TRANH ẢNH-VĂN THƠ NHẠC-DANH TÁC NGHỆ THUẬT

Nghệ thuật sử dụng không gian âm trong nhiếp ảnh thiên nhiên

Nghệ thuật sử dụng không gian âm trong nhiếp ảnh thiên nhiên.

Không gian âm trong những bức ảnh dường như là thứ vô dụng, tuy nhiên sự thực không phải như vậy. Chế ngự tốt không gian âm sẽ giúp cải thiện đáng kể bố cục ảnh của bạn.

Không gian âm là điều mà các nhiếp ảnh gia thường không quan tâm lắm. Điều này cũng khá dễ hiểu: Rốt cuộc, chắc chắn chủ đề của bức ảnh là sự kiện chính. Tại sao chúng ta cần chú ý đến không gian trống xung quanh chủ đề chính? Thực ra không gian âm là một yếu tố rất quan trọng trong bố cục nhiếp ảnh. Nơi bạn đặt chủ đề chụp của mình và bao nhiêu khoảng không gian xung quanh nó có thể làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người xem về nó. Vì vậy, hãy để dành một chút thời gian của bạn khám phá nghệ thuật chế ngự không gian trống trong bài viết này nhé!

Không gian âm không có nghĩa là ‘đơn thuần trống rỗng’

Điều cần nhớ đầu tiên là, không gian âm trong nhiếp ảnh không chỉ là chỗ thiếu những chi tiết bổ sung. Không gian âm chính là tất cả các không gian xung quanh chủ đề chính. Trong một bức ảnh phong cảnh, không gian âm xung quanh một ngọn núi tuyệt đẹp có thể là bầu trời. Trong thế giới tự nhiên, nó có thể là những loài thực vật bao quanh một con vật nhút nhát mà bạn đang cố gắng chụp ảnh. Hoặc có thể với một bố cục phù hợp, nó là không gian trống theo nghĩa đen. Vì vậy, chỉ cần bạn đưa các yếu tố như đá, cây cối và các yếu tố khác của thiên nhiên vào bên cạnh chủ đề chính thì đã được coi là quản lý không gian âm. Trong bức ảnh bên dưới, mặc dù đồng cỏ xung quanh con cáo đầy cây cối và các phần nằm trong khoảng rõ nét, chúng vẫn được coi là không gian âm.

Tuy nhiên không gian âm cũng có thể trống rỗng

Việc sử dụng không gian âm thường xuyên nhất theo nghĩa truyền thống (nghĩa là không gian trống rỗng) là sự cách ly chủ đề bằng cách đặt một khẩu độ ống kính thích hợp. Bằng cách mở rộng ống kính, chúng ta có thể tạo ra độ sâu trường ảnh rất nông (độ sâu trường ảnh là bao nhiêu cảnh cụ thể được lấy nét). Và mặc dù có phương sai khác nhau tùy thuộc vào độ dài tiêu cự ống kính và cảnh quan trong ảnh, chúng ta thường đặt số khẩu độ thấp để tạo ra một chủ đề đẹp và sắc nét. Hậu cảnh sẽ càng mờ đi khi số khẩu độ giảm xuống. Nhìn vào bức ảnh của con chim ruồi dưới đây, không gian trống đã được tạo ra bằng cách sử dụng khẩu độ rộng để làm mờ hậu cảnh. Khía cạnh thậm chí còn đẹp hơn ở bức ảnh này là nó vẫn còn giữ được màu xanh đẹp từ những cây cối trong hậu cảnh. Tâm trí của chúng ta chan hòa hình ảnh của một khu vườn, trong khi chủ đề là chú chim vẫn nổi bật đậm nét.

Nước và bầu trời thường có thể dùng để mô phỏng không gian âm rất tốt mà không cần phải sử dụng thủ pháp điều chỉnh khẩu độ. Nước khi kết hợp với tốc độ màn trập rất chậm và qua kính lọc mật độ trung tính (neutral density filter) sẽ trở nên mịn màng và giống như gương. Khi kết hợp với một bầu trời tương đối sạch và ánh sáng có màu tím của thời điểm này trong ngày, không gian âm làm nổi bật cái cây là tuyệt đẹp, mặc dù nó chỉ hoàn toàn là không khí và nước.

Hoàng hôn (ảnh: Cleverpics).

Không gian âm định hình một câu chuyện

Không gian âm bao quanh không chỉ dành cho hỗ trợ chủ đề. Trên thực tế, nó rất cần thiết cho câu chuyện được kể bởi bức ảnh của bạn. Nó giúp chúng ta tạo tâm trạng cho một bức ảnh, đặc biệt là khi liên quan tới chủ đề con người. Không gian âm có thể khiến chúng ta cảm thấy vui sướng khi nhân vật chủ đề của chúng ta đưa tay ra phía mặt trời đang mọc. Nó cũng có thể làm cho chúng ta cảm thấy ảm đạm và cô đơn khi người đó ngồi trên băng ghế công viên nhìn vào một hồ nước phẳng lặng.

Bức ảnh dưới đây với các chủ đề tương đối nhỏ của nó làm nổi bật những giá trị mà không gian âm có thể đóng góp. Chúng ta có thể cảm nhận được sự lạnh lẽo trong không khí và cảm giác tuyệt vời khi nhìn vào bức ảnh dưới đây nhờ vào bầu trời rộng lớn. Hãy tưởng tượng nếu hình ảnh đã được cắt để loại trừ hầu hết các khoảng không ở hai bên của cây. Mặc dù cái cây, cha mẹ, con cái và mặt trăng vẫn giống thế nhưng câu chuyện được kể sẽ tạo cảm giác khác biệt. Không gian âm trong hình ảnh này đã có tác động to lớn.

Mùa đông (ảnh: cocoparisienne).

Khi làm mờ hậu cảnh như chúng ta đã thảo luận trong đoạn trước, cũng nên suy nghĩ thêm một chút. Khi các đối tượng bị mất nét nhưng không quá xa, sẽ làm khung cảnh trở nên mượt mà, khẩu độ mở rộng cũng có thể tạo ra hiệu ứng Bokeh (xóa phông) ở hậu cảnh. Bokeh là những hình ảnh không nét và chỉ là những gợi ý cho các yếu tố hậu cảnh. Chúng thường thêm vào ảnh sự phong phú của các sắc thái ánh sáng, hoặc thậm chí là một hậu cảnh mơ mộng cho nhiều hình ảnh. Khi nhìn vào hình ảnh ở bên dưới, sẽ thấy không gian âm xung quanh con bướm này chứa vô số hiệu ứng bokeh. Những bông hoa tan thành những giấc mơ mờ ảo và những quả cầu ánh sáng kỳ lạ mang đến cho khung cảnh một tâm trạng kỳ diệu.

Không gian âm là điều không thể bỏ qua

Chúng tôi muốn giúp bạn xem xét mọi yếu tố của phong cảnh như các nhiếp ảnh gia thực thụ. Ngay cả khi có được một chủ đề hấp dẫn, trên một hậu cảnh quá bừa bộn nó sẽ mất tác dụng. Do đó, không gian âm phải luôn được chú ý trong tâm trí của chúng ta. Khi bố cục hình ảnh cần dành chút thời gian, chỉ đơn giản để là nhìn qua khung ngắm và kiểm tra xem chủ đề sẽ xuất hiện như thế nào, xét xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta điều chỉnh thị trường để bao quát nhiều hoặc ít bầu trời hơn? Bạn có muốn đưa vào nhiều chi tiết hậu cảnh hơn và thu hẹp khẩu độ không? Hoặc có thể chúng ta muốn chủ đề nổi bật nên để nó chiếm phần lớn bức ảnh? Dù sao hãy dành ưu tiên hàng đầu cho việc khám phá không gian âm và xem kỹ thuật bố cục ảnh của bạn sẽ được cải thiện thế nào nhé!

Theo Earl Goodson / Loaded Landscapes

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111