Hằng Thuận Chúng Sanh
Hằng Thuận Chúng Sanh
Điều thứ chín trong Mười Đại Nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát là Hằng Thuận Chúng Sanh. Thật thà mà nói, chỉ có hằng thuận chúng sanh, tâm mình mới có thể bình lặng, chẳng dấy lên phiền não. Mỗi khi ta khởi ý bất mãn, chống trái ai, tâm mình liền bẩn đục, nổi sóng cuồn cuộn, tạo thành ác nghiệp ngay trong A-lai-da-thức của chính mình. Đối với chúng sanh tác tạo ác nghiệp, hãy uyển chuyển dẫn dụ họ. Nếu chẳng thể dẫn dụ họ, đành để mặc họ, chớ nên chống trái mà tạo thành ác nghiệp. Khi nào họ hồi tâm chuyển ý, khi ấy mới tới độ họ. Cứu độ chúng sanh chẳng phải là chuyện làm trong một đời, mà là đời đời kiếp kiếp. Đời này họ chẳng quay đầu, đời sau kiếp sau sẽ có thể quay đầu, đời sau kiếp sau chẳng quay đầu, thì lại qua hai kiếp, ba kiếp cho đến vô lượng a-tăng-kỳ kiếp sau nữa, người ấy sẽ có lúc quay đầu,. Khi nào họ chấp nhận chịu quay đầu mới có thể độ. Chúng ta chẳng cần phải nhiệt tình quá mức mà chính mình cứ mãi lo lắng, phiền não, sân giận mà bị đọa lạc trong sáu đường. Cứu độ chúng sanh kiểu này thì oan uổng lắm!
Hiện nay có một số đồng tu bất mãn với cách hành trì của một số Pháp sư hay Cư sĩ nào đó, họ cảm thấy các vị này không giữ giới thanh tịnh, hoặc không theo đúng Chánh pháp, hoặc lừa bịp Phật tử vì danh văn lợi dưỡng. Các đồng tu này thật sự có đạo tâm lo lắng cho người khác, nhưng nơi bản thân cũng chẳng giữ nổi giới hạnh, khởi tâm động niệm trước lỗi lầm của người khác, phá hỏng tâm thanh tịnh của chính mình. Như vậy, sự lo lắng cho người khác có ích lợi gì chứ? Mỗi khởi tâm động niệm đều là tạo thành ác nghiệp trong A-lai-da thức. Nếu nghiệp ấy nhẹ, bản thân ta phải mang nổi phiền não trong lòng. Nếu nghiệp ấy nặng, trong tương lai ta và người ấy sẽ trở thành oan gia đối đầu. Họ đi đến đâu, làm cái gì, ta cũng tới đó phá đám họ cho tới cùng. Cũng giống như vậy, ta đi đến đâu, làm cái gì, họ cũng theo phá đám để trả thù. Đây là tướng trạng của oán nghiệp, oan gia gặp gỡ phá hoại lẫn nhau, khởi từ việc nhỏ kết thành khổ lớn sau này. Vì thế, chúng ta phải thật sự tu pháp Hằng Thuận Chúng Sanh của Phổ Hiền Đại sĩ để hóa giải hết thảy các ác nghiệp giữa ta và chúng sanh, mới chẳng gặp chướng ngại trong đời này, đời sau. Hiện tại, nếu hai bên đều chẳng gìn giữ giới thanh tịnh, tạo nghiệp đấu tranh, chắc chắn trong đời sau sẽ cùng gặp lại nhau trong tam ác đạo, trở thành oan gia trái chủ, sát hại lẫn nhau, như trong kinh Vô Lượng, Đức Phật đã cảnh báo: “Hoặc lúc mạng chung vào ba đường ác, khổ đau sầu thống, tự cùng thiêu cháy. Oan gia gặp gỡ, giết hại lẫn nhau, khởi từ việc nhỏ, kết thành khổ lớn.”
Bản thân ta chẳng giữ được tâm thái thanh tịnh bình lặng, không những chẳng thể độ được một chúng sanh nào hết, mà chính mình phải bị vạ lây, vấn đề này rất nghiêm trọng, xin hãy thận trọng mà cố gắng tu pháp Hằng Thuận Chúng Sanh của Phổ Hiền Đại sĩ, nhằm mục đích gìn giữ tâm địa thanh lương tự tại, chẳng bị quấy nhiễu chút nào bởi bất cứ thứ gì tai nghe, mắt thấy trái nghịch với Chân như. Lúc họ làm điều gì xấu, ta nhất định không ủng hộ nhưng không hủy báng. Lúc họ làm điều gì tốt, ta nhất định giúp đỡ, chẳng chấp vào những điều xấu họ đã gây ra lúc trước, đấy là biết hằng thuận chúng sanh với tâm thái thanh tịnh bình đẳng. Trong cuộc sống trong gia đình, đối với xóm giềng, làng nước, thân thích, bạn bè, đồng tu v.v…, chúng ta đều phải hằng thuận. Hằng thuận là có trí huệ Bát-nhã của Văn Thù, có phương tiện thiện xảo của Quán Âm, biết hành hạnh tự lợi, lợi tha của Phổ Hiền, khiến cho hết thảy chúng sanh giác ngộ Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Nếu nói pháp rất hay, lý luận rất sâu sắc, nhưng hành vi chấp trước, phân biệt và sân khuể thường luôn hiển hiện, thì đó vẫn chỉ là tà sư thuyết pháp, phá hỏng Phật pháp. Trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy Ngài Quán Âm Bồ-tát vô cùng viên dung tự tại. Đối với người như thế nào, Ngài bèn dùng phương pháp như thế ấy để tiếp đãi họ, nên được gọi là Quán Tự Tại. Quán Tự Tại Bồ-tát thấy người bèn nói tiếng người, thấy quỷ bèn nói tiếng quỷ, thật là hết sức tự tại và cởi mở. Nói chung, đối với người cũng vậy, quỷ cũng vậy, Quán Thế Âm Bồ-tát đều có phương pháp để hằng thuận, khiến họ đều tin tưởng Phật pháp, đều tán thán Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp là chẳng thanh tịnh và bình đẳng. Ngài Quán Âm Bồ-tát dùng phương pháp Hằng Thuận Chúng Sanh của Phổ Hiền để đạt mục đích phá mê khai ngộ cho chúng sanh, khiến chúng sanh khai mở trí huệ Bát-nhã của Văn Thù, thì đó mới là Chánh pháp. Trái lại, chúng ta dùng phương pháp phân chia phe phái, chống báng lẫn nhau thì đó gọi là gì? Nếu chẳng phải là ma pháp, thì cũng là tà pháp!
Nếu có người nói Phật pháp là mê tín, bèn là khởi duyên cho chúng ta nói Bát-nhã để phá mê khai ngộ, khiến họ hiểu Phật pháp là chân thật trí huệ, là trí huệ viên mãn, là giác mà chẳng mê. Nếu có người nói Phật pháp là chấp tướng, bèn là cơ hội cho chúng ta nói Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, khiến họ hiểu Chánh pháp vốn là vô tướng vô vi, xa lìa hết thảy các tướng. Nếu ai có thể làm được như vậy, người ấy chính là một Quán Tự Tại Bồ-tát thực hành Bát-nhã thâm sâu, thoát ra khỏi mọi khổ ách. Chúng ta quyết định chẳng nổi máu nóng khi nghe thấy những chuyện trái nghịch với Chân như. Thậm chí, quyết định cũng chẳng khởi tâm hoan hỷ khi nghe những chuyện thuận với Chân như. Đấy là thái độ của một vị Quán Tự Tại Bồ-tát luôn an trụ trong cảnh giới viên dung tự tại, đoạn tuyệt vô minh, chứng Phật Pháp thân. Nếu trong bất cứ tình huống nào, chúng ta đều có thể hằng thuận chúng sanh theo hạnh Phổ Hiền, tức là mọi ý nghĩ, hành vi và lời nói đều phải vô cùng cởi mở, vui vẻ và tự tại. Ai nấy thấy tam nghiệp của chúng ta thanh tịnh như vậy, nhất định sẽ rất muốn cùng với chúng ta học Phật, thì đấy chính là hạnh độ sanh của Bồ-tát. Sau khi thật sự thâm nhập Phật pháp rồi, họ sẽ tự biết phải làm gì cho thuận với Chân như Tự tánh, những gì họ muốn làm chẳng cần phải giống người khác, miễn sao chính bản thân họ đạt được pháp hỷ và tự tại.
Hiện nay, có nhiều người không dám phát tâm học Phật vì sợ không giữ nổi giới cấm trong nhà Phật, phải mắc tội với Phật. Thật sự mà nói, dù ta có tin Phật hay không tin Phật, thì tội nghiệp do ta tạo ra cũng chẳng hề khác nhau, luật nhân quả chẳng dung thứ một ai. Nhưng nếu ta hiểu biết Phật pháp, hy vọng sẽ có thể tránh tạo ra nhiều lỗi lầm. Do biết rõ sự thật là như vậy, thì hãy dùng pháp Hằng Thuận Chúng Sanh để khiến mọi người đều vui vẻ, tự tại phát tâm học Phật, chẳng cần câu nệ giới điều chi cả. Sau khi họ học Phật thấu rõ lý đạo rồi, tùy ý họ phát tâm gìn giữ giới luật trong nhà Phật, chẳng cần người khác câu thúc, thì đó chính là biết cách độ sanh theo tiêu chuẩn của Phổ Hiền Đại sĩ. Chúng ta chớ nên đem giới luật trong nhà Phật ra làm điều để đe dọa người khác, khiến họ càng thêm xa rời Phật pháp, đấy chẳng phải là hằng thuận chúng sanh mà là hủy báng chúng sanh. Tự cho mình là thiện, cho người khác là ác chẳng phải là thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, mà là hủy báng chúng sanh, khiến họ phát bức não, sân giận. Nếu ai đã phạm điều căn bản này, dù có niệm Phật đến bể cuống họng cũng chẳng thể vãng sanh, vì sao? Vì nếu tâm ta chẳng khế hợp với tâm thanh tịnh, bình đẳng và từ bi của A Di Đà Phật, thì chẳng thể sanh vào trong cõi nước của Ngài. Tâm tịnh thì cõi nước mới tịnh!
Ăn chay, giữ giới đương nhiên là chuyện tốt, lại có lợi cho sức khỏe, giảm bớt khá nhiều bệnh tật. Chúng ta có thể dùng đạo lý này giải thích một cách Khoa học, khuyên người khác nên ăn chay như thế nào để vừa ngon miệng lại vừa bổ thân, khuyên người giữ giới thế nào để thân tâm khỏe mạnh. Họ thấy Phật giáo nói có lý, có lợi ích thật sự, chẳng phải là pháp mê tín, không thực tế, tự nhiên sẽ tin tưởng tiếp nhận. Do vậy, Phật pháp hưng suy đều do mỗi cá nhân Phật tử có biết hằng thuận chúng sanh hay không. Trách nhiệm đối với sự hưng suy của Phật pháp đều do sự tạo tác của mỗi Phật tử nơi ba nghiệp thân-ngữ-ý. Chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả nếu khiến người khác xa rời Phật pháp.