KỲ Y DỊ THẢO - Y HỌC DÂN GIAN- ĐÔNG Y

Đông y – Tây y chọn cái nào?

Đông y – Tây y chọn cái nào?

(Theo APTMNET)

Đông y – Tây y chọn cái nào?

Đối với nhiều căn bệnh, sau khi Tây y bó tay, người ta đã tìm đến Đông y. Nền y học cổ truyền Trung Quốc ra đời từ rất sớm với nhiều loại thuốc đặc hiệu từ thảo mộc. Thế nhưng giờ đây, ngay tại đất nước này, nền y học cổ truyền đang bị thách thức nghiêm trọng.

Kế hoạch gây sốc

Các cuộc tranh luận hiện nay trên Internet lan khắp đất nước Trung Quốc xoay quanh câu hỏi: Đông y hay Tây y? Đây là cuộc tranh luận được xem là căng thẳng nhất kể từ khi Tây y xuất hiện ở Trung Quốc cách đây một thế kỷ.

Đông y – Tây y chọn cái nào? ảnh 1
Bốc thuốc Đông y.

Về phương pháp luận, y học cổ truyền Trung Quốc ngược với y học phương Tây. Trong khi phương Tây đặt cơ sở trên giải phẫu học cơ thể con người thì y học cổ truyền Trung Quốc đặt cơ sở trên mối liên hoàn giữa các cơ quan trong cơ thể. Y học cổ truyền Trung Quốc chẩn đoán và điều trị trên cơ sở kinh nghiệm thực tế. Do đó nhiều người cho đó là “không khoa học” và “không đáng tin cậy”, dù việc sử dụng dược thảo của Trung Quốc vốn được xem là một lợi thế của y học cổ truyền nước này.

Từ lâu, quan điểm của Chính phủ Trung Quốc là sử dụng cả Đông và Tây y nhằm bổ sung cho nhau để tạo thành lợi thế cho nền y học Trung Quốc. Vì vậy, y học cổ truyền đã trở thành ngành công nghiệp. Năm 2005, ngành công nghiệp này đã mang về cho Trung Quốc gần 81 tỷ NDT (10 tỷ USD), chiếm 1/4 doanh thu của cả hệ thống y tế Trung Quốc. Mỗi năm, các bệnh viện Trung Quốc điều trị gần 300 triệu bệnh nhân bằng y học cổ truyền.

Cuộc tranh cãi về việc sử dụng Đông y hay Tây y vốn đang âm ỉ bỗng bùng lên sau khi nhà khoa học Zhang Gongyao tại Viện nghiên cứu phát triển xã hội và khoa học công bố công trình nghiên cứu trong 30 năm qua. Ông đã gửi một thỉnh nguyện thư lên blog (nhật ký trên mạng) của mình để thu thập chữ ký nhằm kêu gọi Chính phủ Trung Quốc loại trừ dùng thuốc cổ truyền khỏi hệ thống y tế và chỉ cho phép sử dụng thuốc tây.

Ông Zhang cho rằng thuốc Tây đã được kiểm nghiệm khoa học và thí nghiệm trước khi sản xuất trong khi y dược Trung Quốc không có cơ sở khoa học, dựa trên khái niệm mơ hồ và không đáng tin cậy. Ông Zhang cho rằng việc Đông y chữa được một số bệnh chỉ là do may mắn chứ không có cơ sở nào và không phải là nhiều. Ngay cả việc “bắt mạch kê toa” ông cũng cho là không có cơ sở khoa học. Ông cho rằng những ai tốt nghiệp các trường được gọi là đại học y học cổ truyền Trung Hoa thực tế không học được gì cả vì bản chất của y học cổ truyền là không có cơ sở khoa học và không được nghiên cứu thí nghiệm.

Ông Zhang thẳng thắn đề nghị: “Thay vì lãng phí nguồn lực để tập trung vào nền y học cổ truyền, nên tập trung vào phát triển Tây y trong hệ thống y tế quốc gia. Hãy để y học cổ truyền cho các cơ quan phi chính phủ lo. Nên có kế hoạch loại trừ Đông y ra khỏi hệ thống y tế nhà nước trong vòng 5 năm”.

Làn sóng phản bác Zhang

Đông y – Tây y chọn cái nào? ảnh 2
Châm cứu là một trong các phương pháp y học cổ truyền hiệu quả.

Mặc dù đã thu được 10.000 chữ ký ủng hộ kế hoạch của mình, Zhang vẫn gặp rất nhiều ý kiến chống đối. Các ý kiến phản bác cho rằng Zhang đã làm ngơ một phương pháp chữa trị cổ truyền rất có hiệu quả, đó là phương pháp châm cứu vốn đang được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, việc điều trị SARS cũng có hiệu quả khi kết hợp Tây y với y học cổ truyền Trung Quốc. Những người này đưa ra con số cho thấy: tỷ lệ chết do bệnh SARS tại Hồng Công (nơi chỉ sử dụng Tây y) là 17% trong khi tại Quảng Châu (kết hợp Đông – Tây y) là 3,6%.

Các quan chức y tế Trung Quốc cũng đã bác bỏ yêu cầu của ông Zhang. Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh tuần trước, Mao Qun’an, phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc cho rằng chiến dịch làm mất lòng tin y dược cổ truyền Trung Quốc của ông Zhang là sai lầm. Ông Mao cho biết, y học cổ truyền Trung Quốc là tài sản và là tinh túy của nền văn hóa Trung Hoa, nó đã đóng góp rất lớn vào việc phát triển sức khỏe của nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Fang Shuting, Phó giám đốc Cơ quan y học cổ truyền nhà nước Trung Quốc, cho rằng kế hoạch của ông Zhang đi ngược lại thực tế và ý nguyện của người dân Trung Quốc.

Ông Mao thừa nhận rằng hiện nay một số phương pháp điều trị của y học cổ truyền vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy cần có thêm nhiều nghiên cứu và tài trợ để phát triển y học cổ truyền.

Hiện nay, Đông y được chấp nhận tại 120 nước trên thế giới. Tại Anh, có hơn 3.000 viện điều trị bằng Đông y. Ước tính mỗi năm khoảng 2,5 triệu người Anh chi tổng cộng 90 triệu bảng cho Đông y (gồm cả châm cứu, bấm huyệt và thảo dược). Tại Pháp có 2.600 viện y học cổ truyền với 7.000 đến 9.000 chuyên gia châm cứu. Tại Hà Lan, có hơn 1.500 viện y học cổ truyền, 15% dân số sử dụng châm cứu. Tại Mỹ có 20.000 chuyên gia về châm cứu và 400 công ty chuyên bán thảo dược. Tính đến nay đã có tổng cộng 40 nước trên thế giới mở trường dạy châm cứu.
(Theo APTMNET)

HUY QUỐC (Theo Asia Times, China Daily)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111