50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 8
50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 8
Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
36 NỮ QUYỀN
Tại hội nghị nữ quyền đầu tiên ở Hoa Kỳ, tổ chủc tại Seneca Falls, New York, vào tháng 7 1848, Elizabeth Cady Stanton đọc một bản tu chính của Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ như sau: “Chúng ta tin những chân lý sau đây là hiển nhiên,” bà nói vang như sấm,” rằng mọi đàn ông và đàn bà sinh ra đều bình đẳng.”
Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua trước khi phụ nữ ở Mỹ và Anh được quyền đi bầu, và cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng về pháp lý và tập quán trên khắp thế giới còn lâu mới đạt đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong suốt lịch sử thỉnh thoảng cũng đã từng nổi lên những lời kêu gọi ban cho phụ nữ nhiều quyền hạn hơn, nhưng phong trào nữ quyền hiện đại chỉ mới xuất phát từ cuối thế kỷ 18. Vào năm 1789, ngay sau Cách Mạng Pháp, Hội đồng Quốc gia ban hành “Tuyên ngôn về Quyền của Con người và Quyền Công Dân,” nhưng không mở rộng các quyền dân sự và chính trị cho phụ nữ. Để đáp trả, vào năm 1791 kịch tác gia Olympe de Gouges cho in một “Tuyên ngôn Quyền Phụ nữ và Nữ Công dân.” Năm sau ở Anh, Mary Wollstonecraft xuất bản cuốn Biện Hộ Nữ Quyền, một tác phẩm lập luận sự lợi ích nếu các bé gái được giáo dục tốt hơn, nhờ đó chúng có thể nhận ra được tiềm năng đầy đủ của mình như những con người.
Đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ
Vào khoảng thời gian Mary Wollstonecraft và Olympe de Gouges đang viết sách, những thiếu nữ trung lưu và thượng lưu được rèn luyện để làm được những việc cao hơn một chút so với đọc, viết, thêu thùa, vẽ và ca hát, và không muốn bị xếp vào hạng phụ nữ chỉ được coi là hàng trang trí, đẻ con nối dõi, động sản của các ông bố và chồng, mà theo luật được hưởng mọi thứ của họ. Những phụ nữ chưa kết hôn có thể sở hữu tài sản riêng và làm ăn riêng, nhưng ở Anh, chẳng hạn, ngay sau khi họ lấy chồng, tài sản của họ trở thành tài sản của chồng. Những hạn chế tương tự cũng được vận dụng trong những xứ khác. Ở Pháp, chẳng hạn, Bộ Luật Napoleon 1804, vốn có sức ảnh hưởng đến các bộ dân luật của nhiều quốc gia Âu châu khác, cũng đề cao quyền lợi của người chồng và cha hơn là của các phụ nữ.
Kết quả là tồn tại một tình trạng lấn át độc đoán của nam giới trong hầu hết mọi lãnh vực xã hội, phụ nữ bị cấm có nghề nghiệp, cấm học lên cao, cấm được đi bầu và giữ chức vụ chính trị. Đối với người tranh đấu cho nữ quyền, cần phải tiến hành một bước đi đầu tiên quan trọng. Susan B. Anthony, đồng chí lâu năm của Stanton trong phong trào nữ quyền Hoa Kỳ, đúc kết điều này khi bà viết, “Sẽ không bao giờ có bình đẳng hoàn toàn khi nào mà phụ nữ chưa thể hỗ trợ làm luật hoặc bầu ra người làm luật.” Phụ nữ phải có lá phiếu của mình, trước khi muốn có một sự thay đổi nào khác, và trong 1869 Anthony và Stanton thành lập Hiệp hội Quốc gia Quyền Bầu cử Phụ nữ. Họ đặc biệt cực lực nhấn mạnh rằng Tu chính án 15 của Hiến pháp đã xác nhận rằng “Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị khước từ. . . vì lý do chủng tộc, màu da hoặc tình trạng nô lệ trước đây.” Không thấy đề cập đến giới tính. Trong thời buổi kém được khai sáng đó, một trong số người ủng hộ Anthony và Stanton phàn nàn rằng Tu chính án giao quyền bầu cử cho “Patrick, Sambo, Hans và Ung Tung,” (tức những người Mỹ gốc Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Tàu: ND) nhưng từ chối giao quyền cho các phụ nữ trung lưu có học vấn.
“Nếu phụ nữ được dạy dỗ để chịu lệ thuộc . . . và tuân phục, dù đúng hay sai, trước quyền lực, thế thì chúng ta phải dừng lại ở đâu?”
Mary Wollstonecraft, Biện Hộ Nữ Quyền, 1792.
Cũng vào thời điểm đó, chiến dịch đấu tranh đòi quyền bầu cử của nữ giới cũng đang khởi động ở Anh. Năm 1866 triết gia và Nghị viên Cấp tiến John Stuart Mill trình trước Nghị viện một thỉnh nguyện thư yêu cầu phụ nữ phải được trao quyền bầu cử, và năm sau chứng kiến sự ra đời của Hiệp hội Quốc gia về Quyền Bầu cử Phụ nữ, sau đó được thay bằng Liên hiệp các Hiệp hội cho Quyền Bầu cử Phụ nữ, do
Millicent Fawcett cầm đầu. Những nhà tranh đấu này hoạt động ôn hòa, ngược với Liên hiệp Phụ nữ về Chính trị và Xã hội của Emmeline Pankhurst
được thành lập vào năm 1903. Đối với Pankhurst, “Lập luận kiểu pa-nô cửa sổ bị đập vỡ là lập luận có giá trị nhất trong nền chính trị hiện đại.” Những người đấu tranh – sau khi ném đá làm vỡ cửa sổ, tự trói mình vào hàng rào sắt và tiếp tục biểu tình tuyệt thực một khi đã bị bắt – làm cho nhiều người chán ghét, nhưng họ đã thành công khi dấy lên được sự quan tâm rộng lớn của công luận cho chính nghĩa của mình.
Quốc gia đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ thật ra là New Zealand, vào năm 1893. Rồi lần lượt xứ này đến xứ khác noi theo – Úc 1902, Đức và Anh 1918, Hoa Kỳ 1920. Pháp và Ý phải đợi đến năm 1945, Thụy Sĩ đến 1971, Oman mãi đến 2003. Tại kỳ bầu cử địa phương lần đầu tiên tổ chức ở Saudi Arabia vào năm 2005, phụ nữ còn chưa được phép đi bầu.
Phụ nữ và công tác thời chiến
Phụ nữ thuộc tầng lớp lao động vẫn luôn làm việc trên đồng ruộng và chăm sóc nhà cửa, và từ cuối thế kỷ 18 một số lớn phụ nữ cũng được thuê mướn trong các hãng xưởng. Những phụ nữ độc thân trung lưu có thể hành nghề dạy học, nhưng chỉ cuối thế kỷ 19 một ít phụ nữ mới có thể được phép học lên cao hơn và hành nghề cao cấp hơn như nghề thuốc. Trong Thế Chiến I, rồi sau đó Thế Chiến II, hàng triệu phụ nữ ở Anh và Mỹ được tuyển dụng để làm việc trong các bộ phận trước đây chỉ dành cho nam giới, như công nghiệp nặng và thậm chí tham gia lực lượng vũ trang. Trong Thế Chiến II, phe Quốc xã không chịu công nhận chính sách như thế, khăng khăng cho rằng vai trò của phụ nữ nên bị hạn chế vào Kinder, Küche und Kirche (“con cái, bếp núc và nhà thờ”); chính sách này đã cản trở năng suất kỹ nghệ, gây tổn thất có ý nghĩa đến nỗ lực chiến đấu của Đức. Thậm chí ở Anh và Mỹ, sau cuộc chiến phụ nữ được vận động thôi việc để trở về lo cho người đàn ông của mình đang trở về nhà. Thế rồi sau đó tất nhiên là xảy ra hiện tượng “bùng nổ em bé” khắp nơi và hàng triệu phụ nữ lại thấy mình bị trói buộc lần nữa vào vai trò làm mẹ và làm việc nhà. Dường như hiện trạng đã quay trở lại – nhưng đối với nhiều phụ nữ, chiến tranh đã cho họ một cái nhìn về tự do và quyền lực.
Tiến đến sự bình đẳng hoàn toàn
Vào năm 1949 nữ triết gia Pháp Simone de Beauvoir xuất bản tác phẩm Giới Tính Thứ Hai, trong đó bà xác quyết rằng “Người ta không sinh ra là phụ nữ; người ta trở thành phụ nữ” – nói cách khác, phần nhiều những gì chúng ta nghĩ là “nữ tính” thì thật ra là một cấu trúc văn hóa hơn là một sự kiện sinh học. Quyển sách của De Beauvoir ít gây tiếng vang cho đến khi một làn sóng lớn thứ hai đấu tranh cho nữ quyền bất đầu ập tới vào thập niên 1960, mở đầu bằng quyển sách Bí Ẩn Phái Nữ (1963) của Betty Friedan. Hoà điệu với chính kiến trẻ trung cực đoan của thời đại, những nhà đấu tranh nữ quyền mới hoạt động dưới lá cờ của “phong trào giải phóng phụ nữ”. Những nhà nữ quyền mới không chỉ vận động cho quyền bình đẳng trong việc đãi ngộ và cơ hội ở nơi làm việc, mà cũng cho quyền tham dự lên kế hoạch cho gia đình và nuôi dạy con cái, chống lại bạo lực gia đình, lạm dụng và mọi hình thức phân biệt đối xử giới tính. Một số còn đi xa hơn, chủ trương tái tổ chức toàn bộ các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Một số ít kêu gọi tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới các đấng mày râu, chấp nhận kiểu sống đồng tính như là một thái độ chính trị.
“Sự phân chia sai lầm bản chất con người ra “nữ” và “nam” là khởi đầu của thứ bậc.”
Gloria Steinem, trong báo Người Quan Sát, số 15/5/1994.
Mặc dù các bà đã thắng nhiều trận như Đạo luật Lương Bình đẳng của Anh vào năm 1970, thu nhập trung bình của phụ nữ trong thế giới Tây phương vẫn còn tụt sau thu nhập các ông. Và mặc dù số các đại biểu nữ trong chính tr, chính quyền, ban bệ, nghề nghiệp và lực lượng vũ trang lớn hơn nhiều so với trước đây, họ vẫn còn chiếm một tỉ lệ nhỏ nhoi trong các vị trí quyền lực và tầm ảnh hưởng. Và bên ngoài khối Tây phương hàng tỉ phụ nữ chỉ là những công dân hạng hai, và vẫn đang còn đấu tranh ngay cả cho những quyền con người cơ bản nhất.
TÓM TẮT
Nhiều thắng lợi đã đạt được, nhiều trận chiến còn phải đánh thắng.
DÒNG THỜI GIAN
1791 | Olympe de Gouges cho in “Tuyên ngôn Quyền Phụ nữ và Nữ Công dân” |
1792 | Mary Wollstonecraft xuất bản Biện Hộ Nữ Quyền |
1848 | Chiến dịch đòi quyền bầu cử cho phụ nữ Hoa Kỳ bắt đầu ở Hội nghị Seneca Falls. |
1865 | Elizabeth Garrett Anderson trở thành nữ bác sĩ đầu tiên ở Ạnh. |
1869 | Thành lập Hiệp hội Quốc gia vì Quyền Bầu cử Phụ nữ ở Hoa Kỳ. John Stuart Mill xuất bản Thân Phận Phụ Nữ. Ra mắt tờ báo Pháp Nữ Quyền. |
1878 | Đại học London bắt đầu trao bằng học vị cho phụ nữ lần đầu tiên ở Anh. |
1882 | Nghị viện Anh cho phép phụ nữ kết hôn được hưởng đầy đủ quyền tài sản riêng của họ. |
1890 | Thành lập Hiệp hội Quốc gia Hoa Kỳ vì Quyền Bầu cử Phụ nữ, và liên minh tranh đấu vì các lý tưởng tiến bộ khác. |
1893 | New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phụ nữ đi bầu trong các kỳ tuyển cử quốc gia. |
1897 | Thành lập Liên minh Quốc gia các Hiệp hội vì Quyền Bầu cử Phụ nữ ở Anh. |
1900 | Phụ nữ Pháp đạt được quyền hành nghề hợp pháp |
1903 | Thành lập Liên hiệp Phụ nữ về Chính trị và Xã hội đấu tranh cho nữ quyền. |
1913 | Ở Hoa Kỳ, Alice Paul thành lập Đảng Phụ nữ Quốc gia, tranh đấu quyền bầu cử cho phụ nữ. |
1918 | Phụ nữ được đi bầu ở Anh (nếu trên 30) và Đức. |
1920 | Phụ nữ được đi bầu ở Mỹ và Canada. |
1928 | Mọi phụ nữ trên 21 đều được quyền đi bầu ở Anh |
1949 | Simone de Beauvoir xuất bản Giới Tính Thứ Hai |
1960 | Ở Sri Lanka, Sirimavo Bandaranaike trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới |
1963 | Betty Friedan xuất bản Bí Ẩn Phái Nữ |
1968 | Phá thai được cho phép ở Anh |
1970 | Germaine Greer cho in cuốn Nữ Hoạn Quan. Luật Lương Bình đẳng ở Anh |
1972 | Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án về Quyền Bình Đẳng, nhưng luật này chưa bao giờ được phê chuẩn đầy đủ ở các viện lập pháp tiểu bang. |
1973 | Tối Cao Pháp Viện phán quyết trong vụ án Roe chống Wade đưa đến việc phá thai là hợp pháp ở Mỹ. |
1975 | Đạo luật Phân biệt Giới Tính thành lập Ủy ban Cơ hội Bình đẳng ở Anh. Margaret Thatcher trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của một đảng chính trị lớn ở Anh. |
37 THỂ CHIẾN I
Thế Chiến I – “Trận Đại Chiến” tên được biết vào thời đó – là một đại thảm họa xé nát trái tim châu Âu, tàn phá một thế hệ những thanh niên trẻ và gieo mầm mống cho những xung đột và hận thù tiếp theo. Trong bốn năm, binh lính lao vào một cuộc chiến tiêu hao, không thể phá vỡ tình trạng bế tắc, cũng chẳng muốn hòa đàm, nhưng sẵn sàng tiêu tốn xương máu trên qui mô lớn.
Lý do tại sao chiến tranh bùng phát đã từng là vấn đề tranh luận giữa các sử gia. Một số chỉ đến những tranh đua kỹ nghệ và đế chế, một số cho là do nhân tố xung đột bên trong hệ thống tư bản, một số lên án nguyên nhân ở hệ thống các liên minh quân sự bị phân cực, một số đổ lỗi cho một loạt những sự cố rủi ro và những hệ lụy không dự tính được. Rút lại kết luận tốt nhất là do phối hợp tất cả các lý do trên.
Đường đến chiến tranh
Vào năm 1914, các cường quốc Âu châu đã liên kết thành hai phe vũ trang. Một bên là Đức, Áo-Hung và Ý; bên kia là Pháp và Nga, cả hai phe đều tranh thủ “đi cửa sau” với Anh. Anh, cường quốc thế giới thống trị suốt thế kỷ 19, đã không ngừng coi Đức là đối thủ kỹ nghệ, đế chế và quân sự lớn nhất, và từ 1903 cả hai lao vào cuộc chạy đua vũ trang hải quân.
Năm 1871 nước Đức mới thống nhất, sau khi đánh bại Pháp, đã xáp nhập hai tỉnh Alsace và Lorraine của Pháp. Điều Đức lo sợ hơn hết là bị bao vây bởi những cường quốc thù địch. Giờ Đức đang đối mặt với Pháp ở phía tây, đang rục rịch chiếm lại những tỉnh lỵ đã mất, và đồng minh của Pháp là Nga ở phía đông. Kể từ giữa thế kỷ 19 Nga đã nắm quyền lãnh đạo các dân tộc gốc Slav ở đông Âu, nhất là dân vùng Balkan có quan điểm chính trị kiểu nắng bề nào che bề nấy. Ở đây Nga đương đầu với đồng minh của Đức là Áo, vốn kiểm soát Slovenia và Croatia, và trong năm 1908 đã xáp nhập Bosnia-Herzegovina. Nga cũng cảnh giác trước số quân dụng và quân trang mà Đức viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ thù truyền thống của họ ở vùng Balkan.
Bản đồ châu Âu trước Thế Chiến I
Chính ở khu vực Balkan mà ngòi nổ đã được châm. Vào ngày 28/6/1914 Thái tử Franz Ferdinand, người sẽ thừa kế ngôi vua nước Áo, bị một người dân Serbia theo chủ nghĩa dân tộc ám sát ở Sarajevo, thủ đô của Bosnia. Áo đổ tội cho Serbia, đồng minh sừng sỏ của Nga trong vùng Balkan, và đưa ra tối hậu thư đe doạ. Serbia kêu cứu Nga, và sau khi Áo tuyên chiến với Serbia vào ngày 28/7, Nga liền ra lệnh tổng động viên quân số đông đảo của mình. Hành động tổng động viên của Nga là cò súng cho Đức phát động Kế hoạch Schlieffen, một chiến lược nhằm tránh chiến đấu đồng thời trên hai mặt trận. Kế hoạch là giáng một đòn đo ván lập tức nước Pháp bằng trận tấn công bất ngờ qua nước Bỉ trung gian, trước khi Nga có thể hoàn tất vụ tổng động viên. Đúng theo Kế hoạch Schlieffen, vào ngày ⅛, Đức tuyên chiến với Nga, và ngày ⅜, tuyên chuyến với Pháp. Ngày hôm sau binh sĩ Đức tiến vào Bỉ, buộc Anh – vốn đã bảo đảm sự trung lập của Bỉ – phải tuyên chiến với Đức.
“Nếu có một cuộc chiến nào khác ở châu Âu, chắc chắn nó sẽ xảy ra từ một điều ngu ngốc khốn kiếp nào đó ở vùng Balkan.”
Otto von Bismarck, Thủ tướng Đức tận năm 1890.
Xung đột toàn cầu
Tất cả những bên tham chiến đều hi vọng cuộc chiến sẽ kết thúc vào Giáng Sinh. Và sự thật không phải như vậy. Đánh nhau trên Mặt trận phía Tây thoạt đầu tương đối cơ động – và trên Mặt trận phía Đông cũng duy trì như vậy. Nhưng khi quân Pháp và Anh ngăn chặn quân Đức tiến vào Paris tại Marne vào tháng 9, hai bên bắt đầu đào công sự cố thủ, và vào tháng 10 họ đối mặt nhau từ hai đường chiến hào chạy song song từ Biển Bắc đến biên giới Thụy Sĩ, mà không bên nào muốn đột phá một trận quyết định. Với quân đội Nga đã tổng động viên đầy đủ, người Đức giờ đối mặt với ác mộng tồi tệ nhất: đánh trên hai mặt trận.
Tất nhiên, có nhiều hơn hai mặt trận trong cuộc chiến, minh chứng đúng hiện trạng đây là một “thế chiến”. Trên Mặt trận phía Tây, quân Đức đương đầu với các đạo quân của Bỉ, Pháp, Anh và đế chế của nó, và cuối cùng là Mỹ nhảy vào. Trên Mặt trận phía Đông, quân Nga đánh nhau với Đức ở phía bắc, và quân Áo ở Galicia và vùng núi Carpathian. Trong vùng Balkan, Serbia (với sự hậu thuẫn có hạn chế từ Pháp và Anh) đánh nhau với quân Áo và, từ năm 1915, với Bulgaria. Ý, vốn đã kềm chế từ năm 1914, sang năm 1915 thì gia nhập Đồng minh (Anh, Pháp, Nga,. . .) vì có lời hứa bí mật là sẽ nhận được lãnh thổ ở phía bắc thuộc đế chế Áo, do đó mở thêm một mặt trận khác. Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập phe Cường quốc Trung tâm (Đức và Áo) vào tháng 10 1914, khiến phe Đồng minh tấn công bán đảo Gallipoli vào 1915 hầu loại Thổ ra khỏi cuộc chiến, nhưng gặp thảm bại đẫm máu. Cũng xảy ra những giao tranh ở Trung Đông, Caucasian và châu Phi. Một trong các chiến trường quan trọng nhất là Đại Tây Dương và Biển Bắc, nơi Anh sử dụng ưu thế hải quân của mình để phong tỏa quân Đức. Về phần mình, Đức tiến hành một chiến dịch tàu ngầm thắng lợi chống tàu vận tải của Đồng Minh.
Sự bế tắc và trận tàn sát
Trong bốn năm những phe đối địch chạm mặt nhau trên Mặt trận phía Tây. Các tướng lĩnh mơ về một trận đột kích vĩ đại, khi pháo binh của họ chọc thủng một lỗ hổng trong hàng phòng thủ kẻ thù để bộ binh – và ngay cả kỵ binh – có thể ào ạt tiến qua, chiếm thế thượng phong. Nhiều nỗ lực tạo ra sự đột phá như thế, sau những mũi công kích kéo dài hàng tuần hay hàng tháng, hầu như luôn luôn kết thúc trong thảm bại hoặc nhiều nhất là tiến lên được một hai dặm, rồi bị đánh bật tan tác, với cái giá hàng trăm ngàn thương vong. Chỉ trong ngày đầu tiên của riêng Trận Somme mà thôi, quân Anh đã mất toi 20,000 người.
Kỹ thuật quân sự vào thời đó ưu ái tối đa cho chiến thuật phòng ngự. Bên phòng ngự có thể cố thủ dưới những chiến hào sâu và công sự bằng bê tông mà pháo dội không hề hấn gì, và rồi với súng máy bắn liên thanh bên phòng thủ có thể bắn chết như rạ kẻ địch ào lên tấn công khi họ bị sa lầy trong bùn hoặc vướng víu lớp lớp hàng rào kẽm gai và mìn gài khắp nơi chốn không người. Về phía cuối cuộc chiến, những chiến thuật và vũ khí mới – như xe tăng và phi cơ – bắt đầu chấm dứt thế giằng co. Nhưng mức độ tàn sát đã đến một qui mô không thể tưởng tượng được: gần 9.8 triệu người – mà cũng có thể đến 12 triệu người – bị giết trong chiến đấu, nhiều hơn bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử trước đây
Việc Đức mở rộng chiến dịch tàu ngầm đánh phá cả những quốc gia trung lập là động lực chính buộc Hoa Kỳ phải nhảy vào vòng chiến vào năm 1917. Người Mỹ có truyền thống vốn không thích dính líu vào chuyện rắc rối ngoại bang, nhưng một khi họ bắt tay với Đồng Minh, sức mạnh công nghiệp vượt trội và nguồn nhân lực khổng lồ mang đến thắng lợi chắc chắn cho phe Đồng Minh. Và điều này xảy đến vào 11/11/1918, khi hòa ước được ký kết. Nga, lúc đó do Đảng Bôn-se-vich cầm quyền sau Cách Mạng Tháng 10 1917 thành công, đã ký hiệp ước hòa bình riêng lẻ với Đức. Nhưng vào năm 1918 Đức – với nguồn tài nguyên cạn kiệt, nhân dân đang trên bờ vực chết đói, và nhiều vụ nổi loạn xảy ra trong hàng ngũ quân đội – gần như sụp đổ.
“Gây chiến thì dễ hơn thiết lập hòa bình.”
Georges Clemenceau, thủ tướng Pháp, trong một bài diễn văn, tháng 7 1919.
Kẻ chiến thắng tỏ ra không độ lượng. Những điều khoản trong Hiệp ước Versailles mà Đức buộc lòng phải ký vào năm 1919 mang tính trừng phạt, và do đó tạo ra những nỗi bất mãn nuôi dưỡng cho chủ nghĩa Quốc Xã trỗi dậy. Còn lâu mới là “cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến,” như nhiều người kỳ vọng, Thế Chiến I cho thấy mình chỉ là màn đầu trong một vở tuồng xung đột toàn cầu rồi sẽ tái diễn 20 năm sau, với cái giá còn kinh khủng hơn nhiều.
TÓM TẮT
Một cuộc chiến không cần thiết, diễn ra trên một qui mô chưa từng có.
DÒNG THỜI GIAN
1879 | Thành lập Liên minh Đức và Áo-Hung |
1882 | Ý gia nhập Liên minh Đức và Áo-Hung. |
1894 | Pháp kết đồng minh với Nga |
1899 | Kỹ sư Đức giúp Thổ xây dựng đường sắt, và sĩ quan Đức huấn luyện quân đội Thổ. |
1902 | Anh kết đồng minh với Nhật |
1904 | Anh và Pháp gia nhập Entente Cordiale (Đồng minh Thân thiết) |
1907 | Anh đồng ý kết thân không chính thức với Nga |
1908 | Áo xáp nhập Bosnia-Herzegovina |
1911 | Đức phái một pháo thuyền đến Agadir trong một nỗ lực ngăn chận sự chiếm đóng của Pháp ở Morocco, nhưng thất bại. |
1914 | THÁNG 6 Ám sát thái tử Áo tại Sarajevo. THÁNG 7 Áo tuyên chiến với Serbia. THÁNG 8 Đức, Nga, Pháp, Anh và Nhật đều tham chiến. Đức chặn cuộc xâm lăng của Nga vào Đông Phổ tại Tannenberg. THÁNG 9 Đức định tiến vào Paris nhưng bị chặn lại ở Marne. THÁNG 10 Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Cường quốc Trung tâm |
1915 | THÁNG 1 Sử dụng hơi độc qui mô lớn lần đầu tiên. THÁNG 4 Đồng Minh đổ bộ lên Gallipoli. Ý gia nhập Đồng Minh. THÁNG 5 Tàu ngầm U-boat của Đức đánh chìm tàu Lusitania, tàu khách chở công dân Mỹ. THÁNG 10 Bulgaria tuyên chuyến với Serbia. |
1916 | THÁNG 1 Đồng Minh rút lui khỏi Gallipoli. THÁNG 2-12 Trận Verdun tiêu tốn nửa triệu sinh mạng Đức và Pháp. THÁNG 5 Trận Jutland ở Biển Bắc, sau trận này hạm đội Đức buộc phải ở lại cảng. THÁNG 7-11 Anh và Pháp phản công ở trận Somme tổn thất hơn 1 triệu thương vong. THÁNG 8 Romania gia nhập Đồng Minh. |
1917 | THÁNG 3 Cách Mạng ở Nga buộc Sa hoàng thoái vị. THÁNG 4 Mỹ tuyên chiến với Đức. Nổi loạn bùng phát trong hàng ngũ quân nhân Pháp. THÁNG 7 Ả Rập chiếm Aqaba từ tay người Thổ. Anh mở cuộc tấn công lớn ở Ypres. THÁNG 10 Quân Ý bị quân Đức-Áo tấn công áp đảo ở Caporetto. THÁNG 11 Cách Mạng Bôn-se-vich ở Nga. THÁNG 12 Anh chiếm Jerusalem khỏi tay người Thổ. |
1918 | THÁNG 1 Tổng thống Hoa Kỳ Wilson loan báo chương trình hoà bình 14 Điểm. THÁNG 3 Hiệp ước Brest-Litovsk: Bôn-se-vich đem Nga ra khỏi cuộc chiến. Đức bắt đầu các cuộc Công kích Mùa xuân trên Mặt trận phía Tây. THÁNG 8 Đồng Minh bắt đầu phản công trên Mặt trận phía Tây. THÁNG 10 Các lực lượng Anh và Ả Rập chiếm Damascus.
Hải quân Đức nổi loạn. THÁNG 11 Cách Mạng ở Berlin. Đình chiến trên mọi mặt trận. |
1919 | THÁNG 1 Khai mạc Hội nghị Hòa Bình Paris. THÁNG 6 Đức ký Hiệp ước Versailles. |
38 LENIN VÀ STALIN
Karl Marx đã dự đoán rằng cách mạng mở màn sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản sẽ nổ ra trên quê hương Đức của mình. Với đội vô sản kỹ nghệ đông đảo, Đức hội đủ các điều kiện mà ông coi là cần thiết cho giai đoạn vĩ đại tiếp theo trong cuộc đấu tranh giai cấp – lật đổ giai cấp tư sản.
Marx không hề tin rằng cách mạng cộng sản thành công đầu tiên lại xảy ra ở Nga, một vùng đất lạc hậu chỉ vừa mới ra khỏi chế độ phong kiến kéo dài hàng thế kỷ.
Điều Marx không ngờ tới là chủ nghĩa dân tộc có thể lôi kéo các tầng lớp lao động dễ dàng biết bao. Khi chiến tranh bùng phát vào năm 1914, hàng triệu người từ bỏ sự đoàn kết của giai cấp lao động và tình nguyện tham gia vào trận chém giết. Ở Nga chế độ sa hoàng xử lý cuộc chiến với sự yếu kém đến khó hiểu, gây ra nỗi thống khổ trên một qui mô không thể tưởng tượng được. Chính nhờ tính cảnh này mà nhà cách mạng cộng sản
Vladimir Ilych Lenin tiến hành khai thác khi ông trở về Nga từ chốn lưu vong vào năm 1917.
Đường đến cách mạng
Trong khi nhiều nhà nước Âu châu đã chuyển sang chế độ dân chủ vào thế kỷ 19, thì đế chế Nga vẫn duy trì nền quân chủ chuyên chế của nó: “Mỗi nước có hiến pháp riêng của mình,” một người Nga châm chọc, “hiến pháp của chúng tôi là chế độ chuyên chính được điều tiết bởi hoạt động ám sát.” Ách áp bức thúc đẩy sự chống đối cực đoan, như cuộc nổi dậy Decembrist vào năm 1825, và vụ ám sát Sa hoàng Alexander II vào năm 1881. Alexander đã thử áp dụng một chút hiện đại hóa, chẳng hạn giải phóng nông nô vào năm 186, nhưng người kế vị ông, Alexander III và Nicholas II, quay lưng lại với cải cách, tự coi mình là người nắm thiên mệnh cai trị thần dân.
Nicholas II nỗ lực xác lập quyền lực Nga ở vùng Viễn Đông, dẫn đến thảm bại nhục nhã trong Chiến tranh Nga-Nhật 1904-5. Sự thất trận cùng nỗi bất mãn chung làm dấy lên Cách Mạng 1905, bị dập tắt bằng các vụ tàn sát những người biểu tình ôn hòa, những cuộc nổi dậy, những vụ bạo loạn và tổng đình công. Sa hoàng đồng ý thành lập viện duma, tức nghị viện, và rồi, bỏ qua một bên ý kiến ôn hòa, tiếp tục đàn áp nổi dậy. Một số cải cách sau đó được đưa vào, nhưng Nicholas lãnh đạm với tình cảnh cùng khổ mà giới vô sản thành thị sinh sống và làm việc.
Cuộc sống công nhân và nông dân còn tồi tệ hơn lên do Thế Chiến I. Khi Nicholas nắm quyền tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, nước Nga thua hết trận này đến trận khác, và chính quyền ở hậu phương nằm trong bàn tay cũng bất lực của Hoàng hậu Alexandra và phe cánh hữu. Đến năm 1917, số thương vong chiến tranh vượt quá 8 triệu người, và hơn một triệu binh sĩ đã đào ngũ. Nông dân không chịu chở thực phẩm ra thành phố, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng. Vào ngày 8/3/1917 (tháng 2 theo lịch Nga cũ) cách mạng nổ ra tại Petrograd (St. Petersburg). Binh lính và công nhân thành lập một xô-viết (hội đồng), và những Xô-Viết khác mọc lên khắp nơi. Sa hoàng ra lệnh lực lượng đồn trú Petrograd dẹp tan các cuộc nổi dậy, nhưng lực lượng đồn trú nổi loạn, và vào ngày 15/3 Nicholas thoái vị. Một chính quyền lâm thời ôn hòa được thành lập, nhưng các Xô-Viết thể hiện một trung tâm quyền lực thay thế có ảnh hưởng lấn át.
“Trong một đất nước như thế phát động một cuộc cách mạng là điều thật dễ dàng, dễ như nhấc một chiếc lông chim.”
I. Lenin, nói tại Đại hội Lần 7 của Đảng Bôn-se-vich, ngày 7/3/1918.
Cú đảo chính của Bôn-se-vich
Vào ngày 16/4, Lênin đến Petrograd từ Thụy Sĩ nơi ông sống lưu vong. Lenin là nhà lãnh đạo của phe Bôn-se-vich (“đa số”) trong Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga, vốn đã chia tách vào năm 1903. Người Bôn-se-vich tin tưởng rằng một nhóm nhỏ đơn lẻ các nhà cách mạng chuyên nghiệp có thể và nên dẫn dắt cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Trong khi người Men-se-vich (“thiểu số”), trái lại, tin tưởng rằng một đảng đông đảo cần phải được xây dựng trước khi cách mạng có thể xảy ra.
Ngay khi đến Petrograd, Lênin kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực từ chính quyền lâm thời sang cho các Xô-Viết. Sự thất bại của chính quyền lâm thời trong việc kết thúc sự dính líu vào chiến tranh hoặc hoàn thiện cuộc cải cách ruộng đất hoặc giải quyết tình trạng khan hiếm thực phẩm, tất cả những điều này càng làm bùng cháy lên nội loạn. Người Bôn-se-vich chiếm đa số trong trong Xô-Viết Petrograd, và vào tháng 11 (tháng 10 theo lịch Nga cũ) họ đạo diễn cuộc cách mạng và chiếm lấy quyền lực.
Lênin diễn thuyết
Thiết lập Liên bang Xô-Viết
Chính quyền mới giảng hòa với Đức, ký hiệp ước hòa bình vào tháng 3 1918. Sau đó người Bôn-se-vich đối mặt với một cuộc nội chiến, trong đó Hồng Quân, do Leon Trotsky lãnh đạo, đánh nhau với Bạch Vệ chống Bôn-se-vich. Mặc dù có sự can thiệp quân sự hậu thuẫn Bạch Vệ của các cường quốc phương Tây, Hồng Quân đạt được thắng lợi vào năm 1920, và vào năm 1922, người Bôn-se-vich đã chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ không- Nga thuộc đế quốc Nga cũ đã tuyên bố độc lập, và tuyên bố thành lập Liên bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Xô-Viết.
Từ Khủng bố Đỏ đến Đại Thanh Trừng
Vào năm 1918 thả lỏng cho Cheka (mật vụ) chống lại các đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch gọi là Khủng bố Đỏ. Ông sử dụng việc bắt bớ, hành hình và giam cầm các kẻ thù tình nghi trong một “Gulag” của trại khổ sai, nơi có nhiều nạn nhân bị giết chết hơn trong những tình cảnh rất khủng khiếp, và đến thời Stalin còn qui mô hơn nữa. Trong chính sách tập thể hóa nông nghiệp, toàn bộ tầng lớp kulak (nông dân giàu có) đều bị trừ khử, với hàng triệu người chết; thêm hàng triệu người chết nữa trong các nạn đói ở Ukraine và Kazakhstan vào những năm 1932-4. Tiếp theo Stalin quay sự chú ý sang những kẻ thù thực sự hay chỉ tình nghi bên trong các nhóm dân tộc thiểu số, quân đội và chính nội bộ Đảng Cộng Sản – kể cả nhiều cựu binh trong cuộc Cách Mạng Bôn-se-vich 1917 bị tra tấn để phải thú nhận công khai những “tội lỗi” của mình trong một loạt các phiên tòa trình diễn vào thời Đại Thanh Trừng 1936-8. Tổng cộng, hàng chục triệu người bị xử bắn, lưu đày hoặc chở đến những trại khổ sai – trong khi chính Stalin tự xem mình là đối tượng của phong trào sùng bái cá nhân, và nắm quyền lực trong nắm tay sắt thép.
Tiếp sau Cách Mạng Bôn-se-vich, Lênin đã ra lệnh tịch thu các điền sản của địa chủ và phân phối ruộng đất lại cho nông dân. Nhưng vì yêu cầu cấp bách của cuộc nội chiến, vào tháng 6 1918 ông buộc phải thực hiện chính sách “Chủ nghĩa Cộng Sản Thời chiến,” theo đó nhà nước quốc hữu hóa kỹ nghệ, sung công những hoạt động doanh nghiệp tư nhân và trưng thu thực phẩm từ người nông dân. Sản lượng nông sản sụp đổ, và lương thực khan hiếm trầm trọng. Tình hình này gây ra nỗi bất bình và phản kháng, như vụ nổi dậy 1921 tại căn cứ hải quân Kronstadt. Để đáp trả, Lênin đưa ra “Chính sách Kinh tế Mới” (NEP), phục hồi biện pháp tự do làm ăn và thi hành một số nhượng bộ đối với nông dân và người tiêu dùng. Khi kinh tế phục hồi, quyền lực của Đảng Cộng Sản (giờ thay thế cho tên Bôn-se-vich) cũng được củng cố.
“Một người chết là một bi kịch, một triệu người chết là một con số thống kê.”
Joseph Stalin, được cho là đã nhận xét như thế
Trotsky và Stalin
Cái chết của Lênin vào năm 1924 đưa tới đấu đá quyền lực trong đảng, chủ yếu giữa Trotsky và Stalin. Stalin cho thấy là người điều hành nhẫn tâm và gian xảo hơn, và trong năm 1927 Trotsky – người chủ trương truyền bá cách mạng ra khắp châu Âu – bị trục xuất khỏi đảng và phải đi lưu vong. Stalin phát động chính sách “chủ nghĩa xã hội trong một nước”, bãi bỏ NEP và đưa ra một loạt các kế hoạch 5 năm, tập trung sức lực để đẩy nhanh rộng khắp tiến trình kỹ nghệ hóa và thu lại ruộng đất của nông dân và cưỡng ép họ phải làm việc trên những nông trang tập thể. Trong tiến trình đó có thêm hàng triệu người chết, khi Stalin đóng dấu ấn của mình lên Liên bang Xô viết như một nhà độc tài chuyên chính, một vị thế mà ông nắm giữ cho đến khi qua đời vào năm 1953.
TÓM TẮT
Nước Nga thay một chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác.
DÒNG THỜI GIAN
1902 | Lenin xuất bản Phải Làm Gì?, nhấn mạnh vai trò của đảng ưu tú để tiến hành cách mạng. |
1903 | Những người Dân chủ Xã hội Nga tách ra hai phe Bôn-se-vich do Lênin cầm đầu và Men-se-vich; Stalin giá nhập Bôn-se-vich. |
1904-5 | Chiến tranh Nga-Nhật |
1905 | Sau khi Cách Mạng 1905 thất bại, Lênin sống lưu vong ở nước ngoài. |
1914 | Bùng phát Thế Chiến I |
1915 | Nicholas II nắm quyền tư lệnh lực lượng vũ trang Nga |
1917 | THÁNG 3 Cách mạng bùng nổ ở Petrograd. Thành lập các Xô-Viết. Sa hoàng thoái vị nhường cho chính quyền lâm thời. THÁNG 4 Lênin quay về Nga. THÁNG 11 Bôn-se-vich nắm quyền. |
1918 | Bắt đầu Nội Chiến Nga. THÁNG 3 Hiệp ước Brest-Litovsk: Bôn-se-vich giảng hòa với Đức. THÁNG 6 Áp dụng “Chủ nghĩa Cộng Sản Thời Chiến”. THÁNG 7 Sa hoàng và gia đình bị người Bôn-se-vich xử bắn. |
1919 | Hồng Quân tái chiếm Ukraine |
1920 | Hồng Quân chiếm lại hầu hết Siberia. Kết thúc Nội Chiến. |
1921 | Căn cứ hải quân Kronstadt nổi dậy. Áp dụng Chính sách Kinh tế Mới. |
1922 | Thành lập Liên bang Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-Viết, gồm phần lớn đế chế Nga cũ. Lenin trải qua những cơn đột quỵ. Stalin trở thành tổng bí thư của Đảng Cộng Sản. |
1924 | Lênin mất |
1927 | Trotsky sống kiếp lưu vong, dọn đường cho Stalin trở thành lãnh tụ tối cao. |
1928 | Stalin ra lệnh sung công đất đai của nông dân. Bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tập trung vào công nghiệp nặng. |
1932-3 | Nạn đói ở Ukraine |
1036-8 | Hàng triệu người bị giết trong Đại Thanh Trừng |
1939 | Stalin ký Thỏa ước Bất Tương Xâm với Hitler. Hồng Quân chiếm đóng đông Ba Lan |
1940 | Trotsky bị ám sát ở Mexico, chắc chắn là theo lệnh của Stalin. Liên bang Xô-Viết xáp nhập các nước vùng Baltic. |
1941 | Quốc Xã xâm lược Liên bang Xô-Viết. |
1944-5 | Hồng Quân đẩy lùi quân Đức, càn quét qua những xứ thuộc đông Âu, và bắt họ thành các nước chư hầu. |
1945 | Bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh |
1953 | Stalin mất |
Ghi chú: Nếu các bạn muốn biết thêm chi tiết về thời kỳ này, có thể tìm đọc Bi Kịch của một Dân Tộc, trên trang web Nghiên Cứu Lịch Sử này.
39 BÓNG ĐEN CỦA CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT
Thế Chiến I khiến các nước châu Âu rơi vào cảnh kiệt quệ, cùng khổ và đắng cay – một vùng đất hoàn hảo để ươm mầm cho chủ nghĩa cực đoan. Nhiều người lính trở về cảm thấy những chính trị gia không chỉ bỏ rơi mình, mà còn làm nhục hàng triệu đồng đội đã hi sinh của mình. Chiến tranh quả là vô ích, và khi hòa bình trở lại các chính trị gia không cho họ an sinh và hi vọng. Chế độ dân chủ đã thất bại. Điều cần có để phục hưng niềm tự hào quốc gia là một nhà lãnh đạo lôi cuốn, mạnh mẽ có thể uốn nắn toàn bộ xã hội theo ý mình.
Chính tâm trạng này đã khơi mào chủ nghĩa Phát xít, một hình thức cực đoan của chủ nghĩa quân phiệt đã bắt rễ trong một số nước châu Âu vào thập niên 1920 và 1930, mà nổi bật nhất là ở Ý và Đức. Chủ nghĩa Phát xít không phải là một ý thức hệ quốc tế mạch lạc như chủ nghĩa Mác, mà mang tính cục bộ – chẳng hạn, Quốc Xã Đức có tính bài Do Thái gay gắt hơn những người ủng hộ Mussolini ở Ý. Nhưng nói chung, những người Phát xít chủ trương sự chuyên chế mạnh mẽ, chia sẻ sự hằn thù ngoại bang, các sắc tộc thiểu sốt, những người xã hội chủ nghĩa, cộng sản, cấp tiến và dân chủ, và khao khát chinh phục kẻ thù bằng vũ trang.
Sự trỗi dậy của Mussolini và Hitler
Sau khi Bôn-se-vich nắm được quyền lực ở Nga vào năm 1917, nổi lo sợ một cuộc cách mạng cộng sản xô đẩy nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Âu bước vào vòng tay của phe cực hữu. Ở Ý, nổi bật nhất trong các đảng cực hữu là
Fasci di Combattimento – người theo chủ nghĩa Phát xít – Fasci lấy tên từ fasce, bó gậy bọc quanh một chiếc rìu mà các phán quan thời La Mã cổ đại thường mang trên tay như một biểu tượng của quyền uy (hình dưới).
Vào năm 1922, dưới sự lãnh đạo của Benito Mussolini, một nhà báo và nhà hùng biện lỗi lạc, 25,000 người Phát xít áo đen tiến hành cuộc “Tuần hành La Mã” nổi tiếng của mình, khiến Vua Victor Emmanuel II phải đồng ý yêu cầu Mussolini thành lập chính quyền. Mussolini tiến lên thiết lập nền độc tài độc đảng, với chính ông là Il Duce (“Lãnh tụ”).
Mussolini đi giữa hàng đầu trong “Tuần hành La Mã”.
“Số lượng đông đảo của một quốc gia sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của một trò lừa phỉnh lớn hơn là một lời nói dối cỏn con.”
Adolf Hitler, Mein Kampf, 1925
Ở Đức, trong cuộc hỗn loạn tiếp sau Thế Chiến I kết thúc, nhiều nhóm từ cánh tả cộng sản và cực hữu cố nắm lấy quyền lực mà không thành công. Vào năm 1923, một trong những đảng cực hữu, Đảng Công nhân Đức Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia – tức Quốc Xã – âm mưu lật đổ chính quyền tỉnh Bavaria trong cái gọi là “Beer Hall Putsch.” (Cú đảo chính Quán Bia, gọi thế vì những người đồng mưu, thường tụ tập bàn tính kế hoạch trong một quán bia:ND). Hậu quả là Lãnh tụ Quốc Xã, một hạ sĩ trước đây có tên là Adolf Hitler, phải nằm tù một thời gian ngắn. Trong tù ông viết cuốn Mein Kampf (“Cuộc Chiến Đấu của Tôi”), trong đó ông xác quyết tính ưu việt của chủng tộc “Aryan” mắt xanh, tóc vàng của các nước Đức và Nordic đối với người Phi châu, Nga, Gypsy, Do Thái và Untermenschen ((“hạ nhân”). Hitler tuyên bố rằng vận mạng của chủng tộc Đức là tạo ra một Lebensraum (“không gian sống”) trên những vùng đất phì nhiêu của miền tây nước Nga. Hơn nữa, Hitler lợi dụng nỗi bất mãn mà nhiều người Đức cảm thấy khi gánh chịu những điều khoản ngặt nghèo của Hiệp ước Versailles, và rêu rao huyền thoại phổ biến là quân đội Đức, còn lâu mới bị bại trận vào năm 1918, mà chính là bị các tên chính trị gia dân chủ “đâm sau lưng”.
Hiệp ước Versailles
Thất trận ở Thế Chiến I, Đức buộc phải ký Hiệp ước Versailles có tính trừng phạt, trong đó Đức buộc phải nhìn nhận mình là nước gây chiến. Đức mất tất cả vùng đất sở hữu ở nước ngoài và các vùng lãnh thổ ở châu Âu, kể cả Alsace và Lorraine phải trả về cho Pháp, và một hành lang cho phép Ba Lan có đường ra Biển Baltic, do đó chia cắt Đức ra làm hai. Vùng Rhineland sẽ bị binh sĩ Đồng Minh chiếm đóng. Đức không được động viên, và quân số của lực lượng vũ trang không vượt quá 100,000, không được sở hữu xe tăng, phi cơ quân sự và tàu chiến lớn. Cuối cùng, Đức buộc phải trả một số tiền bồi thường rất lớn cho Anh và Pháp.
Khi cuộc Đại Suy Thoái ào tới – mà Hitler đổ tội cho bọn chủ ngân hàng Do Thái – Quốc Xã được dịp trỗi dậy ngoạn mục được quần chúng ủng hộ. Trong kỳ bầu cử 1932 họ trở thành đảng lớn nhất trong Reichstag (nghị viện Đức). Khi Reichstag bị đốt rụi vào tháng hai, Quốc Xã đổ tội cho người cộng sản và tiến hành bắt bớ những chính trị gia độc lập. Vào tháng 8 1934 Đức đã trở thành một nền chuyên chế độc đảng, với Hitler được phong đơn giản là Fuhrer “lãnh tụ”). Đảng Quốc Xã kiểm soát mọi mặt đời sống Đức, và áp đặt ý chí của mình qua hoạt động của Gestapo (mật vụ) và bọn SS bán quân sự. Ngoài việc loại bỏ những kẻ thù chính trị, Quốc Xã đẩy nhanh hoạt động bức hại người Đức gốc Do Thái trên toàn xứ
Hitler lên nắm quyền
Giấc mơ đế chế
Trong khi Hitler tuyên bố một Đế chế Đức (German Reich) đang đến gần và sẽ kéo dài một ngàn năm, còn Mussolini hướng đến xây dựng một đế chế có thể sánh được với La Mã cổ đại, và vào năm 1935 ra lệnh quân đội xâm lăng vương quốc Phi châu độc lập Abyssinia (Ethiopia). Một trong những điều khoản của Hiệp ước Versailles là thành lập Hội Quốc Liên, một cơ quan quốc tế được giao nhiệm vụ ngăn ngừa bất kỳ cuộc xâm hấn nào trong tương lai của một quốc gia chống lại một quốc gia khác, và do đó chấm dứt mọi cuộc chiến. Tuy nhiên, Hội Quốc Liên không làm gì nhiều hơn là bày tỏ sự phản đối trước sự xâm lược của Nhật vào Mãn Châu vào năm 1931, và, tiếp theo sự xâm lăng của Ý vào Abyssinia, Hội không làm gì ngoài việc áp đặt những cấm vận kinh tế không hiệu quả.
Đức đã nối gót theo Nhật ra khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933. Năm sau Hitler thách thức hiệp ước Versailles bằng cách áp dụng lại việc động viên và khởi động chương trình tái vũ trang đại qui mô. Chính điều này hơn bất cứ điều gì khác đã khiến toàn bộ nhân lực của đất nước được sử dụng trong thời Đại Suy Thoái. Vào năm 1936 Hitler ra lệnh quân đội Đức tái chiếm vùng Rhineland và thành lập Liên minh với Mussolini được biết dưới tên Trục La Mã-Berlin.
Tiếp theo Hitler quay chú ý của mình đến việc mở rộng biên giới của Đế chế Đức. Versailles đã bỏ rơi nhiều nhóm thiểu số sắc tộc Đức bên trong các xứ sở khác, và Hitler lợi dụng việc này. Liên minh với Áo bị hiệp ước Versailles ngăn cấm, nhưng ở Áo vẫn còn nhiều cảm tình viên với Quốc Xã, và vào tháng 3 1938 binh sĩ Đức tiến vào Áo và được chào đón rộng rãi. Anh và Pháp phản kháng, nhưng, không làm gì cả – một chính sách sau này được gán nhãn hiệu là “xoa dịu”.
Hitler giờ đây thúc ép giải quyết việc người sắc tộc Đức sống ở vùng Sudetenland thuộc xứ Tiệp khắc đòi gia nhập Đế chế Đức Quốc Xã. Khi khủng hoảng lên cao,các thủ tướng Anh và Pháp, Neville Chamberlain và Edouard Daladier, hợp cùng Hitler và Mussolini tại Munich để tìm ra một giải pháp hòa bình. Vào ngày 30/9/1938 họ ký kết Thỏa hiệp Munich, chuyển nhượng Sudetenland cho Đức mà không hề hỏi ý chính quyền Tiệp Khắc.
“Tôi tin tưởng thỏa hiệp là hòa bình cho thời đại chúng ta.”
Neville Chamberlain, phát biểu vào dịp ký Thỏa hiệp Munich, ngày 30/9/1938.
Khi Hitler tiến hành đánh chiếm phần còn lại của Tiệp Khắc vào tháng 3 1939, Chamberlain nhận ra rằng sự xoa dịu không phải là đáp án, và khi Hitler bắt đầu yêu sách phải trả lại Hành lang Ba Lan và thành phố tự do Danzig (Gdansk) (gồm cảng Danzig ở Biển Baltic và gần 200 thị trấn và làng mạc ở quanh đó do Hiệp ước Versailles qui định theo chế độ bán tự trị do Hội Quốc Liên bảo hộ: ND), Anh và Pháp ra tuyên bố sẽ hậu thuẫn quân sự nếu biên giới Ba Lan bị xâm phạm. Vào ngày 1/9/1939, đã ký Thỏa ước Bất Tương Xâm với Liên bang Xô-Viết, Hitler tháu cáy họ và xua quân xâm lược Ba Lan. Hai ngày sau, Anh và Pháp tuyên chiến.
TÓM TẮT
Bất mãn với hệ lụy của Thế Chiến I dọn đường cho Thế Chiến II.
DÒNG THỜI GIAN
1918 | THÁNG 11 Kết thúc Thế Chiến I |
1919 | THÁNG 1 Cuộc nổi dậy cộng sản ở Berlin bị dân quân Freikorps cánh hữu dập tắt. THÁNG 6 Hiệp ước Versailles. |
1920 | Mưu toan đảo chính “Kappa Putsch” của cánh hữu ở Đức thất bại. |
1922 | “Tuần hành La Mã” của bọn Phát xít Ý; Mussolini trở thành thủ tướng Ý. |
1923 | Thất bại của Beer Hall Putsch của bọn Quốc Xã Đức ở Munich. |
1925 | Hitler xuất bản Mein Kampf |
1926 | Mussolini tự phong là nhà độc tài. |
1929 | Sự sụp đổ của Wall Street dẫn tới Đại Suy Thoái. |
1930 | Khủng hoảng kinh tế và chính trị đưa tới việc Tổng thống Hindenburg cai trị bằng sắc lệnh ở Đức. |
1931 | Quân đội Nhật chiếm đóng Mãn Châu. |
1932 | Quốc Xã Đức trở thành đảng lớn nhất ở Reichstag. |
1933 | Thành lập Falange, đảng Phát xít Tây Ban Nha. THÁNG 1 Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng. THÁNG 2 Reichstag bốc cháy. THÁNG 3 Ban hành luật cho phép Hitler cai trị bằng sắc lệnh. Do Thái bị đuổi ra khỏi công sở, các cửa hàng và hãng xưởng của người Do Thái bị tẩy chai. THÁNG 10 Đức ra khỏi Hội Quốc Liên. |
1934 | THÁNG 5 Phát xít đảo chính ở Bulgaria. THÁNG 6 Enrst Rohm, trùm SS, đối thủ của Hitler trong Đảng Quốc Xã, bị mưu sát cùng với 150 người hậu thuẫn y vào “Đêm của Ngọn Dao Dài.” THÁNG 8 Sau khi Hindenburg mất, Hitler trở thành Fuhrer, với quyền lực của thủ tướng lẫn tổng thống. |
1935 | THÁNG 1 Dân chúng Saarland bầu cử để thống nhất với Đức. THÁNG 3 Hitler áp dụng động viên trở lại. THÁNG 9 Đạo luật Nurember tước đoạt quyền dân sự của người Đức gốc Do Thái. THÁNG 10 Ý xâm chiếm Abyssinia. |
1936 | THÁNG 3 Binh sĩ Đức tái chiếm Rhineland. THÁNG 7 Bắt đầu Nội Chiến Tây Ban Nhà giữa người Quốc gia cánh hữu (được Ý và Đức hậu thuẫn quân sự) và người Cộng Hòa dân chủ cánh tả. THÁNG 10 Đức và Nhật thành lập Hiệp ước Chống – Quốc tế Cộng Sản nhắm vào Liên bang Xô Viết; Ý gia nhập năm 1937. |
1937 | THÁNG 7 Nhật phát động cuộc xâm chiếm Trung Quốc đại qui mô. |
1938 | THÁNG 3 Binh lính Đức chiếm Áo, xáp nhập vào Đế chế Đức. THÁNG 9 Ở Munich, Anh và Pháp đồng ý cho Đức xáp nhập miền Sudetenland của Tiệp. THÁNG 11 Kristallnacht: cửa hàng, nhà cửa và nhà thờ Do Thái bị đốt phá trên khắp nước Đức. |
1939 | THÁNG 3 Quân Đức đánh chiếm phần còn lại của Tiệ . Anh và Pháp tuyên bố hậu thuẫn Ba Lan. THÁNG 4 Đảng Quốc gia chiến thắng trong Nội Chiến Tây Ban Nha. Ý xâm lăng Albania. THÁNG 8 Hiệp ước Bất Tương Xâm giữa Quốc Xã và Xô-Viết. THÁNG 9 Hitler xâm lược Ba Lan, Thế Chiến II bắt đầu. |
40 TRẬN ĐẠI SUY THOÁI
“Không có quốc gia nào mà hoa trái của sự thành tựu vững chắc hơn,” Tổng thống Herbert Hoover bảo với đồng bào Mỹ của mình vào ngày nhậm chức 4/3/1929. “Tôi không có gì lo lắng cho tương lai của đất nước chúng ta. Tương lai đó rất xán lạn và tràn trề hi vọng.”
Tâm trạng lạc quan của ông được chia sẻ trên khắp nước Mỹ: chưa bao giờ thị trường chứng khoán cao giá như thế, khi dân chúng hăng hái đầu tư vào thành công đang tiếp diễn của chủ nghĩa tư bản. Bảy tháng sau bài diễn văn nhậm chức của Hoover, thảm họa giáng xuống. Vào ngày 24/10/1929, “Ngày Thứ Năm Đen Tối”, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ ở Wall Street sụp đổ. Nội trong ngày đó, 13 triệu cổ phiếu sang tay, khi những kẻ đầu cơ nhận thấy rằng giá trị thực của tiền đầu tư của họ không có liên quan gì đến số tiền lạm phát mà họ đã trả cho chúng. Sau một vài ngày, 30 tỉ đô đã bốc hơi khỏi giá trị các chứng khoáng.
Đây không phải là quả bóng đầu cơ đã phát nổ, mà sự vang dội của cơn Sụp đổ Wall Street vừa kéo dài hơn vừa rộng lớn hơn thứ gì thế giới từng chứng kiến trước đây. Khi các ngân hàng Mỹ kinh hoàng và vội vã thu hồi những món tiền khổng lồ cho các nước Âu châu vay, đặc biệt là Đức, cơn Sụp Đổ đưa đến trận Đại Suy Thoái, một thời kỳ dài một thập niên nền kinh tế toàn cầu sụp đổ, và nạn thất nghiệp tràn lan.
Con đường đến sụp đổ kinh tế
Trận Đại Suy Thoái – cũng gọi là Sự Rớt Giá – không phải do một mình Cơn Sụp Đổ Wall Street gây ra. Chi phí cho Thế Chiến I đã làm cho các xứ tham chiến tích lũy những món nợ khổng lồ – chủ yếu là mắc nợ các ngân hàng Hoa Kỳ – và nó đã làm lệch nền sản xuất kỹ nghệ sang hướng vũ khí, khiến yêu cầu hàng nông sản tăng vọt. Khi hòa bình đến, kỹ nghệ trải qua sự phát triển ngắn ngủi, nhưng bỗng thấy rằng thị trường cho hàng hóa sản xuất bị hạn chế. Tương tự như vậy, vì nhu cầu nông sản – từ lúa mì đến bông vải đến cao su – giảm sút, các trại chủ đối mặt với tình trạng rớt giá. Ở Hoa Kỳ, nhiều người buộc phải cầm cố nông trại của mình cho ngân hàng, trong khi những xứ trông cậy vào việc xuất khẩu nông sản buộc phải vay những món tiền lớn.
Cùng lúc cho các trại chủ Mỹ và các nước ngoài vay tiền, các ngân hàng Mỹ còn sung sướng cho các tay đầu cơ thị trường chứng khoán mượn tiền. Nhưng khi Wall Street sụp đổ, nhiều tay đầu cơ không còn một xu dính túi, và các nhà băng – nếu họ không muốn phá sản – sử dụng xiết chặt tín dụng. Hàng ngàn trại chủ mất toi sản nghiệp khi các ngân hàng thanh lý trang trại của họ vì họ không thể trả nợ đúng hạn, buộc nhiều gia đình, nhất là ở miền Trung Tây, phải bỏ ruộng đất và ra ngoài đường tìm kiếm kế sinh nhai. Các nhà băng cũng đòi nợ các khoản cho vay nước ngoài, khiến nhu cầu hàng xuất khẩu của Mỹ sụt giảm, vì ít người có điều kiện mua chúng. Vào năm 1930 Hoa Kỳ áp dụng thuế quan nhập khẩu để bảo vệ ngành kỹ nghệ Mỹ, một động thái được một sử gia mô tả là “lời tuyên chuyến thực sự cho cuộc chiến kinh tế với phần còn lại của thế giới.” Những nước đáp trả bằng cách áp dụng những biện pháp bảo hộ riêng của mình. Nói chung có sự thất bại trong việc nhận thức được bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng, và, thay vì hợp tác hoạt động, các cường quốc hàng đầu thế giới chạy trốn trong các góc hạn hẹp của họ.
“Người anh em, làm ơn cho xin một xu?”
Lời bài hát Yip Harburg 1932, biểu tượng cho thời Đại Suy Thoái ở Hoa Kỳ.
Từ phó mặc đến chương trình Thoả Thuận Mới
Ở Hoa Kỳ, Tổng thống Hoover thoạt đầu tưởng rằng cuộc khủng hoảng chỉ là cái lóe lên tạm thời. Nhưng khi tỉ số thất nghiệp ở Hoa Kỳ lên đến một phần tư, và một phần ba trong một số nước khác, thậm chí Hoover phải công nhận là có vấn đề – nhưng ông không nghĩ đó là trách nhiệm của chính quyền liên bang. Trong cuộc bầu cử tổng thống 1932, Hoover bị gạt khỏi chức vụ bởi Franklin Delano Roosevelt, vị tổng thống hứa hẹn một “Thỏa Thuận Mới” cho nhân dân Mỹ. Roosevelt đồng ý với tư tưởng của nhà kinh tế Anh John Maynard Keynes, cho rằng cách tiếp cận theo chủ nghĩa tư bản truyền thống là phó mặc cho chính quyền tiêu xài và hạn chế việc nhà nước xen vào hoạt động kinh tế ở mức thấp nhất chỉ làm kéo dài sự trượt dốc kinh tế. Roosevelt bắt đầu đặt hoạt động ngân hàng, giá cả và sản xuất dưới sự kiểm soát gắt gao của chính quyền, chính quyền liên bang cho vay để chặn đứng ngân hàng phá sản và thanh lý nông trại cầm cố, và tiến hành các dự án công trình công cộng đại qui mô, nhờ đó hàng triệu người có việc làm trở lại, và do đó bơm những số tiền lớn trở lại vào nền kinh tế. Đến năm 1934 nạn thất nghiệp bất đầu giảm, và tínhh hình kinh tế dần dần được cải thiện.
“Trong khi điều này không được nêu ra trong Hiến pháp, nhưng dù sao thì nhiệm vụ cơ hữu của chính quyền liên bang là giữ cho công dân mình khỏi chết đói.”
Tổng thống F. D. Roosevelt, trong Nước Mỹ Trên Nửa Chặn Đường, 1939
Những chính quyền khác, như chính quyền bị khống chế bởi Đảng Bảo thủ Anh, thích tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công và nâng cao hàng rào thuế quan bảo hộ. Những ngành kỹ nghệ nặng truyền thống như đóng tàu để mặc cho chúng chịu trận, đưa đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng có khi đến 70 phần trăm ở miền đông bắc, thúc đẩy nhiều vụ “xuống đường vì đói” ở London vào năm 1936.
Hiệu quả của việc bồi thường
Vào năm 1919 nhà kinh tế Anh J. M. Keynes đã cảnh báo về những hệ lụy thảm khốc của Hiệp ước Versailles (xem Bóng đen của chủ nghĩa Phát xít). Đức là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng yêu sách bồi thường quá ngặt nghèo mà hiệp ước áp đặt lên Đức đã ngăn cản tối đa không để nó quay về tình trạng kinh tế lãnh mạnh, và vì thế một thị trường chủ yếu đã khép lại đối với những nhà xuất khẩu ở nước ngoài. Vào năm 1923 Đức chịu đựng một con siêu lạm phát – đến mức phải cần một xe rùa chở giấy bạc mới mua được một ổ bánh mì.
Mặc dù nền kinh tế Đức phục hồi ở một mức độ nào đó nhờ vào sự gia hạn các khoản bồi thường và được ngân hàng Mỹ cho vay vào năm 1924, vụ Sụp Đổ Wall Street gây ra thêm khó khăn về tài chính, và đến năm 1930 lại gia hạn thêm lần nữa, cùng với khoản vay lớn khác. Nhưng cũng chả ăn thua gì: khi các nhà băng Đức xập tiệm và thất nghiệp tăng vọt, vào năm 1932 cộng đồng quốc tế cuối cùng đồng ý xóa mọi khoản bồi thường. Nhưng mầm mống hiểm họa đã được gieo: trong năm bầu cử đó, Đảng Quốc Xã đã trở thành đảng lớn nhất trong Nghị viện Đức. Vào năm 1919 Keynes đã tiên đoán một điều gì đó giống như vậy. “Nhưng ai có thể biết chịu đựng đến đâu là được,” ông đã viết, “hoặc cuối cùng người ta sẽ tìm cách thoát ra nỗi bất hạnh theo chiều hướng nào?”
Ở Đức, những hậu quả của Suy Thoái đặc biệt nhức nhói, và giúp Hitler lên đỉnh cao của quyền lực vào năm 1933. Quốc Xã đổ tội cho các ngân hàng Do Thái quốc tế đã gây ra nỗi thống khổ của nhân dân Đức, và hứa hẹn sẽ phục hồi niềm tự hào dân tộc. Họ thành công giảm được nạn thất nghiệp bằng một số biện pháp – chủ yếu bằng cách động viên nhập ngũ và tiến hành một chương trình tái vũ trang đại qui mô, khi Hitler chuẩn bị cho đất nước một cuộc chiến tranh khác. Khi thập niên 1930 trôi qua, và những căng thẳng quốc tế bất đầu nối lên, những xứ sở khác, như Anh, cũng lao vào chương trình tái vũ trang, và số tiền được chính phủ bơm vào có tác dụng kích thích nền kinh tế và giảm số thất nghiệp. Nhưng thực sự chỉ có sự kiện bùng phát Thế Chiến II mới cuối cùng đưa đến sự kết thúc của trận Đại Suy Thoái.
TÓM TẮT
Sự cố rớt giá kinh tế thê thảm nhất của thế kỷ 20
DÒNG THỜI GIAN
1919 | Hiệp ước Versailles buộc Đức trả tiền bồi thường sau khi thua Thế Chiến I. |
1920 | Sự phát triển bùng lên của kinh tế rất ngắn ngủi. |
1921 | Số người thất nghiệp ở Anh là 2.5 triệu, Mỹ áp dụng thuế quan lên hàng nhập khẩu nông nghiệp. |
1922 | Bắt đầu siêu lạm phát ở Đức. Phát xít của Mussolini lên cầm quyền ở Ý. |
1023 | THÁNG 1 Binh sĩ Pháp và Bỉ chiếm thung lũng Ruhr sau khi Đức không thể trả tiền bồi thường. THÁNG 11 Đồng Mark của Đức rơi xuống mức 4.2 ngàn tỉ ăn một đô la. |
1924 | THÁNG 1 – 10 Chính quyền Lao động đầu tiên của Anh. THÁNG 9 Kế hoạch Dawes điều chỉnh thời khóa trả bồi thường. |
1925 | Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge chống đối việc giảm nợ chiến tranh cho Pháp và Anh. |
1926 | Tổng đình công thất bại ở Anh. |
1929 | THÁNG 3 Herbert Hoover trở thành tổng thống Hoa Kỳ. THÁNG 5 Đảng Lao động thành lập chính quyền thiểu số ở Anh. THÁNG 6 Kế hoạch Trẻ lại điều chỉnh lại thời khóa trả bồi thường của Đức; đảng Quốc Xã chống đối quyết liệt. THÁNG 10 Wall Street sụp đổ. |
1930 | THÁNG 6 Tổng thống Hoover ký đạo luật thuế quan Smoot-Hawley, đưa đến chiến tranh mậu dịch quốc tế. THÁNG 9 Khi số thất nghiệp lên đến 3 triệu người, Quốc Xã thắng 107 ghế trong Reichstag. |
1931 | THÁNG 8 Chính phủ Lao động Anh sụp đổ vì vụ cắt chỉ tiêu công; được thay bằng chính phủ do đảng Bảo thủ áp đảo. THÁNG 9 Anh bỏ Kim Bản Vị. THÁNG 12 Thất nghiệp ở Mỹ lên đến 8 triệu. |
1932 | Số thất nghiệp ở Đức tăng vọt lên 6 triệu. Anh áp dụng “ưu đãi đế chế”, bỏ buôn bán tự do với ưu tiên nhập khẩu từ đế chế Anh. THÁNG 6 Anh và Pháp ngừng trả nợ Mỹ. THÁNG 7 Quốc Xã trở thành đảng lớn nhất ở Reichstag. THANG 11 F. D. Roosevelt được bầu làm tổng thống Mỹ, nhờ chính sách “Thỏa Thuận Mới”. |
1933 | THÁNG 3 Hitler nắm quyền độc tài ở Đức.THÁNG 4 Mỹ bỏ Kim Bản Vị. THÁNG 6-7 Hội nghị Kinh tế Thế Giới thất bại tại London. |
1934 | Các nhà kỹ nghệ Mỹ bắt đầu chống chính sách Thỏa Thuận Mới. THÁNG 2 Công nhân nổi dậy ở Áo bị chính quyền cánh hữu dập tắt. THÁNG 5 Tình trạng đất xói mòn biến nhiều diện tích Midwest thành “Bãi Bụi”. |
1935 | Tối Cao Pháp viện ra phán quyết tính pháp lý của Thỏa Thuận Mới vi hiến. |
1936 | Chính quyền của Mặt trận Nhân dân Cánh tả được bầu ra ở Tây Ban Nha và Pháp. Thập Tự Chinh Jarrow ở Anh. J. M. Keynes xuất bản Lý Thuyết Tổng Quát về Việc Làm, Lợi Tức và Tiền Bạc gây ảnh hưởng lớn. THÁNG 9 Pháp bỏ Kim Bản Vị. THÁNG 11 Roosevelt tái đắc cử. |
1939 | Thế Chiến ii bùng nổ. |