SỐNG PHẬT MỖI NGÀY: MÙA XUÂN MIÊN VIỄN Nguyễn Thế Đăng
SỐNG PHẬT MỖI NGÀY: MÙA XUÂN MIÊN VIỄN
Nguyễn Thế Đăng
1/ Trong mỗi người đều có một vị Phật sống
Trong mỗi con người có một vị Phật sống mà sứ mệnh và giá trị làm người là đánh thức vị Phật vốn có ấy và tùy theo sự đánh thức ấy được hiệu quả bao nhiêu thì người ấy có được tự do và an vui bấy nhiêu.
Trong cuốn Đánh thức vị Phật đang ngủ (Awakening the sleeping Buddha, 1996 nxb Tôn giáo, 2010) ngài Tai Situpa thứ Mười Hai của dòng Kagyu, Phật giáo Tây Tạng, nói trong chương 1, Phật tánh:
“Phật tánh là sự tồn tại vốn có trong mỗi chúng sanh, và Đức Phật dạy chúng ta phương pháp từng bước với mục đích để đánh thức Phật tánh luôn hiện diện trong chúng ta bằng cách chỉ dẫn các cá nhân với những mức độ phát triển khác nhau”.
Vị Phật sống ấy, Phật tánh ấy, Tâm Phật ấy bình đẳng có ở tất cả chúng sanh, bất kể hình tướng cá nhân và hình thức cuộc sống như thế nào. Thiền sư – vua Trần Thái Tông (1218-1277) nói trong Phổ khuyến phát Bồ đề tâm:
“Đâu biết tánh giác Bồ đề ai nấy viên thành, nào hay thiện căn Trí huệ người người sẳn đủ. Chớ hỏi đại ẩn tiểu ẩn, nào ngại tại gia xuất gia. Chẳng kể tăng tục, chỉ cốt rõ Tâm; vốn không nam nữ, cớ sao bám tướng?”.
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37, nói rằng:
“Bấy giờ Như Lai do trí nhãn thanh tịnh vô ngại xem khắp pháp giới tất cả chúng sanh mà nói: Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Tại sao các chúng sanh này vốn có đủ trí huệ Như Lai, mà ngu mê lầm lạc chẳng biết chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước, ở trong thân họ thấy được trí huệ Như Lai rộng lớn, như Phật không khác”.
2/ Có Phật và phải thấy và sống được với Phật.
Thay vì “chẳng biết chẳng thấy”, thì để đi vào con đường, người ta phải biết phải thấy. Muốn thấy cần thiền quán để phát khởi trí huệ. Con đường Phật giáo dù thực hành theo bất kỳ pháp môn nào cũng đi trong Giới Định Huệ. Định là thiền định. Huệ là do thiền quán. Thiền quán đến một mức nào thì thành ‘quán thấy’, tức là thấy trực tiếp, gọi là ‘hiện quán’.
Đoạn kinh trên của phẩm Như Lai xuất hiện tiếp tục bằng bài kệ, trong đó câu đầu tiên nói đến thiền quán để thấy tâm Phật, trí Phật:
Muốn biết tâm chư Phật
Nên quán trí huệ Phật
Trí Phật không chỗ nương
Như hư không không nương.
Chúng sanh mọi điều vui
Và những trí phương tiện
Đều nương trí huệ Phật
Trí Phật không nương dựa.
Thanh Văn và Độc Giác
Cùng chư Phật giải thoát
Đều nương nơi pháp giới
Pháp giới không tăng giảm.
Trí Phật cũng như vậy
Xuất sanh nhất thiết trí
Không tăng cũng không giảm
Không sanh cũng không diệt.
Ai đào đều được nước
Nước vô niệm vô tận
Công lực khắp mười phương.
Trí Phật cũng như vậy
Ở khắp tâm chúng sanh
Nếu ai siêng tu hành
Mau được trí quang minh…
Quán Phật như vậy thì quán thấy Phật như vậy.
Thiền sư Cảm Thành (?- 860), Tổ thứ hai dòng Vô Ngôn Thông, khi có vị tăng hỏi:
– Thế nào là Phật?
Sư trả lời:
– Khắp tất cả chỗ.
– Thế nào là Phật tâm?
– Chưa từng che giấu.
Đây là thấy Phật.
Ngài Phó Đại Sĩ (497 – 569) có bài kệ:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy
Đứng ngồi vẫn theo nhau
Nói nín đồng vừa khít.
Mảy tơ chẳng lìa nhau
Tương tự như thân bóng
Muốn biết chỗ Phật ở
Chỉ ngay lời, tiếng vậy.
Đó là sống Phật mỗi ngày mỗi đêm, sống Phật trọn đời.
Trong Kiến Tánh và Tứ Trí của Thiền sư Bạch Ẩn (1686 – 1700) Nhật Bản (Bình giải Albert Low, biên dịch Thuần Bạch và Huệ Thiện – nxb Hồng Đức, 2020), khi nói về lần chứng ngộ thứ 2 (trong 4 lần), tức là chuyển thức thứ 7 Mạt na thành Bình đẳng tánh trí, ngài Bạch Ẩn nói:
“Mọi vật trong sáu phạm trù của căn thức – thấy, nghe, hiểu, biết – đều là tánh giác nơi ông, và gọi là Bình đẳng tánh trí, Báo thân viên mãn”.
Albert Low(a) bình giảng:
“Tất cả sự kiện này nghĩa là gì? Chứng ngộ xảy ra như một bước ngoặt đột biến, lần này trong thức thứ 7 Mạt na, chuyển thành Bình đẳng tánh trí siêu việt nhị nguyên. Trong sự trải nghiệm đột biến lần thứ nhất trong thức thứ 8 mở ra cái biết là tánh Không, cái biết là hư không thênh thang. Nhiều công án chỉ ra điều này; ví dụ “Rỗng thênh không thánh” của Bồ Đề Đạt Ma. Phần thứ hai của công án “Bình thường tâm là Đạo” của Nam Tuyền: “Cái đó như hư không, rỗng thênh không ngằn mé”. Đây là cái biết tánh Không; là thấy “Sắc tức là Không”…
Ngộ lần thứ hai: Thấy các pháp trong sáu phạm trù của căn thức đều là tự tánh giác.
Chứng ngộ lần thứ hai thâm sâu và thấu thoát hơn, chúng ta thấy “tất cả là một”.
“Cây bách trước sân” của Triệu Châu và tắc 53 Bích Nham Lục “Bá Trượng con vịt trời” đều chỉ về phương hướng này.
Thiền sư Bạt Tụy trong một lá thư đã nói về lần chứng ngộ thứ hai: ‘Cả pháp giới và chính ông cùng một cội nguồn… ông và mỗi sự vật đều không hai. Tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió thổi vi vu đều là âm thanh Phật. Màu thông xanh, màu tuyết trắng đều là sắc thân Như Lai”. Đây là diễn tả Báo thân.
Thấy là biết, nghe là biết. Thấy, nghe bản thể không khác. Thấy và nghĩ, thấy và xúc chạm, thấy và cảm giác đều không khác. Trong bản thể, tất cả là một. Trong bản thể, tất đều là cái biết…
Giáo thọ sư người Hy Lạp – Armenia G.I Gurdjieff nói: ‘Hãy nhớ tự ngã’, như Đạo Nguyên đã nói tương tự: “Khi buông hết tự ngã, ông và vạn pháp là một”. Bạn không thể tách rời cây cối chim muông, thân thể… ra khỏi cái biết, mặc dù vạn pháp là vạn pháp, cái biết là cái biết. Mọi sự vật trong sáu phạm trù căn thức – thấy, nghe, hiểu, biết – đều là trạng thái tâm giác ngộ. Trong định, mọi sự vật thấy, nghe và xúc chạm đều là bản lai diện mục”…
Sống bằng cái thấy Phật luôn luôn hiện tiền như vậy, sống Phật mỗi ngày như vậy thì không còn gì là sanh tử và đời sống bình thường chuyển hóa thành cõi Phật tịnh độ.
Đạo Phật không hứa hẹn, mà trực tiếp trao tặng cho mỗi người một Tịnh độ ngay trước mắt, một mùa xuân miên viễn ngay trong những biến thiên không cùng của lịch sử, như đức vua thiền sư Trần Thái Tông nói:
“Ngày nay ta vì các ông, không ngại việc vuốt râu nơi miệng hổ, bước chân trên đầu gậy. Chỗ nói, gió lùa, thông réo, chỗ im trăng chiếu đầm trong. Khi đi thì mây bay nước chảy, khi đứng thì núi lặng non yên. Lời lời đều là kế sống của Thích Ca, câu câu đều là gia phong của Đạt Mạ.
Buông ra thì tám chữ mở tung, nắm lại thì một cửa khép bặt. Trong hang quỷ chính là lâu đài Di Lặc; ở dưới núi Hắc Sơn chẳng khác cảnh giới Phổ Hiền. Chốn chốn là đại quang minh tạng; cơ cơ là bất nhị pháp môn. Mặc cho tối đi sáng đến, ngại gì trăng phủ mây che. Ngọc sáng nơi tay, xanh ánh xanh, vàng chiếu vàng. Gương cổ ở trên đài, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Can gì huyễn thể, tất cả đều là pháp thân. Chẳng nhọc trên đỉnh đầu phóng quang, vốn đủ sáu thông thần dụng. Đạp đổ cung điện ma vương, mở toang tâm can ngoại đạo. Biến đại địa thành cõi nước vàng ròng, trải sông dài thành sữa ngọt cho trời người. Trong lỗ mũi pháp luân thường chuyển; dưới lông mày cõi báu hiện tiền…”
(Nói rộng về một đường hướng thượng)
Chú thích:
(a): Albert Low (1928 – 2016)
Thiền sư người Anh thuộc dòng Philip Kapleau. Vốn là một giám đốc nhân sự cấp cao. Năm 1966 ông gặp thiền sư Haku’un Yasutani và thực hành với vị này, sau đó trong hai mươi năm với Philip Kapleau, đệ tử của Yasutani. Năm 1986, ông hoàn thành khóa đào tạo và được Kapleau cho phép giảng dạy với tư cách một thiền sư.
Đã viết nhiều sách về Thiền, Thiền và đời sống hiện đại (như Zen and Creative Management, Conflict and Creativity at Work) và có những bài nói về thiền trên BBC và CBC.