Hành y cứu người tạo thiện duyên
Hành y cứu người tạo thiện duyên
Có rất nhiều văn chương và điển tịch thời cổ đại ghi lại y thuật siêu phàm của các danh y dân gian và đức hạnh hiếm có của họ. Trong rất nhiều giai thoại minh chứng cho điều ấy, có người không nhận tạ lễ, không lấy thù lao, có người sẵn lòng làm việc thiện, tiếp tế cho người nghèo, mà hình thức không chỉ giới hạn như vậy.
Bài viết này nói về một số vị danh y triều Thanh hành hiệp trượng nghĩa, giải tỏa oan tình cho người dân.
Danh y Thạch Kiên dựa vào y thuật mà được giải oan
Thạch Kiên, tự Bích Thiên, hiệu Thái Phác, người huyện Cao Đài, tỉnh Cam Túc. Ông từ nhỏ đã được tiếp thụ y thuật do tổ bối truyền lại, có rất nhiều kinh nghiệm trong điều trị các nghi nan tạp chứng. Đơn thuốc của ông rất độc đáo, không giới hạn trong sách cổ, khác với các y gia khác. Khi ông biên soạn các đơn thuốc chữa bệnh trong nhiều năm thành cuốn “Hồng Bảo Đường Y án”, ngay cả những danh y trong thành cũng cảm thấy như báu vật, đều lấy cuốn sách này làm bản gốc và tham chiếu cho việc hành y phối dược sau này.
Thạch Kiên phẩm tính thuần phác lương thiện, có một trái tim nhân ái. Ông hành nghề y trong nhiều thập kỷ, chưa bao giờ cảm thấy khổ hạnh hay phiền não. Nếu có người nhà người bệnh đến mời, dù mưa gió hay tuyết rơi, ông quyết không bao giờ từ chối, lập tức đi theo. Ông cũng không bao giờ dựa vào địa vị, gia cảnh của người ta mà trị bệnh, ngay cả khi bệnh nhân không đủ khả năng chi trả, ông vẫn tận tâm tận lực điều trị. Khi gặp một bệnh nhân đang nguy kịch, ông hoàn toàn không quan tâm đến sự an nguy và được mất của bản thân, chỉ nhất tâm nghĩ đến việc làm thế nào để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Một lần, khi đang cưỡi lừa qua một hồ nước, ông nhìn thấy một người đàn ông thân đã cứng đơ nằm bên vệ đường. Vì vậy, ông nhanh chóng xuống lừa và tiến đến chỗ người đàn ông. Ông phát hiện, người đàn ông này dường như không còn hơi thở, nhưng vẫn còn một tia sinh cơ.
Khi đang suy nghĩ về cách giải cứu anh ta, một viên thị vệ từ nha môn tình cờ đi ngang qua đó. Anh ta thấy có một tử thi nằm trên mặt đất, vì vậy cho rằng Thạch Kiên là kẻ giết người. Thạch Kiên muốn giải thích, nhưng anh ta không nghe, trực tiếp dẫn Thạch Kiên vào nha môn. Sau đó, khi huyện lệnh thăng đường, ông ta đã không thẩm tra vụ việc một cách cẩn thận. Vì vậy, Thạch Kiên đã bị tống vào đại lao.
Khi đó, con trai của tổng đốc Thiểm Tây-Cam Túc mắc một chứng bệnh lạ, lưỡi cậu ta lúc nào cũng lè ra ngoài không thể thu vào miệng được. Những người đã nhìn thấy đều nói rằng nó trông giống như một con “ma treo cổ”, rất đáng sợ. Tổng đốc đã mời nhiều danh y nổi tiếng ở khu vực Thiểm Tây-Cam Túc, nhưng bệnh của con trai vẫn không được cải thiện. Huyện lệnh nghe nói, vì để lấy lòng trưởng quan, đã đi tứ xứ tìm kiếm danh y, nhưng sau một thời gian dài, vẫn không tìm được ai.
Bệnh tình của con trai tổng đốc đã được đồn đại khắp nơi, ngay cả những người cai ngục trong đại lao cũng bàn tán về nó. Thạch Kiên tình cờ nghe được nên hỏi họ về tình trạng của bệnh nhân. Ông nghe xong lập tức nói: “Bệnh này kỳ thực cũng không khó chữa!” Cai ngục không tin, cho rằng ông to gan nói lớn, bèn chế nhạo: “Danh y còn chữa không được, ngươi có thể sao?” Thạch Kiên nói: “Hãy đi nói với huyện lệnh, để ông ấy quyết định!” Cai ngục bẩm báo với huyện lệnh, huyện lệnh bán tín bán nghi, nghĩ đi nghĩ lại, nhưng cũng không còn biện pháp nào tốt hơn, vì vậy đành phải để Thạch Kiên đi chữa thử.
Ngay khi nhìn thấy người bệnh, Thạch Kiên liền bảo tổng đốc đi lấy hai cái chăn bông đã sờn. Sau đó, bảo những người hầu trong gia đình cởi quần áo của bệnh nhân, quấn thân thể cậu ta vào trong chăn. Thạch Kiên nhờ mọi người khiêng cậu ta lên một chiếc lò gạch nóng, chỉ đợi bệnh nhân đổ mồ hôi. Ngay khi bệnh nhân đổ mồ hôi, ông liền nhanh chóng điều trị cổ họng cho bệnh nhân. Chỉ thấy kim vừa đâm vào, lưỡi của bệnh nhân đã có thể cử động, một lúc sau thì từ từ thu vào. Sau đó, Thạch Kiên cho bệnh nhân thêm một hoặc hai liều thuốc nữa, bệnh của cậu ta đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Thấy con trai mình đã trở lại bình thường, tổng đốc vừa cảm ơn vừa kính phục Thạch Kiên, bèn hỏi Thạch Kiên tại sao lại bị bắt giam. Thạch Kiên đã thuật lại toàn bộ câu chuyện của mình, rồi khẩn thiết nói: “Nếu là tôi giết hắn thì vết thương ở đâu?” Nghe ông nói, tổng đốc cũng cảm thấy có gì đó không ổn. Vì vậy, ông đã ra lệnh cho người mở lại hồ sơ và kiểm tra chi tiết tình tiết vụ án. Sau đó, vụ án được thanh tra, và Thạch Kiên cuối cùng đã được giải oan, được trả tự do mà không bị buộc tội.
Đại lao nơi Thạch Kiên bị giam giữ không phải ở huyện Cao Đài, quê hương của ông, mà là ở huyện Cao Lan. Kể từ khi Thạch Kiên chữa khỏi căn bệnh kỳ lạ cho con trai của tổng đốc, danh tiếng của ông đã lan rộng. Mỗi ngày, người đến tìm ông chữa bệnh không ngớt, ông bận bịu trị bệnh cho người, đã mấy năm trôi qua mà không thể về quê. Đôi khi muốn trốn tránh cũng không được, vừa ra khỏi cửa, đã có người phục kích gần nhà xông tới túm lấy ông, cầu xin ông chữa trị.
Sau đó, ông nghĩ ra cách cải trang để tránh tầm mắt của những người đó. Ông trở về huyện Cao Đài, vừa đi vừa nghe ngóng, và sau một hành trình dài, cuối cùng ông cũng đã bình an trở về nhà của mình.
Những năm cuối đời, y thuật của ông càng trở nên thần diệu. Nhiều bệnh nhân đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc đã được cứu sống nhờ đôi bàn tay kỳ diệu của ông. Khi đó, một quan viên đóng quân ở khu vực Thiểm Tây-Cam Túc đã gửi đến nhà ông một tấm biển có viết bốn chữ lớn “Hàm quan tử khí 函關紫氣” để ca ngợi y thuật xuất thần nhập hóa của ông.
Danh y Kim Hữu Hằng nhờ y thuật mà thoát hiểm
Kim Hữu Hằng, tự là Tử Cửu, người huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang. Lúc mới bước ra hành nghề y, ông mới ngoài hai mươi, bởi vì y thuật siêu phàm, chỉ trong vài năm đã nổi tiếng khắp địa phương.
Một ngày nọ vào năm Quang Tự thứ 30 (1904), một toán cướp đã bắt ông đến khu vực Thái Hồ, yêu sách một khoản tiền chuộc cao ngất trời. Trong khi gia đình ông đang cố gắng quyên góp tiền, một trong những tên cướp đã nhận ra Kim Hữu Hằng. Người này sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có lần bị ốm nhưng không có tiền đi mời đại phu. Sau đó gặp được Kim Hữu Hằng, không hề thu một xu phí chẩn trị mà đã chữa khỏi bệnh cho ông ta. Người này trong tâm muốn báo đáp ân tình của đại phu họ Kim, nên đã nảy ra một kế hoạch giải cứu ông. Người này tìm thấy một băng đảng khác hùng mạnh hơn, và nhờ có mối giao tình với vị thủ lĩnh kia, nên cả hai đã hợp sức giải cứu Kim Hữu Hằng trở về nhà.
Tin tức đại phu họ Kim đã qua cơn hiểm nguy và thoát chết trong gang tấc nhanh chóng lan truyền trong địa phương. Mọi người đều kinh ngạc và khen ngợi ông về đức hành xuất chúng, không xem thân phận địa vị của người ta khi trị bệnh cứu người, gieo thiện duyên đắc thiện quả. Kim Hữu Hằng nghe xong, không hề động tâm, vẫn tiếp tục nghiên cứu y thuật với tấm lòng của một thánh nhân, không cầu danh, không cầu lợi, chỉ muốn cứu người khác như cứu chính mình.
Ông thường tay không rời cuốn sách, nghiên cứu kỹ lưỡng y thư cổ đại. Mặc dù rất quen thuộc với các bài thuốc cổ, nhưng khi khám bệnh, ông sẽ kết hợp hoàn cảnh đương thời và điều kiện cụ thể để tìm ra nguyên nhân thực sự của bệnh trước, sau đó mới tùy bệnh mà kê đơn. Ông hành nghề y đã 30 năm, những toa thuốc ông kê đều là sự kết hợp cổ kim, hiệu quả chữa bệnh rất đáng nể, vô số bệnh nhân đã được ông cứu sống.
Những năm cuối đời, y thuật của ông càng trở nên thần diệu, được rất nhiều quan lại, thương gia, tài phiệt ngưỡng mộ mà tìm đến, những người học y thuật của ông trải khắp Giang Tô, Chiết Giang. Ngự y lúc bấy giờ là Trần Liên Phảng cũng hết lời khen ngợi ông, sau khi danh tiếng của ông truyền đến kinh đô, ngay cả hoàng đế cũng triệu kiến ông.
Kim Hữu Hằng trạch tâm nhân hậu, vui vẻ hành thiện. Ngoài việc hành nghề y, ông còn có nhiều cống hiến cho công ích, từ thiện và sự nghiệp giáo dục. Trong khi sáng lập một tổ chức chuyên nghiệp, ông đã lấy tiền tích cóp của chính mình để quyên góp. Khi ông mất, một danh nhân đã gửi một câu đối, trong đó viết:
醫國先醫人,盛名遍海內
仁心亦仁術,生傳列篇中
Y quốc tiên y nhân, thịnh danh biến hải nội;
Nhân tâm diệc nhân thuật, sinh truyền liệt thiên trung.
Danh y Pháp Chinh Lân được giải vây nhờ y thuật
Pháp Chinh Lân, tự Nhân Nguyên, là người huyện Võ Tiến, tỉnh Giang Tô. Gia đình họ Pháp là một gia đình nổi tiếng nhiều thế hệ hành nghề y ở Bì Lăng (nay thuộc Thường Châu, tỉnh Giang Tô), hầu hết con cháu đều theo nghề y của gia tộc, và khá nổi tiếng. Pháp Chinh Lân cũng không ngoại lệ, ông được kế thừa y thuật của tổ tiên, khi gặp những bệnh nhân khác nhau, ông luôn có thể bằng một mắt mà nhìn ra nguồn gốc và nơi trưng kết của căn bệnh. Ông có tấm lòng nghĩa hiệp, nếu thấy người khác gặp khó khăn, ông sẽ ra tay giúp đỡ họ.
Một lần, ông nhìn thấy một nhóm người đang kéo một người phụ nữ lên xe ngựa trên đường. Người phụ nữ khóc lớn và từ chối đi cùng họ. Dò hỏi mới biết, chồng của người phụ nữ đó ốm nặng sắp chết. Mẹ chồng không có tiền chữa bệnh cho con, đành bán nàng dâu cho một vị thương gia. Pháp Chinh Lân sau khi nghe thấy vậy, ngay lập tức đẩy đám đông ra và đi về phía bệnh nhân. Ông bắt mạch cho người bệnh và nói: “Người này còn cứu được, anh ta sẽ không chết. Chỉ cần uống đơn thuốc tôi kê là anh ta sẽ khỏi”. Khám xong, ông quay lại nói với thương gia: “Chiểu theo pháp luật, vợ một người còn sống phải ly hôn với chồng cũ, rồi mới được kết hôn”. Nghe vậy, vị thương gia liền buông tay người phụ nữ. Ông yêu cầu người mẹ già trả lại tiền cho thương gia, và chữa khỏi bệnh miễn phí cho con trai bà.
Trình Cảnh Y, một đại thần nổi tiếng của triều đại Càn Long, cũng đã ghi lại sự tích này trong “Phả tự họ Pháp”. Ông đã chứng thực, Pháp Chinh Lân thân là một danh y, ông ấy luôn được ca ngợi vì những việc làm từ thiện của mình, động viên những người gặp nạn, giúp đỡ họ thoát khỏi khó khăn, câu chuyện được đề cập ở trên chỉ là một phần trong cuộc đời ông.
Tài liệu tham khảo:
Vào năm thứ 14 của Trung Hoa Dân Quốc, “Biên niên sử huyện cao Đài mới biên soạn · Nhân vật”
Vào năm thứ 22 của triều đại Đạo Quang, “Võ tienes dương hồ huyện hợp chí – nhân vật chí”
Vào năm thứ 21 của Trung Hoa Dân Quốc, “Đức thanh huyện tân chí”
“Tuyển cử chí – Trưng triệu”
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch