Trẻ nhỏ có thiên hướng bẩm sinh giúp đỡ người khác dù không được khuyến khích
Trẻ nhỏ có thiên hướng bẩm sinh giúp đỡ người khác dù không được khuyến khích
Một nghiên cứu trên tạp chí uy tín Science cho thấy những đứa bé rất nhỏ đã có thiên hướng bẩm sinh muốn giúp đỡ người khác, ngay cả khi không được động viên hay khen tặng.
Bạn vẫn thường cho rằng những đứa trẻ mới bi bô tập nói, tập đi là những đứa con nít chỉ biết làm nũng, bày bừa, trực chờ người lớn chăm sóc và ẵm bế?
Nếu vậy, thì giờ đã đến lúc để bạn nghĩ lại.
Một nghiên cứu được công bố nằm 2006 trên tạp chí Science cho thấy những đứa trẻ mới biết đi -từ khoảng tầm 18 tháng tuổi – đã có thể biết được khi ai đó cần đến sự giúp đỡ, và chúng sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, ngay cả khi không được nhận lại bất kỳ sự báo đáp nào (kẹo, lời khen, v.v…)
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy một số con tinh tinh được con người nuôi dưỡng cũng có thiên hướng biểu lộ lòng tốt một cách tương tự.
Felix Warneken và Michael Tomasello, hai nhà nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Max Planck (Đức) đã nghiên cứu hành vi của 24 đứa trẻ mới biết đi tầm 18 tháng tuổi, cũng như 3 con tinh tinh 3-5 tuổi được con người nuôi dưỡng. 12 đứa trẻ tạo thành một nhóm thử nghiệm và 12 đứa khác làm thành nhóm kiểm soát (so sánh kết quả 2 nhóm này sẽ cho thấy tác động và ảnh hưởng của thử nghiệm).
Các nhà nghiên cứu đặt những đứa trẻ từ cả hai nhóm vào 10 tình huống khác nhau, trong đó một người lớn lạ mặt – trong trường hợp này là Warkenken – đã cố tỏ ra vẻ rất khó khăn khi thực hiện một công việc.
Ví dụ, trong một thử nghiệm, Warneken đã cố tình đánh rơi chiếc kẹp quần áo và tỏ vẻ như ông không thể lấy nó lên từ mặt đất mà không được hỗ trợ.
Đối với nhóm kiểm soát, nhà nghiên cứu cũng đánh rơi chiếc kẹp quần áo nhưng không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông muốn nhặt nó lên.
Gần như tất cả những đứa trẻ đều giúp đỡ trong ít nhất một trường hợp.
“Điều đáng chú ý là chúng đã làm như vậy trong hầu hết các trường hợp một cách tức thì, dù cho không có bất kỳ phần thưởng hay lời khen tặng nào dành cho hành động tốt này của chúng, Warneken và Tomasello nhận định.
Và tại 6 trong tổng cộng 10 trường hợp, những đứa trẻ trong nhóm thử nghiệm có tần suất giúp đỡ nhiều hơn đáng kể so với những đứa trẻ trong nhóm kiểm soát, cho thấy những đứa trẻ có thể nhận ra khi nào người lớn cần đến sự giúp đỡ của chúng và khi nào không.
Những con tinh tinh trong thử nghiệm cũng khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi liên tục có hành động giúp đỡ trong nhiều trường hợp.
Nhưng “lòng tốt của chúng dường như chỉ giới hạn trong một số tình huống nhất định, và các nhà nghiên cứu tin rằng các hành động giúp đỡ cơ bản này của tinh tinh có thể là do được nuôi nấng bởi con người.
Do đó họ đi đến kết luận:
“Một số nhà lý thuyết đã tuyên bố rằng con người hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau theo những cách thức không thể tìm thấy ở các loài động vật. Đây gần như là điều chắc chắn, và kết quả hiện tại cho thấy ngay cả trẻ nhỏ cũng có xu hướng thiên bẩm là giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề của họ”.
Một điểm lưu ý thú vị là, kết quả nghiên cứu này dường như rất tương hợp với câu nói “Nhân chi sở tính bản thiện” trong văn hóa truyền thống Á Đông.
Cúc Anh (theo Greater Good Magazine)