LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Một số điểm tương đồng giữa vua Chu Thế Tông Sài Vinh và Quang Trung Nguyễn Quang Bình

Một số điểm tương đồng giữa vua Chu Thế Tông Sài Vinh và Quang Trung Nguyễn Quang Bình

– Vua Chu Thế Tông tên thật là Sài Vinh hoặc Quách Vinh, ông sinh năm 921 mất năm 959, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Chu.

Vua Hậu Chu Thế Tông – Sài Vinh ( 921 – 959 )

– Vua Quang Trung tên thật là Hồ Thơm sau đổi thành Nguyễn Huệ hoặc Nguyễn Quang Bình, ông sinh năm 1753 mất năm 1792, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn.

Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Quang Bình ( 1753 – 1792 )

Hai vị Hoàng đế này như có những điểm tương đồng với nhau, sau đây là những điểm chung mà tôi có thể nhìn ra :

  1. Thời gian trị vì, tuổi thọ và tài năng của hai vị Hoàng đế

– Vua Chu Thế Tông và vua Quang Trung đều là vị Hoàng đế thứ hai của triều đại của mình, các vị vua tiền nhiệm khai triều của hai người lần lượt là Chu Thái Tổ Quách Uy và Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Có 1 điều khá trùng hợp khi vua Quang Trung và Chu Thế Tông đều mất ở độ tuổi 38 – 39, độ tuổi mà đáng ra là sung mãn nhất của đời người thế nhưng hai vị Hoàng đế này lại sớm qua đời. Sài Vinh và Nguyễn Quang Bình đều có thời gian trị vì ngắn ngủi, Thế Tông Sài Vinh cai trị từ năm 954 – 959, Quang Trung Nguyễn Huệ cai trị từ năm 1788 – 1792, cả hai vị Hoàng đế đều chỉ cai trị trong 1 thời gian ngắn ( 5 năm )  nhưng hai ông đều được đánh giá cao bởi tài năng của mình trong lúc trị vì quốc gia :

+ Chu Thế Tông Sài Vinh được đánh giá là đệ nhất minh quân thời kì loạn lạc Ngũ Đại Thập Quốc, ngài trị quốc anh minh, đưa ra nhiều chính sách đưa quốc lực Hậu Chu trở nên hùng mạnh, sau đó ông đem quân ra đánh Liêu – Hán để bảo vệ Trung Nguyên khỏi cơn ác mộng Khiết Đan từ cuối thời Hậu Tấn, đánh bại Nam Đường – Thập quốc hùng mạnh nhất Giang Nam, Hậu Thục – một Thập quốc lớn khác, đưa Hậu Chu hùng mạnh nhất bấy giờ, không hề thua kém nhà Liêu ở phía Bắc cực kì hùng mạnh. Vua Chu Thế Tông còn quan tâm tới thi cử, thế nên nhiều nhân tài ra giúp rập, một số người còn đỗ làm quan triều Chu rồi làm quan tới triều Tống. Thế Tông xử phạt nghiêm minh, nghiêm trị những kẻ tham ô gây hại cho quốc gia, quan cung phụng Diên Hy tàn bạo làm khổ dân, Thế Tông tức giận và ra lệnh xử tử, ông cai trị nghiêm minh, cố gắng cho quốc gia trở nên hùng mạnh, ông cho khôi phục nông nghiệp, giảm và miễn thuế cho dân, làm cho đất nước hồi phục trở lại.

+ Quang Trung Nguyễn Quang Bình lên ngôi khi đất nước có họa xâm lăng từ ngoại bang, sau khi đánh bại liên quân Thanh – Hậu Lê, vua Quang Trung đã đưa ra những chính sách để khôi phục đất nước sau nhiều năm chiến tranh, đất nước dần ổn định trở lại và dân chúng bắt đầu có niềm tin về vương triều mới do vua Quang Trung trị vì, ngài cho ban chiếu Khuyến nông, kêu gọi dân lưu vong trở về cày ruộng, gia tăng sản xuất cho quốc gia, khi có nạn đói, ông cho giảm hoặc miễn thuế cho dân, qua đó gia tăng sản xuất cho quốc gia, đất nước Đại Việt dần khôi phục cảnh thái bình, Quang Trung còn rất quan tâm tới thi cử, học hành, ông đề cao chữ Nôm và muốn chữ Nôm là quốc ngữ của Đại Việt, đó là lý do có sự ra đời của Viện Sùng chính, Quang Trung còn ban chiếu Cầu hiền, với mong muốn được người tài ra giúp rập và Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Bùi Dương Lịch, Phan Huy Ích cùng nhiều nhiều người tài khác ra giúp sức, vua Quang Trung đã cho mở kì thi Hương đầu tiên ở Nghệ An, dù rằng đó là kì thi duy nhất dưới triều đại của ông nhưng ta thấy được Quang Trung rất quan tâm tới thi cử giáo dục, ngoài ra, ông còn là một con người có dụng tâm phát triển thương nghiệp, mở rộng giao thương với nước ngoài, điều đó cho thấy ông là người có tầm nhìn xa và được hậu thế đánh giá cao về chính sách cai trị của ông, tuy rằng các cuộc cải cách không đến đích nhưng nó cho thấy tài năng trị quốc của Quang Trung.

Tuy nhiên, hai vị Hoàng đế dù có tài năng nhưng hai người lại mất sớm thế nên dự định của hai vị Hoàng đế đành dang dở,  hai vị đều chết sớm nhưng được hậu thế đánh giá cao về tài thao lược trị quốc của hai người.

  1. Hai vị Hoàng đế đã tạo nên 1 nền tảng vững chắc cho sự thống nhất đất nước.

– Vua Chu Thế Tông là một vị vua có tham vọng, khi vừa lên ngôi, nhân khi vua Thái Tổ nhà Chu là Quách Uy qua đời, Sài Vinh là con trai nuôi của Quách Uy nối ngôi kế vị, vương quốc Bắc Hán và nước Liêu liên thủ đánh Chu, Thế Tông muốn thân chinh đánh Liêu – Hán, lúc đó tể tướng Phùng Đạo làm quan trải mấy đời đã cho rằng Thế Tông không nên làm thế, có lẽ vì Đạo nghĩ vua còn trẻ nên nóng vội, tuy nhiên, với khả năng của bản thân mình, ngài vốn là một danh tướng dưới thời vua cha, không khó để Sài Vinh Thế Tông chiến thắng quân Liêu – Hán hùng mạnh, đẩy lùi thành công và còn đánh tới kinh đô Thái Nguyên của Bắc Hán, làm cho nhà Bắc Hán suýt nữa diệt vong nếu không có những lý do khách quan bất lợi cho quân Chu, danh tiếng Thế Tông vang dội khắp Trung Hoa sau cuộc chiến này, nhà Liêu khó có thể xâm phạm Trung Nguyên một lần nữa kể từ sau thời Hậu Hán.

Trong thời gian trị vì của mình, ông còn thân chinh đánh Nam Đường, một trong những Thập quốc hùng mạnh nhất, Nam Đường không thể đẩy lùi quân Chu, vua Thế Tông vì lo Khiết Đan sẽ đánh úp bất cứ lúc nào, Nam Đường thì không đẩy lùi được quân Chu thế nên cả hai đã kí hiệp ước, Nam Đường cắt 14 châu cho Hậu Chu, cống vàng bạc tơ lụa và vua Nam Đường bị buộc phải bỏ đế hiệu mà chỉ xưng là Quốc chủ, Nam Đường từ đây suy yếu, một trong những Thập quốc mạnh nhất đã suy yếu, làm cho vùng phía Giang Nam trở xuống lúc đó chả còn quốc gia nào hùng mạnh sánh ngang nhà Hậu Chu nữa. Sau đó Thế Tông còn cho tấn công nước Thục, lấy được 4 châu, hi vọng thống nhất thiên hạ đã nhen nhóm, liệu rằng vua Chu Thế Tông sẽ là vị vua thống nhất Trung Hoa chăng ?

Vua Thế Tông sau đó còn có tham vọng Bắc phạt Liêu, lấy lại đất Yên Vân thập lục châu từng bị Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường cắt cho Liêu, cuộc chiến đang diễn ra thuận lợi, quân Chu chiến thắng nhiều nơi thì ngài Thế Tông lâm bệnh và cuộc Bắc phạt phải bị đình chỉ và sau đó Thế Tông qua đời. Khi sinh tiền. ngài đã làm suy yếu đi Nam Đường – một trong những thập quốc mạnh nhất, ngoài ra ngài còn đánh bại nước Thục và đẩy lùi được quân Hán – Liêu ở phía Bắc – công tích lớn nhất mà vua Chu Thế Tông đã làm để có thể bảo vệ Trung Nguyên an toàn trước sự xâm lược của ngoại tộc, ngài có hùng tâm thống nhất thiên hạ, tuy rằng ngài mất sớm nhưng những gì ông làm được cho Đại Chu đã tạo nên một nền tảng vững chắc mà chính Triệu Khuông Dẫn về sau sẽ kế thừa và thống nhất đất nước dưới triều Tống.

– Vua Quang Trung khi ngài còn là Long Nhương tướng quân cho tới Bắc Bình vương rồi tới ngôi cửu ngũ chí tôn, ngài đã có công rất lớn khi đưa đất nước rất gần tới sự thống nhất. Khi ngài còn chưa lên ngôi cửu ngũ chí tôn, ngài đã làm rất nhiều điều để đưa đất nước Đại Việt tiến gần chỗ thống nhất, ông đã cầm quân đánh bại quân chúa Nguyễn ở Nam Hà, với chiến tích đầu tiên khai mở cho cuộc đời binh nghiệp vĩ đại của ngài – trận đánh Phú Yên đánh bại Tống Phúc Hiệp giải vây cho Quy Nhơn, làm cho mặt Bắc có quân Trịnh đóng quân phải e dè, rồi sau đó cùng Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, 4 lần tiến đánh Gia Định toàn thắng, lần 1 thì bắt giết cả 2 chúa, lần 2 thì đánh bại quân của Nguyễn Ánh vừa nổi lên, lần 3 cũng y như vậy, vùng Gia Định cứ lần lượt về tay quân Nguyễn Ánh rồi lại Tây Sơn, lần thứ 4, khi Nguyễn Ánh cho cầu viện quân Xiêm, liên quân Xiêm – Nguyễn tiến vào Nam bộ, ở đây thì Châu Văn Tiếp giao tranh với Tây Sơn và bị chém chết, mất Tiếp, quân Xiêm nổi thói tham tàn, Nguyễn Ánh bất lực mà không chế ngự được, Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn giáp mặt quân Xiêm – Nguyễn ở Rạch Gầm – Xoài Mút, với tài năng của ông, quân Tây Sơn đánh bại quân Xiêm đông lực lượng hơn mình, lực lượng nhà chúa Nguyễn bị tiêu diệt, phải chạy sang Xiêm lưu vong, Tây Sơn kiểm soát cả Nam Bộ cho tới Quảng Nam, rồi lại Bắc tiến đánh bại quân Trịnh ở Phú Xuân, rồi sau đó Nguyễn Huệ bỏ qua lệnh anh mà tiến đánh Thăng Long, đánh bại toàn bộ quân Trịnh ở Bắc Hà, xóa bỏ ranh giới Trịnh – Nguyễn ở sông Gianh đã thiết lập qua trăm năm, đất nước Đại Việt coi nhự đã bước đầu thống nhất, vì ranh giới lâu đời của hai gia tộc đối địch nhau đã bị xóa bỏ, tuy rằng có thể hiểu ý niệm thống nhất thời đó là thôn tính kiểu phong kiến, nhưng Nguyễn Huệ có công thống nhất về mặt cơ bản là điều không thể phủ nhận, ông là người đặt nền móng để rồi sau này kẻ thù của ngài là chúa Nguyễn Ánh – vua Gia Long sau này sẽ đánh bại Tây Sơn Cảnh Thịnh đế và kế thừa di sản của Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn rồi đưa đất nước nhất thống hoàn toàn.

Ngoài việc đánh bại Trịnh – Nguyễn, Nguyễn Huệ còn đẩy lùi quân Xiêm – Nguyễn để tiêu diệt lực lượng chúa Nguyễn khiến Nguyễn Ánh lưu vong và đập tan tham vọng của Xiêm khi muốn bành trướng thế lực ở Gia Định và Chân Lạp, còn ở phía Bắc, khi đánh bại quân Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ Nam Hà lẫn Bắc Hà nhưng vì khẩu hiệu phù Lê nên giữ ngôi cho vua Lê ở Bắc Hà và Tây Sơn rút về, nhưng tự quân vua Lê không có tài và nhu nhược, hết bị Trịnh Bồng rồi lại Nguyễn Hữu Chỉnh lạm quyền nên Tây Sơn lại phải tiến quân diệt quyền thần khuấy đảo Bắc Hà, ấy vậy mà vua Lê lại lo sợ và bỏ trốn, sau đó vua Lê Chiêu Thống sai người sang cầu viện vua nhà Thanh Càn Long và tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, sau đó nhà Thanh đem quân sang và Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế và tiến quân ra Bắc đánh bại quân Thanh – Hậu Lê chỉ sau 5 ngày, công tích từ cổ chí kim không ai làm nổi, ngài cùng anh trai mình khởi binh ở Tây Sơn, từ năm 18 tuổi đánh đông dẹp Bắc cho tới năm 36 tuổi, ngài không thua trận nào, lực lượng ngài cầm thì lúc nào cũng kèo dưới so với đối thủ, nhưng ngài vẫn có thể dẫn dắt Tây Sơn thắng từ trận này tới trận khác, ngài có khác gì Alexander Đại đế hay Napoleon do các người phương Tây so sánh không?

Những lãnh thổ của Tây Sơn có được bao gồm Bắc Hà lẫn Nam Hà đều có sự đóng góp to lớn của Nguyễn Quang Bình, cả cái giang sơn nhà Tây Sơn từng có phần lớn do chiến công của Nguyễn Huệ mà có, ra cách dụng binh thần tốc, bất ngờ không ai lường nổi, đã làm nên 1 vẻ đẹp quân sự mà chỉ riêng Nguyễn Huệ có được. Sau đó Quang Trung đã có chính sách ngoại giao khôn khéo và được vua Thanh công nhận là Tân An Nam quốc vương cai trị Đại Việt, trong lúc đánh Thanh, Nguyễn Ánh đã chiếm lại Nam Bộ. Sau khi được Nguyễn Nhạc thiện nhượng, nhà Tây Sơn thống nhất chỉ huy tối cao là Nguyễn Huệ – Quang Trung. Sau khi đánh Thanh, Quang Trung vừa trị quốc và vừa xây dựng lực lượng để chuẩn bị tiêu diệt Nguyễn Ánh thu hồi Nam Bộ, đến năm 1792, khi kế hoạch đang dang dở thì vua Quang Trung qua đời và nhà Tây Sơn suy yếu, ngoài việc đánh Nguyễn Ánh, Quang Trung còn hướng về phía Lưỡng Quảng và theo sử sách nhà Nguyễn, có lẽ Quang Trung muốn thu hồi hai mảnh đất này bằng vũ lực, tuy nhiên chuyện này vẫn chưa thực rõ ràng và chỉ thấy Quang Trung có dụng tâm rõ nhất là tiêu diệt Nguyễn Ánh, thống nhất đất nước trước mà thôi, nhưng dù sao, đối với cái hùng tâm của một vị tướng như ngài, ý định đánh Lưỡng Quảng của ngài không hẳn là Triệu Khuông Dẫn điều khó tin.

  1. Hai người con kế vị của Thế Tông và Quang Trung là vị vua cuối cùng của triều đại, cơ nghiệp của Thế Tông và Quang Trung rơi vào tay người khác, Thế Tông và Quang Trung mất sớm, sứ mệnh thống nhất đất nước được chuyển giao cho Tống Thái Tổ và Gia Long.

– Thế Tông Sài Vinh mất sớm, dọn đường cho con trai là Sài Tông Huấn 7 tuổi lên ngôi, vua còn thơ bé, trước khi chết, Thế Tông cho rằng Trương Vĩnh Đức là mối đe dọa cho ngai vàng của con trai ông và cách chức Đức và thay Khuông Dẫn làm Điện tiền kiểm điểm, nhưng nếu Thế Tông sống dậy cũng không nghĩ rằng Khuông Dẫn là kẻ tiếm ngôi. Khi Triệu Khuông Dẫn cầm quân ra tới Trần Kiều, quân lính làm binh biến và tôn Dẫn lên làm Thiên tử, sau đó kéo quân về Biện Kinh và phế truất Hậu Chu Qúy Tông, cải làm Trịnh Vương, cho con cháu hưởng lộc đời đời và không được tham dự chính sự, Triệu Khuông Dẫn vì Binh biến Trần Kiều nổi tiếng mà lên ngôi cửu ngũ chí tôn, cải niên hiệu thành Kiến Long năm đầu, khai mở triều Tống, sau này Tống Thái Tổ tiêu diệt gần như toàn bộ các nước, đến đời Thái Tông thì diệt tận Bắc Hán, thống nhất Trung Hoa.

– Quang Trung Nguyễn Quang Bình qua đời trước khi đánh Nguyễn Ánh, Thái tử Quang Toản nối ngôi, tức Cảnh Thịnh Hoàng đế, sau khi Quang Trung mất, cuộc đại chiến với Nguyễn Ánh bị bỏ dở, Cảnh Thịnh còn thơ bé, bị ngoại thích Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, sau này các tướng sĩ đấu đá lẫn nhau tranh giành quyền lực, vua Quang Trung mất làm cho không còn ai đủ uy áp chế các tướng sĩ, đất nước Đại Việt triều Tây Sơn Cảnh Thịnh bắt đầu mất lòng dân, Nguyễn Ánh với vùng đất Nam Bộ trú thân trong vòng 10 năm đã đánh bại nhà Tây Sơn đang rệu rã và Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Gia Long, năm 1802, Gia Long đánh chiếm Thăng Long, nhà Tây Sơn diệt vong, Nguyễn Ánh thống nhất hoàn toàn đất nước sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, một mình làm chủ cả cõi Đại Việt từ biên giới Trung Hoa cho tới đất Hà Tiên, như vậy, là một kẻ thù của triều đại Tây Sơn, Nguyễn Ánh – Gia Long đã tận dụng cơ hội rất tốt và qua đó kế thừa di sản của cừu địch mà đưa giang sơn nhất thống hoàn toàn.

Kết :  Đây là những điểm tương đồng mà tôi thấy được khi nhìn về sự nghiệp có những điểm tương đồng của hai vị vua Quang Trung và Chu Thế Tông,  hai vị vua với hùng tâm thống nhất thiên hạ về 1 mối, có tham vọng Bắc phạt đòi đất, tuy nhiên ông Trời lại cướp mất hai người quá sớm, để lại nhiều tiếc nuối cho hậu thế, để rồi cơ nghiệp của hai người để rơi vào tay người khác, dù rằng có thể có những ý kiến cho rằng Quang Trung giỏi hơn Thế Tông, đúng là thế nhưng hai người vẫn có sự tương đồng đến lạ thường từ cuộc đời của mình.

Võ Dũng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111