Một Số KHÁI NIỆM VỀ KHÍ DÙNG TRONG ĐÔNG Y
Một Số KHÁI NIỆM VỀ KHÍ DÙNG TRONG ĐÔNG Y
A. Khí là gì?
Khí của con người ta, theo nguồn gốc của nó được chia làm hai loại: Khí Hậu thiên và Khí Tiên thiên.
– Khí Tiên thiên được cha mẹ truyền cho từ trong bụng mẹ nó được gọi là Nguyên khí. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
– Khí Hậu thiên do con người tự sản xuất ra sau khi lọt lòng mẹ. Khí Hậu thiên bao gồm ba loại khí: Tông khí, Dinh khí và Vệ khí.
Ở đây chúng ta chỉ bàn đến khí Hậu thiên.
B. Khí Hậu thiên.
Khí Hậu thiên gồm có ba loại: (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
1. Tông khí. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
1.1 Nguồn gốc của Tông khí.
Tông khí là thứ khí hợp thành từ khí trời và tinh khí từ đồ ăn thức uống (khí đất). Khí trời được hít qua mũi vào Phế, tinh khí của đồ ăn thức uống được Tỳ vận chuyển lên Phế. Hai thứ khí này kết hợp với nhau và tụ ở Đản trung trước ngực tạo nên Tông khí.
1.2 Công dụng của Tông khí.
Công dụng chủ yếu của Tông khí là đi lên mũi để quản lý hơi thở, đi lên họng để quản lý tiếng nói, đi vào Tâm mạch để thúc đẩy sự vận hành của khí huyết.
Nếu Tông khí từ Phế không đi xuống được thì Huyết ở trong mạch sẽ bị ngừng lại không vận hành được. Sự mạnh yếu của hô hấp, thanh âm, ngôn ngữ, sự vận hành của khí huyết cho đến sự nóng lạnh và sức hoạt động của cơ thể có quan hệ mật thiết với Tông khí.
2. Vệ khí. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
2.1 Nguồn gốc của Vệ khí.
Vệ khí là thứ khí bảo vệ cơ thể, giúp cho cơ thể có một màng lưới để chống ngoại tà xâm nhập.
Vệ khí là thứ khí nhanh mạnh (dương khí) trong đồ ăn uống bắt nguồn từ Thượng tiêu.
Vệ khí có tính linh hoạt cương cường, thích dong duổi xuyên thấu, nó đi ở ngoài mạch. Bên trong thì Vệ khí có tác dụng sưởi ấm vùng màng lưới để ôn dưỡng cho ngũ Tạng, lục Phủ; bên ngoài thì luồn trong tầng da thớ thịt để ôn dưỡng cho cơ nhục, da dẻ và điều lý việc mở đóng các lỗ chân lông.
Vệ khí chẳng những ôn dưỡng được cho tất cả các tạng phủ trong ngoài mà còn có công năng bảo vệ tầng biểu bì để chống khí ngoại tà xâm nhập.
2.2 Đường vận hành của Vệ khí.
Ban ngày Vệ khí đi thành hai đường:
Một đường đi từ đầu xuống hai cánh tay rồi tán ra ở hai bàn tay.
Một đường đi từ đầu xuống hai chân qua kinh Thận vào mạch Kiểu, trở về mắt và tiếp tục tuần hoàn như vậy.
Nhiệm vụ của Vệ khí là: Làm ấm, nhu nhuận, làm khỏe cơ phu, bảo vệ phần ngoài của cơ thể và mở đóng các lỗ chân lông.
Ban đêm Vệ khí đi từ Thận lên Tâm qua Phế xuống Can sang Tỳ xuống Thận rồi lại lên Tâm …Có nhiệm vụ làm ấm, nhu nhuận và bảo vệ nội tạng để con người có giấc ngủ yên.
Ban ngày Vệ khí đi 25 chu kỳ, ban đêm Vệ khí cũng đi 25 chu kỳ, như vậy một ngày đêm Vệ khí cũng tuần hoàn 50 chu kỳ.
Nếu Vệ khí yếu thì các tổ chức trong cơ thể sẽ ít ấm hơn có lúc còn bị lạnh, sức chống đỡ của cơ thể sẽ yếu đi làm cho khí xấu, khí bệnh dễ xâm nhập.
3. Dinh khí (Vinh khí). (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
3.1 Nguồn gốc của Dinh khí.
Dinh khí là tinh khí (âm khí) trong đồ ăn thức uống (Thủy cốc tinh vi), bắt nguồn từ Tỳ, Vị ở Trung tiêu.
3.2 Công dụng của Dinh khí.
Công dụng chủ yếu của Dinh khí là hóa sinh huyết dịch để dinh dưỡng cho toàn thân.
Dinh khí từ Trung tiêu đi ra, dồn lên Phế mạch gặp khí trời và biến hóa làm cho Huyết có sắc đỏ. Sau khi Dinh khí đã đi vào huyết, nó chảy vào trong thì dinh dưỡng cho lục phủ ngũ tạng, khi tản ra ngoài thì nó làm tươi nhuận cho gân, xương, da, lông.
3.3 Đường vận hành của Dinh khí. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa).
Dinh khí xuất phát ở Trung tiêu đi ở trong mạch theo trình tự các đường kinh: Thái âm Phế, Dương minh Đại trường, Dương minh Vị, Thái âm Tỳ, Thiếu âm Tâm, Thái dương Tiểu trường, Thái dương Bàng quang, Thiếu âm Thận, Quyết âm Tâm bào, Thiếu dương Tam tiêu, Thiếu dương Đởm, Quyết âm Can, mạch Đốc, mach Nhâm rồi trở lại Thái âm Phế…Dinh khí cứ tuần hành như vậy, với mỗi một ngày đêm nó tuần hoàn được 50 chu kỳ trong cơ thể.
Dinh khí có tác dụng chuyển hóa thành huyết để nuôi dưỡng cơ thể và thúc đẩy sự tuần hoàn của huyết dịch.
Nếu Dinh khí không đủ thì cơ thể sẽ không được nuôi dưỡng tốt.
C. Kết Luận:
Tông khí là khí hợp thành từ khí trời và tinh khí từ đồ ăn thức uống (khí đất), nó là khí Hậu thiên.
Nguyên khí là thứ khí do tinh cha huyết mẹ truyền cho con từ ở trong bào thai, nó là khí Tiên thiên.
Chân khí là thứ khí được tạo nên nhờ sự kết hợp từ Tông khí là một thứ khí Hậu thiên ở ngực và Nguyên khí là một thứ khí Tiên thiên ở Thận.
Chỉ có Chân khí mới có tác dụng nuôi dưỡng cho toàn thân.