Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử Việt
Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử Việt
Phạm Trần Anh
DI CHÚC MUÔN ĐỜI !
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải mà ta phải nghĩ tới chuyện khác lớn hơn là họ không bao giờ tôn trọng biên giới quy ước. Họ cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác… Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau. Quá khứ là gốc rễ của tương lai, rễ càng đâm sâu thì cây mới vững vàng và càng vươn cao”.
vua Trần Nhân Tông (1279-1293)
Lịch sử Việt thời nhà Lý đã vô cùng oanh liệt với Danh Tướng Lý Thường Kiệt phá tan tành Trung Quốc năm 1075 cùng với bản Tuyên Ngôn Độc Lập “Nam Quốc Sơn Hà” viết bằng máu và nước mắt của biết bao con dân nước Việt. Thế nhưng, lịch sử Việt thời nhà Trần lại thêm phần hiển hách với chiến thắng đạo quân Mông Cổ tàn bạo khét tiếng lần đầu tiên trong lịch sử thế giới năm 1258 của Anh hùng Dân tộc Đại Đế Trần Thái Tông và 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông 1285 và 1288 của Hoàng Đế Trần Nhân Tông cùng với Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương. Đặc biệt, Đại Đế Trần Thái Tông, người anh hùng dân tộc được xem là Ngọn đuốc mở đường cho Thiền học Việt Nam và Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một Bồ Tát giữa đời thường “Cứu Nhân độ Thế’, khai mở Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam.
Người anh hùng dân tộc ngọn đuốc mở đường cho thiền học việt nam
Trong lịch sử chiến tranh xâm lược, vó ngựa Mông Cổ chưa một lần thất bại. Trong nửa đầu thế kỷ 13, một đế chế rộng lớn chưa từng thấy “Đế quốc” Mông Cổ trải dài từ Á sang Âu, từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia bờ Hắc Hải châu Âu. Ngày 29 tháng 1 năm 1258 nhà vua ra lệnh Tổng phản công sau 10 ngày giặc chiếm đóngThăng Long. Đại quân ta tiến ngược dòng sông về Thăng Long, từ các hướng quân ta khép chặt vòng vây rồi nhất loạt tiêu diệt toàn bộ quân giặc tại Đông Bộ Đầu. Thừa thắng, đại quân tiến thẳng về kinh thành, đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long. Viên đại tướng nổi tiếng thiện chiến Uriankhadai bỏ xác tại trận, số còn lại chạy thục mạng về Vân Nam. Tàn quân Mông Cổ tháo chạy về hướng Vân Nam chỉ còn 3 ngàn người và 1 vạn quân Đại Lý. Sau chiến thắng, nhà vua tổ chức lễ mừng chiến thắng vào đúng dịp tết Nguyên Đán 1258 rồi tuyên bố nhường ngôi cho Thái Tử, lên làm Thái Thượng Hoàng ở phủ Thiên Trường sau 33 năm giúp dân giúp nước.
Sau khi trở về Hoàng cung lo việc nước, nhà vua đã bắt đầu chuyên tâm tu tập theo Thiền tông Phật giáo. Tương truyền, khi vua Trần Thái Tông đọc kinh Kim Cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì hốt nhiên ngộ đạo. Nhà vua cũng dành thời gian để viết sách, năm 1252 hoàn tất quyển Thiền Tông Chỉ Nam Ca (Bài ca về yếu chỉ của Thiền tông) để truyền bá cho hậu sinh về kinh nghiệm giác ngộ của mình. Hoàng Đế Trần Thái Tông là một Hoàng Đế vĩ đại của Việt Nam, người đã chiến thắng đạo quân Mông Cổ thiện chiến hung hãn nhất thế giới lần đầu tiên trong lịch sử năm 1258. Ngoài ra, Ngài còn là một Thiền sư, một ngọn đuốc mở đường cho Thiền học Việt Nam với những tác phẩm lưu lại đời sau chỉ còn một số bài thơ, bài văn, một cuốn tựa kinh Kim cương, một tác phẩm Thiền Tông Chỉ Nam, và một tác phẩm từ lâu vốn vẫn nổi tiếng là Khoá Hư Lục. Đại Đế Trần Thái Tông, là một nhân tài kiệt xuất Việt Nam, một “Bồ Tát” hóa thân để cứu đời cứu đạo, cứu dân cứu nước, một “Đại Danh Tướng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại”. “Người” quả là nhân tài kiệt xuất, vĩ đại trong lịch sử nhân loại muôn đời vậy…
Lịch sử đời nhà Trần thêm phần hiển hách với nhà vua Trần Nhân Tông với tài thao lược kinh bang tế thế đã xây dựng đất nước phú cường. Nhà Vua cùng với Hưng Đạo Vương 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, Nhà vua trị vì 14 năm rồi năm 1293 truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng 5 năm, lên Am thiền trên núi Yên Tử sống một đời tu trì đạo hạnh suốt 8 năm rồi “hóa”. Nhờ trí huệ bát nhã nhà vua đã đốn ngộ lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
“Công danh chẳng trọng, Phú quý chẳng màng.
Kiếm chốn dưỡng than, Khuất tịch non cao, Náu mình sơn dã.
Vượn mừng hủ hỷ, Làm bạn cùng ta.
Vắng vẻ ngàn kia, Thân lòng hỷ xả.
Dốc chí tu hành, Giày sồi, áo vá
Thân này chẳng quản, Bữa đói, bữa no.
(Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, Trần Nhân Tông)
Trên phương diện tâm linh, nếu Đại Đế Trần Thái Tông chính là hóa thân của Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn trong đời sống bình thường của một con người, trọn nghĩa vẹn tình, chu toàn bổn phận của một con dân đất Việt trước đại họa mất nước thì vua Trần Nhân Tôn quả là một bậc chân nhân hiếm có trên cõi đời này đã tu chứng vượt qua cái bình thường của cuộc đời để đạt được cái phi thường. Nhà vua Trần Nhân Tôn đã từ chối ngôi vua 2 lần để mong cầu tu trì nhưng một khi phải lên ngôi vua, ngài sẵn sàng “Cởi áo Cà Sa khoác chiến bào…” không đặt vấn đề sát sanh mà vì cộng nghiệp của dân tộc, buộc lòng cũng phải ra tay chém giết kẻ thù nhưng lòng không hiếu sát. Hình ảnh của Phật Hoàng “Cởi áo Cà Sa khoác chiến bào…” đã đi vào lịch sử mang tính chiến đấu nhưng không lãng mạn trữ tình như một Tiêu Sơn Tráng Sĩ, một Phạm Thái Trương Quỳnh Như đời thường mà toát lên vẻ kiêu hùng dũng liệt, thấm đậm ý vị Thiền giữa cuộc đời, hình ảnh cao đẹp tuyệt vời đi vào tâm thức Việt này đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ thi vị hóa “Tu sĩ quyết chùa Am bế cửa, Tuốt ngựa vàng lên ngựa xông pha. Trả xong nợ nước thù nhà, Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô…”. Trong dòng lịch sử Việt, “Mái Chùa đã ấp ủ che chở hồn Dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ Tông…”, dưới mái chùa nóc oằn đầu dao cong vút trong lũy tre làng nơi mà những nhà Sư yêu nước cùng những trai tráng trong làng đã bao lần đứng lên chống quân Tầu Hán xâm lược, chống Thực dân Pháp và chống cả Việt Minh Cộng sản … đã góp phần viết lên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt.
Nhà Vua Trần Nhân Tông với tâm từ bi, nhân từ đức độ như một tu sĩ nên được dân gian gọi là Phật Hoàng, thế mà trước cảnh giang sơn bị quân thù xâm lược “Người” đã tuốt gươm lên ngựa xông pha giết giặc thù. Nhà vua đã đặt việc nước trước việc nhà, đặt dân tộc lên trên tôn giáo (Đạo pháp) là tấm gương “Đời-Đạo” siêu vượt, chứng tỏ khí chất cao cả phi thường của một con dân đất Việt còn giá trị mãi đến muôn đời.
Lịch sử Việt mãi mãi khắc ghi lời Di Chúc muôn đời của một vị vua yêu nước trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc như sau: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Quốc. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải mà ta phải nghĩ tới chuyện khác lớn hơn là họ không bao giờ tôn trọng biên giới quy ước. Họ cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác… Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau. Quá khứ là gốc rễ của tương lai, rễ càng đâm sâu thì cây mới vững vàng và càng vươn cao”.
Lịch sử Việt cũng ghi nhận đời vua Trần Nhân Tông đã tổ chức Hội nghị Diên Hồng mời bô lão toàn quốc về triều đình cùng bàn việc nước. Toàn thể bô lão đã đồng thanh hô lớn “Quyết chiến, Quyết chiến”. Chính sức mạnh của toàn dân đã tạo nên chiến thắng oai hùng đánh tan tành đạo quân Nguyên Mông phải tháo chạy về nước năm 1285. Đây là hình thức Quốc Dân Đại Hội, một điểm son trong lịch sử diễn ra trong một triều đại gọi là Phong kiến ngay từ thế kỷ 13, thể hiện truyền thống “Trọng lão”, tôn trọng ý kiến của toàn dân thể hiện tinh thần dân chủ truyền thống của dân tộc. Hội nghị Diên Hồng chính là cuộc “Trưng Cầu Dân Ý” một hình thức Dân chủ trực trị đầu tiên trong lịch sử nhân loại của triều đình quân chủ phong kiến Việt Nam ngay thế kỷ thứ 13. Toàn thể Bô lão tham dự Hội Nghi Diên Hồng đã xâm vào cánh tay hai chữ “Sát Đát” giết quân Mông rồi muôn người như một giơ cao tay hô to “Quyết chiến, Quyết chiến”, quyết chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ Quốc.
Lịch sử Việt cũng không quên lòng nhân từ, bao dung, độ lượng của nhà vua Trần Nhân Tông khi nhà vua ban lệnh đốt cả một “Tráp” là cái hộp để những “Biểu” là những văn bản, thư xin hàng giặc Nguyên của một số triều thần. Việc làm nhân từ khoan hồng cho những kẻ phản bội triều đình đã cảm hóa lòng người khiến kẻ xấu trở thành người tốt sau này. Ngay cả kẻ thù phương Bắc cũng phải thán phục nể trọng hành động nhân ái tràn đầy tính nhân văn cao đẹp của vua Trần. Nhà vua tự tay cởi áo hoàng bào để đắp lên thủ cấp của tướng giặc Toa Đô nằm dưới chân. Kẻ thù hung hãn bạo tàn nhất cũng phải cúi đầu tri ân đức hiếu sinh của vua Trần Nhân Tông đối với kẻ đã giết hại biết bao sinh linh dân Việt và có những hành động bất nhân đào mồ quật mộ phá hủy lăng mộ họ Trần. Truyện kể rằng sau chiến thắng Mậu Tý tháng 3 năm 1288, Hưng Đạo Vương cùng các tướng sĩ dẫn quân rước xa giá Thượng Hoàng và vua Trần Nhân Tông về kinh đô. Khi về đến Long Hưng, vua Trần đem bọn tướng Nguyên gồm Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc vào quỳ chịu tội làm lễ “Hiến Phù” trước Chiêu Lăng. Với đức hiếu sinh, lòng từ bi độ lượng, vua Trần quỳ lạy Chiêu Lăng rồi xin tha tội chết cho những kẻ thù đã đốt nhà cướp của, tàn sát dân Việt dã man. Với đức từ bi nhà vua cũng tha tội chết cho Ô Mã Nhi, kẻ đã cho lính quật mồ vua Trần Thái Tông, phá nát lăng miếu nhà Trần ở Long Hưng.
Về đến Thăng Long, nhà vua cho mở tiệc khao thưởng tướng sĩ. Nhân dân vui hội Thái Bình Diên Yến suốt 3 ngày đêm bù lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ với bao tang thương chết chóc của toàn quân toàn dân Việt. Nghĩ tới đất nước vừa trải qua cơn binh lửa nay lại thanh bình, Thái Thượng Hoàng cảm khái làm 2 câu thơ đi vào văn học Việt Nam:
“Đất nước hai phen chồn ngựa đá,
Non sông thiên cổ vững âu vang…”.
Đất nước thanh bình, vua Trần Nhân Tông ung dung tự tại mỉm cười nghĩ tới cảnh những người lính già râu tóc bạc phơ, dưới ánh đèn leo lét kể mãi chuyện chiến thắng quân thù năm xưa (niên hiệu “Nguyên Phong”) cho con cháu nghe qua hai câu thơ bất hủ của hào khí “Đông A”:
Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
Lính già phơ tóc bạc,
Kể chuyện thuở Nguyên Phong.
(Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng) Ngô Tất Tố dịch
Đặc biệt là sau khi đánh thắng quân thù thì nhà vua “Cởi chiến bào lên non để … Phật Đà Nam Mô”. Một con người xem nhẹ bệ ngọc ngai vàng công danh phù ảo, vượt qua cái bình thường của cuộc đời để đạt được cái phi thường nên ngay khi ngài còn sống, dân gian đã suy tôn là Phật Hoàng, hậu thế tôn kính ngưỡng phục như một Thánh nhân cứu nhân độ thế… Ngày xưa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo thành Phật là nhờ vào phép tu Thiền Định dưới gốc cây Bồ Đề thì Vua Trần Nhân Tông cũng tu thiền, luyện pháp tu thiền để đạt đạo. Thiền Sư Trúc lâm đã tập trung tư tưởng, ngồi tĩnh tọa tham thiền nhập định nơi thâm sơn cùng cốc để đốn ngộ được chân lý nhiệm màu của “Thiền Định”, khai mở Thiền Phái Trúc Lâm của Việt Nam.
Tương truyền sáng 10 (âm lịch) năm 1299, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đến núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu trì, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà hay Trúc Lâm Đại sĩ và Giác hoàng Điều Ngự, tu hành theo “Thập nhị đầu-đà (mười hai điều khổ hạnh)”. Giác Hoàng Điều ngự mở tịnh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận được khá nhiều đệ tử trên núi Yên Tử và hợp nhất các tông phái gồm 3 dòng thiền Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông vào dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm.
Thiền phái Trúc Lâm được xem là giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam truyền thừa nền tảng Phật giáo Nam Á và Đông Đô, dung hóa tinh hoa văn hóa Việt Nam, khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp. Giác Hoàng Điều ngự đi thuyết pháp giáo hóa Phật tử cả nước tới các chùa như Phổ Minh (Thiên Trường), Sùng Nghiêm (Chí Linh), Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang) và Báo Ân – Siêu Loại (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội) và xây dựng nhiều tự viện khắp nơi ở thành thị lẫn thôn quê. Giác Hoàng Điều Ngư dạy dân bài trừ các tập tục mê tín, dị đoan và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện (mười điều thiện). Ngoài việc hoằng dương đạo pháp, Giác Hoàng cũng không quên góp ý về việc triều chính, đồng thời khuyên bảo Anh Tông từ bỏ rượu chè và cúng dường cho tăng chúng.
Tháng 3 âm lịch năm 1301, Giác hoàng Điều Ngự du hóa đến châu Bố Chính, một vùng đất địa đầu phía Nam của Đại Việt và dựng lên am Trì Kiến. Từ Bố Chính, Giác Hoàng sang Chiêm Thành và ở lại đây gần một năm. Trong bức họa Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ đã mô tả về chuyến đi này diễn tả “ Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước…”. Chính trong chuyến viễn du này, để tạo mối giao hảo với chiêm Thành và cũng mong muốn mở mang lãnh thổ, Điều Ngự đã hứa gả con là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, một Phật tử thuần thành. Vua Chiêm Chế Mân xin dâng nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt làm sính lễ và hôn lễ giữa công chúa Huyền Trân với vua Chiêm được cử hành vào năm 1306. Kể từ đó “Thiên Tình Sử Nước Non Ngàn dặm ra đi…” được lưu truyền trong dân gian với hai châu Ô, châu Lý được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt và đổi tên châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa. Tương truyền bài “Nước non ngàn dặm” theo điệu Nam Bình, do chính công chúa vâng lời vua cha, vì chữ hiếu đành phải ngậm ngùi gạt lệ rời bỏ đấnước ra đi mang theo một mối tình đất nước xa vời trong lúc đi đường sang Chiêm: Nước non ngàn dặm ra đi… Mối tình chi! Mượn màu son phấn, Đền nợ Ô, Lý… Xót thay vì, Đương độ xuân thì, Số lao đao hay là nợ duyên gì?…
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng dùng những chữ đầu trong bài này để viết thành ca khúc “Nước non ngàn dặm ra đi”, nói về tâm sự của Huyền Trân công chúa khi sang Chiêm Quốc: Nước non ngàn dặm ra đi… Dù đường thiên lý xa vời, Dù tình cố lý chơi vơi… Cũng không dài bằng lòng thương mến người…
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì sau lần viễn du hoằng dương Phật pháp ở Chiêm Thành, Điều ngự về phủ Thiên Trường vào tháng 1 âm lịch năm 1303 để “mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí”. Năm 1304, vua Trần Anh Tông và triều đình cử hành lễ đón tiếp Điều ngự đến kinh đô Thăng Long, vua Trần Anh Tông cùng vương hầu, quan lại đều được trao tâm giới Bồ-tát tại gia. Sách Tam Tổ Thực Lục chép rằng năm 1304, Giác Hoàng Điều Ngự thu nhận Pháp Loa (Đồng Kiên Cương 1284 – 1330) làm đệ tử xuất gia tại huyện Nam Sách (Hải Dương) rồi truyền thừa cho Pháp Loa trở thành người kế thừa thiền phái Trúc Lâm. Ngày 1 tháng 1 âm lịch năm 1308, Điều ngự chính thức cử hành Lễ Truyền Đăng cho Pháp Loa tại chùa Báo Ân-Siêu Loại.
Sách Tam Tổ Thực Lục chép rằng: “Ngày mồng một tháng 1 năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống, đỡ sư lên tòa. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe sư thuyết pháp. Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại Tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra, để mở rộng việc học nội và ngoại điển”. Sự kiện lịch sử này chứng tỏ rằng Phật Hoàng Trần Nhân Tông với tư tưởng hội nhập tinh hoa Phật giáo vào đời thường “Bồ Tát lao vào vòng nước lửa để Cứu dân cứu nước, cứu đời cứu đạo còn vang vọng mãi tới muôn đời…
Thánh Đăng Ngữ Lục đã tường thuật về cuộc đối thoại cuối cùng giữa Điều ngự với thị giả Bảo Sát: “Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý. Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp:
Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt,
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?
Nói xong, Ngài nằm theo thế sư tử lặng lẽ mà tịch. Qua đêm thứ hai, Bảo Sát vâng theo lời di chúc, làm lễ hỏa táng ngay nơi am Ngài ở, có mùi hương lạ xông lên thoảng ra xa, nhạc trời trên không, mây năm sắc che trên giàn hỏa”.
Trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần Văn tịch chí, Phan Huy Chú viết: “ Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước. Sau khi nhường ngôi, vua lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiến, đúc đỉnh Phổ Minh, thờ Phật rất chăm. Về sau đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân”.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông không những đã đi vào lịch sử với 2 chiến thắng oai hùng quân Nguyên Mông cùng với Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương mà Văn học Sử Việt Nam còn trân trọng “Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông là một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Đại Việt thời Trung đại với các tác phẩm để đời nhất là Tập thơ Trần Nhân Tông (Trần Nhân Tông Thi Tập”. Các tác phẩm trên đều đã bị quân Minh tịch thu tiêu hủy, hiện chỉ còn lại 32 bài thơ, kệ chép trong Thánh Đăng Ngữ Lục, Thiền Tông Bản Hạnh, An Nam Chí Lược, Nam Ông Mộng Lục, Việt Âm Thi Tập và Toàn Việt Thi Lục, cộng thêm 3 đoạn phiến trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và An Nam Chí Lược. Sách Thơ Văn Lý Trần đã nhận định “Thơ Trần Nhân Tông mang tính chất “kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thanh thoát của một nhà nghệ sĩ”.
Xin mời quý vị chúng ta cùng nghe bài Phú “Cư Trần Lạc Đạo” đầy ý vị Thiền của Phật Hoàng Trần Nhân Tông:
Cư trần Lạc đạo Phú
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Sống đời vui đạo thuận tùy duyên,
Đói ăn mệt ngủ chẳng ưu phiền
Kho báu trong ta tìm chi nữa,
Bình tâm đối cảnh đốn ngộ thiền…
(Minh Đức Phạm Trần Anh cẩn dịch)
Thời đại Lý Trần đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc với chiến tích oanh liệt của danh thướng Lý Thường Kiệt phá tan tành Trung Quốc năm 1075 và chiến thắng Đạo quân Mông Cổ, xóa sổ danh hiệu “Bách chiến bách thắng” của đạo quân Mông Cổ khét tiếng trong lịch sử nhân loại của Đại Trần Thái Tông năm 1258 cùng với 2 lần chiến thắng Nguyên Mông của Hoàng đế Trần Nhân Tông và Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương. Văn Học Sử Việt Nam, một dân tộc hiếu hòa mở đầu với bản Tuyên Ngôn Hòa Bình tuyệt vời của Thiền sư Pháp Thuận: “Vận nước như mây cuốn, Trời Nam hưởng thái bình. An hòa nơi cung điện, khắp chốn hết binh đao …” Thế nhưng, trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc với bài Nam Quốc Sơn Hà của danh tướng Lý Thường Kiệt, một bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc được viết bằng máu của dân tộc Việt “Sông núi trời Nam của nước Nam, Sách trời định rõ tự muôn ngàn. Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn, Chuốc lấy bại vong lũ bạo tàn…”.
Là con dân Việt chúng ta hãnh diện tự hào với chiến tích thần kỳ của Đại Đế Trần Thái Tông đánh tan tành 25 ngàn kỵ binh Mông Cổ khét tiếng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Là một Phật Tử, chúng ta phải cúi đầu kính phục ngưỡng mộ một vị Phật Hoàng Việt Nam: “Đại Đế Trần Thái Tông chính là hóa thân của Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn trong đời sống bình thường của một con người, trọn nghĩa vẹn tình, chu toàn bổn phận của một con dân đất Việt trước đại họa mất nước và nhà vua Trần Nhân Tôn quả là một bậc chân nhân hiếm có trên cõi đời này đã tu chứng vượt qua cái bình thường của cuộc đời để đạt được cái phi thường của một vị Phật Hoàng nhân từ “Lập đạo cứu đời”, tất cả đã đi vào dòng sinh mệnh bi hùng phi thường của dân tộc Việt chúng ta…”.