TU TẬP ĐỂ TRẢI NGHIỆM TRẠNG THÁI BÌNH AN MỖI NGÀY -Thích Phụng Sơn
TU TẬP ĐỂ TRẢI NGHIỆM
TRẠNG THÁI BÌNH AN MỖI NGÀY
Thích Phụng Sơn
Vào thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng ở rất nhiều nước làm phát sinh lo lắng, sợ hãi và kinh hoàng khắp nơi, nhiều chuyên gia sức khỏe khuyến khích chúng ta thực hành chuyển sự lo lắng, sợ hãi và khổ đau thành cơ hội phát triển sức mạnh tinh thần cùng vun trồng hạnh phúc. Trong đạo Phật, qua sự thực hành tu tập, chúng ta có khả năng trải nghiệm niềm vui mỗi ngày thay vì bị những ám ảnh về bệnh tật cùng nỗi lo sợ thường xuyên có thể làm phát sinh ra các chứng tâm thần.
Nhiều sự thay đổi đang xảy ra
Ở nước Anh, Giáo sư Steven Taylor, nhà tâm lý học lâm sàng thuộc khoa tâm thần học, viện đại học British Columbia, là tác giả sách Tâm lý học về bệnh dịch (The Psychology of Pandemics) đã đưa ra những lời báo động. Ông nêu lên ý kiến trong bài viết về virus corona làm thay đổi cuộc sống loài người trên báo The Guardian là hiện nay chúng ta vẫn chưa thể nói trước được điều gì về những điều sẽ xảy ra sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dựa trên những nghiên cứu từ các đại dịch trước đây đã gây nhiều thảm họa cho loài người, ông dự đoán chắc chắn là đại dịch này sẽ có những tác động tiêu cực sâu sắc đối với tâm lý đa số nhân loại:
- Nỗi lo âu và nạn phân biệt chủng tộc gia tăng, người dân tranh nhau đi mua đồ tích trữ, các loại thuyết âm mưu làm cho bệnh phát sinh được tạo ra rất nhiều cùng với những vụ lừa gạt, cướp bóc hay trộm cắp xảy ra làm cho tình hình xấu thêm.
- Tuy nhiên, nhiều người cũng thể hiện lòng vị tha và rộng lượng khi giúp đỡ những người bị cách ly hay những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh gây ra. (1)
Trong cuộc nghiên cứu của ông và đồng nghiệp Gordon Asmundson, ở Canada và Mỹ về tâm lý sợ hãi và lo âu của họ trước bối cảnh dịch bệnh bùng phát cho thấy:
– 75% người tham gia khảo sát vào lúc ấy cho biết họ vẫn ổn.
– 25% số người tham gia khảo sát này cho biết họ cảm thấy vô cùng sợ hãi trước nguy cơ bị nhiễm bệnh, họ lo lắng về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế và xã hội.
– Họ thường xuyên có ác mộng về virus corona và
– Bị thúc đẩy phải liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh Covid -19 trên đài truyền hình, các trang báo điện tử đưa đến hậu quả là nỗi lo âu của họ càng gia tăng thêm trầm trọng.
– Những người này cũng có xu hướng bài ngoại, họ trở nên cảnh giác hơn đối với những người nước ngoài mà họ cho rằng có thể mang mầm bệnh. (2)
Giáo sư Taylor nói rõ nỗi lo sợ về cái chết cùng sự sợ hãi gia tăng do có quá nhiều thông tin trên báo, đài, mạng xã hội và đây là những tác động tâm lý tiêu cực rõ ràng nhất của dịch bệnh này.
Ông cho rằng có đến khoảng 10% dân số thế giới – là 770 triệu người – có thể bị rối loạn tâm lý trong hoặc sau đại dịch. 770 triệu người sẽ bị các chứng tâm thần sau cơn dịch bệnh corona là một con số rất lớn so với gần 2 triệu rưởi người bị nhiễm bệnh hiện nay (con số liệt kê ngày 20/04/2020).
Cách ly là một trong những biện pháp tốt nhất vào thời điểm này để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, theo giáo sư Taylor, việc cách ly trong nhà – dù chỉ trong một vài tuần – cũng có thể gây ra chứng lo âu lâu dài. Những người phải cách ly trong thời gian dài trong các trung tâm chữa trị, phải chia sẻ phòng ngủ với những người khác, hay có những người không may lúc cách ly tại nhà mà phải chịu thêm bạo hành, chính là những đối tượng dễ bị sang chấn tâm lý nhất trong thời gian đại dịch và sau đại dịch.
Giáo sư Taylor, dựa trên những nghiên cứu từ các đại dịch trước đây, dự đoán chắc chắn là đại dịch Covid-19 này sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với tâm lý của mọi người và cuộc sống của con người sẽ không hoàn toàn trở lại “bình thường” như trước vì sau đó:
– Do tâm lý ngại rủi ro trong thời dịch bệnh, nhiều người có thể sẽ tiếp tục lựa chọn sự an toàn “ở yên trong nhà”.
– Tăng tâm lý sợ vi khuẩn và nỗi ám ảnh sạch sẽ, là một trong những triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Những người bị chứng này sau đó sẽ bị nỗi ám ảnh sạch sẽ và sợ vi khuẩn nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông vẫn còn thấy có nhiều hy vọng vì nhân loại vẫn có nhiều điều để lạc quan trong thời gian dịch bệnh gia tăng khắp nơi:
– Nhiều người đã thực hành giúp đỡ người khác.
– Qua hành vi vị tha đó mà họ thực sự trải nghiệm đời sống có ý nghĩa và có mục đích thường nghe nói trên lý thuyết trước đây.
– Những người thích nghi tốt hơn với việc cách ly thì sau đó họ lạc quan hơn và có cảm xúc ổn định.
– Những người có tâm lý tích cực nói trên sẽ là những người vượt qua đại dịch tốt hơn. (3)
Ai cũng mong muốn dịch bệnh chóng qua. Chúng ta hy vọng điều tốt nhất là dịch bệnh sẽ qua đi nhanh chóng nhưng cũng đồng thời chuẫn bị cho trường hợp xấu nhất như ông Neel Kashkari, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở Minneapolis, phát biểu vào ngày 12 tháng 4 năm 2020, là nước Mỹ nên sẵn sàng cho 18 tháng ngừng hoạt động chứ không phải là cách ly xã hội vài tháng. Ông phát biểu như sau:
“Đây có thể là một con đường dài khó khăn phía trước chúng ta cho đến lúc chúng ta có được thuốc chữa trị hiệu quả hoặc vắc-xin.”
Ông e ngại chúng ta có thể có những làn sóng dịch bệnh bùng phát, kiểm soát được, rồi lại bùng phát và lại kiểm soát được nối tiếp cho đến lúc chúng ta thực sự có được thuốc chữa trị dịch bệnh hoặc vắc-xin. Hai điều này chính phủ Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác đang cố gắng thực hiện như cần có thời gian. Do đó, ông dề nghị biện pháp vượt qua khó khăn:
“Chúng ta cần tìm cách đưa những người khỏe mạnh, những người có nguy cơ thấp nhiễm bệnh trở lại làm việc và sau đó cung cấp hỗ trợ cho những người có nguy cơ cao nhất, những người sẽ cần phải cách ly hoặc cô lập họ trong tương lai gần. Đây là đặc tình lây lan phức tạp của bệnh Covid-19.” (4)
Những ý kiến trên liên hệ với cách thử nghiệm mới là gia tăng số người được thử nghiệm tối đa để tìm ra người bị bệnh để cách ly và chữa trị cho họ nhằm hạn chế lây lan và đồng thời biết được số người đã bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Trong số những người này có người có kháng thể chống bệnh do cơ thể họ tự chữa lành bệnh nên không có triệu chứng để nhận biết. Tuy nhiên, nhưng trước khi lành bệnh họ vẫn có thời gian ủ bệnh và làm lây lan mà không ai biết.
Khổ đau làm cho căng thẳng, căng thẳng gây ra bệnh tật
Dịch bệnh Covid -19 lây lan nhanh chóng trên thế giới, không khác hình hình ảnh các ngọn núi lớn đổ ập xuống tàn hại loài người khắp nơi như lời đức Phật dạy trong Kinh Ví Dụ Hòn Núi, làm cho rất nhiều người lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, giận dữ hay khiếp đảm. Những cảm xúc tiêu cực này càng lúc càng gia tăng, do số người bị bệnh Covid-19 càng lúc càng nhiều, làm cho mức độ căng thẳng mỗi người cảm nhận càng lúc càng tăng. Căng thẳng càng gia tăng và kéo dài thì cơ thể càng tiết ra nhiều cortisol làm tăng viêm và viêm là đầu mối của nhiều bệnh tật.
Bác sĩ Herbert Benson, cựu giáo sư trường y khoa viện đại học Harvard ở Hoa Kỳ và cũng là giám đốc chương trình Y Tế Thân Tâm, cho rằng các cuộc nghiên cứu cho thấy có từ 60% đến 90% các bệnh nhân đến bác sĩ khám bệnh là có gốc rễ từ các cảm xúc tiêu cực làm phát sinh căng thẳng. Tổn phí hàng năm cho những cuộc khám bệnh có gốc rễ từ những cảm xúc tiêu cực tạo ra áp lực hay căng thẳng trong đời sống hàng ngày lên đến 54.5 tỷ mỹ kim, là một gánh nặng y tế lớn lao ở Hoa Kỳ. (5) Đó là lúc bình thường không có dịch bệnh, con số này sẽ cao hơn nhiều trong thời gian sau dịch bệnh.
Các cảm xúc tiêu cực tạo ra căng thẳng, căng thẳng làm phát sinh bệnh tật nên các chuyên gia sức khỏe khuyến khích mọi người cố gắng thực hành lối sống lành mạnh để giảm căng thẳng, có được tinh thần vững mạnh, tâm bình an và sáng suốt trong hoàn cảnh dịch bệnh. Trong đạo Phật, điều này có thể đạt được qua sự thực hành tu tập. Đức Phật nhắc nhở ông Mahànàma, một trong các đệ tử tại gia của Ngài, ứng dụng thực hành tu tập trong các sinh hoạt hàng ngày để thân thể nhẹ nhàng, tâm cảm nhận niềm vui, gia tăng hạnh phúc cùng phát triển tâm bình an, sáng suốt và vững chãi, là tâm định tỉnh, như sau:
“Này Mahànàma, vị Thánh Đệ Tử, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân được khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm định tỉnh…Ông cần phải tu tập khi đi, ông cần phải tu tập khi đứng, ông cần phải tu tập khi ngồi, ông cần phải tu tập khi nằm, ông cần phải tu tập khi chú tâm vào các công việc, ông cần phải tu tập khi ông trú tại trú xứ đầy những con nít.” (6)
Đức Phật dạy rất rõ là khi thân thể được nhẹ nhàng an ổn, là khinh an do không bị căng thẳng, vì căng thẳng bắt đầu từ thân thể con người, thì chúng ta mới cảm nhận được niềm vui. Cảm nhận được niềm vui thì tâm mới định tỉnh. Như thế, làm cho thân thể được khinh an là điều quan trọng lúc tu tập. Thiền gia Mukesh Mani đã trình bày ý kiến về sự quan trọng của chú ý nhận biết thân thể, là niệm thân, như sau:“Hãy tưởng tượng bạn lái một chiếc xe từ lâu mà không bao giờ nhìn vào bên trong chiếc xe để thấy nó ra sao! Đây chính xác là những gì xảy ra khi chúng ta sống trong tâm trí và không bao giờ tiếp xúc với cơ thể. Có trí thông minh to lớn chứa trong cơ thể chúng ta. Đây là cùng một trí thông minh tiêu hóa thức ăn của chúng ta, hút oxy ra khỏi không khí mỏng, chiến đấu với bệnh tật, loại bỏ độc tố và thực hiện hơn một triệu công việc khác nhau mỗi giây để giúp cho chúng ta duy trì mạng sống.” (7)
Trên 2. 500 năm trước đây, đức Phật dạy bước đầu tiên trong sự tu tập là thực hành chú ý vào thân thể qua sự nhận biết rõ ràng hơi thở vào và hơi thở. Trong Kinh Niệm Xứ, đức Phật dạy cách thực hành thở và cảm nhận hơi thở:
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt.
Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”.
“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập;
“An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.” (8)
Đức Phật dạy cần thực hành “tuệ tri” để nhận biết trực tiếp và rõ ràng về hơi thở vào – ra, hơi thở dài – ngắn cùng trạng thái an ổn và trong lành của thân thể. Tuệ tri là trải nghiệm, là cảm nhận trực tiếp về hơi thở, về thân thể cùng cảm giác an tịnh nơi thân. Như thế, khác với hiểu qua suy nghĩ với các ý tưởng, tuệ tri là nhận biết tánh chất thực sự, là sự trải nghiệm cụ thể, không qua ngôn từ hay suy luận. Chính sự trải nghiệm này giúp cho trạng thái thư giãn phát sinh đưa đến giảm căng thẳng.
Tiến sĩ Linda Graham, chuyên gia chữa trị tâm lý và thực hành thiền trên 20 năm, hiện nay là một vị thầy hướng dẫn thiền, cho rằng sự thực hành nói trên là trở về với sự thông minh hiểu biết của cơ thể chúng ta và đây là nền tảng cho việc rèn luyện khả năng phục hồi sau những tai biến, là sự thực hành giúp chúng ta tự tại trong cuộc sống:
“Nhiều phương pháp thực hành chánh niệm sử dụng sự thông minh hiểu biết của cơ thể chúng ta để đưa chúng ta trở lại trạng thái thoải mái và bình tĩnh, bất kể nguyên nhân gây gián đoạn sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nó giúp chúng ta nhận ra, chấp nhận và làm việc với bất cứ điều gì. Trở lại với sự thông minh hiểu biết của cơ thể chúng ta là nền tảng của sự rèn luyện khả năng phục hồi, sự thực hành giúp chúng ta giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống, bao gồm cả đại dịch do virus corona đang gây ra rất nhiều lo lắng, bối rối và bất an.” (9)
Thực hành bước 1: Thở đan điền
Để có được điều trên, nhiều thiền viện Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa hướng dẫn thiền sinh thực hành thở đan diền. Khi chúng ta thở đan điền, là thở bụng hay thở cơ hoành, với sự chú tâm thoải mái thì thân tâm chúng ta từ từ thư giãn. Thở vào bằng mũi và thở ra bằng mũi.
Hình cơ hoành phồng lên và xẹp xuống lúc thở bụng
Hít vào, bụng phồng, Thở ra, bụng xẹp từ từ, đếm: 1, 2, 3, 4 hay 5… đếm 1, 2, 3 hay 4. Hơi thở ra dài hơn hơi thở vào một cách tự nhiên.
Hình từ internet. Xin cám ơn tác giả.
Chúng ta có thể ngồi trên ghế, trên gối ngồi thiền (bồ đoàn) khi tập thở đan điền như sau:
- Ngồi thoải mái,
- Hai vai thư giãn (hạ xuống một cách tự nhiên),
- Bụng thư giãn, và
- Để vào nơi vùng bụng (vùng cơ hoành) một sức mạnh nhẹ nhàng để giúp bắp thịt vùng bụng co vào nhẹ nhàng khi thở ra. Lúc thở vào thì bụng tự động phình ra một cách tự nhiên cùng lúc cảm nhận cảm giác thoải mái.
Thở vào bụng phồng tự nhiên.
Lúc chúng ta thở bụng thoải mái thì chúng ta bắt đầu cảm nhận cơ thể và cảm giác an ổn nhẹ nhàng nơi cơ thể từ từ xuất hiện và tăng dần.
Xin thực hành 5 phút thở bụng.
Tài liệu tham khảo
- Taylor, Steven (2020). For the generation shaped by coronavirus, life may never fully return to ‘normal’. <https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/apr/07/life-never-return-normal-coronavirus-shape-generation. htm>.
- Như trên.
- Như trên.
- Bản tin đài truyền hình CBS ngày 12 tháng 4 năm 2020. <https://www.cbsnews.com/news/this-week-on-sunday–morning–april-5-2020.>
- Benson, Herbert with Statk, Mark (1977). Timeless Healing. The power and Biology of Belief. New York: Sribner. pp. 224-226.
- Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm Tùy Niệm, Mahànàma 2. H.T. Thích Minh Châu dịch.
- Mukesh Mani (2020). 7 Ways How Meditation Transforms Your Mind. <https://www.outofstress.com/meditation-transforms-mind. htm.>
- Đại Tạng Kinh Việt Nam. Kinh Trung Bộ. 10. Kinh Niệm xứ. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Linda Graham (2020). Resilience Expert Offers Three Ways to Tap into the Wisdom of the Body. <.https://lindagraham-mft.net/resilience-expert>.