VĂN HÓA-ĐỜI SỐNG- KỸ NĂNG SỐNG ĐẸP

Bản sắc văn hóa Việt Nam, đôi dòng suy ngẫm

Bản sắc văn hóa Việt Nam, đôi dòng suy ngẫm

ptrvhoavusuhthienhcachconnguoi.png

Biểu diễn văn hóa dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa: Tạp chí Làng Việt

Huỳnh Thiệu Phong

Vốn là sinh viên của ngành Việt Nam học (Văn hóa – Du lịch), khái niệm “bản sắc văn hóa” là một khái niệm mà bản thân tác giả thường xuyên được nghe thấy trong quá trình học tập. Với chuyên ngành Văn hóa – Du lịch như vậy, khối lượng kiến thức về văn hóa (đặc biệt là lý luận) mà tôi được trang bị không thực sự dày và đầy đủ. Bản thân tôi trăn trở rất nhiều về khái niệm này từ rất lâu; nhưng vì chưa được cung cấp về phương pháp luận, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu mà do đó, vấn đề đó đành bỏ ngỏ trong một khoảng thời gian dài. Dạo gần đây, sau khi hoàn thành chương trình học, có thêm một vài kinh nghiệm và cơ hội trong việc tiếp cận tài liệu chuyên ngành, tôi thử thách bản thân khi thử nghiên cứu về vấn đề này. Trải qua một thời gian dài cố gắng tìm, đọc và hiểu những tư liệu của các học giả, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành như: Cố GS. Trần Quốc Vượng, Cố GS. Phan Ngọc, GS. Ngô Đức Thịnh, các Thầy Trần Ngọc Thêm, Trần Công Bá, Trần Văn Giàu, …nay tôi xin mạn phép được có đôi dòng suy nghĩ về nội hàm khái niệm này, đồng thời đưa nó vào trong mối tương quan với chính nền văn hóa Việt Nam. Thông qua thao tác này, hi vọng góp một phần nhỏ bé vào việc nhận diện những giá trị văn hóa nào được xem là bản sắc văn hóa. Đồng thời cũng xin có đôi dòng luận bàn về vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Cố gắng thoát ly khỏi văn phong khoa học, tôi muốn trình bày một bài viết theo đúng tinh thần của một người bình thường, đó là tiếp cận với bản sắc văn hóa Việt Nam từ những suy nghĩ bình dị, chân phương của một người “thèm khát” hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

***

Là một khái niệm được biết đến và là mối quan tâm nghiên cứu của các học giả trong giai đoạn gần đây, bên cạnh khái niệm “văn hóa”“bản sắc văn hóa” cũng đang là một vấn đề được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, cũng tương tự như khái niệm “văn hóa”, vì tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, khái niệm và nhiều yếu tố liên quan, nội hàm “bản sắc văn hóa” vẫn chưa có được sự giải thích (và ít nhất là một khái niệm)thỏa đáng. Và quả thật, chỉ với một nguồn tư liệu nho nhỏ mà bản thân tác giả sưu tầm được, các học giả và các nhà nghiên cứu, mỗi người một ý kiến, một quan điểm. Ở những khái niệm khác nhau đó, tùy từng góc độ tiếp cận mà “bản sắc văn hóa” mang một nét riêng của mình.

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; điều này cho thấy tầm quan trọng của bản sắc văn hóa trong phát triển đất nước. Theo tôi được biết, trong quá khứ, GDP được xem như là một chỉ số để đánh giá mức độ thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia. Đồng thời, thông qua GDP cũng đánh giá được mức độ phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, mọi thứ đã thay đổi khi mà để đánh giá sự phát triển của một đất nước, HDI mới chính là mục tiêu hướng đến của quốc gia chứ không đơn thuần là chỉ số GDP. HDI (Human Development Index) là chỉ số định lượng so sánh về mức thu nhập, tỉ lệ biết chữ và một số nhân tố khác… của công dân những quốc gia đó. Như vậy, trong HDI, không có chỗ cho việc đồng nhất phát triển kinh tế với phát triển nói chung. Chỉ số HDI cao hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối, mà trong đó, đời sống văn hóa cũng là một tiêu chí để đánh giá chất lượng phát triển nói chung của công dân các quốc gia. Như vậy, rõ ràng là việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc là đúng. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần. Nhận diện đúng những giá trị nào thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc chính là điều kiện đủ. Như vậy, bắt đầu vấn đề bằng việc xác định cơ sở lịch sử hình thành nên bản sắc văn hóa của dân tộc là rất cần thiết. Chính đó cũng là tiền đề cho việc cá nhân tác giả bước đầu thử luận bàn và lựa chọn một khái niệm phù hợp (theo quan điểm riêng của tác giả) về “bản sắc văn hóa” từ vô số những quan điểm của các bậc tiền bối nghiên cứu về vấn đề này. Có lẽ, cũng cần nói thêm rằng, năng lực của bản thân (về kiến thức lẫn phương pháp luận) là có hạn, do vậy mà bản thân tôi không có tham vọng lớn là đưa ra một cách tiếp cận mới về nội hàm “bản sắc văn hóa”, mà chỉ dám kế thừa những nghiên cứu của các bậc tiền bối để nêu đôi dòng suy nghĩ của cá nhân.

Đã gọi là “bản sắc văn hóa” thì một lẽ hiển nhiên là nó phải có sự khu biệt so với nền văn hóa khác. Đây là cách hiểu đơn giản nhất. Tôi trăn trở việc nên trình bày cơ sở hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam trước hay nêu định nghĩa về bản sắc văn hóa trước. Bởi lẽ, có nắm được cơ sở đặc thù của Việt Nam mới dễ dàng nhận diện những đặc trưng trong văn hóa Việt (bản sắc văn hóa). Nhưng tiếp cận định nghĩa “bản sắc văn hóa” trước để làm tiền đề cho việc nắm rõ những thành tố trong nội hàm khái niệm này trong tiến trình lịch sử của dân tộc có lẽ là hợp lý hơn.

Theo Ngô Đức Thịnh, “(Bản sắc văn hóa – HTP) là tổng thể các đặc trưng của văn hóa, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc. Các đặc trưng văn hóa ấy mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn, do vậy muốn nhận biết bản sắc phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó lại tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn” [7: 31]. Ông cũng cho rằng, chính bản sắc văn hóa đã góp phần tạo nên cái gọi là bản lĩnh văn hóa và bản lĩnh dân tộc. Trong một bài viết khác, ông cũng chỉ ra mối liên hệ giữa bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc; tuy khác nhau về định nghĩa nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau [8: 167][1]. Về điều này, quan điểm của Ngô Đức Thịnh là tương đồng với ý kiến của Nguyễn Quang Lê.

Theo Nguyễn Quang Lê, ông cho rằng: “Bản sắc văn hóa phải là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hóa và để phân biệt nền văn hóa này với một nền văn hóa khác” [4: 14]. Định nghĩa này của ông đã được sơ đồ hóa theo mô hình bên dưới:

1.jpg

Mô hình 1: Định vị bản sắc văn hóa dân tộc

[Nguồn: Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt – Nguyễn Quang Lê, tr16]

Theo hình trên thì rõ ràng “… bản sắc văn hóa dân tộc, là hạt nhân thể hiện những cái cốt lõi nhất, bản chất nhất, độc đáo nhất của nền văn hóa dân tộc… (trong khi – HTP) bản sắc dân tộc, nó bao gồm văn hóa dân tộc như một hoạt động sống đặc trưng về mặt xã hội và các đặc điểm về hình thái như đặc trưng về mặt tự nhiên của dân tộc” [4: 16]. Như vậy, qua hai định nghĩa của hai nhà nghiên cứu: Ngô Đức Thịnh và Nguyễn Quang Lê, mối quan hệ giữa bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa đã được nhấn mạnh, tuy hai mà một.

Để có cơ sở lập luận chặt chẽ hơn, làm sáng tỏ vấn đề, tôi muốn dẫn giải ra thêm hai định nghĩa của các học giả Minh Chi và Trần Đình Hượu. Đối với Minh Chi, ông đi tìm lời giải cho khái niệm “bản sắc văn hóa” từ góc độ từ nguyên học. Theo đó, đây là một từ Hán Việt, Bản là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân của một sự vật. Sắc là biểu hiện ra ngoài. Nói bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam tức là nói những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc Việt Nam. Nói những giá trị hạt nhân tức là không phải nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ nói những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, chúng mang tính dân tộc sâu sắc đến nỗi chúng biểu hiện trong mọi lĩnh vực của nền văn hóa Việt Nam…” [1: 13].

Còn đối với Trần Đình Hượu, ông không sử dụng thuật ngữ “bản sắc văn hóa” như số đông các nhà nghiên cứu. Thay vào đó, ông sử dụng cụm từ“đặc sắc văn hóa dân tộc”. Trong bài viết của mình[2], tác giả tập trung sử dụng những lập luận của mình để giải thích cái gọi là “đặc sắc văn hóa”; không có một khái niệm cụ thể được đưa ra để lý giải nội hàm của cụm từ “đặc sắc văn hóa”. Ông viết: “…Đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác…Đặc sắc văn hóa một dân tộc là bằng chứng về bản lĩnh sáng tạo của dân tộc đó. Sáng tạo chịu sự quy định của những điều kiện sống (hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử…). Tất cả bản lĩnh sáng tạo là ở chỗ thích ứng với những điều kiện đó, tìm ra cách chế ngự, khắc phục khó khăn, lợi dụng thuận lợi để phát triển…” [8: 46]. Kết thúc quan điểm của mình, ông viết: “Đến thời kỳ định hình, văn hóa một dân tộc tích lũy được cái “vốn” (văn hóa – HTP), về sau thành cái “vốn có” của dân tộc đó… kết hợp với những yếu tố mới, nhưng trong cái phức hợp hình thành về sau, cái “vốn có” vẫn là xương sống, bản lĩnh sáng tạo biểu hiện ở mô dạng kết hợp cái mới với cái “vốn có”, thích ứng cái vốn có với điều kiện mới” [8: 46, 47].

Với một vài quan điểm của những học giả đi trước mà tôi đã dẫn ra, có thể thấy, cách diễn đạt, tiếp cận khác nhau đã dẫn đến những khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, một đặc điểm có thể nhận thấy được ở các định nghĩa đó chính là việc các tác giả đều nhấn mạnh tính căn bản, cốt lõi,đặc trưng, tiêu biểu, độc đáo, bền vững của những cái gọi là “bản sắc văn hóa”. Về vấn đề này, bản thân tôi đồng ý với quan điểm của Ngô Đức Thịnh khi xem bản sắc văn hóa là hệ giá trị văn hóa. Như vậy, có thể nói, hệ giá trị văn hóa được xem là bản sắc văn hóa chỉ khi những giá trị đó là những giá trị hạt nhân, mang những đặc điểm tiêu biểu, cốt lõi, bền vững.

Ngay từ đầu, tác giả đã xác định một điều, rằng tôi chưa có khả năng để biến tham vọng là đưa ra một khái niệm “bản sắc văn hóa” thành sự thật, mà chỉ dám bước đầu luận bàn những khái niệm mà các bậc tiền bối đã đưa ra mà thôi. Do vậy, tôi tạm gác lại nhiệm vụ đầu tiên của bài viết này, đó là cần hiểu như thế nào về nội hàm khái niệm “bản sắc văn hóa” tại đây.Dẫu biết rằng, những thiển kiến của bản thân còn rất nhiều lỗ hỏng, cần được xem xét. Thế nhưng, bản thân tôi vẫn hi vọng thông qua sự luận bàn của bản thân bước đầu, sẽ có thể có được một nền móng tạm vững để tôi giải quyết tiếp vấn đề về nội dung này.

Khi xem những giá trị văn hóa (Cultural value) là bản sắc văn hóa thì chúng phải mang những đặc điểmbao gồm: tính căn bản, cốt lõi, đặc trưng, tiêu biểu, độc đáo, bền vững như tôi đã đề cập ở trên. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là: “Điều gì đã tạo ra (tại sao) những giá trị đó trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam để thông qua đó, ta xem chúng là bản sắc văn hóa dân tộc ?”. Nói một cách khác, bản thân tôi muốn đề cập đến việc nhận định những yếu tố, mà chính chúng là tiền đề để tạo ra những cái gọi là bản sắc văn hóa. Để trả lời câu hỏi đó, tôi nghĩ là cần thiết để tiếp tục “mổ xẻ” xem thực chất nội hàm “bản sắc văn hóa” bao gồm những yếu (thành) tố gì bên trong đó. Có thực hiện được thao tác này, ta mới có cơ sở cho việc nhìn nhận căn nguyên nảy sinh những thành tố này là từ đâu mà ra ?

Tôi tạm chấp nhận thêm khái niệm “sắc thái văn hóa” mà Ngô Đức Thịnh đã sử dụng trong định nghĩa của ông về “bản sắc văn hóa”. Theo đó, tôi tạm chia “bản sắc” và “sắc thái” ra theo các tiêu chí sau:

Bản sắc văn hóa Sắc thái văn hóa
Mang đặc trưng: Bản chất Mang đặc trưng: Hiện tượng
Thể hiện nội dung văn hóa Thể hiện hình thức văn hóa
Mang tính bền vững theo thời đại Biểu hiện linh hoạt theo thời đại
Thể hiện rõ tính tuyệt đối Chỉ dừng lại ở mức tương đối

Bảng 2: Những đặc trưng trong phân biệt bản sắc và sắc thái văn hóa

[Nguồn: Tác giả]

Như vậy, rõ ràng là hai vấn đề này tuy hai mà một. Tôi sẽ sử dụng sắc thái văn hóa như một công cụ để xét bản sắc văn hóa gồm những phương diện nào ? Và do vậy, bản sắc văn hóa Việt Nam sẽ được bản thân tôi tiếp cận ở các góc độ: Bản sắc văn hóa nhận thức – bản sắc văn hóa tổ chức – bản sắc văn hóa vật chất – bản sắc văn hóa tinh thần. Trong mỗi phương diện bản sắc ấy, các sắc thái văn hóa sẽ được biểu hiện một cách đa dạng; hay nói cách khác, một bản sắc văn hóa sẽ bao gồm nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Phần việc này, tôi sẽ giải quyết ở phần sau của bài viết.

Quay trở lại công việc của phân đoạn này, khi đã nhận định được bản sắc văn hóa bao gồm những thành tố nào, ta thử quay dòng lịch sử để xem xét đến yếu tố lịch sử đã tác động như thế nào đến việc hình thành và phát triển những giá trị văn hóa này. Liên quan đến yếu tố tự nhiên, địa – chính trị, tôi (và nhiều nhà nghiên cứu đi trước) nghĩ vậy.

Về yếu tố tự nhiên, Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, thuộc vành đai Châu Á gió mùa; từ đó dẫn đến tình trạng nóng ẩm, mưa nhiều và trong suốt chiều dài lịch sử, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế chủ đạo. Sản xuất nông nghiệp luôn chịu sự chi phối của yếu tố tự nhiên; những thiên tai như lũ quét, bão lụt, hạn hán là những yếu tố bất lợi đối với nền nông nghiệp của nước ta. Do vậy, với “…Hoàn cảnh tự nhiên đó ngay từ đầu đã nhào nặn con người Việt Nam và hình thành những nếp sống, nếp nghĩ, cách thức hành động, ứng xử hài hòa, hiếu sinh, tư duy tổng hợp, biện chứng, khát vọng phồn thực và mơ ước trị thủy, thủy lợi của con người Việt Nam…” [1: 10]. Rõ ràng là hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã được quy định bởi điều kiện tự nhiên. Những tính cách đặc trưng đó trong mỗi con người Việt Nam vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận như một sự khẳng định.

Về yếu tố địa – chính trị, nước ta nằm ngay “…cái mối đường giao lưu văn hóa Nam Bắc và Đông Tây từ thượng cổ đến hiện đại” [3: 82] hay như cách nói khác của O. Janse là “ngã tư đường của các nền văn minh” [1: 11], Việt Nam luôn là miếng mồi hấp dẫn cho các thế lực thù địch muốn chiếm làm của riêng. Mối quan hệ của địa – chính trị đến việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc đã được nhà Sử học Dương Trung Quốc nhắc đến[3]“Nếu địa lý tự nhiên là cái không gian để con người có thể tồn tại tự do như mọi sinh vật thì địa lý văn hóa là cái không gian của con người tồn tại ràng buộc trong xã hội của mình và địa lý chính trị là không gian quy định bởi các lợi ích của các cộng đồng người trong xã hội đã có sự phát triển không đồng đều và khác nhau” [8: 140]. Một nghìn năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, một thế kỷ giặc Tây rõ ràng là những “công cụ” để mài dũa nên cái gọi là bản lĩnh dân tộc. Sự thích nghi có chọn lọc là cơ sở để hình thành nên tính đa dạng nhưng thống nhất trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Trần Ngọc Thêm nhận xét: “…khi đất nước bị xâm lăng, dân tộc bị đô hộ thì bảo tồn bảo sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu – đó chính là một cách để tự vệ; còn khi đất nước độc lập, dân tộc tự do thì việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhận loại lại trở thành quan trọng” [6: 184, 185]. Chính sự linh hoạt trong việc nhận thức khi nào thì cần bảo tồn, khi nào thì cần tiếp thu cũng chính là tính linh hoạt – một trong những giá trị văn hóa, mà tôi nghĩ cũng có thể xem là bản sắc văn hóa dân tộc.

Như vậy, về cơ bản, tôi đã nêu quan điểm của bản thân trên cơ sở tiếp thu những quan điểm của các bậc tiền bối về cơ sở xác lập nên hệ giá trị văn hóa mà được xem là bản sắc văn hóa Việt Nam. Hiển nhiên, để làm rõ hơn vấn đề này thì cần tốn không ít thời gian và tư liệu; nhưng có lẽ, hai yếu tố mà tác giả nêu đã tạm làm vừa lòng những người muốn có cái nhìn tương đối khái quát về quá trình hình thành hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Như đã nói, bản thân tác giả đã phân bản sắc văn hóa Việt Nam trên 4 bình diện: Bản sắc văn hóa nhận thức – bản sắc văn hóa tổ chức – bản sắc văn hóa vật chất – bản sắc văn hóa tinh thần. Và tôi cũng đã nhận thức việc cần xác định các sắc thái văn hóa trong từng bình diện bản sắc văn hóa đó. Làm được việc này mới có thể, thứ nhất là không mông lung trong công tác bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp nữa là có thể căn cứ vào đó, làm tư liệu cho các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận và phê bình có cơ sở tiếp tục nghiên cứu về vấn đề BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC – một cụm từ không dài nhưng không dễ dàng tiếp cận.

Với những nguồn tư liệu của những học giả đầu ngành, những người thầy đi trước mà bản thân có điều kiện tiếp cận, tôi thấy đa phần họ chỉ nhìn nhận những tính cách của người Việt Nam và đồng nhất chúng chính là bản sắc văn hóa Việt Nam là chủ yếu. Tôi rất tâm đắc với cách nhận xét của nhà Sử học Dương Trung Quốc trong bài viết của ông: Bản sắc văn hóa dân tộc là một cụm từ đang được sử dụng rất phổ biến, đôi khi có phần “lạm phát” nếu chúng ta tính đến tần số sử dụng trong văn kiện và trong đời sống xã hội, chính trị, tư tưởng văn hóa…” [8: 138].

Ngay cả trong giới nghiên cứu, các tác giả khi đề cập đến bản sắc văn hóa đều theo mô – típ: Giải thích định nghĩa “Bản sắc văn hóa” – nêu lên những đức tính được xem là bản sắc văn hóa của dân tộc”. Thực ra, chúng không sai nhưng chưa có một hệ thống rõ ràng. Điều này theo tôi bắt nguồn từ phương pháp luận. Tôi lấy một ví dụ như trong công trình “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của GS. Trần Văn Giàu, tôi mặc định đấy chính là bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, ông đã dẫn ra tổng cộng 7 giá trị (yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa). Những điều ông nói không sai, nhưng nếu xét ở góc độ bao quát hơn, tôi nghĩ chúng là chưa đủ. Bởi vì tất cả, theo tôi chỉ là sắc thái văn hóa (thuộc về bản sắc văn hóa nhận thức mà thôi).Hay nói đúng hơn, đó là những giá trị thuộc về phạm trù tư tưởng. Có lẽ, tìm ra phương pháp có thể hệ thống hóa lại những giá trị nào là bản sắc văn hóa để nhận định những sắc thái văn hóa trong văn hóa Việt Nam (từ truyền thống đến đương đại) chính là dấu chấm hỏi tiếp theo mà tôi trăn trở. Trong phạm vi bài viết này, với năng lực, kiến thức, tài liệu, phương pháp tôi đang có trong mình, dù còn muốn tiếp tục bài viết nhưng có lẽ đành tạm dừng bút ở đây.

Chúng ta vẫn cứ bảo nhau rằng: Phải tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc, phải không ngừng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tránh lai căng, chạy theo những giá trị ngoại lai, nhưng thực sự thì những giá trị nào là bản sắc văn hóa ? Chúng ta vẫn chưa nhìn nhận được thì làm sao bảo tồn và phát huy. Nhưng, cũng cần nói rõ, đóng cửa với văn hóa thế giới là một việc làm trái quy luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Phương Đông hay phương Tây, cái gì tốt thì phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam…” [9: 117]; hay như trong Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định: “Văn hóa Việt Nam… là kết quả của giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình” [9: 177].“Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa lại, chỉ chấp nhận một cách giải thích, chỉ chấp nhận một quyển sách, dù đó là thánh kinh, mà phải thích ứng với mọi sự thay đổi. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận mọi tiếp xúc, mọiquan hệ. Không có văn hóa tự lực cánh sinh. Không có văn hóa tự túc. Vào thời Tự Đức, ta đã chủ trương văn hóa tự túc, kết quả là đã mất nước” [5: 114]. Quả thật, chỉ khi nào xác định đúng hệ giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam thì khi đó ta mới có định hướng để đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Và khi đó, cả hệ thống chính trị lẫn người dân, từ già trẻ lớn bé đến nam nữ, không phân biệt giai cấp, tuổi tác cũng cần phải đồng hành trong dòng chảy văn hóa dân tộc để công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được thực hiện một cách hiệu quả.

“Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý !”. Mong nhận được những phản hồi từ người đọc, đặc biệt là những bậc tiền bối, những Thầy – Cô để thiển ý của tác giả được hoàn thiện hơn.

SG, 2/11/2015

                                                                                                  HTP            

Tài liệu tham khảo:

  1. Huỳnh Công Bá (2012), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thuận Hóa.
  2. Trần Trọng Đăng Đàn, Đặng Trang Viễn Ngọc, Phan Ngọc Sơn (2010), Cận cảnh văn hóa Việt Nam, Nxb Lao động.
  3. Trần Văn Giàu (2011), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.
  4. Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
  5. Phan Ngọc (2006), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học.
  6. Trần Ngọc Thêm (2014), Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM.
  7. Ngô Đức Thịnh (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị Quốc gia.
  8. Lê Ngọc Trà (tập hợp) (2001), Văn hóa Việt Nam – đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục.
  9. Phạm Ngọc Trung (2012), Giáo trình lý luận văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia.
  10. Trần Quốc Vượng (2014), Trong cõi, Nxb Hội nhà văn.

[1]Xem thêm bài viết Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc – Ngô Đức Thịnh (2000).

[2] Xem thêm Về vấn đề đi tìm đặc sắc văn hóa dân tộc – Trần Đình Hượu (1996).

[3]Xem thêm bài viết Bản sắc văn hóa dân tộc – Những cơ sở lịch sử – Dương Trung Quốc

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111