LỊCH SỬ - KHÁM PHÁ - CHUYÊN ĐỀ

Cảnh báo về lịch sử Việt Nam bị đánh tráo

Cảnh báo về lịch sử Việt Nam bị đánh tráo

Hà Văn Thùy

Sang thế kỷ XXI, nhờ kết quả của di truyền và khảo cổ học, việc nghiên cứu lịch sử dân cư Đông Á đạt nhiều thành tựu. Đến nay nhiều ý kiến cho rằng, có hai con đường đưa người châu Phi di cư tới phương Đông. Con đường phía Nam làm nên dân cư bản địa Đông Nam Á mang mã di truyền Australoid. Con đường phía Bắc làm nên người nông dân Trung Quốc chủng Mongoloid phương Nam. Một làn sóng người Trung Quốc di cư xuống, trùm lên dân cư bản địa, tạo nên người Việt Nam hôm nay. Vận dụng quan điểm này, học giả Trung Quốc đưa ra thuyết: “Từ đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Hán đi xuống lưu vực Dương Tử làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm. Trong khi đó một đám li khai đi xuống Việt Nam thành người Việt Nam hôm nay.” Từ ý tưởng của các học giả, năm Năm 2014, sau sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã viết: Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (中国用心良苦,奉劝越南“浪子回头”). Câu này có nghĩa là: Trung Quốc chân thành khuyên đứa con hoang đàng Việt Nam hãy trở về nhà.

Nhưng nghiên cứu của tôi 15 năm qua cho thấy sự thực khác. Chỉ có duy nhất con đường phương Nam theo ven Ấn Độ Dương đưa hai đai chủng người châu Phi Australoid và Mongoloid di cư tới Việt Nam. Tại Việt Nam họ hòa huyết sinh ra người Việt cổ mang mã di truyền Australoid. Người Việt đi lên Quảng Đông, Quảng Tây rồi từ đây lan tỏa ra toàn bộ Hoa lục. 20.000 năm trước, tại di chỉ Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, người Việt làm ra đồ gốm đầu tiên. 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước. 9000 năm trước, từ Nam Dương Tử, người Việt đi lên xây dựng nông nghiệp lúa nước ở Giả Hồ Hà Nam rồi văn hóa trồng kê ở Xinglonggou Nội Mông, Ngưỡng Thiều tỉnh Sơn Tây. 7.000 năm trước, tại Ngưỡng Thiều, người Việt gặp gỡ, hòa huyết với người Mongoloid phương Bắc (cũng từ Việt Nam đi lên) sinh ra người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam. Người  Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, chiếm lĩnh lưu vực Hoàng Hà.

Năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục ở bờ Bắc, đánh chiếm miền Trung Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế. Tỵ nạn chiến tranh, từ nửa sau thiên niên kỷ III TCN, nhiều lớp người ở Nam Hoàng Hà di cư, đem nguồn gen Mongoloid xuống hòa huyết với dân bản địa, chuyển hóa dân cư Việt Nam sang chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, toàn bộ người Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam như hiện nay. Trong khi đó, người Việt ở lại lưu vực Hoàng Hà một phần trở thành dân cư nhà nước Hoàng Đế, phần còn lại sống trong các tiểu quốc hay bộ tộc độc lập, luôn chống lại cuộc xâm lăng của triều đình Hoa Hạ. Sau đó họ hợp tác với nhà Chu đánh bại nhà Thương rồi trở thành chư hầu nhà Chu. Khi Lưu Bang lập quốc, họ trở thành người Hán. Như vậy, người Hán là lớp dân cư trẻ nhất Hoa lục, do người Việt cổ sinh ra 7000 năm trước.

Lịch sử nêu trên cho thấy người Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 70.000 năm trước thuộc loại hình Australoid, giai đoạn sau mang mã di truyền Mongoloid phương Nam do người di cư từ Núi Thái-Trong Nguồn trở về hòa huyết với dân tại chỗ. Đó là quá trình chuyển hóa di truyền kéo dài ngót 300 năm cuối của thiên niên kỷ III TCN mà không phải sự thay thế dân cư cơ học. Bức tranh toàn cảnh lịch sử dân cư Đông Á là:

200.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus hoàn toàn rời khỏi đất Đông Á. 70.000 năm trước, người hiên đại Homo sapiens từ châu Phi theo ven Ấn Độ Dương đặt chân tới Việt Nam rồi từ Việt Nam lan tỏa ra chiếm lĩnh Hoa lục, làm nên dân cư Trung Quốc. Do đó, người Việt là chủ thể làm nên dân cư Trung Quốc. Tiếng Việt, chữ Việt là chủ thể làm nên tiếng nói, chữ viết Trung Hoa. Văn hóa Việt là cội nguồn của văn minh Trung Hoa.

Trong nhiều cuốn sách và bài viết của mình, bằng những cứ liệu di truyền học, tôi đã chứng minh rằng “Không hề có làn sóng di cư lớn của người Trung Quốc tràn xuống thay thế dân cư bản địa, làm nên người Việt Nam.”  Bởi lẽ nếu việc này xảy ra, người Việt Nam phải là hậu duệ của người Trung Quốc. Theo nguyên lý di truyền, người Việt Nam sẽ có đa dạng sinh học thấp hơn người Trung Quốc. Tuy nhiên các khảo cứu DNA dân cư châu Á đều xác nhận: người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. Như vậy, di truyền học khẳng định không có chuyện người phương Bắc xuống thay thế dân cư Việt Nam. Người Việt Nam là trưởng tộc trong dòng giống Việt trên đất Đông Á.

Tôi cũng đã chứng minh bằng những cứ liệu khảo cổ học. Sau 80 năm khai quật và nghiên cứu văn hóa Lương Chử, năm 2016, học giả Trung Quốc công bố: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.” Điều này có nghĩa là họ thừa nhận, người Lạc Việt từ phương Nam đi lên xây dựng văn hóa Lương Chử sau đó xây dựng văn hóa đồng bằng miền Trung Hoàng Hà.

Đấy là sự thật. Đáng buồn là các học giả quốc tế không nhìn ra sự thật này. Tôi hình dung ra tình trạng đen tối phía trước. Dựa vào số đông cùng uy thế các trung tâm học thuật lớn, không lâu nữa, những ý tưởng sai lầm của họ trở thành kết luận chính thức. Đó là thảm kịch không chỉ với khoa học mà cho cả dân tộc Việt Nam: một lịch sử bị đánh tráo! Từ chỗ là ngành trưởng của tộc Việt, giữ đất hương hỏa thờ phụng tổ tiên, chúng ta bị biến thành đám lạc loài để cho con cháu dạy bảo: lãng tử hồi đầu! Thực dân về đất đai rồi sẽ giành lại được nhưng thực dân về văn hóa sẽ tác hại lâu dài không chỉ thay đổi lịch sử mà còn tác động tới số phận dân tộc.

Thưa quý vị nhân sỹ trí thức cùng đồng bào,

Là nhà nghiên cứu độc lập, tôi không đủ điều kiện tranh biện với học giả quốc tế. Do đây là việc lớn của quốc gia nên chỉ có thể giải quyết trong tầm quốc gia. Thiết nghĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần xây dựng đề án Nghiên cứu lịch sử hình thành dân cư Đông Á. Khi nghiên cứu hoàn thành, Việt Nam đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế để báo cáo đề tài nghiên cứu. Từ cọ xát với giới khoa học quốc tế, chúng ta sẽ khẳng định sự đúng đắn của mình.

Kính

Sài Gòn, ngày 8.1.2021

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111