Xã hội bạo lực và sự cứu rỗi cuối cùng…
Tình trạng bạo lực đang được phơi bày thời gian gần đây không chỉ nguy hiểm ở việc gây tổn thương nghiêm trọng về thân thể, mà đáng sợ hơn, đó là việc làm nhục công khai, là sự thách thức đối với nhân tính…
Nhân danh công lý, nhân danh tình yêu, nhân danh chân lý, nhân danh lẽ phải… dù có nhân danh ai hay cái gì đi nữa, thì việc làm nhục người khác cuối cùng vẫn là thể hiện sự bất lực, cô đơn và ti tiện của con người. Để cứu rỗi những tâm hồn lạnh lẽo vì xa rời đức Nhân và đẩy xã hội tới chỗ u tối của vũng sình căm ghét, đấu đá, lại chỉ có một cách duy nhất, vốn đã bị đánh giá thấp bấy lâu nay. Nhưng đã đến lúc ta phải cầu tới sự cứu rỗi cuối cùng.
“Tất cả sự độc ác đều bắt nguồn từ sự yếu đuối”…
“Tất cả sự độc ác đều bắt nguồn từ sự yếu đuối”. Nhà triết học Lucius Annaeus Seneca đã nói như vậy. Bởi khi ta không đủ mạnh mẽ và hiểu biết để buông bỏ được cảm giác bị tổn thương, yếu thế, bị xâm phạm hay bất công, thì ta sẽ bị thôi thúc hành động để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Khi những thứ đó bị phóng đại quá mức cần thiết, ta sẽ sẵn sàng đè bẹp lợi ích và quan điểm của người khác, đó chính là bất Thiện, là cái ác.
Chẳng vậy mà chữ “Tôi” tượng hình trong ngôn ngữ Thần truyền giàu nội hàm (我 – ngã) lại gồm bộ thủ (cái tay) cộng với bộ qua (một loại vũ khí). Đó là vì, khi bạn chỉ nghĩ tới hay quá coi trọng cảm giác, suy nghĩ và lý lẽ của mình, là bạn đang cầm vũ khí trong tay để chiến đấu với người khác.
Người vợ vì cảm thấy bất công, đau khổ khi bị chồng lừa dối, đã kéo theo hội chị em bạn dì đi “bắt quả tang” và “dạy” cho cô nhân tình của chồng “một bài học”. Sự uất ức, hận thù đẩy cô vợ từ cái thế của người bị hại trở thành kẻ hành ác. Những đòn thù thâm độc vào chỗ hiểm, những câu chửi rủa, lột quần áo, cắt tóc gọt đầu, đè con người ta xuống vũng lầy nhục nhã. Nó chỉ thể hiện rằng chị đang bất lực và phải tìm cách lấy lại công bằng một cách vô minh.
Những em học sinh lột đồ, đánh “hội đồng” một người bạn không có khả năng tự vệ từ ngày này sang ngày khác vì không muốn thấy kẻ ngứa mắt, yếm thế, không xứng đáng được xuất hiện chung trong bầu không khí cùng đẳng cấp với số đông. Các em cũng đang nhân danh cái lý lẽ mà mình cho là phải, hay đơn giản và đau đớn hơn, là thích làm vậy mà không cần lý do gì xác đáng.
Những người nhân danh là thực thi pháp luật sẵn sàng ra tay mạnh mẽ không cần thiết với người vi phạm giao thông, người buôn bán trên vỉa hè, hay dân làng đứng ra bảo vệ cái đúng dẫn tới đánh chết một kẻ trộm chó. Đó là khi cái lý mà họ cho là đúng trở thành cái cớ để tháo xích cho sự căm giận, tức tối, là cái cớ để hiện thực hóa ước muốn thể hiện quyền lực, muốn lấy lại công bằng từ vị thể bị đè nén, bị cho ra rìa của mình.
Câu nói: “Tôi cho rằng độc ác chỉ là sự cô đơn được hóa trang thành cay đắng” của diễn viên Tom Hiddleston có vẻ đã đúng.
Những người không được giáo dục đầy đủ và cơ bản về các giá trị đạo đức, hoặc thiếu đức tin sẽ chẳng có cách nào lý giải những đau khổ và bất công trong xã hội và trong cuộc đời mình. Họ cũng không biết cách nhận ra những điều tốt đẹp của chính bản thân. Họ không biết cách giao cảm với những người xa lạ, họ cô đơn không chỗ bám víu, họ thấy bị bỏ rơi và cần khẳng định mình. Họ cần tìm được cảm hứng trong cuộc sống. Và vì như Franz Schönthan von Pernwaldt đã nói:
“Nếu họ không vui được vì cái đẹp của bản thân thì sẽ vui vì cái xấu xí của người khác”.
Sự cứu rỗi cuối cùng…
Tội ác tới từ sự yếu đuối khi người ta thấy mình là nạn nhân, từ sự bất lực và bế tắc. Chính là vì con người không còn hệ thống triết lý nào để lý giải những khổ đau và bất công trong đời, đồng thời họ không có hệ thống đạo lý cơ bản để câu thúc, níu giữ đạo đức.
Người xưa sở dĩ giữ được thái độ trung dung, điềm đạm và cao quý, không phải vì họ mặc kệ sự đời, cam chịu và lãnh đạm, mà bởi họ có được sự lý giải từ những quan sát lấy con người trong mối quan hệ với vũ trụ làm trung tâm. Đó không phải là lĩnh vực nghiên cứu của khoa học thực chứng ngày nay. Nhưng dựa trên những quan sát của các triết gia, họ nhận thấy có những quy luật vô hình nhưng hiện hữu và tác động được tới đời sống con người. Họ nhận thấy Thiện ác đều có báo ứng, mỗi người sinh ra và lớn lên với rất nhiều sự khác biệt mà có vẻ đầy bất công nhưng mọi thứ đều có nguyên do của nó. Trong mối quan hệ với thiên nhiên, vũ trụ, họ nhận ra con người nếu cũng thuận theo Đạo của tự nhiên thì sẽ đạt được tới trạng thái cân bằng và an yên.
Đối diện với những thứ bất công, xấu xí, bạn không cần phải dùng cách xấu xí để thay Trời hành đạo. Nếu bạn có niềm tin và sự hiểu biết, hành động của bạn tự nhiên sẽ bình tĩnh và trí tuệ hơn.
Triết gia Plato từng nói: “Có hai thứ mà người ta không bao giờ nên tức giận về chúng, đó là cái mà người ta có thể thay đổi được và cái mà người ta không thay đổi được”. Nếu đã như vậy thì chẳng có thứ gì trên đời mà bạn cần phải tức giận vì nó.
Hệ thống triết lý phương Đông cổ xưa như Nho giáo lại cho rằng, trí tuệ cao xa chính là thể hiện ở lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng. Người quân tử (hình ảnh của lẽ phải, của trí tuệ thấu triệt nhân sinh) lấy tĩnh chế động, bình ổn hòa ái, không làm chuyện thất thố, luôn lấy tu thân làm trọng chứ không phải hướng ánh mắt phán xét về phía người khác. Đạo lý của người quân tử nhân đức là vì xã hội, vì người khác. Nho giáo cũng có một hệ thống những khái niệm Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín để câu thúc đạo đức con người. Nên người thực hành theo sẽ tự khắc có phong thái cao, không thái quá cực đoan trong cảm xúc, không tùy tiện trong hành động.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu”. Bởi người quân tử luôn biết tự xét bản thân, đối diện với bất công xảy ra họ ngay lập tức nhìn lại xem mình đã sai ở đâu để thay đổi, người mình có thể thay đổi chỉ có thể là mình.
Có rất nhiều những hệ thống triết lý cổ xưa từ phương Đông sang phương Tây đều hướng con người tới sự lý giải có lý và hòa ái nhất để họ không cực đoan, mất phương hướng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tín ngưỡng cũng là một sợi chỉ buộc chân voi để cái ác trong con người không đâm quàng đạp bậy. Những người không có tín ngưỡng, dễ có xu hướng tức giận bởi tự cảm thấy vô vị, vô nghĩa và sự hữu hạn của cuộc đời. Họ có khi căm giận cả bố mẹ, Thiên Địa vì sao sinh họ ra. Họ không thể tìm ra được lý do vì sao phải sống cho tử tế với người, với đời và đó là căn nguyên của rất nhiều tội ác.
Thế nên, niềm tin tâm linh hay những triết lý đạo đức trong văn hóa truyền thống xa xưa chính là chiếc phanh níu giữ đạo đức nhân loại. Dù được phát biểu dưới bao nhiêu câu nói, kinh thư, khái quát bằng bao nhiêu hệ thống tôn giáo và đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân loại xa xưa đều bao gồm trong đó những giá trị Chân-Thiện-Nhẫn. Đắm mình trong thứ văn hóa đó, con người ta trở nên chân thành, thiện lương, bao dung và hòa ái hơn. Đó là sự cứu rỗi cuối cùng và triệt để nhất đối với đạo đức nhân loại.
Khi người Hàn Quốc thấy đất nước “đang biến thành vương quốc đầy súc vật”, họ đã tìm lại phương cách xưa cũ bằng việc phục hưng học viện Nho giáo Seowon (서원). “Chúng ta đã xây dựng được nền kinh tế mạnh mẽ, nhưng đạo đức của dân tộc đang trên bờ vực của sự sụp đổ. Chúng ta phải khôi phục lại nó và đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời”, ông Park Seok Hong đã nói như thế về các học viện Nho giáo tại nước này. Ông Park là người phục dựng Sosu Seowon, một khu phức hợp gồm 11 giảng đường Nho giáo và khu ký túc xá. Khu phức hợp này nằm ở một thị trấn phía Đông nam, cách Seoul 160 km và được mở cửa vào năm 1543.
Và không chỉ có ở Hàn Quốc, trường Nho giáo cũng đã bắt đầu rộ lên ở Trung Quốc, cái nôi của Nho giáo và cũng là nơi ruồng rẫy Nho giáo một thời. Khác với học viện Khổng Tử mang đầy màu sắc chính trị được mở ở nước ngoài, các ngôi trường Nho giáo dạy cho trẻ nhỏ ở Trung Quốc phần lớn là do tư nhân mở với mục đích nuôi dưỡng những hạt mầm của lòng nhân.
Quay trở về với văn hóa truyền thống đầy nhân văn, giải oan cho những vu khống, chụp mũ sai lầm đầy mục đích một thời về tôn giáo và các giáo lý xa xưa, nhìn nhận lại triết học cổ bằng con mắt khiêm cung hơn, ta sẽ thấy lời giải cho sự tuột dốc của lương tri ngày nay.
“Để giành được quyền tự do thực sự, bạn phải là nô lệ cho triết học” – Lucius Annaeus Seneca.
Triết học không phải là những giáo lý cao siêu, đó hoàn toàn có thể là những hệ thống tư tưởng giàu nhân văn và có tính câu thúc đạo đức trong văn hóa truyền thống. Và tự do thực sự, chính là việc bạn không để cho nỗi sợ hãi, cô đơn, bất mãn, căm giận điều khiển hành động của mình. Tự do thực sự, cũng là bạn không để hành động của người khác điều khiển cảm xúc, hành động của mình. Họ có thể sai, nhưng bạn không nên vì thế mà cũng sai.