LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

Ngày đăng: 17/09/2021

1. Nguồn gốc hình thành và phát triển

1.1. Nguồn gốc hình thành

Làng Hoà Hảo là một địa danh được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nằm gần biên giới Việt Nam – Campuchia, thuộc quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, ngày nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Từ xa xưa, nơi đây cùng với vùng núi Thất Sơn hợp thành “Châu Đốc Tân Cương” được coi là nơi biên viễn xa xôi hiểm trở của miền Tây Nam Bộ.

Người sáng lập PGHH là ông Huỳnh Phú Sổ (1920) sinh tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là con thứ tư trong gia đình nhưng là con trai trưởng của ông Huỳnh Công Bộ (Hương Cả Bộ) và bà Lê Thị Nhậm. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ông phải bỏ học vì mắc nhiều bệnh. Quá trình lên núi chữa bệnh cũng là thời kỳ ông bắt đầu học đạo, học làm thuốc. Khi chưa tròn 18 tuổi, ông tuyên bố mình là bậc “Sinh nhi tri”, biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và “đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”. Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc nam do ông kê hoặc nước lã, giấy vàng, lá xoài, lá ổi, hoa mẫu đơn, hoa cúc vạn thọ, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng. Ngày 18/5 năm Kỷ Mão (tức ngày 04/7/1939), ông Huỳnh Phú Sổ tổ chức lễ khai đạo tại tư gia, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo – nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo do mình sáng lập là “Phật giáo Hòa Hảo”. Sau đó, ông được tín đồ PGHH suy tôn là “Thầy tổ”, và được gọi “Đức Tôn Sư”, “Đức Thầy”“Đức Huỳnh Giáo chủ”.

1.2. Quá trình phát triển

– Giai đoạn từ ngày thành lập đạo (1939) đến trước năm 1975

Đối với tín đồ PGHH, ông Huỳnh Phú Sổ trở thành Đức Phật hoá kiếp, là Phật sống vì những việc làm và lời lẽ “siêu phàm”. Chính trong khoảng thời gian ngắn này, ông Huỳnh Phú Sổ đã cho ra đời 6 tác phẩm trong “Sấm giảng giáo lý”.

Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của PGHH: giáo lý tiếp tục được hoàn chỉnh; nghi lễ tôn giáo được hình thành và ổn định, đặc biệt là việc phát triển số lượng tín đồ. Từ năm 1947, PGHH chuyển sang một thời kỳ mới – thời kỳ phát triển có tổ chức hành chính đạo. Năm 1964, Ban Trị sự PGHH nhiệm kỳ I do ông Lương Trọng Tường là Hội trưởng chính thức hoạt động. Sau 25 năm, từ khi ra đời, đây là mốc mở đầu cho thời kỳ PGHH có tổ chức hành chính đạo.

– Giai đoạn từ năm 1975 đến tháng 5/1999 (giai đoạn trước khi PGHH được công nhận tư cách pháp nhân)

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa năm 1975 đại diện Tổ đình là bà Huỳnh Thị Kim Biên và ông Huỳnh Văn Quốc ra thông cáo giải tán Ban Trị sự các cấp của PGHH. Kể từ thời điểm đó, tổ chức hành chính đạo của PGHH không còn, tuy nhiên, PGHH vẫn tồn tại thông qua hoạt động tôn giáo của từng cá nhân trong cộng đồng tín đồ PGHH.

Trong môi trường xã hội của chế độ mới, sự đạo của PGHH vẫn duy trì bình thường. Về đức tin, trong ý thức đông đảo tín đồ vẫn tồn tại biểu trưng của PGHH; Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ được coi là cội nguồn của đức tin; nhu cầu tôn giáo của tín đồ không suy giảm, họ tuân thủ giáo lý nguyên thuỷ và có biểu hiện thế tục hoá trong đời sống đạo.

– Giai đoạn từ tháng 5/1999 đến 2021 (Giai đoạn từ khi được nhà nước công nhận tổ chức đến nay)

Ban Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, nhiệm kỳ 2019-2024

Xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của đại đa số tín đồ, mong muốn có một tổ chức giáo hội để hướng dẫn, phổ truyền giáo lý PGHH cho bà con tín đồ tu học và có địa điểm hợp pháp để làm nơi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo. Ngày 11/6/1999, Ban Tôn giáo của Chính phủ (nay là Ban Tôn giáo Chính phủ) ban hành Quyết định số 21/QĐ/TGCP về việc công nhận tổ chức và hoạt động của Ban Đại diện PGHH (nay là Ban Trị sự Trung ương giáo hội PGHH). Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn vừa thể hiện tính đúng đắn về chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, vừa tạo luồng sinh khí mới đối với đời sống tinh thần, tâm linh của toàn thể tín đồ PGHH. Đại hội đại biểu toàn đạo lần thứ II tháng 6/2004, đã xây dựng Hiến chương, tiếp tục khẳng định đường hướng hành đạo của PGHH trong giai đoạn mới là: “Vì đạo pháp, vì dân tộc”; kiện toàn tổ chức, bao gồm Ban Trị sự 2 cấp hành chính đạo: cấp toàn đạo và cấp cơ sở. Ban Trị sự trung ương PGHH – tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất của đồng bào theo PGHH. Trải qua năm kỳ đại hội (hiện nay đang là nhiệm kỳ thứ V), Giáo hội PGHH đã từng bước phát triển, trở thành tổ chức giáo hội 2 cấp hành chính đạo gồm có Ban Trị sự Trung ương PGHH và 400 Ban Trị sự xã, phường, thị trấn (cấp cơ sở), cùng 14 Ban Đại diện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đến nay, PGHH có khoảng 1,5 triệu tín đồ, sinh sống ở 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó, chủ yếu tập trung ở 09 tỉnh
miền Tây Nam bộ là: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An và Kiên Giang.
Ban Trị sự trung ương Giáo hội PGHH đã từng bước tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chuyên môn. Hằng năm tổ chức 2 ngày lễ trọng của đạo là ngày khai đạo 18/5 âm lịch và ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ 25/11 âm lịch. Đặc biệt, Giáo hội PGHH đã vận động đông đảo tín đồ tự nguyện tham gia có hiệu quả cao trong hoạt động từ thiện – xã hội như: xây mới và sửa chữa cầu nông thôn; sửa chữa và nâng cấp đường bộ; sửa chữa và xây dựng nhà tình thương; quyên góp gạo, tiền để tổ chức cứu trợ cho các vùng bị lũ lụt; ngoài ra còn cấp thuốc Đông, Nam y miễn phí và tham gia hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo đi khám, điều trị bệnh,… Bốn đạo sự trọng tâm là một phương pháp hành đạo có tính liên hoàn, cái này là nguyên nhân thành công của cái kia và ngược lại, do đó kết quả hoạt động từ thiện xã hội là lượng hóa kết quả các đạo sự, mặt khác Bốn đạo sự trọng tâm cũng là phương pháp giáo dục đạo đức trong cộng đồng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

 

Kết quả các mặt quy ra tiền như sau:

Nhiệm kỳ I (1999 – 2004) toàn đạo thực hiện được: 22 tỷ đồng;

Nhiệm kỳ II (2004 – 2009): 197 tỷ đồng;

Nhiệm kỳ III (2009 – 2014): 514 tỷ đồng;

Nhiệm kỳ IV (2014 – 2019): 2.000 tỷ đồng.

Từ đầu nhiệm kỳ V (2019-2021) đến nay: trên 1.200 tỷ đồng (trong đó, tiền ủng hộ quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và hoạt động từ thiện xã hội liên quan đến phòng, chống Covid-19 khoảng 500 tỷ đồng).

Đặc biệt, thời gian qua bà con tín đồ đã nêu cao trách nhiệm công dân sống và hoạt động theo luật pháp, kịp thời đấu tranh với những hoạt động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng xã hội mới theo định hướng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Khái quát giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức

2. 1. Giáo lý

Giống như các tôn giáo khác, PGHH cũng có những lời giáo huấn, cầu nguyện, tiên tri do Đức thầy truyền dạy, chép thành từng cuốn gọi là Sấm giảng viết theo dạng thơ văn truyền ngôn, giản dị dễ nhớ.

Kinh sách của PGHH bao gồm phần Sấm giảng giáo lý và phần Thi văn giáo lý.

Phần Sấm giảng gồm 6 cuốn:

– Cuốn 1: “Sấm giảng khuyên người đời tu niệm” được viết theo thể lục bát gồm 912 câu.

– Cuốn 2: “Kệ dân của người khùng” được viết dưới dạng thơ thất ngôn, dài 846 câu.

– Cuốn 3: “Sấm giảng” viết năm 1939, theo thể lục bát, dài 612 câu, trong cuốn này ông dạy người ta phải tu nhân đạo.

– Cuốn 4: “Giác mê tâm kệ” viết năm 1939, thơ 7 chữ, dài 846 câu. Ông bắt đầu đề cập tới các khái niệm Phật giáo như Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Ngũ uẩn, Lục căn, Lục trần,… khuyên người đời tu theo Phật giáo, nhưng cốt lòng thành, không câu nệ hình thức, nghi lễ.

– Cuốn 5: “Khuyến thiện” viết năm 1941, văn lục bát, 756 câu, kể chuyện Thích Ca ngộ đạo, luận khổ về tịnh độ, diệt ngã trược, trừ thập ác, hành thập thiện.

– Cuốn 6: “Cách tu hiền và sự ăn ở của người bổn đạo”, được viết năm 1945 dưới dạng văn xuôi. Cuốn này bàn về cách tu của PGHH là tu tại gia, tức là học Phật tu nhân. Lý giải tại sao phải trả tứ ân, luận về tam nghiệp, Thập ác, về Bát chính đạo. Cuốn sách cũng quy định cách thờ phượng, hành lễ, những kiêng kỵ mà một tín đồ PGHH phải tin theo. Cuốn sách là kết quả của một thời kỳ đạo đã hình thành, phát triển, có hệ thống tổ chức, giáo luật.

Phần thi văn giáo lý bao gồm những bài thi văn xướng hoạ được tập hợp lại từ năm 1939 đến 1947, gồm 253 bài văn vần và văn xuôi.

Như vậy, PGHH được coi là đạo Phật không thờ cốt Phật, Sấm giảng giáo lý chủ yếu dựa vào hình thức tín ngưỡng thần bí, vào các câu sấm giảng của Trạng Trình. Giáo lý của PGHH được gói gọn trong 4 chữ: Học Phật tu nhân và cốt lõi của học Phật tu nhân là báo đáp tứ ân:

– Ân tổ tiên, cha mẹ.

– Ân đất nước.

– Ân Tam bảo.

– Ân đồng bào nhân loại.

Sức lôi cuốn của PGHH với tín đồ về phương diện giáo lý chính là ở đó, việc nó nêu cao đạo lý làm người, biểu hiện trước hết ở Tứ ân. Giáo lý PGHH chứa đựng các tư tưởng của Nho, Phật, Lão bởi “Tứ ân” là một hình thức tam giáo mà tính trội thuộc về Nho giáo, thứ đến là Đạo giáo vì dùng phù phép trừ tà chữa bệnh, cuối cùng mới đến là Phật giáo (ân Tam bảo). Theo Phật giáo Hoà Hảo, tu nhân tạo nên công, học Phật tạo nên đức, có công có đức mới trở thành bậc hiền nhân.

2.2. Giáo luật

Cũng như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, PGHH chủ trương giống Phật giáo và niệm Nam Mô A Di Đà Phật (tức niệm lục tự Di Đà). Tín đồ thực hiện 8 điều răn của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, coi đó là giới luật của đạo:

1. Không nên uống rượu, cờ bạc, thuốc phiện, chơi bời, đàng điếm, phải giữ trọng luân lý tam cương, ngũ thường.

2. Không nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chân chất, không nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ tội lỗi cho nhau trong khi nóng giận.

3. Không nên ăn xài chưng diện thái quá và lợi dụng tiền tài mà quên nhân nghĩa đạo lý, đừng ích kỷ và xu phụng kẻ giàu sang, phụ người nghèo khó.

4. Không nên kêu Trời, Phật, thần, thánh mà sai hay nguyền rủa vì thần thánh không can phạm đến ta.

5. Không ăn thịt trâu, bò, chó và sát sinh hại vật mà cúng thần, thánh vì thần thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta vì nếu ta làm tội sẽ chịu tội, còn những hạng ăn đồ cúng mà hết bệnh là tà thần: Nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.

6. Không nên đốt giấy, tiền, vàng, bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy trợ cứu cho những người đói rách, tàn tật.

7. Đứng trước mọi việc gì về sự đời, hay đạo đức, phải suy xét cho minh lý rồi sẽ phán đoán việc ấy.

8. Tóm lại, phải yêu thương lẫn nhau như con một cha, dìu dắt nhau vào con đường đạo đức, nếu ai giữ được trọn lành, trọn sáng về nơi cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở lại cứu vớt chúng sinh.

Như vậy, những lời khuyên răn trong giáo luật đã phê phán mê tín dị đoan, dùng tà thuật bùa chú chữa bệnh và phê phán việc “hối lộ” thần thánh để chuộc tội. Đây là những tư tưởng tiến bộ của PGHH.

Thủ tục nhập đạo:

Người muốn gia nhập đạo phải tự nguyện, đủ 18 tuổi, có hai người tín đồ cũ tiến cử và bảo lãnh. Phải xin phép cha mẹ mình, phải nguyện trước bàn thờ ông bà, tổ tiên như sau: “kể từ ngày … tháng … năm…, con chịu quy y theo đạo”. Trưởng Ban trị sự cơ sở phát cho cuốn sách “Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo” của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ để hướng dẫn cách thờ phượng, cách hành xử của tín đồ. Tín đồ mới sẽ được giới thiệu với Ban trị sự cơ sở. Sau khi nhập đạo, họ được phát thẻ tín đồ và có trách nhiệm đóng nguyệt liễm, được tham gia các sinh hoạt của đạo… Hai tín đồ giới thiệu có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ người mới nhập đạo. Nếu muốn ra khỏi đạo, thì báo trước cho người tiến cử và Ban trị sự cơ sở để xoá tên trong danh sách. Ngày nay, người muốn vào đạo phải đủ 18 tuổi, tự nguyện viết đơn xin nhập đạo, có hai tín đồ giới thiệu. Đến Ban Trị sự cơ sở ghi danh, học giáo lý, giáo luật và phải xin phép cha mẹ mình về tự nguyện quy y theo đạo.

 Những ngày lễ trọng:

Cho đến nay, Hiến chương Giáo hội PGHH xác định có hai ngày lễ trọng, đó là ngày 18/5 âm lịch là ngày khai đạo PGHH, ngày 25/11 âm lịch là ngày sinh Đức Huỳnh Giáo chủ. Với tín đồ PGHH thì điều đó đã trở thành đức tin bền vững. Vì vậy, vào ngày này dù xa xôi tín đồ cũng cố gắng về thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang để viếng Tổ đình Đức Giáo chủ PGHH và An Hoà tự. Ngoài ra còn một số ngày lễ khác như: ngày 7/3 âm lịch giỗ Đức ông (bố ông Huỳnh Phú Sổ), ngày 26/4 âm lịch giỗ Đức bà (mẹ ông Huỳnh Phú Sổ), ngày 12/8 âm lịch vía Phật Thầy Tây An (giáo chủ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương).

2.3. Lễ nghi

– Đạo kỳ của PGHH màu đỏ đậm (màu dà), chất liệu bằng vải, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài, được treo trong khuôn viên chùa PGHH, Trụ sở Ban Trị sự và những điểm làm lễ vào hai ngày lễ trọng của đạo.

– Biểu tượng của PGHH là một hình tròn, nền màu dà có dòng chữ viền: PHẬT GIÁO HÒA HẢO màu vàng và bông sen trắng nở 4 cánh ở giữa.

– Về thờ cúng: Như đã trình bày ở các phần trên, tín đồ PGHH là cư sỹ tại gia, họ không thờ thần thánh nếu không rõ xuất xứ, chú trọng nghi thức hành lễ cá nhân trước bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật và bàn thông thiên. Tại các bàn thờ mỗi tín đồ đều có các hoạt động: xá, lạy, nguyện (bài đọc) và niệm Phật. Mỗi gia đình có 3 bàn thờ: Bàn thờ Phật đặt nơi cao nhất chỉ treo tấm vải Trần Dà; bàn thờ tổ tiên đặt dưới bàn thờ Phật; bàn thờ thông thiên thờ ngoài trời ở trước của nhà. Sau này tín đồ thờ ảnh ông Huỳnh Phú Sổ đặt dưới tấm Trần Dà. Người đi làm xa nhà đến giờ cúng hướng về phía Tây nguyện rồi xá 4 hướng hoặc nguyện tưởng trong tâm.

– Về tang lễ: Bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, người thân và anh em đồng đạo thông qua cầu nguyện có thể giúp cho vong linh người chết được siêu linh nơi cõi thọ, nên nghi lễ đối với người chết vẫn thực hành theo truyền thống địa phương kèm theo sự cầu nguyện. Trong tang lễ, tín đồ PGHH không sử dụng thầy cúng, không đốt vàng mã. Giáo lý còn khuyên mọi người không nên khóc lóc mà ảnh hưởng đến sự siêu thoát, anh linh của người chết.

– Về ăn chay: Ăn chay theo ngày sóc, ngày vọng hoặc ăn chay trường.

– Về lễ phục: Không quy định, song trong những ngày lễ hoặc cúng tại chùa, tín đồ đều mặc áo đen, khăn đóng đen.

– Về lễ vật thờ cúng: PGHH thờ Phật, nhưng không thờ tượng cốt, tranh ảnh mà thờ Phật bằng tấm vải Trần Dà thay cho tấm vải Trần Điều của Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng cùng một quan niệm là “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ giải thích việc đổi thờ Trần Điều thành Trần Dà như sau: “Từ trước, chúng ta thờ Trần Điều là di tích của Phật thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có những kẻ sai phép, sai với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại mầu Dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các Sư dùng mầu Dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và mầu ấy là mầu kết hợp của tất cả các mầu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hoà hiệp của nhân loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy, chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”.

Đồ thờ cúng Phật, cúng trời đất ở bàn thờ thông thiên thường có nước lạnh, hoa, hương và được giải thích như sau:

+ Nước lạnh thể hiện sự trong sạch.

+ Hoa thể hiện sự tinh thiết.

+ Hương thơm xua đuổi tà khí.

Lễ vật cúng ông bà, tổ tiên là đồ chay hoặc mặn. Không dùng vàng mã trong cúng giỗ, họ cho rằng đó là điều giả tạo, lãng phí không cần thiết.

PGHH quy định không lạy người lúc sống, trừ ông bà, cha mẹ. Thông thường, khi tín đồ làm lễ cầm hương vái 3 vái rồi quỳ xuống khấn theo bài quy định, sau đó cầm hương đứng thẳng, chắp tay trước ngực, tiếp tục khấn lời khấn theo quy định của PGHH. Kết thúc việc lễ, tín đồ lạy 4 lạy. Khi làm lễ ở bàn thờ thông thiên, lần lượt vái cả 4 hướng.

– Về cúng giỗ: Ông Huỳnh Phú Sổ khuyên tín đồ không làm giỗ linh đình tốn kém, vì thánh thần, người chết không ăn được những thứ đó và không dùng vàng mã khi cúng giỗ.

– Nơi thờ tự: Nơi thờ tự của PGHH được đặt tại gia đình, tại Tổ đình Đức Giáo chủ và tại chùa của PGHH.

2.4. Tổ chức

Sau khi được công nhận tổ chức (1999) đến nay, tại Điều 4 của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ V (2019-2024) quy định hệ thống tổ chức của Giáo hội PGHH gồm 2 cấp hành chính đạo:

“- Cấp toàn đạo gọi là Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH.

– Cấp cơ sở gọi là Ban Trị sự Giáo hội PGHH xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).

– Tại những tỉnh, thành phố có đông tín đồ PGHH lập Ban Đại diện PGHH tỉnh, thành phố.

– Ban Trị sự các cấp có tư cách pháp nhân, có con dấu tròn để sử dụng và được đăng ký tài khoản ở ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, Ban Đại diện tỉnh, thành phố và các ban chuyên ngành, văn phòng (trực thuộc Ban Trị sự Trung ương) có con dấu sử dụng lưu hành nội bộ theo quy định của pháp luật.

Giúp việc cho Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH và nối liên hệ với cơ sở, tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Ban Đại diện PGHH tỉnh, thành phố do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH bổ nhiệm”./.

 

Theo BAN TÔN GIÁO CHINH PHỦ

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111