KHOA HỌC- HUYỀN BÍ -KỲ THÚ - ẤN TƯỢNG,  LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Bánh Tét, Cây Nêu và Ông Táo

Bánh Tét, Cây Nêu và Ông Táo

asds

Trần Vy

BÁNH TÉT

Năm 1988, Giáo sư Trần Quốc Vượng qua bài viết “Triết lý bánh chưng, bánh giầy”(1) đã đưa ra quan điểm như sau:

  1. Bánh chưng – bánh giầy là sản phẩm độc đáo của nền văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam Á, không riêng của văn minh Việt Nam.
  2. Bánh chưng vuông tượng đất, bánh giầy tròn tượng trời là triết lý Trung Hoa hội nhập muộn màng vào triết lý Việt Nam. Đó không phải “folklore” mà là “fakelore” (trí tuệ giả dân gian).
  3. Bánh chưng (ở dạng tròn dài nguyên thủy như bánh tét) và bánh giầy, tức dương vật và âm vật, biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực.

Cụ Vượng hoàn toàn chính xác, đặc biệt khi cho rằng quan niệm đất vuông, trời tròn là triết lý Trung Hoa thâm nhập muộn màng. Ta dễ dàng kiểm chứng điều đó khi theo dõi những đợt di cư quy mô với hỗ trợ từ triều đình dưới các đời Hồ, Lê và gần nhất, trong thời tiền hiện đại, là đợt của đại gia tộc Nguyễn Hoàng. Dù điều kiện thuận lợi, nhiều lớp người ra đi vẫn không mang theo truyền thống nấu bánh chưng vuông. Trên vùng đất mới, họ chỉ làm bánh tét hình trụ dài.

Tại sao bánh chưng vuông, lễ vật quan trọng của lễ cúng quan trọng nhất trong đời sống tâm linh người Đại Việt, lại không được tiếp tục trân trọng? Có phải hình thức bánh vuông bị biến đổi dưới ảnh hưởng bánh tét Chiêm Thành?

Lý do cọ xát văn hóa thực ra rất thiếu thuyết phục vì người Tày, Thái, hay nhiều nhóm cư dân ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đông Anh… không tiếp xúc với Chăm nhưng vẫn gói bánh trụ tròn.(2) Rất thiếu thuyết phục vì hiện nay con cháu lưu dân thời trung-cận đại dù có thể mua bánh chưng vuông để ăn, để làm quà, thậm chí bày biện trên bàn thờ nhưng vẫn tự nấu bánh dạng đòn để dâng cúng tổ tiên và vẫn gọi đó là bánh tét. Cách giải thích hợp lý duy nhất là vào năm 1558, bánh chưng vuông chưa ra đời, hoặc đã ra đời ở châu thổ sông Hồng nhưng chưa lan tỏa đến Thanh Hóa.(3)

Chúng ta khó thể dò tìm tên gốc của bánh tét qua danh xưng “chưng” vì tên đó hẳn có liên hệ với “quả chưng” của Triệu Khánh, Quảng Đông. Theo cụ Vượng, còn có một dạng bánh chưng ở Tứ Xuyên mang tên “tông bính”.(4) Định nghĩa “tông bính” hay “quả chưng” chắc chắn rất mới, chỉ xuất hiện sau khi Tần Thủy Hoàng lấn chiếm đất đai rồi thống trị các bộ tộc ăn cơm mà thiên triều gọi là Nam Man hay Bách Việt (khoảng năm 218 TCN). Những loại bánh nếp Lĩnh Nam một thời là món ăn quý lạ đối với dân Hoa Bắc, kể cả nhà vua, nhưng dường như người thụ hưởng không cảm nhận được tính thiêng mà các sắc tộc phi Hoa thường gắn kết với chúng. Các nhà chinh phục chỉ thưởng thức được xác bánh mà không rung động trước hồn bánh, vì thế, danh xưng mới mẻ chẳng khác chi lớp bột mì bọc quanh cái bánh gạo.

1

Người Tần-Hán xuống phương Nam đã thấy dân bản địa sinh sống bằng nghề trồng lúa. Điều không thể phủ nhận là các nhà nông này phải có sẵn tên gọi cho những sản phẩm làm ra từ hạt lúa, nguồn sinh tồn chính yếu của họ.

Thời hiện đại, giới bình dân vẫn quen đặt tên món ăn theo nguyên liệu chủ đạo tạo nên đặc trưng sản phẩm, như: cháo lòng, gỏi vịt, phở bò, rượu nếp than… Đồ vật có thể gọi là: giỏ tre, túi vải, thảm len, ghế gỗ…Thuở sơ khai, khi đầu óc cổ đại còn thuần phác, việc đặt tên sản phẩm theo chất liệu hẳn là thông dụng nhất. Vì thế, chúng tôi cho rằng loại bánh làm bằng gạo dẻo có tên nguyên thủy rất dung dị là bánh “nếp”.

Để tìm hiểu sâu hơn, chúng ta thử mở rộng chữ “nếp” sang không gian ngôn ngữ của các sắc dân gần gũi để xem họ định danh chất liệu này như thế nào.

Người Khmer (Khmeric) gọi ngũ cốc dẻo nói chung là /dɑmnaəp/ (đamnaơp), Khmer Surin (Khmeric) gọi nếp là /tnʌːp/ (tnăp với ă kéo dài). Người Pacoh (Katuic) gọi nếp là /deep/ (đêêp), Katu (Katuic) gọi là /dep/ (đêp), Kantu (Katuic) gọi là /dʌʌp/ (đắắp). Người Chứt [Rục] (Vietic) gọi nếp là /dé:p/ (đếp với ê kéo dài).

Nhìn qua các tên gọi, bằng chủ kiến của người thuộc thế giới ngôn ngữ đơn tiết, chúng tôi hình dung rằng trước khi phân thành đế:p trong tiếng Chứt và nếp trong tiếng Việt, từ Vietic cổ chỉ “nếp” hẳn phải có tổ hợp phụ âm đầu là “dn” hoặc “tn”. Chúng ta thấy yếu tố “dn” nằm trong từ song tiết Khmer /dɑmnaəp/ (đamnaơp) và yếu tố “tn” nằm trong từ Khmer Surin /tnʌːp/ (tnắp với ă kéo dài). Đây là hai ngôn ngữ ít chịu áp lực đơn tiết hóa từ khối ngữ hệ Kra-Dai hay Hán Tạng nên còn bảo lưu các yếu tố cổ xưa hơn. Mặt khác, Khmer Surin (Khmer Bắc) gần gũi hơn với người nói tiếng Tai Tây Nam nên “nếp” của họ dường như mang hình thức mới đơn giản hơn so với “nếp” Khmer. Có thể hình dung biến chuyển từ song tiết sang đơn tiết với tổ hợp phụ âm đầu trong các ngôn ngữ chi Khmeric như sau:

/dɑmnaəp/ (đamnaơp) -> /tnʌːp/ (tnắp với ă kéo dài)

Tạm xem /tnʌːp/ (tnắp với ă kéo dài) là dạng khả dĩ của của một từ Vietic cổ vốn có thể phân thành đếp trong tiếng Chứt và nếp trong tiếng Việt. Nó có khả năng biến chuyển theo hai hướng, hướng mất phụ âm “n” hoặc hướng mất phụ âm “t” trong tổ hợp phụ âm:

a. Mất phụ âm “n”: /tnʌːp/ (tnắp) -> /tʌːp/ (tắp với ă kéo dài) -> /dʌʌp/ (đắắp) -> /dep/ (đếp)
b. Mất phụ âm “t”: /tnʌːp/ (tnắp) -> /nʌːp/ (nắp) -> nếp

Như đã biết, hiện tượng biến đổi qua lại giữa các phụ âm t-đ-n rất phổ biến, nên “đếp” và “nếp” thực ra chỉ là một. “Nếp” được dùng bởi người Kinh, “đêp” hay “đêêp” bởi người Katu, Pacoh, và Chứt (Rục).

Với trường hợp mất phụ âm “n”, cách biến đổi có thể theo một chiều hướng khác nữa:

c. Mất phụ âm “n”: /tnʌːp/ (tnắp) -> /tʌːp/ (tắp với ă kéo dài) -> /tɛp/ (tép) -> tét

Kiểu biến đổi nguyên âm trong cả ba trường hợp trên được giả thiết dựa theo biến đổi ở:  cặp -> kẹp, nấp -> nép, sắp -> xếp, ngạt -> nghẹt, trát -> trét….

Mặt khác, trong tiếng Việt, hai phụ âm cuối “p” và “t”có khả năng hoán chuyển cho nhau, như: sáp nhập thành sát nhậpquặp thành quặtngộp thành ngột (ngạt)cúp thành cắtphấp (phới) thành phất (phới)dẹp thành dẹt

Vậy “tép” có thể trở thành “tét” mà vẫn truyền tải nghĩa ban đầu là nếp chứ không mang nghĩa mới.

Kết luận: bánh “tét” = bánh “nếp”.

Sự biến đổi lớn lao đến thế dĩ nhiên dễ tạo hoài nghi. Nhưng chúng tôi mong rằng mọi người sẽ lấy lại ít nhiều tin tưởng nếu biết sắc dân Brao [Laveh] (Bahnaric) gọi “gạo nếp” là /phɛ: tit/ (phe tit với e kéo dài). Nhờ người Brao mà chúng ta có thể kiểm tra lần chót trước khi đặt dấu hỏi với cách hiểu “tét” là “cắt bánh bằng dây” hoặc bánh “tét” là bánh “Tết”.

CÂY NÊU

Khái niệm tương tự “cây nêu” tồn tại trong nhiều nền văn hóa và được khái quát bằng tên “cây sự sống”. Cây sự sống nằm ở tâm điểm địa lý-tinh thần của một cộng đồng người, nó giúp cộng đồng giao tiếp với thế giới bên ngoài cuộc sống thường nhật. Hai cây sự sống lừng danh nhất mà tất cả chúng ta đều biết là cây Bồ đề nơi Đức Phật đắc đạo và cây thông Noel.

“Cây sự sống” còn là tên gọi khác của khái niệm “trục vũ trụ”, biểu tượng cho sự nối liền trời và đất, người và thánh thần. Đỉnh núi, bậc thang, tháp giáo đường, làn khói từ nén hương hay chính thân thể con người đều có thể là trục vũ trụ tùy theo quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng.

Theo Waruno Mahdi, học giả Đức, dạng cây tế lễ mang ý nghĩa phồn thực và cây tam tài với bộ ba rắn-chim-cây đã được khuếch tán từ khu vực Đông Nam Á lên phía bắc đến Trung Hoa và về phía tây đến Ấn Độ. Một cây sự sống điển hình làm bằng đồng đã được khai quật từ di chỉ Tam Tinh Đôi xưa thuộc Cổ Thục, nay thuộc Tứ Xuyên. Gốc cây trang trí tượng rồng, nhánh cây trĩu quả bên trên trang trí hình chim. Rồng-rắn liên lạc với thế giới trong lòng đất và đe dọa ma quỷ, chim mang thông tin đi lại giữa trời và người, hoa trái là ước vọng mùa màng tươi tốt. Stephen Oppenheimer cho rằng các mặt nạ và tượng người Tam Tinh Đôi khác phong cách đồ đồng nhà Thương, nhưng khá giống hình chạm khắc Tiki của khu vực Đa đảo. Ông cũng nhận định rằng với tuổi đời 3.100 năm mẫu cây này chưa phải cổ nhất. Mẫu cổ nhất từng xuất hiện tại Sumer cách đây 5.000 năm.(9)

2

3

Có lẽ ý niệm về cây nêu cũng giống như kỹ thuật đúc-trang trí trống đồng, những thành tố mờ nhạt hoặc ngoại vi đối với văn hóa Trung nguyên, đã truyền đến vùng đất nay thuộc Việt Nam từ Tây hoặc Nam Á.

Cây nêu Kinh Việt đại diện cộng đồng nhỏ như gia đình, đền miếu… nên ý nghĩa giản lược đi. Nó chỉ còn là bảng hướng dẫn lối về thăm con cháu của người đã khuất, là nơi bộc lộ ước nguyện về cuộc sống sung túc, an lành. Cây nêu Tây Nguyên mang cùng ý nghĩa nhưng trang trí công phu hơn, có vẻ gần nguyên gốc Nam Đảo với tượng chim gắn trên đỉnh cột, hình hoa trái kết ở thân cột và tượng thằn lằn hay thủy tộc điểm dưới chân cột.(13)

“Nêu” có nghĩa là bày ra, cũng hàm nghĩa chỉ lối (tương đương show, exhibit  hay instruct).

Âm “nêu” hay “bày ra” hay “chỉ dẫn” trong tiếng proto Bahnaric được phục dựng là /-nɛ/ (-ne), trong tiếng proto South Bahnaric là /kne:/ (knê với ê kéo dài). Dù hiện nay các sắc tộc gọi “cây nêu” bằng nhiều tên khác nhau, nhưng để diễn đạt ba ý dẫn ở trên một số vẫn phát âm rất gần gũi âm “nêu” của ta:

– Stieng [Bulo] (Bahnaric): /kənej/ (kơnêy)
– Cua (Katuic): /kanʌ?/ (kanăh)
– Mnong [Rolom] (Bahnaric): /nuh/ (nuh)
– Sedang (Bahnaric): /nujh/ (nuyh) chỉ cây trụ
– Lawa [Mae Sariang] (Palaungic): /ju?/ (yuh)
– Pear [Kompong Thom] (Pearic): /hnɛ/ (hne)
– Nyah Kur (Monic): /lɛl/ (lel)
– Temiar (Aslian): /pʌnʌhnʌh/ (pănăhnăh) chỉ sự trưng bày

Trên báo Đắk Lắk điện tử số ngày 20/01/2018, ký giả Nguyễn Văn Sơn qua bài “Cây nêu trong tâm thức của người Cơ Tu” cho biết dân bản xứ gọi cây nêu là x’nur.

Chung một tưởng tượng về cây sự sống, cộng đồng Việt là thành viên của nền văn minh vĩ đại trải dài từ Cận Đông đến các hải đảo Thái Bình Dương, tỏa sang tận Âu Mỹ. Nền văn minh này thiếu sự tham gia đầy đủ của Trung Hoa.

Thực ra Đạo giáo Trung Hoa cũng có khái niệm núi thiêng hay cây sự sống. Nhưng kỳ lạ thay, đào tiên chỉ có trong vườn nhà Tây Vương mẫu là vị thần gốc ngoại, còn tên các đỉnh núi thuộc dãy Côn Luân phải phiên âm sang tiếng Hán mà người Hán cũng không rõ nghĩa. Những câu chuyện thần tiên đều phảng phất hương xa. Lão Đam có lẽ đã ngầm chỉ cho đồ đệ biết uyên nguyên của Đạo khi cưỡi trâu theo hướng Tây để đi vào bất tử.

Ý niệm về cây sự sống và việc dựng nêu chỉ lẩn quẩn trong sinh hoạt Đạo giáo mà không tràn lấn ra ngoài xã hội bởi lý do đặc biệt: người Trung Hoa quan niệm rằng chính đế quốc của họ là cây nêu, là trục thế giới (axis mundi), nơi tiếp nhận nguyện vọng của mọi sắc dân, cũng chính là nơi thụ lĩnh hồng phúc của trời để ban khắp nhân gian. Trăm năm gần đây Trung quốc không chu toàn công việc tự nhiệm nên họ mệnh danh thời đoạn đó là “bách niên quốc sỉ”.

Quan sát kỹ hơn, chúng ta thấy sự mờ dần của kiểu trục vũ trụ dưới hình thức “cây” từ cao nguyên xuống duyên hải. Cây chất liệu đồng rực rỡ Cổ Thục, khi ấy còn là vương quốc tự chủ, biến thành đôi khúc mía trên ban thờ của dân Phúc Kiến.(14) Mía cũng là đối trọng không xứng tầm tại đồng bằng Việt Nam đối với những cây nêu gần nguồn cội hơn của các sắc tộc Tây Bắc, Tây Nguyên. Sinh hoạt quanh cây nêu của người Kinh tuy vậy vẫn nổi bật so với người Trung quốc. Nó thể hiện mức độ trung ương tập quyền thấp hơn ở nước ta, nơi ý thức hệ chính thống chưa chiếm lĩnh hoàn toàn không gian dành cho niềm tin dạng “shamanism”.

ÔNG TÁO, LỬA, BẾP VÀ LÒ

Sự tích Táo quân là hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn người mua, nhưng lửa, bếp và lò là câu chuyện rất xưa của những bộ tộc nói tiếng Mon-Khmer, những cộng đồng suốt chiều dài lịch sử đã nhẫn nại đóng góp phần mình để hình thành quốc gia-dân tộc Việt Nam.

“Lửa” thể hiện trong các ngôn ngữ Mon-Khmer qua hơn 10 âm chính khác nhau.(15) Xin phiên sang Kinh Việt dưới đây, rất vụng về, một số âm thông dụng nhất để dễ hình dung:

1. Lửa = Huus/Hos/Ous: nói bởi các sắc tộc Jahai, Semelai, Semai (Aslian); Sre (Bahnaric); Kantu, Katu (Katuic); Phong (Khmuic).
2. Lửa = Hunh/Honh/Un: nói bởi các sắc tộc Koho, Stieng, Bahnar, Sapuan, Cua, Halang, Laven, Mnong, Brao, Alak, Jeh, Tampuan, Cheng, Tarieng, Sedang (Bahnaric).
3. Lửa = Huuyh/Mpoyh/Hôôyh: nói bởi các sắc tộc Ta’Oi, Katu, Ngeq, Pacoh, Souei, Bru, Kui (Katuic); T’in [Mal] (Khmuic).
4. Lửa = Kuh/Kur/Kus/Kuy/Kuuch/Kuut/Kul/Kuư: nói bởi các sắc tộc Chứt, Thavung, Pong, Malieng, Tho, Mường (Vietic).
5. Lửa = Hê:/Nhe: nói bởi các sắc tộc O’du, Tai Hat (Khmuic); Mang (Palaungic).
6. Lửa = Ngo/Ngu/N-gu/Ngol/Nhau/Nhon/Nhăl/N-gall: nói bởi các sắc tộc Lawa, Wa, Kawa, Samtau, U, Danaw, Lamet, Tai Loi (Palaungic).
7. Lửa = Plơơng/Phlâng: nói bởi các sắc tộc Khmer, Khmer Surin (Khmeric).
8. Lửa = Prươ/Phrươ: nói bởi sắc tộc Khmu (Khmuic).
9. Lửa = Plê:u/Plêêu/Phleo/Pliu: nói bởi các sắc tộc Chong, Pear (Pearic).
10. Lửa = Đinh/Đoyn: nói bởi các sắc tộc Pnar, Khasi, Lyngngam [Rongrin] (Khasic).
11. Lửa = Mơt/Kơmat/Hmat: nói bởi các sắc tộc Bolyu (Mangic); Nyah Kur, Mon (Monic).

Người Vietic dùng các từ kuh, kur, kus, kuy, kuuch… để chỉ chung củi và lửa, riêng Kinh Việt đa đoan nên củi là củi, lửa là lửa. Vậy lửa từ đâu tới?

Lửa được nhân loại biết đến và sử dụng cách đây hàng trăm nghìn năm. Con người tứ tán bốn phương suốt thời gian dằng dặc nên các bộ tộc gọi lửa bằng nhiều cách quá khác nhau cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, xét mười một kiểu gọi lửa như trên chúng ta thấy ngay sáu cách gọi đầu có mối tương quan nhất định. Âm “kh”, “h”, “h câm” có thể thay thế vị trí của nhau trong nhiều thứ tiếng. Người Nga dùng “kh” thay vì “h”. Trong tiếng Việt, “h” và “kh” có thể hoán chuyển trong một số trường hợp.(16) Trong tiếng Pháp âm “h” có thể câm, có thể không. Như thế, các âm thuộc năm trường hợp đầu có dấu hiệu đồng nguyên. Riêng trường hợp thứ sáu, âm “ng” hay “nh” có vẻ kín kẽ, tuy nhiên, nếu ta phát âm “ngo” thành “n-go” và “nhon” thành “n-hon” thì sẽ nhận ra mối liên quan giữa chúng và các âm của năm trường hợp trước. Trường hợp thứ mười, mười một hiện thời chúng tôi thấy cách biệt, nhưng nhóm âm thứ bảy, tám, chín thì đích thực chỉ từ một gốc cổ mà ra. “Lửa” của ta rất giống lửa của Khmu /prɨə/ (prươ), /prɨə/ có thể biến sang thuần đơn tiết theo quá trình sau:

/prɨə/ (prươ) -> plươ -> lươ -> lửa

“Bếp” được hiểu như cái khung, cái bàn, cái bệ, cái phòng…để cố định các lò cung cấp nhiệt nấu ăn. Dưới đây là phiên âm Kinh Việt của một số từ chủ yếu thuộc nhánh Mon-Khmer mang nghĩa bếp.

1. Bếp = đapôl/habuh/đabô/tơpur/boh/bơơu/kbo/phao/haboh: nói bởi sắc tộc Jehai, Semelai, Kensiu (Aslian); Halang (Bahnaric); Mlabri, Phong, O’du (Khmuic); Mon (Monic); Pacoh (Katuic).
2. Bếp = tapeh/hapeh/tupeh/tpe/kapớp: nói bởi sắc tộc Ta’Oi, Ngeq [An Diem], Katu [Phuong], Pacoh, Bru (Katuic); Pnar [Jowai] (Khasic); Chứt [Rục] (Vietic); Cua (Bahnaric).
3. Bếp = toh/tum/tuk: nói bởi sắc tộc Lavi (Aslian); Cua (Bahnaric); Thavung (Vietic).
4. Bếp = blaa/krưư: nói bởi sắc tộc Kantu (Katuic); Khmer Surin (Khmeric).
5. Bếp = changkraan/tongklong/tonglong/rôngklông/tôngklông/haxong: nói bởi sắc tộc Khmer (Khmeric); Pear [Kompong Thom], Chong [Western Pear, Trat, Samray] (Pearic); Pacoh (Katuic).

Cách phát âm chữ bếp trong các trường hợp thứ nhất và thứ nhì rất gần nhau. Do chúng là từ bán song tiết nên ta chỉ cần chú ý đến phần trọng âm pôl, buh, bô, pur, peh, pe, pơp. Bếp Kinh có thể được đơn tiết hóa theo quá trình sau:

/tapɛh/ (tapeh) -> tpeh -> peh -> bếp
hoặc là
/kapəp/ (kapớp) -> kpớp -> pớp -> bếp

“Lò” là vật dụng để chứa nhiên liệu và phát nhiệt. Nhiều tộc người dùng luôn từ “lửa”, “bếp” để chỉ “lò”. Xin trình bày bảng kê tóm tắt dưới đây:

1. Lò = tungul/wal/hunh/phơhuh/thơuang: nói bởi sắc tộc Jahai, Semai (Aslian); Bahnar (Bahnaric); Lamet [Lampang, Nkris] (Palaungic).
2. Lò = nhaak/pnah/pơnưm: nói bởi sắc tộc Mnong [Rolom] (Bahnaric); Chong [Kasong, Kompong Som] (Pearic).
3. Lò = blaa/bloo/ploo/taplo/taw/laa/tơlau/tơlaang/taulaang/kơnlau: nói bởi sắc tộc Kantu, Katu [Triw, Phuong], Ngeq [Chatong], Kui (Katuic); Khmer, Khmer Surin (Khmeric); Nyah Kur [Central, Huai Khrai, Northern, Klang, Southern] (Monic).
4. Lò = tapeh/tupeh/chơboh: nói bởi sắc tộc Ta’Oi, Pacoh, Bru (Katuic); Khsing-Mul (Khmuic).

Như vậy âm “lò” của người Kinh có hai xuất xứ: một là do những âm Mon-Khmer ở mục thứ ba biến đổi, đơn tiết hóa mà thành; hai là do dịch chữ “lô” từ Hán ngữ. Cũng nên chú ý âm /təlaw/ (tơlau) trong tiếng Nyah Kur, nó chỉ cái lò kiểu khoét dưới đất. Dĩ nhiên muốn oxy di chuyển được phải có ba viên đá bên trên để kê nồi. Rất có thể “đầu rau” của phương ngữ miền Bắc đã phát sinh trên nền tơlau này. Mặt khác, âm /blɔɔ/ (bloo) của Katu [Triw] và /blɑɑ/ (blaa) của Kantu cũng có khả năng dẫn đến từ ghép “bù rau”.

Nhiều từ Kinh Việt liên quan đến lửa cũng có mặt trong các ngôn ngữ Mon-Khmer khác, như: đốt, thiêu, (lửa) riêu, tắt, rang, hơ, thổi, phun, củi…Âm hiện đại của ta không chắc đã mới hơn âm đang dùng của các tộc khác, do vậy, chiều chuyển sang đơn tiết không phải duy nhất mà có thể ngược lại.(17)

Rất thú vị khi số chữ nghĩa vừa được luận bàn dù liên quan xa gần tới cái Tết theo phong tục Trung Hoa nhưng lại toàn gốc Nam Á. Lớp từ thái cổ cho thấy tầm vóc của liên minh các bộ lạc trên đất Việt Nam xưa. Hầu hết các bộ tộc nói tiếng Mon-Khmer đều có đóng góp cho Việt ngữ, không nhiều thì ít, chưa tính đến những bộ tộc đã tan biến từ lâu vào cộng đồng của chúng ta. Ngược lại, bất kỳ từ vựng Kinh Việt cơ bản nào cũng có thể được tìm thấy trong một hay nhiều ngôn ngữ cùng hệ khác. Tết Nguyên Đán giống tên gọi bánh chưng, chỉ là lớp sương bụi bột mì phủ lên lễ hội mùa màng của giống dân ăn gạo.(18) Hình ảnh huyền hoặc như thế thật quyến rũ. Và lịch sử sẽ quyến rũ hơn nữa với vô số sắc màu nếu các lớp từ muộn gốc Kra-Dai, Nam Đảo, Hán Tạng bên trong tiếng Kinh Việt được nghiên cứu triệt để.

Đó cũng là gợi ý được Paul Sidwell đưa ra trong phần giới thiệu mục Mon-Khmer trên trang web sealang.net:

Từ lâu trước sự trỗi dậy rồi tiêu vong của các đại đế quốc Funan, Dvaravati và Angkor, những ngôn ngữ Mon-Khmer đã là ngôn ngữ chung cho vùng Đông Nam Á. Chúng là chìa khóa để diễn giải lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa Á châu giống như việc dùng tiếng Hy Lạp, La Tinh hoặc Gothic để hiểu Âu châu; đó là nhờ chính bản thân chúng hoặc nhờ sự tương tác giữa chúng với các ngữ hệ Hán-Tạng, Nam Đảo và Tai-Kadai.

Trong lĩnh vực này, bạn có cơ may thành công khi tìm hiểu Việt Nam bằng chiếc chìa khóa khác? Chúng tôi tin là không.


Chú thích:

(1) Trần Quốc Vượng, Trong Cõi, Nxb Hội Nhà Văn (2014), trang 185-190.
(2) Nếu các xóm nấu bánh chưng dài này là hậu duệ tù binh Chăm thì người viết xin nhận mình sai.
(3) Lĩnh Nam chích quái tương truyền là sách đời Trần nhưng đã được sao đi chép lại nhiều lần. Bản xưa nhất không quá thế kỷ XVIII nên nội dung “Chưng bính truyện” có thể bị “hiện đại hóa” bởi các nhà biên tập thế hệ sau.
(4) Cũng gọi là “tông tử” chỉ chung các loại bánh làm bằng bột nếp hay gạo nếp.
(5) Xem https://bit.ly/3qFmLKf
(6) Xem http://bit.ly/3c0vS49
(7) Xem http://bit.ly/3obDH9E
(8) Xem http://bit.ly/3pdw3wQ
(9) Stephen Oppenheimer, Eden in the East, The Guernsey Press Co. Ltd, Guernsey, C.I (2001), trang 433, 434. Bản pdf http://bit.ly/3pfvPoT
(10) Xem https://bit.ly/364he8g
(11) Xem http://bit.ly/365TWii
(12) Xem http://bit.ly/3qGB69k
(13) Đồ án trang trí tối cổ nay đã hơi khác nhau giữa các bộ tộc.
(14) Người Phúc Kiến giỏi hải thương, có thể họ tiếp thu tục lệ từ các sắc dân Đông Nam Á chuyên nghề biển. Cũng có thể đó là dấu vết còn lại của cư dân Cổ Mân.
(15) Âm proto Mon-Khmer phục dựng: /*[ ]ʔus/ hoặc /*ʔuɲ/. Âm proto Pearic phục dựng: /*bleːv/.
(16) Ví dụ như: “hà hà/khà khà”, “hông/không”, “hục hặc/khục khặc”.
(17) Giả định biến âm từ các âm thuộc ngôn ngữ khác sang âm Kinh Việt căn cứ vào sự biến đổi âm bên trong nhóm lớn Mon-Khmer.
(18) Hay “Việt” là từ chuyên dụng để chỉ cấu trúc này?

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111