Bí ẩn màu sắc trong văn hóa truyền thống (P.1): Ngũ đức và ngũ sắc liên quan tới hưng vong của triều đại.
Bí ẩn màu sắc trong văn hóa truyền thống (P.1): Ngũ đức và ngũ sắc liên quan tới hưng vong của triều đại.
Thế giới của chúng ta là một thế giới đa sắc. Các quốc gia, dân tộc khác nhau đều có những màu sắc truyền thống và nét đặc sắc của riêng mình. Những gam màu này không chỉ mang đến cho người nhìn cảm thụ thị giác bề mặt, mà nó còn truyền tải nội hàm lịch sử và truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới…
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại hóa ngày nay, truyền thống chân chính so với “truyền thống” trong nhận thức phổ biến của đại chúng có vẻ tương đồng, nhưng cũng có những bất đồng, thậm chí có nhiều khác biệt rất lớn. Vì màu sắc truyền thống ở các nơi rất phong phú và đa dạng, chủng loại bàng tạp nên khó có thể diễn tả hết trong một bài viết, bởi thế tác giả bài viết này chỉ nhắm vào một vài ví dụ về các loại màu sắc mà bạn đọc quen thuộc hơn, từ đó cùng các bạn khám phá những bí ẩn của thế giới màu sắc.
Mối liên hệ giữa ngũ đức và ngũ sắc
Trong lý niệm của người Trung Quốc hiện đại, khi nói về màu sắc truyền thống, nhiều người, không hẹn mà gặp, có thể nghĩ ngay đến màu đỏ. Không ít người nghĩ rằng màu đỏ là màu của lễ hội: khi kết hôn, người ta sẽ trang trí đại lượng sắc đỏ trong phòng ốc, cô dâu chú rể mặc áo cưới màu đỏ; trong dịp năm mới, người ta sẽ viết những câu đối Tết trên giấy đỏ; tất cả các loại lễ hội, lễ kỷ niệm đều quen sử dụng màu đỏ làm chủ đạo… đó là chưa nói đến những tuyên truyền của ‘chế độ đỏ’ về cái gọi là “Trung Quốc Đỏ” vì những lý do chính trị. Trong suy nghĩ của nhiều người, màu đỏ dường như mang một nội hàm cực kỳ chính diện, người ta thực sự nghĩ rằng màu đỏ tươi chói lọi chính là biểu tượng truyền thống của đại cát đại lợi!…
Một đám cưới truyền thống của Trung Quốc sử dụng màu đỏ làm chủ đạo (Ảnh: Shutterstock).
Tuy nhiên, nếu bạn nghiên cứu văn hóa Trung Quốc cổ đại, bạn có thể phát hiện ra rằng, trong số ba tôn giáo truyền thống của Trung Quốc, bất luận là Nho giáo trung chính bình hòa, Đạo giáo thanh tịnh vô vi, hay là Phật giáo tứ đại giai không, đều không dung hợp với thứ kích thích thị giác cực độ của màu đỏ tươi ‘hiện đại’ này. Thời Trung Quốc cổ đại, tông màu sắc các triều đại khác nhau hoặc là trang nghiêm, hoặc là bình hòa, hoặc là giản dị, hoặc là tao nhã… nhưng đều không quá chói lói và kích thích mắt. Tính cách hướng nội của người Trung Quốc so với sự phô trương đến hoa mắt của màu đỏ tươi là hoàn toàn tương phản, nó khác biệt một trời một vực.
Vậy, màu sắc truyền thống của Trung Quốc là màu gì?
Ở đây chúng ta trước tiên cần tìm hiểu một học thuyết rất nổi tiếng do Trâu Diễn – bậc thầy về âm dương thời Chiến Quốc – đề xuất trên cơ sở thuyết Ngũ Hành, gọi là “Ngũ đức chung sử thuyết”. Tuy nhiên, bất chấp tầm ảnh hưởng to lớn của nó trong lịch sử, ngày nay nhiều người có thể vẫn chưa từng nghe về học thuyết này, bởi vì đại lượng văn hóa truyền thống ở Trung Quốc, trong vài thập kỷ qua, đã bị ĐCSTQ coi là “tàn dư phong kiến” và “cặn bã”, dẫn đến không ít những điều căn bản đã bị bỏ rơi.
“Ngũ đức” trong “Ngũ đức chung sử thuyết” dùng để chỉ 5 loại đức tính đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tương ứng là Kim đức, Mộc đức, Thủy đức, Hỏa đức, Thổ đức. Mà “chung sử” (kết và khởi) chính là biểu thị ý nghĩa “ngũ đức” vận chuyển tuần hoàn lặp đi lặp lại. Điều nổi tiếng nhất của học thuyết này là nó đã giải thích được sự luân hồi của các triều đại từ giác độ của Ngũ Hành tương sinh, tương khắc và có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế.
Ngũ Hành (Nguồn: Wikipedia)
Theo như học thuyết này của Trâu Diễn, lý do tại sao một triều đại có thể thống trị thiên hạ, là vì họ đạt đến một đức trong số năm ngũ đức mà Thiên thượng ban cho. Nhà thống trị nhờ đức này mà thụ mệnh Trời ban, nhờ đó mới có thể thành tựu Thiên tử. Nhưng khi đức của họ dần dần suy yếu, vương triều này sẽ ngày càng khó tiếp tục duy trì được sự thống trị của mình, lúc này vương triều có một đức trong trình tự ngũ đức kế tiếp sẽ xuất hiện, thay thế cựu triều mà đức hạnh đã suy yếu.
Để dẫn chứng một ví dụ cụ thể, Trâu Diễn tin rằng: “Ngũ đức bất khả chiến bại, nhà Ngu là Thổ, nhà Hạ là Mộc, nhà Ân là Kim, nhà Chu là Hỏa” (Theo: “Chiêu minh văn tuyển” – Lý Thiện chú dẫn), từ đó chiểu theo ngũ hành sinh khắc mà giảng: Mộc khắc Thổ, Kim khắc Mộc, Hỏa khắc Kim, do đó mà triều đại mới sẽ thay thế triều đại trước đó. Cho tới khi Tần Thủy Hoàng thống nhất tất cả các nước chư hầu, chính là lấy Thủy đức mà làm vua của thiên hạ. Theo lý luận của Trâu Diễn, nhà Chu là Hỏa đức, vì vậy đến triều Tần, chính là Thủy khắc Hỏa vậy.
Tuần hoàn theo sự phát triển của lịch sử, sau đó lại xuất hiện thuyết ngũ hành tương sinh để thừa thụ triều đại trước, tiếp sau này liền có các thuyết biến thể khác nhau được thiết lập dựa trên cơ sở lý luận tương sinh tương khắc… Vì không liên quan đến trọng tâm của bài viết này nên chúng ta không nói thêm.
“Ngũ đức chung sử thuyết” đã được lịch sử thừa nhận rộng rãi. Từ thời Tần, Hán đến thời Tống, Liêu và Tấn, quan viên của các triều đại đều thảo luận chính thức nhằm xác định vận đức của họ và bộc bạch cho thiên hạ. Sở dĩ như vậy là vì, dù cho thế lực nào đó có thể dùng vũ lực cường đại để lật đổ triều đại trước, nhưng nếu họ không chứng minh được mình có đủ tính đức cần có để chính thống thụ mệnh Trời ban làm vua thiên hạ, thì khó mà khiến dân tin phục, và không thể trường tồn; vì vậy, đó cũng là căn cứ lý luận cơ bản để một triều đại giải thích sự thống trị hợp pháp của họ. Các quan viên triều Nguyên, Minh, Thanh tuy không chính thức tuyên cáo họ thuộc đức tính nào, nhưng các vị hoàng đế từ triều Minh đều tự xưng là “Phụng Thiên Thừa Vận Hoàng Đế”, cũng chính là xuất phát từ tư tưởng này.
Các triều đại khác nhau đối ứng với các đức tính khác nhau trong ngũ đức, và ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong văn hóa truyền thống đối ứng với năm màu: trắng, xanh, đen, đỏ và vàng. Do đó, các triều đại khác nhau cũng tôn sùng màu sắc khác nhau. Như đã đề cập trước đó, nhà Tần diệt nhà Chu, tin rằng đó là thuận ứng thiên đạo, dùng Thủy khắc Hỏa, mà Thủy đối ứng với màu đen; Tần triều tôn sùng màu đen, nên hoàng đế nhà Tần dùng sắc đen trong trang phục triều đình. “Sử ký: Tần Thủy Hoàng bổn ký” cũng xác nhận điểm này: “Thủy hoàng suy chung sử ngũ đức chi truyền, dĩ vi Chu đắc Hỏa đức, Tần đại Chu đức, chúng sở bất thắng. Phương lệnh Thủy đức chi thủy, cải niên thủy, triều hạ giai kỷ thập nguyệt sóc, Y phục mao tinh tiết kỳ giai thượng hắc” (Ý tứ là: Hoàng đế khởi thủy dùng chung sử ngũ đức mà truyền, vì nhà Chu là Hỏa đức, nên Tần triều [Thủy đức] bất khả chiến bại Chu đức. Từ nay khởi đầu Thủy đức, khởi đầu niên đại mới, triều đại bắt đầu từ mùng một tháng mười. Y phục, cờ xí đều màu đen).
Tần Thuỷ Hoàng sử dụng sắc đen trong trang phục triều đình. (Nguồn: Wikipedia)
Cũng giống như vậy, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ đã viết trong “Phong thái sơn ngọc điệp văn”: “Thiên khải Lý thị, vận hưng Thổ đức”, từ đó có thể thấy rằng nhà Đường là Thổ đức; vì vậy, nhà Đường sùng thượng sắc vàng. Tuy nhiên, sùng thượng sắc vàng không có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể mặc y phục màu vàng. Ngược lại, màu vàng trở thành màu sắc chỉ được chuyên dụng trong hoàng thất, dân gian không được phép mặc nó.
Màu vàng trở thành màu sắc chỉ được chuyên dụng trong hoàng thất nhà Đường (Tranh chân dung Đường Thái Tông – Nguồn: Wikipedia).
Trong triều đại sùng thượng Hỏa đức, màu sắc phục sức có sắc đỏ, nhưng do đặc điểm kỹ thuật nhuộm cổ Trung Hoa và việc bài trừ các màu sắc chói mắt, nên màu đỏ thời xưa hoàn toàn khác với màu đỏ chói lọi, tức mắt ngày nay. Nói một cách chính xác, các màu có sắc đỏ như giáng, xích, chu, đan, hồng, phi, thiến v.v… trong cổ ngữ đều là những màu khác nhau, màu đỏ truyền thống thâm và dịu hơn, điều này tương đối dễ chấp nhận đối với mọi người. Lấy cung điện của triều đình nhà Minh và nhà Thanh làm ví dụ, màu đỏ chu sa trên tường cung điện thực sự là màu pha giữa đỏ, cam và xám hơn, không phải màu đỏ chói giống thời hiện đại. Đồng thời, nếu triều đình sùng thượng màu đỏ của Hỏa đức, thì có nghĩa là không phải ai cũng có thể tùy tiện sử dụng. Thử tưởng tượng, người dân bình thường sao có thể mặc quần áo cùng màu với hoàng đế? Vì vậy so với các triều đại khác, màu sắc này sẽ càng bị hạn chế nhiều hơn.
Ví dụ, mặc dù quan viên nhà Minh không chính thức công bố thuộc tính đức vận chính thức của họ trước thiên hạ, nhưng nhiều tài liệu chính thức cũng đề cập rằng: nhà Minh là lấy Hỏa đức mà lập triều. Lưu Trần, quan đại thần đầu triều Minh, trong “Quốc sơ sự tích”, đã phát biểu minh xác như sau: “Thái Tổ dĩ Hỏa đức vương, sắc sùng xích”. Minh triều sùng thượng xích (màu đỏ) trong Hỏa đức, do đó dân thường không được lạm dụng. Màu đỏ được chia thành nhiều dòng đỏ khác nhau tùy theo sự khác biệt về sắc, và có quy định chi tiết về các dịp và thứ hạng được sử dụng. Dân gian bị cấm sử dụng màu đỏ đậm, bình dân phổ thông muốn dùng màu đỏ chỉ có thể dùng màu nhạt hơn như hồng đào, chỉ trong một số nghi lễ lớn mới được nới lỏng các hạn chế về màu sắc theo tình huống.
[Còn tiếp…]
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch