Vì sao cảnh người phụ nữ bồng con khiến người ta có cảm giác tốt đẹp?
Vì sao cảnh người phụ nữ bồng con khiến người ta có cảm giác tốt đẹp?
Có bao giờ bạn hồi tưởng về tuổi thơ, mình từng rúc vào lòng mẹ mà ngủ, đêm đông sao mà ấm áp; tiếng mẹ ầu ơ, chiếc võng đu đưa, “giấc mộng trưa hè” ấy còn đẹp hơn cả những giấc mơ?
Nếu đó là những gì bạn đã từng trải qua, bạn có từng tự hỏi vì sao những bức ảnh minh tinh trẻ trung xinh đẹp nhất cũng không khiến bạn có cảm giác tốt đẹp bằng người phụ nữ bình dị, tảo tần, bên đứa con thơ dại?
Trong tiếng Hán, bộ Nữ 女chỉ người phụ nữ, đặt bên cạnh chữ Tử 子 chỉ đứa trẻ, hợp thành một chữ Hảo 好, nghĩa là tốt đẹp, tốt lành. Định nghĩa của cổ nhân về sự tốt đẹp, tốt lành giản đơn mà cũng ý vị, thâm sâu như vậy đó.
Theo trào lưu của xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều nữ thanh niên ngại kết hôn, ngại có con, vì tâm hồn tự do không muốn bị ràng buộc, và những nỗi khổ khi sinh và nuôi con cũng đủ làm nản lòng những ai muốn có một cuộc sống thong dong, tự tại.
Khổ thì đúng là khổ thật đấy. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, bao đêm thức giấc cho con ăn, ru con ngủ; vì con mà mẹ không còn thân hình thon gọn, tóc rụng, da hiện tàn nhang; đấy là chưa kể những nhọc nhằn lo âu khi con ốm, áp lực từ gia đình chồng, và đủ thứ khổ không tên.
Ngoài ra, trên đời này có những người phụ nữ không con, hoặc vì bản thân không thể sinh nở, hoặc vì tự chọn xuất gia tu hành…, có nhiều lý do, nhưng họ vẫn sống một cuộc đời cao quý.
Vậy nên, người phụ nữ không tuyệt đối nhất định phải có con, đây là lựa chọn cá nhân và cũng là số phận mà Ông Trời an bài cho bạn. Nhưng khi hồi tưởng về hai hình ảnh nhắc đến ở đầu bài viết, phải chăng tâm hồn ta như được sưởi ấm, như được chở che bởi một trong những điều tuyệt diệu, mỹ hảo nhất nhân gian?
Người sống trên đời đa phần truy cầu “hạnh phúc”. Nhưng ít có thứ hạnh phúc nào lâu bền mà chưa trải qua quá trình vất vả, gian nan. Cây trải qua mùa đông khắc nghiệt, tích luỹ nhựa sống, thì mới thấy được mùa xuân ấm áp, mới cho hoa thơm trái ngọt. Người đi qua một hành trình nhọc mệt, buông bỏ cái tôi mà thiện đãi người khác, thì mới cảm nhận được thế nào là “khổ tận cam lai”. Tuổi già ai chẳng muốn cảnh cháu con sum vầy, để đến được ngày đó ắt phải đi qua những tháng năm tuổi trẻ bộn bề vất vả.
Nếu coi đời người là nơi để tận hưởng vui thú, thì ta sẽ bị khổ ải làm chùn chân. Nhưng nếu biết nhân sinh vốn là cõi tạm, an nhàn cũng chỉ được nhất thời, làm thế nào để tu dưỡng đạo đức, thăng hoa bản thân mới là trọng yếu, thì ta sẽ có một tâm thái cởi mở, can đảm khi đối diện với tất cả thử thách khó khăn. Điều thành tựu được của người phụ nữ không chỉ là những đứa con, mà còn là phẩm chất của một người mẹ hiền hậu, kiên cường, sáng suốt, độ lượng, vị tha.
Điều khiến người ta cảm thấy tốt đẹp ẩn sau hình ảnh người phụ nữ bồng con, phải chăng không chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi êm đềm ấy, mà còn là hành trình đằng đẵng gian nan mà cô ấy sẵn sàng tôi luyện bản thân để vượt qua, đơn giản vì thuận theo “thiên chức” cũng là một con đường tìm về với “Đạo”?
Thanh Ngọc