Bàn Về Hạnh Phúc – MATTHIEU RICARD
Bàn Về Hạnh Phúc – MATTHIEU RICARD
Matthieu Ricard là Tiến sĩ về tế bào di truyền, học trò của Francois Jacob. Matthieu Ricard đã quyết định đi theo đạo Phật và trở thành một trong những nhà sư rất được kính trọng. Ông sống trong rặng núi Himalaya từ hơn ba mươi năm nay bên những vị Thầy tâm linh lớn. Là phiên dịch viên tiếng Pháp của Đức Dalai Lama, nhà nhiếp ảnh, dịch giả và xuất bản những kinh sách linh thiêng, ông ở tại tư viện Shechen (Nepal), cống hiến cuộc đời cho tu hành và dạy đạo.
——-🍁🍁🍁 ——-
Trong ngành tâm lý học hiện đại, phần lớn các nghiên cứu về điều tiết các cảm xúc đều tập trung vào vấn đề chế ngự và chuyển hóa các cảm xúc sau khi chúng đã choán hết tâm trí chúng ta. Như vậy dường như chưa đủ. Cần phải thừa nhận vai trò cốt lõi của việc tăng cường cảnh giác và sáng suốt trong nhận định, như đạo Phật vẫn nói đó là “sự tỉnh giác thường trực”. Nhận diện một cảm xúc đúng vào lúc nó khởi lên, hiểu rằng nó chỉ là một suy nghĩ không thực có và để cho nó tự tan biến một cách tự nhiên, đồng thời tránh hàng loạt các cảm xúc mà bình thường nó vẫn kéo theo. Tất cả những điều đó là trung tâm của sự thực hành thiền quán của đạo Phật.
Trong một tác phẩm mới đây, Paul Ekman người từ vài năm nay đã thường xuyên tham dự các cuộc gặp gỡ giữa đức Dalai Lama và những nhà khoa học xuất sắc dưới sự bảo trợ của Phong trào Tư tưởng và Cuộc sống đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải quan sát chăm chú những cảm xúc, tương tự như thái độ cảnh giác và sự có mặt tỉnh thức trong đạo Phật. Ông cho rằng đó là một trong những phương thức thực dụng nhất để kiềm chế cảm xúc, có nghĩa là quyết định muốn (hay không) thể hiện chúng qua lời nói và hành động.
Ai cũng thừa nhận rằng việc làm chủ được bất kỳ một ngành chuyên môn nào – nhạc, y, toán… đòi hỏi phải rèn luyện ghê gớm. Tuy nhiên, hình như ở phương Tây, trừ ngành tâm thần học với những kết quả không chắc chắn và tiến trình nghiên cứu khó khăn ra, người ta ít khi nỗ lực lâu dài và bền bỉ vì mục đích chuyển hóa các trạng thái và tính khí của mình. Ngay mục đích của ngành tâm lý trị liệu cũng khác và rất khiêm tốn: theo Han de Wit, “mục đích ấy không thể là việc đạt được sự chấm dứt khổ đau (Niết bàn) hoặc Giác ngộ, mà chỉ giúp cho những người “bị kẹt” một cách vô vọng trong cõi luân hồi (và trong nỗi đau của họ) có thể xoay sở một cách thoải mái hơn mà thôi […] Thiền quán không phải để giúp ta chịu đựng cõi luân hồi, bởi vì đạo Phật coi luân hồi là cực kỳ tai hại, về mặt cơ bản là phi lý, và là nguồn gốc tất yếu của khổ đau”. Như vậy, mục đích của đạo Phật không chỉ đơn giản là “bình thường hóa” lối sống căng thẳng thần kinh của chúng ta trong cõi đời này. Trạng thái mà chúng ta thường xem là “bình thường” chỉ là bước khởi đầu, chứ không phải là mục đích. Cuộc sống của chúng ta có giá trị hơn thế chứ!
Như vậy, đa phần các phương pháp được ngành tâm lý phương Tây đưa ra nhằm thay đổi về lâu dài mọi trạng thái tình cảm chủ yếu liên quan tới việc điều trị các trạng thái bệnh lý rõ ràng. Theo Ekman và Davidson: “Trừ vài trường hợp ngoại lệ nhất là những phát triển mới đây nhưng rất nhanh chóng của ngành “tâm lý tích cực” – không có một nỗ lực nào được đầu tư để phát triển những phẩm chất của tâm thức đối với những cá thể không bị rối loạn tâm thần”. Đối với đạo Phật, cách tiếp cận như vậy là không đủ, bởi vì phần lớn các cảm xúc xung đột là những rối loạn tâm thần. Một người đang tức giận điên cuồng hoặc đang bị ghen tuông ám ảnh về lý không thể được coi là người có đầu óc lành mạnh, dù ngay lúc đó trạng thái của họ chưa phải là rối loạn tâm thần. Bởi lẽ các cảm xúc xung đột là một phần cuộc sống thường nhật của chúng ta cho nên ta ít khi để ý tới tầm quan trọng nếu không muốn nói là tính cấp thiết – phải xử lý chúng. Hậu quả là khái niệm rèn luyện tâm thức không nằm trong những mối quan tâm hàng ngày của con người hiện đại như công việc, các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí.
Việc dạy dỗ các giá trị nhân bản thường được coi là trách nhiệm của tôn giáo và gia đình. Tâm linh và sinh hoạt thiền quán bị thu hẹp đến mức chỉ còn như là những bổ sung sinh tố cho tâm hồn mà thôi. Những hiểu biết về triết lý con người thường không được đem ra thực hành và cá thể phải tự lựa chọn cho mình những quy tắc sống. Nhưng ở thời đại của chúng ta, dưới tác động của cái gọi là “tự do” làm bất cứ gì mình muốn mà không có những định hướng thì con người sẽ rơi vào tình trạng hoang mang. Chúng ta không còn mấy thời gian để tìm kiếm nguồn cảm hứng chân chính cho một hướng đi của cuộc đời vì bận tâm suốt với những luồng tư tưởng trừu tượng, thường là khó hiểu của triết học đương thời, rồi lại bị lôi cuốn vào nhịp độ gấp gáp và sôi động của cuộc sống hàng ngày. Đức Dalai Lama đã nhấn mạnh: “Người ta muốn rằng tâm linh phải dễ dàng, nhanh chóng và rẻ tiền”. Cũng bằng nói rằng nó không tồn tại! Đó là điều mà đại sư Trungpa Rinpoche gọi là “chủ nghĩa vật chất tâm linh”. Chuyên gia triết học cổ Pierre Hadot nhấn mạnh rằng “triết học chỉ là một sự tập dượt chuẩn bị cho trí tuệ mà thôi” và một trường phái triết học thực sự trước hết phải tương ứng với một sự lựa chọn cách sống nào đó.
Phải thừa nhận rằng chúng ta đang chống chọi kịch liệt với sự thay đổi. Ở đây, chúng ta không nói tới những thay đổi giả tạo hoàn toàn của cái mới rất được xã hội ham chuộng, mà về sức ì lớn trước mọi đổi thay thật sự trong cách sống của chúng ta. Thông thường, người ta thậm chí còn không muốn nghe nói tới khả năng thay đổi và thích chế giễu những người đang tìm kiếm một giải pháp thay thế khác. Không ai thực sự thích tức giận, ghen tị hay kiêu ngạo, song mỗi khi bị những cảm xúc kia cuốn đi, người ta lại ngụy biện rằng đấy là chuyện bình thường, rằng nó là một phần biến hóa của cuộc sống. Nếu vậy, chuyển hóa bản thân để làm gì? Hãy cứ là chính mình đi đã! Tóm lại, hãy giải trí đi, thay đổi không khí, đổi xe, đổi bạn, tiêu thụ tối đa, thả sức ngu ngốc và thừa thãi, nhưng nhất là chớ có động tới cái cơ bản, bởi vì đó là chỗ cần phải nỗ lực thực sự! Giả sử ta thực sự toại nguyện với số phận của mình thì việc chấp nhận một thái độ như thế là có thể hiểu được. Nhưng có phải như vậy không? Alain cũng đã viết: “Kẻ mất trí cũng gây tác động tới người khác, và trước hết, đó là ý chí không muốn khỏi bệnh”. Hoặc, như một người bạn Tây Tạng đã nói: “Nếu cho rằng mọi thứ đều hoàn hảo trong cuộc sống của mình thì hoặc bạn là một ông Phật, hoặc bạn hoàn toàn ngu ngốc”.
Bởi vì bản ngã ương ngạnh và ngoan cố, vì nó nổi loạn ngay khi quyền bá chủ của nó bị đe dọa, cho nên người ta ưa bảo vệ con ký sinh quá đỗi thân thiết là cái ngã và tự hỏi rằng không có nó, cuộc sống sẽ ra sao – thậm chí người ta còn không dám nghĩ tới điều đó! Đó là cái logic thật kỳ cục của sự khổ đau.
Tuy nhiên, một khi đã bắt đầu quán chiếu nội tâm, ta thấy rằng sự chuyển hóa không khó khăn như mình tưởng. Trái lại, khi ta quyết định biến đổi từ bên trong, dù phải đương đầu với một vài khó khăn, ta cũng nhanh chóng phát hiện ra “một niềm vui dưới dạng tinh tấn” khiến ta ngày một hài lòng. Ta có cảm giác có được tự do và một sức mạnh nội tâm ngày càng lớn khi những lo lắng và sợ hãi dần giảm đi. Cảm giác bất an nhường chỗ cho một niềm tin mang dấu ấn của niềm vui sống và lòng vị ngã mãn tính nhường chỗ cho lòng cởi mở vị tha.
Sengdrak Rinpoche, một nhà tâm linh đã sống từ hơn 30 năm nay trong núi ở vùng biên giới giữa Nepal và Tây Tạng, kể với tôi rằng, lúc còn bé, ông bắt đầu nhập cốc và đã trải qua những năm tháng rất khó khăn. Những cảm xúc, nhất là lòng tham muốn mạnh đến mức ông tưởng mình hóa điên (giờ đây, ông cười rất tươi khi nhắc lại điều đó). Rồi dần dà, khi quen với nhiều cách xử lý các cảm xúc, ông đã có được tâm tự do tuyệt vời. Từ đó, mỗi khoảnh khắc đối với ông là một niềm vui. Và điều ấy ai cũng nhận thấy! Ông là người mộc mạc nhất, lanh lợi hoạt bát nhất và khiến ta thấy vững lòng nhất mà tôi đã từng gặp. Ta có cảm giác là không điều gì có thể tác động được đến ông và những khó khăn bên ngoài trượt qua ông như những giọt nước trôi trên đóa hồng vậy. Khi nói, mắt ông ánh lên niềm vui. Từ ông tỏa ra một cảm giác nhẹ nhõm đến mức ta tưởng ông sắp bay đi như một con chim. Mặc dù đã thực hành lâu năm hơn so với số đông các thiền sinh mà tôi quen biết, thế nhưng ông vẫn hành xử như mình là thiền sinh mới nhất. Ông vẫn sống trên sườn núi, nhưng giờ đây đã có 300 thiền sinh (cả nam và nữ) vây quanh. Họ tới với ông để thực hành trong những cái cốc được đặt rải rác xung quanh cái cốc của ông.
Có ai tiếc nuối công sức hàng năm trời để xây dựng một bệnh viện và đào tạo một thế hệ để hoàn thiện một nền giáo dục đâu? Vậy cớ sao lại ái ngại trước hàng năm trời bền bỉ cần thiết để trở thành một con người sống thăng bằng và đầy lòng nhân ái?
Trích “Bàn Về Hạnh Phúc” Tác giả: Matthieu Ricard – Dịch giả: Lê Việt Liên
NXB: Lao Động, Năm 2017