Cơ thể bốc mùi phải chăng là gan đang cầu cứu? 3 thứ trà và 1 bát canh bổ gan trừ mùi
Cơ thể bốc mùi phải chăng là gan đang cầu cứu? 3 thứ trà và 1 bát canh bổ gan trừ mùi.
Thân thể bốc mùi, hoặc hơi thở có mùi thịt ôi, chính là gan có vấn đề
Bạn đã bao giờ ngửi thân thể của chính mình một cách cẩn thận chưa? Mùi mồ hôi khi người ta đổ mồ hôi là do mồ hôi bị phân hủy bởi vi khuẩn trên bề mặt da. Nhưng nếu có mùi thịt ôi, thậm chí vị chua ngọt, thì chứng tỏ gan đang sinh bệnh.
Ngô Uyển Dung, viện trưởng Viện Trung Y Duệ Minh Đường giải thích, gan là cơ quan xử lý và phân giải độc tố trong thân thể, trong tình huống bình thường, chất độc sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường đại tiện. Nếu chức năng gan bất thường, khiến độc tố gan không thể bài tiết ra ngoài một cách thuận lợi, lượng amoniac và nitơ urê trong máu sẽ gia tăng. Amoniac là một loại khí có mùi thối, nó sẽ bị tống ra khỏi miệng, mũi và lỗ chân lông khi thở, gây ra hôi miệng và cơ thể bốc mùi. Những người có triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện mùi thịt thiu.
Người bệnh có chức năng gan bất thường nghiêm trọng sẽ có mùi cơ thể như táo thối. Ngô Uyển Dung mô tả nó có mùi chua ngọt cộng với mùi trứng thối hoặc cá thối, “Đây gọi là mùi gan. Khi xuất hiện loại mùi này, thường là bệnh nhân đã bị suy gan.” Vì vậy, khi cơ thể có mùi táo thối thì bạn nên đi xét nghiệm gan càng sớm càng tốt.
Uống rượu, hút thuốc và ăn trầu sẽ làm tăng gánh nặng giải độc cho gan, những người có thói quen xấu này thường có chức năng gan kém và mùi cơ thể rõ rệt hơn người bình thường.
Những triệu chứng sau đây đều là dấu hiệu chức năng gan đang xấu đi
Khi chức năng gan suy giảm, con người không chỉ dễ bị mùi cơ thể mà còn có những triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng:
Gan huyết hư: Khô tóc khô mắt, tóc bạc rất nhiều, thị lực mơ hồ, dễ tê chân tay.
Gan hỏa vượng: Xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi của gan như khô miệng, huyết áp cao, đầu trướng và đau, hôi miệng và cơ thể bốc mùi. Khi gan hỏa thành viêm, khiến thần kinh não bộ khó an định, sẽ xuất hiện rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ nông, mơ nhiều, v.v. Ngô Uyển Dung cho biết, người nằm chung giường sẽ nghe thấy họ thường xuyên nghiến răng và nói chuyện trong khi ngủ, xảy ra như thế trong hơn nửa tuần, điều này cho thấy gan hỏa quá vượng, gan quá nóng, nên đi khám để trị liệu.
Viêm gan, suy gan: Lúc này, cơ thể có mùi hôi nghiêm trọng, có mùi như táo thối.
Vì gan kiểm soát máu nên giai đoạn đầu của tình trạng suy giảm chức năng gan là gan huyết hư. Máu thuộc về âm dịch, nếu âm dịch trường kỳ không đủ, thì sẽ tạo thành gan hỏa vượng, tích tụ lâu sẽ ác hóa thành viêm gan, suy gan. Ngô Uyển Dung nhắc nhở rằng nếu mọi người có các triệu chứng thời kỳ đầu như gan huyết hư, nên điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn bệnh tình trở nên tồi tệ hơn.
Rau xanh tốt cho gan, tránh các loại gia vị làm tăng mùi cơ thể
Bước vào giai đoạn ngủ sâu từ 11 giờ tối đến 3 giờ sáng mới có thể giúp gan phát huy chức năng bài độc và sửa chữa khôi phục. Tuy nhiên, do các yếu tố như công việc bận rộn hoặc chăm sóc con cái, nhiều người thường xuyên làm việc về đêm, thức khuya, ngủ không đủ giấc khiến gan không thể nghỉ ngơi trong thời gian thải độc, dẫn đến sinh ra vấn đề hơi thở hôi và cơ thể bốc mùi.
Những tình huống này rất thường gặp ở phòng khám ngoại trú của Ngô Uyển Dung, nếu khó thay đổi hình thái sinh hoạt, bà sẽ khuyên những bệnh nhân này bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho gan.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, màu sắc và tạng phủ có sự đối ứng lẫn nhau, màu xanh nhập gan, màu đen nhập thận, màu đỏ nhập tim, màu vàng nhập lá lách, màu trắng nhập phổi. Để bồi bổ gan, làm thông và giải độc gan, nên ăn nhiều thực phẩm màu xanh như súp lơ xanh, đậu xanh, mướp đắng, măng tây, lá khoai lang, rau bina, rau muống,… Y học hiện đại tin rằng rau xanh có chứa thành phần chống oxy hóa có thể ức chế phản ứng viêm.
Đồng thời, bạn cũng có thể ăn thêm các loại nấm giàu polysaccharides. Khi gan ở trạng thái bị viêm, polysaccharides có thể sửa chữa tế bào, tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch và giảm gánh nặng giải độc cho gan.
Ngô Uyển Dung nhắc nhở rằng những bệnh nhân bị yếu gan và viêm gan nhẹ nên tránh các món nướng, chiên, cay và các thực phẩm kích thích khác trong chế độ ăn hàng ngày, cũng như tỏi tây, tỏi, hành, lá é, gừng và các loại gia vị hương liệu có thể khiến mùi cơ thể nặng hơn. Những gia vị này thường được nấu chín và xào với rau củ, chỉ cần vớt ra và không ăn.
3 loại trà bổ gan giúp giảm hôi miệng và mùi cơ thể
Vì gan chịu trách nhiệm trao đổi chất và giải độc, nên bệnh nhân bị yếu gan phải uống nhiều nước hơn và bổ sung đủ nước để thúc đẩy tuần hoàn. Lượng nước uống hàng ngày của người trưởng thành vào khoảng 1500-2000cc, một phần có thể thay thế bằng các loại trà bổ gan sau:
1. Trà kỷ tử và táo đỏ
Số lượng và cách chuẩn bị hàng ngày: 3 thìa kỷ tử (khoảng 15 gram), 5 đến 6 quả táo đỏ, thêm 1000cc nước và đun sôi trong khoảng 10 phút thì tắt bếp.
Ngô Uyển Dung cho biết, cả kỷ tử và táo đều có tác dụng bổ gan, những người có triệu chứng gan huyết hư thường có thể uống.
2. Trà hạt quyết minh (決明子茶) (hạt muồng)
Lượng và phương pháp hàng ngày: Thêm 3 thìa hạt quyết minh vào 1000cc nước và đun sôi thành trà.
Hạt quyết minh có tác dụng thanh lọc gan, cải thiện thị lực, dưỡng ẩm ruột và nhuận tràng, vì vậy những người có triệu chứng gan hỏa thịnh (gan nóng quá mức) như khô miệng khô lưỡi, đắng miệng, hôi miệng, táo bón có thể uống trà hạt quyết minh.
3. Trà hoa cúc
Số lượng và cách làm hàng ngày: Cho 3 bông hoa cúc vào 1000cc nước rồi đun sôi thành trà hoa cúc.
Hoa cúc có tác dụng êm gan, sáng mắt, thanh nhiệt, giải độc, người có gan hỏa thịnh thích uống trà hoa cúc khi bị khô mắt, hôi miệng.
Uống những loại trà này hàng ngày có thể cải thiện chức năng gan, từ đó làm chậm chứng hôi miệng và giảm các vấn đề về mùi cơ thể do gan kém. Ngô Uyển Dung nhắc nhở rằng, vì gan đã bị viêm, đường là thực phẩm có thể gây viêm, không nên thêm đường vào các loại trà này.
Vừa mùi cơ thể vừa kém ăn? Dùng canh tứ thần thang
Gan trong y học Trung Quốc không chỉ liên quan đến cảm xúc, mà còn ảnh hưởng đến ruột và dạ dày. Nhiều người bị mùi hôi cơ thể do chức năng gan kém cũng có thể gặp vấn đề chán ăn, căng thẳng liền nghĩ đến đi vệ sinh, lúc này có thể dùng tứ thần thang để phục hồi sức khỏe.
Ngô Uyển Dung giới thiệu, tứ thần thang là một loại thuốc bổ phù hợp cho mọi lứa tuổi, trong thành phần có hạt sen, khiếm thực, phục linh và khoai mỡ đều có tác dụng bổ tỳ, điều lý tỳ vị. Chỉ sau khi chức năng tiêu hóa được tăng cường, thì gan mới được nuôi dưỡng đầy đủ.
Nguyên liệu làm canh tứ thần thang: 600gr sườn heo (có thể thay thế bằng lòng heo hoặc bụng heo), y dĩ, hạt sen, khiếm thực mỗi loại 75gr, 3 lát phục linh, 10 lát khoai mỡ, 1 thìa cà phê muối, và 1 muỗng canh rượu gạo (Dùng cho khoảng 4 người).
Cách làm:
1. Y dĩ chỉ cần rửa sạch và ngâm trong nước từ 2 đến 3 giờ, vớt ra và đặt sang một bên.
2. Rửa sạch hạt sen, khiếm thực, phục linh và khoai mỡ với nước, để ráo nước và để riêng.
3. Sườn rửa sạch, chần sơ cho hết nước máu, vớt ra, để ráo nước và để riêng.
4. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào nồi, đổ vào khoảng 1500cc nước rồi đun sôi với lửa lớn.
5. Sau khi đun sôi, vặn lửa nhỏ đun cho đến khi các nguyên liệu mềm và nhão ra thì thêm lượng muối và rượu gạo vừa miệng, đun nhỏ lửa thêm 2 đến 3 phút, đợi cho rượu bay hết rồi dùng.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch