KHOA HỌC- HUYỀN BÍ -KỲ THÚ - ẤN TƯỢNG

Bí ẩn Tây Du Ký: Đạo lý ngũ hành trong hình tượng năm thầy trò Đường Tăng

Bí ẩn Tây Du Ký: Đạo lý ngũ hành trong hình tượng năm thầy trò Đường Tăng

Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Hòa Thượng, Bạch Long Mã đối ứng với thuộc tính của ngũ hành lần lượt là: thủy, kim, mộc, thổ, hỏa. 

Tây Du Ký kể về hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của năm thầy trò Đường Tăng (bao gồm cả Bạch Long mã), cũng là một hành trình tu luyện. Từ lâu, chúng ta đã biết năm nhân vật thực ra chỉ là cùng một người. Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người. Đường Tăng thu phục được Ngộ Không, Bạch Long mã, Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” – đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành, kiên định tu luyện.

Ở hồi cuối cùng của tác phẩm, khi viết đến “Ngũ Thánh thành chân” thì có thơ rằng:

 “Một thể chân như lạc xuống trần,
 Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
 Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
 Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”.

“Một thể chân như” chính là chỉ một người; “hợp hòa bốn tướng” là thuật ngữ trong tu luyện. Trong tu luyện của Đạo gia cổ xưa, thường lấy huyền vũ, chu tước, thanh long, bạch hổ để lần lượt chỉ thận, tim, gan, phổi. Trong ngũ hành, chúng lần lượt thuộc thủy, hỏa, mộc, kim. Tương sinh trong ngũ hành, đó là mộc sinh hỏa, kim sinh thủy. Trong sách “Tính Mệnh Khuê Chỉ” nói rằng long mộc sinh hỏa, thuộc về tâm. Hổ kim sinh thủy, cùng một hệ với thân thể. Tâm không động, thì nguyên khí tụ lại; thân không động, thì tinh khí tụ lại. Tinh ngưng khí tụ, tức là chỉ kim mộc thủy hỏa trộn lẫn với nhau trong thổ (đất). “Hợp hòa tứ tướng” hàm ý điều này.

Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Hòa Thượng, Bạch Long Mã đối ứng với thuộc tính của ngũ hành lần lượt là thủy, kim, mộc, thổ, hỏa. Trong Tây Du Ký, tác giả thường dùng từ “kim công” để chỉ Tôn Ngộ Không, “mộc mẫu” để chỉ Trư Bát Giới. Đối ứng với “mẫu” và “công” cũng chính là âm và dương. Còn có một hàm ý nữa, bởi vì hỏa sinh kim, nên gọi là “kim chi công”, do đó “kim công” cũng là chỉ về hỏa; bởi vì thủy sinh mộc, nên gọi là “mộc chi mẫu”, cho nên “mộc mẫu” cũng hàm chứa thủy trong đó. Từ thuộc tính âm dương mà nói, mộc và thủy cùng thuộc âm, kim và hỏa lại đều thuộc về dương, âm dương hợp lại tất do thổ tương trợ, thổ tức chỉ Sa Hòa Thượng, còn được gọi là “hoàng bà”.

Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới thường xuyên tranh đấu, đố kỵ, châm chọc không dứt, đó chính là âm dương giao phối trong quá trình tu luyện. Trong đó Sa Hòa Thượng đóng vai trò điều hòa. Mãi đến cuối cùng, ba vị này mới đạt đến trạng thái điều hòa một cách hài hòa nhất trí. Trong hồi thứ 22, khi Bồ Tát ban cho quả hồ lô để thu phục Sa Ngộ Tĩnh còn có mấy câu thơ sau:

 “Ngũ hành phối hợp, hợp thiên chân, 
 Nhận rõ chủ nhân trước đã từng
 Cơ bản luyện thành, nên diệu dụng, 
 Biện minh tà chính thấy nguyên nhân. 
 Kim về tính vẫn là đồng loại,
 Mộc chạy mong tình cũng chẳng xong, 
 Hai xứ công thành, thành tịch mịch, 
 Điều hòa nước lửa, bụi trần không”.

Ngũ hành mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ đối ứng với ngũ tạng là gan, tim, tỳ (lá lách), phổi, thận. Vì thế Tây Du Ký mô tả nơi ở của các nhân vật cũng rất có hàm ý. Trư Bát Giới làm mộc mẫu, cũng là chỉ về thủy, ở vị trí thận tạng. Trong Tây Du Ký có mượn lời của Trư Bát Giới để thuyết minh, nói Trư Bát Giới được “Noãn Nhị Thư” kén làm rể. Vị Noãn Nhị Thư này chính là ví như hai quả thận của người ta vậy. Bộ phận tỳ tạng (lá lách) chính là đối ứng của Sa Hòa Thượng (hành thổ). Vì tác dụng của tỳ tạng là vận hóa thủy cốc (chuyển hóa thức ăn), vận chuyển phân bố và vận hành thủy dịch, nên nơi ở Lưu Sa Hà của Sa Hòa Thượng mới là “Lông ngỗng không nổi được, Hoa lau cũng phải chìm”.

Người Trung Quốc cổ đại cho rằng ngũ hành là cơ sở cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ, giữa chúng có mối quan hệ tương sinh tương khắc, cân bằng thì an định, mất cân bằng thì hỗn loạn. Ở một tầng hàm nghĩa nào đó, hành trình thỉnh kinh Phật của năm thầy trò Đường Tăng cũng là hành trình tu luyện đạt đến trạng thái hài hoà, hợp nhất của ngũ hành. Đó là cảnh giới tĩnh lặng, từ bi và sáng suốt.

 

Thanh Ngọc
Tham khảo Chánh Kiến 

	

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111