Người con gái “thổi gió phun mây”
Người con gái “thổi gió phun mây”
Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2-1930) là một trong những điểm sáng của phong trào chống Pháp ở miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20. Những người khởi xướng và trở thành linh hồn cuộc khởi nghĩa là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính… Tuy nhiên, bên cạnh các thủ lĩnh này còn có một trợ thủ đắc lực cho Bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa mà lâu nay ít được nhắc tới, đó là cô Nguyễn Thị Giang.
Khí phách cô Giang
Trong bài “Văn tế cô Giang”, chí sĩ Phan Bội Châu đã dành những lời thật xúc động, thống thiết: Khi nhập đảng tuổi vừa đôi tám, cờ nữ binh pháp đội tiên phong/ Lúc tuyên truyền phách động ba quân, lưỡi biện sĩ nhường tài du thuyết/ Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh/ Ra sinh vào tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, quân nương tử xông pha vùng rắn rết… Sống là không, thác cũng là không, đạn kề cổ chẳng nhường cho giặc giết…(1)
Nguyễn Thị Giang là con một nhà nho yêu nước của vùng đất Xô viết Nghệ Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên lại ở Bắc Giang. Chính vì vậy mà 3 chị em cô được bố mẹ đặt tên lần lượt là Bắc, Giang, Tỉnh. Với sự lanh lợi, thông minh bộc lộ từ nhỏ nên vào năm 1925, trong dịp Nguyễn Khắc Nhu về quê mở lớp dạy học nhằm bí mật tuyển lựa và quy tụ những người có tinh thần kháng Pháp, Nguyễn Thị Giang đã lọt vào “mắt xanh” của ông và kể từ đây cô trở thành một cộng sự tích cực của tổ chức do ông lãnh đạo. Đầu năm 1928, khi Hội Việt Nam Dân quốc (tổ chức do Nguyễn Khắc Nhu thành lập) gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thị Giang trở thành một trong những thành viên cốt cán của tổ chức này. Cô được phân công phụ trách công tác giao liên, tuyên truyền, vận động và gây dựng cơ sở đảng trong hàng ngũ binh lính địch.
Hoạt động trong một lĩnh vực mới mẻ và đầy bất trắc, Nguyễn Thị Giang đã không ngại hiểm nguy, xử trí khôn khéo, linh hoạt những tình huống nguy nan, luôn biết cách qua mặt bọn mật thám, bảo đảm cho giao thông liên lạc giữa các đảng viên và cơ sở đảng ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên… luôn được thông suốt. Là một phụ nữ có nhan sắc và lanh lợi, hoạt bát, cô đã sử dụng thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các chí sĩ khác, sử dụng cả thơ ca, hò vè dân gian làm phương tiện tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước trong nhân dân, đặc biệt là trong hàng ngũ binh lính địch. Bằng cách này, Nguyễn Thị Giang đã vận động, thức tỉnh được khá nhiều binh lính người Việt trong quân đội Pháp, vận động họ quay về với nhân dân và gia nhập hàng ngũ kháng chiến.
Không chỉ là tuyên truyền viên đầy tâm huyết và tài năng, Nguyễn Thị Giang còn là hạt nhân tích cực, có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng, phát triển lực lượng. Trong bối cảnh Quốc dân Đảng bị quân Pháp khủng bố rất gắt gao, lực lượng bị tổn thất, Nguyễn Thị Giang nhận thức rõ và tập trung vào củng cố, xây dựng, phát triển lực lượng ở vùng Yên Bái. Cô cùng người chị Nguyễn Thị Bắc và vận động thêm một số phụ nữ khác tìm cách nhanh chóng khôi phục lại hệ thống tổ chức cơ sở, phát triển đảng viên, đồng thời tìm mọi cách để móc nối, vận động một số cai đội nhằm gây dựng cơ sở ngay trong các đồn lính khố đỏ trên địa bàn. Với sự hoạt động năng nổ và hiệu quả của Nguyễn Thị Giang cùng các cộng sự, giữa năm 1929, một chi bộ (và cũng là chi bộ duy nhất) với 6 đảng viên đã được thành lập ngay trong đồn lính khố đỏ Yên Bái. Nhiều cai đội, binh lính cũng đã được cảm hóa, sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Quốc dân Đảng.
Chính trong thời gian hoạt động gần các yếu nhân của Tổng bộ, Nguyễn Thị Giang đã đem lòng yêu Nguyễn Thái Học, người khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quốc dân Đảng. Nhân một chuyến công tác về Phú Thọ, hai người tới Đền Hùng. Trước bàn thờ tổ, họ thành kính quỳ lạy tiên tổ và bày tỏ lời thề suốt đời bên nhau. Mặc dù chưa tổ chức lễ cưới nhưng cả hai đã báo cáo với Tổng bộ.
Trở thành phu nhân của một thủ lĩnh, Nguyễn Thị Giang không vì thế mà lo mưu cầu, sao nhãng công việc. Ngược lại, cô càng thấu hiểu trách nhiệm nặng nề hơn trước Quốc dân Đảng, trước vận mệnh của dân tộc. Thời gian này, do sự phản bội của một số phần tử trong nội bộ, Việt Nam Quốc dân Đảng liên tục bị quân Pháp lùng sục khủng bố và bắt giam. Các yếu nhân phải thường xuyên di chuyển để tránh tai mắt của bọn mật thám, chỉ điểm. Trong những tình huống gay cấn nhất, Nguyễn Thị Giang luôn có mặt bên cạnh Nguyễn Thái Học. Kể cả khi Nguyễn Thái Học bị địch bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò, cô vẫn tìm mọi cách liên lạc với ông để trao đổi công việc. Chính Nguyễn Thị Giang là người mạnh dạn đề xuất kế hoạch cải tổ Việt Nam Quốc dân Đảng cho phù hợp với tình hình mới. Cô trở thành cánh tay phải, điểm tựa tin cậy cho Nguyễn Thái Học và nhiều yếu nhân khác vững tin vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất, tiếp tục chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang.
Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Ảnh: THANH BA |
Bức thư tuyệt mệnh và viên đạn quyên sinh
Sau Hội nghị Mỹ Xá (tổ chức tại Mỹ Xá, Nam Sách, Hải Dương ngày 26-1-1930), Tổng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng quyết định phát động khởi nghĩa, đồng thời phân công Nguyễn Khắc Nhu phụ trách khởi nghĩa ở vùng trung du; Nguyễn Thái Học chỉ đạo ở vùng đồng bằng. Do trục trặc ở khâu hiệp đồng nên khởi nghĩa tại các vùng đã nổ ra không cùng lúc, điều này vô hình trung tạo điều kiện cho thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp. Ngày 20-2-1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại Chí Linh (Hải Dương). Ba ngày sau đó, ông bị đưa lên Yên Bái xét xử trước Hội đồng đề hình của thực dân Pháp. Tại đây, Nguyễn Thái Học cùng 12 yếu nhân khác của Quốc dân Đảng bị kết án tử hình. Trong khi đó, người chị và cũng là người đồng chí rất đỗi tin yêu của Nguyễn Thị Giang là Nguyễn Thị Bắc cũng bị Hội đồng đề hình Pháp họp ngày 28-3-1930 tuyên án tử hình và cô đã bước lên máy chém một cách hiên ngang.
Nhận được tin dữ, Nguyễn Thị Giang hết sức bàng hoàng, đau xót. Cô nhét vội quả bom tự chế và khẩu súng lục vào túi rồi cùng với một số đồng chí khác ra ga Hàng Cỏ nhảy tàu lên Yên Bái. Khi biết thực dân Pháp sẽ đưa Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông ra xử tử, Nguyễn Thị Giang cùng hai người nữa cải trang làm dân quê tìm đường ra pháp trường với ý định cho nổ quả bom mang theo để gây rối loạn, rồi nhân cơ hội đó giải thoát cho Nguyễn Thái Học cùng các yếu nhân khác. Tuy nhiên, do pháp trường được bảo vệ, canh phòng rất cẩn mật nên kế hoạch đó không thành.
Tận mắt chứng kiến cảnh người chồng thân yêu bước lên đoạn đầu đài một cách hiên ngang, không hề run sợ trước cái chết, Nguyễn Thị Giang hết sức đau xót. Cô trở về chỗ ở nằm khóc thương chồng và các đồng đội. Trấn tĩnh lại, cô viết hai bức thư dài, một cho bố mẹ Nguyễn Thái Học, một cho đồng chí, đồng đội và làm một bài thơ tuyệt mệnh rồi quyết định quyên sinh. Trong thư gửi cho bố mẹ chồng, cô trình bày rõ lý do ra đi: “Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con, không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước”. Với đồng chí, đồng đội, cô căn dặn: “Nguyễn Thái Học đã hy sinh vì đất nước, các đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền, để cứu lấy đồng bào đau khổ”. Trong bài thơ tuyệt mệnh, Nguyễn Thị Giang bày tỏ nỗi niềm trăn trở trước lúc ra đi:
… Quân kỳ phấp phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ (2)
Từ Yên Bái, Nguyễn Thị Giang trở về Thổ Tang báo tin dữ cho gia đình chồng. Để lại bức thư tuyệt mệnh, cô tới quán nhỏ ở đầu làng-nơi trước đó cô thường cùng Nguyễn Thái Học gặp nhau trao đổi việc nước, việc nhà, rồi rút súng lục quyên sinh.
Cái chết của Nguyễn Thị Giang làm cho nhiều người bàng hoàng và thương xót. Cuộc đời của cô tuy ngắn ngủi nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Việt Nam Quốc dân Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…
PGS, TS TRẦN NGỌC LONG
(1) Phan Bội Châu, Toàn tập, NXB Thuận Hóa, 2000
(2) Danh nhân quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, H. 2012, tập 4, tr.373