ĐẠO HỌC-GIÁO DỤC-TRÍ TUỆ

CHÁNH NIỆM

CHÁNH NIỆM

Tất cả những tư tưởng, những hình tướng đều là ứng hiện từ Tánh Không chúng sanh ra từ Tánh Không hiện diện cũng trên và trong Tánh Không và rồi tiêu mất vào Tánh Không. Một người sống tương tục trong Tánh Không sẽ thấy rất rõ điều này, tức là tất cả những biểu hiện của họ luôn luôn là Tánh Không vì vậy mọi biểu hiện luôn luôn là biểu hiện của giải thoát. Sanh tức vô sanh.
Bởi vì trong sống chết có Phật,
Nên không có sống chết. (Thiền sư Đạo Nguyên)
Tuy nhiên, khi những khởi tưởng và các hình tướng từ Tánh Không biểu hiện ra, chúng ta không thấy bản thân nó là giải thoát như Tánh Không mà chúng ta chấp cho nó là thật có biểu hiện thành các hình tướng cứng đặc, nên chúng ta tự tạo nên thế giới sanh tử trên các biểu hiện vốn giải thoát.
Chánh niệm giúp chúng ta trước tiên là thấy được sự nắm bắt do mê lầm tạo nên thế giới sanh tử này, chúng ta thực tập dần dần lìa sự nắm bắt để nhận ra tâm giải thoát khi vắng các biểu hiện hay khi tâm an định. Nhưng khi đã nhận ra tâm giải thoát rồi chúng ta không dừng trụ ở đó mà chánh niệm trên các biểu hiện của tâm, là nhận biết các tư tưởng, và các hình tướng từ tâm biểu hiện ra. Khi này chánh niệm với góc độ khác, không phải chánh niệm là xa lìa như trước mà chánh niệm là hợp nhất với tánh giác, đến khi nào mọi biểu hiện đều là nhận thức giải thoát như bản tâm vốn giải thoát.
Như vậy trên con đường nhận ra hay trở về với bản tâm, chánh niệm rất quan trọng đối với người tu, nó phải có mặt thường xuyên, miên mật trong từng giai đoạn tu hành; cho nên chánh niệm rất quan trọng, nó quyết định một là chúng ta cứ mãi ngụp lặn và đau khổ trong thế giới sanh tử, hai là chúng ta dần dần giải thoát, mà chánh niệm vừa là cái phao lại vừa là mãnh đất thanh tịnh an lành cho chúng ta dụng tâm khi tu hành từ lúc bắt đầu cho tới khi chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi những tập khí lầm chấp.

 

Chánh niệm là gì?

 

Niệm là nhớ, chánh niệm là nhớ về biểu hiện tâm thức cao nhất mà hành giả đang hướng về để thực hành, còn ngoài ra không an trú trong chánh niệm thì thất niệm.
Niệm ở đây có thể là niệm Phật, có thể là niệm chú, có thể là niệm hơi thở, niệm thân, niệm cảm thọ, hay niệm tâm… Tuỳ theo mức độ thực hành của mỗi hành giả mà việc nhớ về, niệm về sâu hay cạn. Trong chánh niệm đó với người đã nhận ra bản tánh thì nhận biết sự hiện diện của bản tánh là chánh niệm, còn sống theo thói quen của tập khí cũ là thất niệm. “Nhất niệm tương ưng, niệm niệm tương ưng” (Lục Tổ Huệ Năng)
Chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn thực hành chánh niệm,

 

Thứ nhất, Thực hành chánh niệm khi chưa nhận ra bản tánh của tâm.

 

Chánh niệm để an định tâm.

 

Khi chưa nhận ra bản tánh của tâm chúng ta thực hành chánh niệm vào một đề mục hay một phương tiện nào đó là nhằm để gom tâm thức chúng ta vào niệm mà mình đang thực hành, chúng ta phải biết khi chúng ta tập trung chú tâm vào một điểm một niệm nào đó và nó tương tục trong một thời gian thì tâm chúng ta sẽ được an định, và khi tâm an định, đó là lúc mà chúng ta có cơ hội để nhận ra bản chất thật của tâm khi an định.
Muốn phá vở sự che chướng của tâm thức đã đeo bám làm cho chúng ta khổ sở biết bao đời, người tu phải tương tục trong chánh niệm, và khi chúng ta tương tục trong chánh niệm tâm thức của chúng ta sẽ thay đổi, nó thoát khỏi sự che chướng của tư tưởng mà thông thường chúng ta bị bao phủ bởi nó. Khi tâm an định, chúng ta sẽ phát hiện ra bản tánh của tâm lúc tĩnh tại an định.

 

Chánh niệm trên tâm

 

Chánh niệm trên tâm như thế nào? Là niệm sự hiện diện của tỉnh biết của tâm, một niệm chúng ta ở trong tỉnh biết là chúng ta một niệm chánh, còn không nhận biết sự tỉnh biết này mà chạy theo tư tưởng, chạy theo các hình tướng sự việc, quên sự tỉnh biết này là thất niệm.
Tỉnh biết này là sự hiện diện của sự nhận biết đang đồng hiện với sự việc hiện tượng hay tư tưởng ý nghĩ, hoặc tham hoặc sân hoặc si đang diễn ra. Sự tỉnh biết này luôn luôn có mặt trong mọi tình huống, chúng ta chỉ cần nhận biết nó hiện diện là chúng ta ở trong chánh niệm.
Nhận diện như vậy liên tục, là chúng ta thực hành tùy thuận theo tánh giác, biểu hiện của tánh giác là không hai giữa Quang Minh và Tánh Không, Tánh giác hiện diện như là quang minh, sự sáng suốt. Chúng ta niệm về sự sáng suốt này mỗi niệm là chúng ta mỗi niệm trở về, cho đến khi nào chúng ta không tác ý để nhớ để niệm về nó nữa mà nó tự hiện diện đó là chúng ta thật sự cảm nhận biểu hiện của tánh Giác.
Chúng ta phát hiện sự sáng tỏ của tâm tự hiện hữu ngoài tác ý của chúng ta thực hành, người thực hành quên chánh niệm nhưng hành giả thấy chánh niệm tự hiện diện. Phải tự phát hiện ra điều này trong thực hành, nếu chúng ta trước đó đã tương tục trong tâm chánh niệm, thì chúng ta sẽ phát hiện ra nguồn tâm qua chính biểu hiện của nó.

 

Thứ hai,

 

Chánh niệm vào thực tại.

 

Với người đã nhận ra bản tánh của tâm, thì việc chánh niệm vẫn là việc thực hiện hằng ngày như trước, nhưng chúng ta thực hành với một thái độ thư giãn, an lành hơn. Trong truyền thống Tây Tạng gọi là giai đoạn làm quen, chỉ cần nhớ lại chánh niệm lại, thì tâm hiện diện như nó là. Ban đầu sự hiện diện là trong sáng tĩnh lặng, khi chúng ta chánh niệm như vậy chúng ta làm quen dần với nó, cũng giống như một người mới bước vào một căn nhà, ban đầu chúng ta ở yên để nhìn ngắm căn nhà, khi chúng đã nhìn ngắm thưởng thức sự thanh tịnh này đã đời và quen với căn nhà rồi, chúng ta sẽ đi vòng quanh căn nhà để khám phá mọi phòng ốc cửa nẻo, mọi vật dụng sinh hoạt có trong nhà này. Chúng ta sử dụng những gì có trong căn nhà như bật đèn, bật ti vi, bật máy hát, bật máy lạnh…Chúng ta khởi động lại toàn bộ căn nhà trong sự kiểm soát của chúng ta đó là chánh niệm.
Hành giả cũng làm như vậy đối với tâm, chánh niệm ban đầu là sự thư giãn tĩnh tại, nhưng đã quen với tâm như vậy chúng ta chánh niệm tiếp, khi tâm suy nghĩ trong công việc đơn giản, khi hoạt động trong cuộc sống bình thường như ăn uống ngủ nghỉ, đi lại…Chánh niệm như một ngọn đèn nó soi sáng trong từng cử chỉ, từng hành động từng suy nghĩ của tâm tâm hoạt dụng nhưng là hoạt dụng trong sáng suốt giải thoát.
Chúng ta thấy ngay ban đầu, chúng ta chánh niệm để xa rời tâm thức vì vô minh nó che chướng quấy rối chúng ta, để chúng ta được an định tâm. Khi an định tâm, chúng ta phát hiện ra tâm thật khi an định. Chúng ta bắt đầu mở rộng chánh niệm từ cái nhìn ở góc độ tâm thật này ra lại với những hoạt động của tâm mà trước kia vì không nhận biết bản tánh của nó, chúng ta bị thất niệm. Bây giờ, trên nền tảng khi đã nhận ra tâm thật, chúng ta làm quen trở lại tất cả những trạng thái tâm thức trước kia với một biểu hiện khác, biểu hiện của chánh niệm từ tánh giác hay biểu hiện của tánh giác. Tất cả bây giờ chỉ là biểu hiện của tánh giác, hay thức đã hoàn toàn chuyễn thành trí trong chánh niệm từ Tánh Giác.
Chúng ta phải thường xuyên nhận biết sự thanh thản, sự bình an khi có sự sáng suốt chánh niệm của tâm. Khi biết được điều này có thể lúc đầu chúng ta thích ngồi yên để nhận biết mọi việc hơn là khởi tâm để nói để đàm luận, để chia sẽ với mọi người nhận thức của mình về những gì chúng ta đang tiếp cận. Tuy nhiên, chúng ta phải từ sự thanh thản đó, từ sự thư giản đó chúng ta tập nói tập làm việc tập khởi động cho tâm thức chúng ta cũng hoạt động như một người bình thường, nhưng chúng ta hoạt động mỗi mỗi đều trong sự sáng suốt của chánh niệm, cuộc đời của chúng ta dần thay đổi từ chỗ chúng ta chú tâm để chánh niệm trước mọi cử chỉ hành động, mọi ý nghĩ, mọi tư tưởng; bây giờ chúng ta chánh niệm không cần cố gắng, tâm tự chánh niệm trong mọi hoạt dụng của mình.
Đây là một quá trình quan sát và làm quen với sự sáng suốt của tâm khá dài, và chúng ta vừa chánh niệm có tính tập trung nhưng lại vừa thư giãn trong sự tập trung đó, chúng ta phải khéo, không thôi chúng ta sẽ nghiêng về chánh niệm mà bỏ đi thế giới sống đang trôi chảy, hoặc là chúng ta vẫn như trước, dính mắc vào mọi biểu hiện của tâm thức và thế giới hiện tượng mà quên đi chánh niệm. Chúng ta phải thật khéo.
Thực hành như vậy xuyên suốt trong nhận thức từ Tánh Giác không cố gắng, chúng ta làm quen với nó cho đến lúc nào sáu căn là biểu hiện của Tánh Giác, tất cả những thấy nghe hay biết đều là biểu hiện của tánh giác, khi đó chúng ta đã thật sự làm quen với biểu hiện của Tánh Giác. Tất cả qui về một vị là Tánh Giác, hay là tự chánh niệm, khi đó toàn cảnh không gì ngoài nó không gì khác nó. Đó là toàn bộ sự thực hành của chúng ta.

 

Hiệu quả của chánh niệm

 

Chánh niệm trên một đối tượng hay trên một đề mục nhằm gom tâm lại, tâm chỉ chuyên chú vào đồi tượng hay đề mục để cuối cùng an định tâm.
Chánh niệm trên ánh sáng nhận thức của tâm giúp chúng ta sống và tiếp cận với cuộc sống tập trung hơn, một người nhận biết việc mình làm, tình cảm mà mình đang biểu hiện rõ ràng, họ sẽ làm chủ dễ dàng ngay giờ phút hiện tại. Khi chánh niệm hành giả sẽ tránh được những lỗi như: chúng ta hay quên chìa khóa, quên tắt đèn khi ra khỏi nhà, quên tắt bếp, khóa gas…
Trên đường đi, chánh niệm giúp chúng ta sẽ nhận biết rõ ràng dòng xe cộ đang chạy, chúng ta đi trên đường mà không phóng tâm, chúng ta sẽ thong dong, đi trong sự kiểm soát mọi tình huống một cách dễ dàng.
Trong công việc chúng ta chánh niệm khi đi lại sẽ không bị va vấp, không làm đổ bể vật dụng, chúng ta làm việc mà biết mình đang làm gì một cách rõ ràng.
Trong tâm, chúng ta xử lý mọi biểu hiện của tâm thức nên cần làm cái gì trước cái gì sau cái gì tốt cái gì xấu cái gì nên làm và không nên làm…
Chánh niệm là sự hiện diện của tâm thức sáng suốt, cho nên khi chúng ta nhận thức được điều này, chánh niệm cũng là sự an bình, nó là sự sáng suốt nhưng là sự sáng suốt trong thư giãn bình an, nếu chúng ta thấy được hiệu quả của chánh niệm, các bạn sẽ không mắc cái lỗi là hai ba người khi tụm lại với nhau thích nói chuyện nhưng mà quên mình, chánh niệm giúp chúng ta khi nói về một chủ đề một sự việc nào đó chúng ta không phóng tâm theo chủ đề sự việc, nói cho vui cho thỏa để rồi mọi người đắm mình trong hý luận, cười vui nhưng lại đánh mất sự sáng suốt của chính mình.
Chánh niệm làm chủ được cả ba: thân, ngữ, và tâm.

 

Tính chất của chánh niệm,

 

Chánh niệm theo đuổi chúng ta từ khi bắt đầu tu cho đến khi hoàn toàn hết tập khí cho nên chánh niệm có chánh niệm tương đối và chánh niệm tuyệt đối.
Chánh niệm tương đối xảy ra khi khi chúng ta thực hành có người chánh niệm và đối tượng để mình chánh niệm, rõ ràng tương đối là chúng ta đang thực hành trên biểu hiện của tâm chớ chúng ta chưa thật sự nhận diện biểu hiện này từ bản tánh, tuy vậy chánh niệm tương đối giúp chúng ta không buông lung tâm mình chạy theo tình cảm, cảm xúc và các hình tướng, chúng ta an trú được tâm trong nhận thức hiện tại. Dù nhận thức đó còn tương đối nhưng nó mang lại cho chúng ta sức làm chủ tâm rất lớn.
Chánh niệm tuyệt đối là khi chúng ta ít nhất một lần cảm nhận hay ngộ ra cả người chánh niệm và đối tượng chánh niệm là một không hai không khác, kinh nghiệm này xảy ra với người khi an định tâm sẽ thấy tâm giải thoát khỏi mọi, tư tưởng mọi hình tướng. Sau đó cái thấy của tâm an định này mở ra sau an định, là tâm khởi tưởng cũng không ngoài tâm an định, các hình tướng được nhận biết cũng không ngoài tâm an định, đó là chánh niệm tuyệt đối, vì nó chỉ có một vị giải thoát.
Cũng vậy với người tu chánh niệm trên tâm, từ thực hành là chánh niệm tương đối nhưng khi chúng ta chánh niệm miên mật như vậy, đủ duyên, chánh niệm tương đối sẽ biến thành chánh niệm tuyệt đối. Vì vậy trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy người liên tục nhận biết tâm từ một đến bảy ngày là chứng chánh trí là vậy.
Chánh niệm tuyệt đối giống như nước, và sóng. Khi chúng ta nhận ra mọi khởi tưởng, mọi hình tướng, khi an định khi vọng động cũng từ một tâm; giống như chúng ta nhận ra nước: khi mặt nước yên bình cũng là nước mà khi có sóng, sóng cũng chính là nước, tâm chúng ta lúc nào cũng năng động nhưng tâm lúc nào cũng giải thoát, chánh niệm tuyệt đối là nhận ra mọi biểu hiện của tâm chi có một vị giải thoát.
Chánh niệm tuyệt đối như gương, gương lúc nào cũng bất động và phản chiếu, khi không có hình tướng, gương trong sáng và bất động, khi có các hình tướng hình tướng hiện ra trong sự trong sáng của gương, cho nên hình tướng chính là sự trong sáng và hình tướng khi có khi không khi động khi dừng, nhưng ánh sáng của gương là bất động. Các hình tướng không ngoài gương nên các hình tướng cũng chính là gương. Chỉ có một gương tâm hiển hiện ra tất cả.
Tác dụng của chánh niệm tương đối là dừng tạo nghiệp, có nghĩa là khi chúng ta nhận biết được hiện tại những gì đang diễn ra trong sự nhận biết dù tương đối, thì chúng ta đã dừng được nghiệp. Sự sáng suốt trong hành động là dừng được nghiệp.
Khi đã nhận ra chánh niệm tuyệt đối, thì ở trong chánh niệm tuyệt đối là chúng ta đang tích tập cả hai: phước đức và trí tuệ. Nghiệp lúc này không còn nữa mà thay vào đó là sự mở mang trí tuệ, và phước đức. Cứ tương tục trong chánh niệm tuyệt đối là chúng ta đã đi đúng con đường của Phật. Phật khởi đầu bằng hai sự tích tập: phước đức và trí tuệ, và cuối con đường là viên mãn hai sự tích tập này, thành Phật.

 

Thất niệm và chánh niệm là hai khả năng biểu hiện của tâm thức người tu xen kẻ nhau trong một thời gian dài tu tập, nó xảy ra liên tục giữa chánh niệm và thất niệm từ mới bắt đầu chập chửng thực hành cho tới khi kiến tánh và sau đó là tu hành để làm quen với bản tánh, người thực hành vẫn liên tục trong thất niệm và chánh niệm. Cho nên trong thực hành thất niệm và chánh niệm xen kẻ nhau là chuyện thường, người tu không phải hối lỗi khi chúng ta bất chợt thấy mình đã bị thất niệm, cứ chăm chỉ và kiên quyết, nhớ lại lúc nào là chúng ta ở trong chánh niệm lúc đó, khi hành giả chánh niệm với tâm thức cao nhất mà chúng ta đang thực hành đó là thành công của chúng ta lúc bấy giờ, cứ như vậy mà tiến bước, các giai đoạn chứng nghiệm tâm thức cũng nhờ sự tích lũy chánh niệm này, khi sự tích lũy đầy đủ thì kinh nghiệm mới sẽ xảy ra. Nếu chúng ta luôn luôn ở trong chánh niệm thì chúng ta sẽ phát hiện được sự che chướng của tâm thức tiêu giảm và đồng thời ánh sáng của tâm sẽ mạnh lên nhờ chánh niệm.
Ban đầu chánh niệm quả là khó khăn, nhất là chánh niệm vào một đề mục để xa rời tâm thức luôn luôn khởi diệt, nhưng đến khi chánh niệm tạo ra được sự an tĩnh phần nào chúng ta sẽ thấy rất dễ chịu vì biết mình thực hành đã có hiệu quả, nhưng cho dù tâm có xảy ra như thế nào đi nữa, khó chịu hay dễ chịu chúng ta cũng tiếp tục chánh niệm. Cái đích của chánh niệm là mọi tư tưởng, mọi hình tướng là biểu hiện của chánh niệm không cần cố gắng, hay chúng ta giáp mặt với sự thật là xưa nay các pháp vốn đã giải thoát. Khi đó, chánh niệm chính là quả, ngay khi chánh niệm là Tánh Giác hiện diện, và mọi sự diễn ra như nó là chớ không có một cái thấy nào khác trong tương lai để chúng ta hướng tới, nhân chính là quả. Và chúng ta cứ trực tiếp sống cho đến khi nào chúng ta trọn vẹn với Tánh Giác, chánh niệm và Tánh giác hợp nhất.
Chánh niệm và thất niệm có thể xem như là thước đo mà tự bản thân chúng ta đánh giá mình trong sinh hoạt tu hành hằng ngày để đo lường sự miên mật của mình tới đâu trong tu hành. Nếu chúng ta hiểu được sự thành công và thất bại của mỗi chúng ta nguyên do là chúng ta có tương tục trong thực hành hay chúng ta thường đánh mất sự tương tục này, thì hiểu biết về chánh niệm và thất niệm sẽ làm cho chúng ta có cái nhìn xác thực trong thực hành hơn, và chúng ta có trách nhiệm với việc thực hành pháp hơn.

 

Cuối cùng,

 

Hiểu biết chánh niệm có tác dụng rất lớn trong công cuộc thay đổi những thói quen tập nghiệp từ lâu đời của mình, cho nên thực hành thường xuyên chánh niệm không bị gián đoạn là một việc mà ai ai muốn thay đổi mình trong tu hành cần phải nhận thức đúng đắng để thực hành, và cũng rất khó làm.
Vì vậy chúng ta phải phát nguyện lớn vì giải thoát cho mình và cho mọi người mà chuyên tâm thực hành. Khi có một phát nguyện chúng ta có một lời hứa nó sẽ làm cho chúng ta có động lực lớn hơn trong thực hành.
Với những ai nhận ra bản tánh của tâm, phát nguyện chia sẽ cái thấy này đến mọi người sẽ làm cho chúng ta phát hiện Bản Tánh của tâm rộng hơn, và trọn vẹn hơn. Đó là hai sự tích tập: phước đức và trí huệ như đã nói ở trên.
Tánh Không phải có từ bi như ngài Patrul Rinpoche dạy: Trí tuệ ví như độ sáng của mặt trời và lòng bi như độ tỏa chiếu ra xa của mặt trời.
Không có lòng bi chúng ta chỉ quanh quẩn trong sự giải thoát của tâm an tĩnh, chỉ có thể thực hành giải thoát cho riêng mình (Ngã Không); chúng ta chỉ thấy được giải thoát là tịch diệt vắng lặng xa rời các tư tưởng, và các hình tướng. Còn khi có lòng bi, sự quan tâm sẽ làm cho tâm chúng ta cởi mở hơn và chúng ta sẽ thấy không phải chỉ có tâm giải thoát mà cảnh cũng giải thoát.

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111