy tụ các kỹ thuật của bầu đoàn võ của vùng sông Lam, sông Mã thành một phái võ riêng cho Việt Nam. Ông là một học trò giỏi của làng võ Việt Nam, nên khi ông là chưởng môn phái đã đặt tên cho môn võ mới là phái võ Nhất Nam. Với ý nghĩa đây là một đứa con của làng võ Việt nam, một phần tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo những gì ông cho biết (tham khảo sách Nhất Nam căn bản tập 1 và 2), đây là một môn phái có quy mô và tổ chức cao, với một hệ thống các môn công khá đồ sộ, toàn diện được đúc kết, sáng tạo dựa trên những nguyên lý đơn giản mà hợp lý, dựa trên những đặc điểm tâm sinh lý và cơ chế vận động của cơ bắp con người để tạo dựng lên những phương pháp luyện tập, những hệ thống bài tập dư chứa những thủ thuật tinh tế và khoa học, những đòn thế đơn giản mà khéo léo, có khả năng lợi dụng được sức mạnh của đối phương… Ngày 19 tháng 5 năm 2009 Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch đã chính thức ra văn bản công nhận danh sách Ban Vận Động Thành Lập Liên Đoàn Võ Thuật Nhất Nam Việt Nam gồm 21 vị.

Đặc điểm
Võ Nhất Nam xuất phát trước hết từ đặc điểm của người Việt là tầm vóc nhỏ bé, mà trong thời gian dài lịch sử lại phải thường xuyên đối đầu với người phương Bắc thể lực to khỏe và quyết chí cao do đó khó có thể đương lực ngang bằng theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp. Muốn thắng phải tìm ra thế mạnh riêng. Xuất phát từ thể chất không cứng mạnh, võ sinh ta không thể tập theo lối cương cường, mà tập trung vào luyện công và môn công để khắc chế võ Tàu, cụ thể là tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để những đòn đánh của đối phương đều không đến được đích, rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm. Nói như các võ sư võ Héc là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…” (trích sách Nhất Nam căn bản tập 1, nhà xuất bản TDTT Hà nội năm 1988) tất cả đều phải đạt độ quyền biến, tới mức thần quyền.

 

Phương châm của võ Nhất Nam là né tránh, đánh nhanh, điểm đặt đòn chính xác, đúng chỗ hiểm, có hiệu quả cao. Do đó về võ thuật phải luyện thân pháp cực kỳ mau lẹ để luồn tránh được đòn của đối phương, còn về tấn pháp tập trung vào các thế tấn thật cơ động, biến ảo cao. Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu nhất, võ Nhất Nam nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt trên cơ thể người và những bài thuốc lấy từ cây cỏ và những con thú sẵn có ở địa phương.

Các võ sinh Nhất Nam được tập tinh thông thập bát ban võ nghệ, tức là ngoài quyền cước, võ sinh còn biết sử dụng thành thạo 17 loại vũ khí nữa. Quyền của Nhất Nam có 32 bài cơ bản, lại thêm 42 bài bổ trợ. Xuất phát của quyền theo quan niệm: “Biến tạo của trời đất có tất cả, từ cao đến thấp, chim muông, hoa lá, vạn vật, côn trùng… theo chúng kiến tạo, thêm cái hay để bảo tồn một giống hay nhiều giống. Trên đến chí cương, dưới đến chí âm, khắc nhu khắc cương, đấy là đạo của quyền”. Điều đó có nghĩa là: Nhất Nam với mọi vật phỏng theo muôn vật, nghiền ngẫm để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật mà chế thành quyền. Bài quyền một chuỗi động tác, có thế công, thế thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tùy lúc. Nhất Nam bên cạnh những bài quyền chiến đấu, còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cánh con người. Trong quyền, Nhất Nam tập đá nhiều, nhưng những đòn yểm trợ bằng tay vẫn được chủ yếu sử dụng và đạt hiệu quả cao, trong đó nổi bật lên 2 thế: tay xà và tay trảo. Tay xà là một thế mô phỏng động tác quăng, quật, luồn, cuộn của các loài trăn vốn rất phổ biến ở vùng Thanh-Nghệ, nó có độ nẩy, độ xiết, độ mở và độ uốn lượn rất linh hoạt. Tay trảo là thế đánh của tay chĩa ngang ngón cái như cựa gà chọi, còn các ngón kia khép lại chĩa thẳng thành mũi xỉa vào các huyệt của đối phương, thể hiện lối võ lấy yếu thắng mạnh, lấy nhẹ đánh nặng. Đặc biệt các bài Ma quyền, Ảo quyền, Hoa quyền đã kết tinh những kỳ bí của võ Nhất Nam.

Về võ binh khí, Nhất Nam coi binh khí là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, thêm sắc, thêm cứng, thêm dẻo và linh hoạt, nên đã từ thế thức trong các bài quyền mà sáng tạo ra những bài võ binh khí như Ma kiếm, Hoa kiếm, Vũ Chân kiếm… Nhất Nam ưa sử dụng loại gậy tre đặc hoặc gỗ cứng, nặng các cỡ khác nhau, các bài Lôi côn, Thiết côn, Vân Vũ côn gồm nhiều thế đánh khác nhau, kết hợp nhuần nhuyễn giữ công và thủ. Hiện nay, về vũ khí có 9 bài côn, 9 bài kiếm, 7 bài rìu, 3 bài chạc ba, 5 bài thương, 1 bài song nguyệt, 2 bài đoản thiên mộc, 3 bài câu liêm cán ngắn (đánh kèm với lá mộc), 1 bài đánh bằng dây lưng, đặc biệt có cả bài đánh bằng dải lụa được gọi là Nhung thuật.

Binh khí của Nhất Nam cũng rất đặc sắc. Côn có tới 4 cỡ với độ dài bằng cánh tay, cao ngang mày, cao 1 đầu 1 gang tay và cao một đầu một với tay. Mộc bằng gỗ ken mây, bọc nhiều lớp da sống. Hai bên thân mộc còn lắp thêm 2 cái để khi đánh có thể xòe ra thành một lớn hoặc có thể gấp lại để che hai phía của thân mộc. Cây chạc ba như cây chạc ba đâm cá, có thể vừa đâm vừa ngoặc. Câu câu liêm là biến tướng của cây rựa đi rừng. Kiếm có sống và lưỡi, cong từ đoạn 2/3 ra mũi. Song nguyệt như cái liềm lưỡi sắt, hai đầu nhọn hoắt, một cặp nguyệt như bốn con dao vừa đâm vừa chém. Bài nhung thuật đánh bằng dải lụa dài 1-3 mét, đầu buộc vật nặng, cứng dùng để điểm, trói đối phương và quấn, giật vũ khí đối phương, có thể dấu kín nên dễ đánh bất ngờ.

Võ Nhất Nam xưa có 12 đẳng ứng với 12 vạch, nhưng nay thất truyền chỉ còn 9 đẳng ở môn công thuộc đủ các bài quyền thuật, binh khí, ám khí, xoa bóp, châm cứu, dưỡng sinh. Trang phục của võ sinh Nhất Nam theo lối võ cổ truyền: đầu chít khăn, mình trần, đóng khố. Các tài liệu tham khảo được phổ biến rộng rãi của võ Nhất nam hiện nay là hai cuốn Nhất nam căn bản do đích thân võ sư Ngô Xuân Bính biên soạn và trình bày.

Nguyên tắc
Học lấy tinh, không cần nhiều
Hiểu cần nhiều, nhưng luyên ít
Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi
Giác đầu thành tay, thành chân
Cần chí hơi lý ở đầu
Phương pháp
Dậy chí trước môn công
Dậy ý trước tay chân
Dậy chế công, lấy công làm gốc
Dậy chế thủ, lấy thủ làm gốc
Biết chế chống công, biết công được chế
Yếu pháp
Là những yếu quyết căn bản giúp người luyện tập nắm vững và có cơ sở lý luận trong việc học tập các đòn thế, chiêu thức, cách di chuyển, tấn công phản công, phòng thủ… Giống như người đi xa phải chuẩn bị tư trang, người luyện võ muốn đạt được công phu, đều phải hiểu và nắm được những yếu quyết căn môn cơ bản.

Yếu pháp của môn phái võ Nhất Nam, dựa trên những nguyên lý đơn giản và hợp lý. Dựa trên những đặc điểm tâm sinh lý, cơ chế vận động của cơ bắp cơ chế vận hành của khí huyết để đưa ra các phương thức rèn luyện. Những hệ thống bài tập dư chứa những thủ thuật tinh tế và khoa học, những đòn thế đơn giản mà khéo léo; có khả năng lợi dụng được sức mạnh của đối phương, cũng như khả năng huy động một cách hợp lý sức mạnh của bản thân và các bộ phận của cơ thể dùng khi công hoặc thủ. Nhằm giúp người tập nhanh chóng thu được những kết quả mong muốn như: bản lĩnh vững vàng, trí cảm sáng suốt, khả năng phản xạ nhạy bén, cử động của tay chân linh hoạt, chính xác.

Các yếu pháp căn bản của phái Nhất Nam được chia ra làm 5 phần: Thân pháp, Thủ pháp, Công pháp, Hoá pháp, Giải pháp.

Bộ tay
Sự khéo léo, tính biến ứng và khả năng thực hiện những động tác phức tạp ở các góc độ khác nhau, là ưu điểm tiêu biểu của đôi tay con người. Dựa vào những nhận xét thông minh và đúng đắn đó, các võ sư nghiên cứu môn công và các phương pháp luyện tập đôi tay đêu cố gắng tận dụng khả năng lớn lao của nó.

Môn phái Nhất Nam tách bộ tay ra 5 kiểu: Tay quyền, Tay trảo, Tay đao, Tay xà, Tay chỏ.

Bộ chân
Khả năng vươn dài, vươn cao, trượt thấp, nhảy xa, bật cao, di chuyển, thực hiện dễ dàng các động tác nhanh mạnh là ưu thế chủ yếu của đôi chân con người. Người tập võ, luyện thành những đòn thế căn bản của bộ chân sẽ có được công phu trụ tấn vững vàng, di chuyển linh hoạt, đòn đánh kín, lực đánh mạnh và những khả năng gạt, đỡ, ngoắc, khóa, du ép đối phương một các hợp lý, có hiệu quả.

Môn phái Nhất Nam chia bộ chân ra làm 5 kiểu sau: Thiết cước, Lôi cước, Đao cước (cước đao ), Kim chỉ cước, Chuỳ lôi cước.

Quyền
Quyền là thuật vận động, hài hoà giữa sức mạnh, sức bật, sức bền, độ dẻo, tính nhịp điệu trong một tổng thể khăng khít, hoà hợp giữa con người với thiên nhiên mà tính năng của nó có thể thu âm, thu dương, khắc cương, khắc nhu, là nếp nghĩ, là tinh thần, là phần hành động lộ hiện cho tư tưởng hành hiệp của người học võ. Kỹ thuật của Quyền rất đa dạng: khi ứng đấu các võ sĩ phải xử lý đồng bộ nhiều động tác của tay, chân, của đầu, của thân, của mông… khi chậm, khi nhanh, khi mạnh, khi nhẹ… khi đánh xa, khi đánh gần, khi đánh cao, khi đánh thấp, khi đánh đòn đơn, khi đánh đa đòn… khi đánh trực diện, khi đánh từ hai phía… khi chập chờn dồn dứ, khi ồ ạt liên hoàn… Mặt khác trong qúa trình luyện quyền, người học võ phải thường xuyên di chuyển bằng các thức; bước chuyển, nhảy, lăn, lộn, chạy… để phù hợp với tình huống tấn công hoặc phòng thủ.

 

Võ phái Nhất Nam và bản sắc người Việt

Các võ sư Nhất Nam từ xưa đến nay quan niệm võ thuật không phải bạo lực mà là đạo tu thân. Rộng hơn, võ thuật, di sản phi vật thể, là văn hoá. Ở hệ quy chiếu ấy, Nhất Nam mang bản sắc đặc dị, thuần Việt chứ tuyệt nhiên không phải môn phái mang danh “võ thuật cổ truyền” nào khác.

Lập luận võ thuật là văn hoá đã va ngay phải một định kiến: Người Việt vốn trọng Văn hơn Võ. Tuy nhiên, trong cách tiếp cận mới, cởi mở hơn, thật ra đúng đắn hơn, võ thuật là một di sản văn hoá phi vật thể. Sự hình thành của nó mang lại cho người Việt một công cụ tự vệ và mở cõi, một ngôn ngữ riêng. Hiện giờ, dù chưa chính thức được lựa chọn, nhưng võ thuật (mà công lớn là võ phái Nhất Nam) đã và đang góp những viên gạch đầu tiên trong quảng bá văn hoá Việt.

Màn biểu diễn võ Nhất Nam của các môn sinh tỉnh Yên Bái

  1. Từ cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên hoang dã, từ những cuộc chiến chống ngoại xâm suốt hàng nghìn năm lập nước, giữ nước, võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ra đời. Thế kỷ XIX trở về trước, quyết định thành bại trận mạc không phụ thuộc vào súng đạn, các nhà nước phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng võ thuật. Thậm chí, võ quan triều đình còn toả vào trong dân gian để mở lớp dạy võ phòng khi nước có hoạ binh đao thì có thể huy động được lính ngay mà không cần huấn luyện nhiều. Những võ ban được mở ra bên cạnh văn ban. Những kỳ thi võ ở địa phương rồi ở kinh kì được tổ chức để tuyển chọn nhân tài cho quân đội… Không biết bao nhiêu môn phái đã ra đời và vẫn tồn tại đến ngày nay.

Hiện tại, ở Việt Nam có nhiều môn phái võ thuật như Bình Định gia, Hoa quyền, Nam Tông, Tân Khánh Bà Trà, Sa Long Cương, Thanh Long võ đạo, Lam Sơn căn bản… Trong đó, hầu hết gốc gác từ Trung Quốc, dần dà tích hợp, dung hòa với võ Việt. Tuy nhiên, vẫn có những môn phái thuần Việt phát triển cùng, tồn tại trong các làng quê, dòng họ. Ở đó, người ta học võ không để tiến thân mà để rèn luyện cơ thể, góp vui khi lễ hội, làm việc nghĩa và cao hơn cả là để giúp nước. Theo dòng thời gian, võ thuần Việt với các môn phái mà hạt nhân là các gia phái luôn tiềm ẩn sức sống dai dẳng, bất chấp biến động. Chẳng hạn, khi lên ngôi, Gia Long đã truy sát những người từng phò nhà Tây Sơn. Hậu quả là nhiều võ đường đã bị đóng cửa. Hàng nghìn võ sư, môn đồ bị giết hại. Nhiều dòng võ tạm lắng xuống, toả vào trong dân, tồn tại dưới dạng các gia phái. Trong số này, có Nhất Nam.

Nhất Nam thu hút đông đảo các lứa tuổi tham gia

  1. Nằm trên vùng đất tối cổ châu Hoan, châu Ái, nay là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, từ xa xưa đã tồn tại một dòng võ đặc dị của người Việt. Đời nối đời, dòng võ này đã trở thành một môn phái võ thuật ngày nay mang tên Nhất Nam. Người xưa còn gọi dòng võ này là võ Hét, hoặc Héc (theo khẩu âm địa phương). Lớp trước truyền lại lớp sau, kế thừa và sáng tạo, môn quyền thuật tiền thân của Nhất Nam dần trở thành một dòng võ đặc dị, có tính quy mô và tổ chức cao, với hệ thống môn công đồ sộ, hệ thống lí luận phong phú, chặt chẽ về tâm pháp, yếu pháp, kĩ pháp, toàn diện từ quyền cước, binh khí đến công phu luyện nội, ngoại, dưỡng sinh… làm nền tảng cho người theo võ học tu thân, luyện tài.

Toát lên qua đường quyền, ngọn cước của Nhất Nam là tinh thần “nhại công” (chữ Công ở đây được hiểu là bậc hoá công, tức thiên nhiên, tự nhiên…). Chưởng môn phái Nhất Nam, võ sư Ngô Xuân Bính giải thích: – Thuật biến tạo cái tinh của trời đất là Quyền. Muôn sinh mạnh bởi cái riêng. Tính hấp lực và chi tồn ở tại cái riêng, muôn vật hoá tồn cũng chính nhờ cái riêng. Từ cái ý ấy mà tinh thần của Nhất Nam bắt nhại cái mềm dai của giống dây rừng, sắc bén của cật tre nứa, xù cứng gân guốc của cội mai, nhanh nhẹn khéo léo của loài khỉ, hùng dũng vũ bão của hổ, voi, nét uyển chuyển mềm mại của báo, mèo… Với đặc điểm nhỏ bé của người Việt, khi phải đối đầu với người phương Bắc to khoẻ, thể lực vượt trội, Nhất Nam lấy tránh né, kéo tì, triệt lực, hấp lực để phản đòn vào các huyệt đạo trên người đối thủ như cổ, mắt… và không chủ trương đối lực, đối đòn, đối chiêu… Võ sinh ta không tập theo lối cương cứng mà tập trung vào luyện công, môn công để khắc chế võ Tàu. Bài quyền Nhất Nam là một chuỗi động tác, có công, có thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tuỳ lúc. Nguyên lí này sau trở thành tinh diệu trong nghệ thuật quân sự người Việt: Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Các kĩ thuật vuốt tì nhãn, văng cột tấn, vả hà bàn của vùng võ Yên Thế, gồng, bốc, vét vùng vật Hà Tây, nơm úp của đất võ Thái Bình… là kết quả có được của bao đời chống lại các thế đánh trường đao, trường thương, trường quyền… của người Trung Quốc.

Biểu diễn võ Nhất Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, HN

Võ Nhất Nam có nguyên tắc nhưng không câu nệ, hướng về hiệu quả chứ không bị khuôn thức trói buộc, vươn đến cá tính với giá trị nhân bản riêng. Các thế tấn của Nhất Nam thường lấy động làm gốc, không chủ trương bám đất. Thế võ thường là giả công, dùng đòn liên thủ để khắc công, chống công. Cơ thể bé, chân tay ngắn nên thế thủ, thế công của Nhất Nam thường dùng kĩ thuật đánh đoản đòn, không vươn cao, vươn xa. Chưởng môn Ngô Xuân Bính, cũng như giới võ học đều thống nhất rằng Nhất Nam và những dòng võ chính của người Trung Quốc khác nhau ở hai điểm căn bản: Đó là thể chất và ý tưởng. Một đằng là lối cách của người nhỏ bé, không thể khuếch trương, lấy cái thực lực của kẻ yếu làm chính nên không có lề luật. Một đằng là lối cách của kẻ mạnh, cơ thể to lớn, có phép tắc, có lề luật. Đòn công Nhất Nam thường ít hơn đòn thủ.

Các môn sinh Nhất Nam người nước ngoài tại Hà Nội

Thời nhà Hồ, bởi hiệu quả sát thương cao nên võ Hét được sử dụng ở chốn cung đình để bảo vệ vua chúa… Nhiều tay kiệt hiệt Nhất Nam đã gia nhập đội quân của hoàng đế Quang Trung khi ông hành binh qua Thanh- Nghệ, tiến ra đại phá quân Thanh. Nhiều võ sĩ của môn phái trong những trận huyết chiến đã hy sinh vì nghiệp lớn để rồi sau này võ phái lấy ngày 5 tháng Giêng, ngày Nguyễn Huệ mặt sạm đen khói súng, oai hùng trên lưng voi tiến vào Thăng Long thành sau khi phá tan 28 vạn quân Thanh, làm ngày giỗ Tổ môn…

Các võ sư Nhất Nam xưa quan niệm võ thuật không phải là bạo lực mà là đạo tu thân. Nhờ luyện võ mà người học đạt đến cái tĩnh trong tâm, bình đẳng và hoà đồng cùng thiên nhiên, vạn vật.

  1. Họ Ngô Xuân ở thành Vinh (Nghệ An) là một trong những hậu duệ gia phái Nhất Nam ngày ấy. Nhất Nam là tên gọi được đặt bởi chưởng môn Ngô Xuân Bính sau khi thống nhất các chi phái, cùng hướng về cội nguồn võ Hét, hàm ý đây là môn võ thuần nhất của người Việt, không pha tạp, lai căng. Cũng chính bởi thế, nó xứng đáng được gọi là võ phái Việt Nam cổ truyền thuần khiết.

Võ phái Nhất Nam diễn tập chuẩn bị cho ngày biểu diễn 11/9, kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội

Võ sư Ngô Xuân Bính sinh ra ở Vinhnhưng lại truyền dạy Nhất Nam ở Hà Nội. Dạo ấy là cuối những năm 1970. Nhiều người theo đuổi Nhất Nam đã chọn thời điểm tập võ là… 3h sáng. Họ tập đến khi gà gáy. Lễ ra mắt làng võ của Nhất Nam diễn ra vào ngày 23-10-1983. Người theo tập Nhất Nam đông, có lúc lên tới 3 vạn, ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Đầu năm 1990, chưởng môn Ngô Xuân Bính và một số võ sư các môn phái khác sang Liên Xô cũ theo một chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước. Nhất Nam nhanh chóng được tiếp nhận bởi những nét thuần Việt, không lẫn vào đâu. Thậm chí, kể cả những biến động chính trị những năm 1990 cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của Nhất Nam. Số môn sinh Nhất Nam ở Nga giờ lên đến vài nghìn người, đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, trong đótập trung tại Mát-xcơ-va và một số thành phố lớn. Môn võ này được đưa vào chương trình huấn luyện đội cận vệ Tổng thống Nga.

Danh tiếng võ sư Ngô Xuân Bính được biết đến không chỉ như một chưởng môn phái võ thuần Việt mà còn với vai trò của một bác sĩ Đông y có tài. Sự quan tâm đến võ y Nhất Nam tại Nga đã lên tới cấp lãnh đạo cao nhất. Hiện chưởng môn Ngô Xuân Bính chữa bệnh tại Nga hoàn toàn do Văn phòng phủ Tổng thống sắp xếp. Khi các chính khách cấp cao của Nga cần được chẩn đoán, võ sư Ngô Xuân Bính nằm trong số những bác sĩ được mời. Khí công Nhất Nam là một trong bốn môn được chọn cho chương trình toàn dân rèn luyện sức khỏe ở Nga. Tại Hà Nội, Đại sứ quán Nga chọn Nhất Nam làm chương trình rèn luyện cho cán bộ, nhân viên và gia đình. Từ Nga, Nhất Nam toả U- crai- na, Lít- va, Bê- la- rút và đang đặt những nền móng ban đầu ở Ba Lan, Séc, Pháp, Ô- xtrây- li- a… Riêng Nga, Lít- va, Bê- la- rut, U- crai- na đã có Liên đoàn Nhất Nam quốc gia.

Người Việt chậm hơn người Trung Quốc. Trong chiến lược tiếp thị mới của họ, võ học được xem là một đại sứ. Thiếu Lâm, võ phái nổi tiếng Trung Hoa, mở “chi nhánh”, “văn phòng đại diện” khắp thế giới, tiếp nhận học viên nước ngoài tại Trung Quốc. Họ có cả “võ đường mạng”… Định kiến thường dai dẳng. Nhưng Nhất Nam ẩn chứa đời sống tinh thần người Việt. May mắn thay, bây giờ, chưa chính thức nhưng ta cũng đã xem võ thuật là một đại sứ thiện chí văn hoá. Nhất Nam đang làm một phần nhiệm vụ ấy. Với bản sắc không lẫn vào đâu.

Định vị và khu biệt bản sắc người Việt trong võ thuật, trong một môn phái cụ thể là Nhất Nam, là câu chuyện thú vị. Trong những ngày Thủ đô cùng cả nước náo nức kỷ niệm 1000 Thăng Long- Hà Nội, Nhất Nam là môn phái duy nhất được lựa chọn biểu diễn. Chương trình có tên gọi “Khí phách Thăng Long”, quy tụ 1000 môn sinh Nhất Nam từ khắp các võ đường sẽ chính thức được công diễn vào sáng 11/9 tới đây tại Hà Nội./.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111