VĂN HÓA-ĐỜI SỐNG- KỸ NĂNG SỐNG ĐẸP

Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt : Dong thuyền ra biển lớn ‘phụng sự nhân loại’

Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt :

Dong thuyền ra biển lớn ‘phụng sự nhân loại’

Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử.
Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa…
Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.  

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa…hãy biết ơn người đã cứu mạng mình. 
Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam
Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

***

Alexandre Yersin là học trò xuất sắc của Louis Pasteur. Giữa giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp, chàng thanh niên trẻ Yersin đã quyết định từ bỏ tất cả, lênh đênh trên biển, dọc ngang quả đất để thực hiện sứ mệnh “phụng sự nhân loại”.
Và, như một nhân duyên tiền định, ông đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hiền hòa của vùng biển Nha Trang, rồi cương quyết sẽ cống hiến trọn đời cho mảnh đất này.
Tuổi thơ bi kịch và nước mắt
Yersin là con út trong gia đình có ba người con.
Từ khi còn trong bụng mẹ, chưa biết đến ánh sáng mặt trời, Yersin tội nghiệp đã phải chịu nỗi đau mất cha.
Ba tuần trước khi chào đời, cha ông, Alexandre (1825-1863), là giáo viên môn khoa học tự nhiên tại những trường trung học ở Aubonne và Morges, kiêm nhiệm chức quản đốc kho thuốc súng đã bị xuất huyết não và ra đi, để lại mẹ ông một mình nuôi ba người con (Émilie, Franck, và Alexandre).
Nhưng bi kịch chưa dừng ở đó.
Bởi vì là thành viên của giáo hội Tin Lành, từ nhỏ Yersin đã phải theo mẹ rời khỏi nước Pháp sang Thụy Sĩ để tránh bức hại tôn giáo sau khi Louis XIV ra Chỉ dụ Fontainbleau năm 1685, thu hồi Chỉ dụ Nantes do Henri IV ban hành năm 1598.
Tuy nhiên, những thiệt thòi của tuổi thơ không cha và khó khăn trong cuộc sống lưu lạc vẫn không làm thuyên giảm đi nhiệt huyết nghiên cứu khoa học của Yersin.
Được thừa hưởng sự say mê của cha là một nhà khoa học, Yersin đã nhận lấy sứ mệnh dang dở của người cha quá cố và tiếp tục viết tên mình trên con đường nghiên cứu.

Chân dung Alexandre Emile John Yersin (1863-1943), nhà vi khuẩn học người Thụy Sĩ.(Ảnh: sciencesource.com)

Nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa ở tuổi 25, sau khi trở về Paris, Yersin xin nhập quốc tịch Pháp (lúc ấy chỉ có công dân nước Cộng hòa Pháp mới được hành nghề y) và gia nhập Viện Pasteur ở Paris.
Tuy nhiên, nhà khoa học trẻ đầy triển vọng này không hài lòng với môi trường học thuật đỉnh cao ở Paris.
Năm 1890, ông quyết định từ bỏ tương lai sáng lạn ở đây, rời nước Pháp  giàu có và xinh đẹp để đến Đông Dương, một miền đất nghèo ở xứ sở xa lạ.
Trở thành huyền thoại xứ Đông Dương
Nếu được chọn một người phương Tây đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam thì tôi chắc chắn đó sẽ là bác sĩ Alexandre Yersin.
Ông không chỉ là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, mà còn là người sáng lập 4 viện Pasteur (Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt), sản xuất vắc xin và thuốc men chữa bệnh hàng triệu người Việt chúng ta.
Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh chữa bệnh của ông nằm ở suối Dầu (Khánh Hoà) là trại ngựa lớn nhất châu Á khi đó (hiện nay vẫn lớn nhất Đông Nam Á).
Có thể nói, Yersin là người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền y khoa hiện đại Việt Nam.
Ngoài ra, Yersin còn là người mang cây cao su, cà phê, ca cao về trồng ở VN, và giờ đây chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu nhờ những giống cây ấy.
Nhiều giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, cẩm tú cầu, xà lách xoong…. đều do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua thí nghiệm.
Ông còn quy hoạch nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi gà và đà điểu ở Ninh Hoà, quy hoạch và xây dựng thành phố Đà Lạt, đẩy mạnh việc thử nghiệm và trồng quy mô lớn cây cà phê ở Tây Nguyên…
Là một người rất có uy tín với chính quyền Pháp bấy giờ, Yersin yêu cầu người Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn.
Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm.
Ông cũng là người có công lớn trong việc “cải cách” quốc lộ 1A từ một con đường đất 2-3 mét từ thời Chúa Nguyễn thành con đường rải nhựa, ô tô có thể chạy được.

Một góc Trại chăn nuôi Suối Dầu ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa – tiền thân là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm do Yersin xây dựng năm 1896. (Ảnh: baophapluat.vn)

Yersin còn là một tỷ phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin.
Ông là cổ đông chính của ngân hàng HSBC (toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn chuyển đều đặn về quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học)…
Thế nhưng, ít ai biết rằng, Alexandre Yersin cũng là một nhà truyền giáo…
Là một tín hữu Tin Lành có niềm tin sâu sắc, Yersin luôn mong muốn sẽ truyền bá tình yêu của Chúa cho những dân tộc tại các quốc gia xa xôi.
Tuy nhiên, hiểu được lý do vì sao những nhà truyền giáo Tin Lành không được họat động ở Đông Dương, Alexandre Yersin đã chọn cách đến đây không phải với tư cách một nhà truyền giáo thuần túy, mà là một khoa học gia.
Có lẽ, ông muốn dùng khoa học như một  phương tiện để đem tình yêu thương của Chúa đến với con người.
Và, với Đức Tin mạnh mẽ cùng trái tim lương thiện, giàu lòng trắc ẩn được Chúa nâng đỡ, Yersin đã thực hiện sứ mệnh đó tốt hơn ai hết. 

Chuyện ông Năm ở xóm Cồn


Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử.
Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa…
Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.
Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa…hãy biết ơn người đã cứu mạng mình.
Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam
Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

***

Bởi tình yêu với thành phố biển Nha Trang, bác sĩ Alexandre Yersin đã quyết định dành cả cuộc đời mình cho mảnh đất này.
Ông dựng nhà từ một lô cốt 2 tầng bỏ hoang lâu ngày và mở phòng khám cho bà con ở xóm Cồn. 

Sống bình dị nơi xóm Cồn

Dù là một tỷ phú, cổ đông chính của Hongkong and Sanghai Bank (nay là ngân hàng HSBC) nhưng Alexandre Yersin luôn thích sống cùng những người dân lao động nghèo.
Người dân nơi đây hàng ngày tiếp xúc với ông, họ không hề có cảm giác xa lạ như một người nước ngoài, mà thấy gần gũi như người làng.
Vậy nên, họ gọi ông với cái tên thân thương là “ông Năm”.

Bác sĩ Alexandre Yersin. (Ảnh: pinterest.com)

Ông Năm chẳng bao lâu đã trở thành bạn với đám trẻ con.
Thỉnh thoảng, ông cho chúng kẹo và tiền lẻ để mua quà.
Ông cũng thường xuyên chiếu phim cho chúng xem, dạy chúng về thiên văn, khí tượng.
Có lần, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông chẳng những không nổi giận mà còn căn dặn người giúp việc: “Đừng rầy đánh, người ta sợ”.

Lầu ông năm. (Ảnh:uk.wikipedia.org)

BS Kiều Xuân Cư – người may mắn từng được tiếp xúc với ông Năm kể lại:
“Nhà Yersin sát bãi biển, có thư viện mở và tủ sách hồng dành cho trẻ em. Kỷ niệm cách đây hơn tám mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ giọng nói của “ông Năm” mỗi lúc gọi chúng tôi là “người bạn nhỏ thân thiết”. Ngày ấy, tôi thường cùng đám bạn khoảng 12 – 14 tuổi, đạp xe từ Thành (Diên Khánh) xuống Nha Trang tắm biển, mỗi lần vào thư viện của bác sĩ hỏi mượn sách, đều được ông phát kẹo và được nói chuyện bằng tiếng Pháp”
Thời ấy, người dân xóm Cồn có thói quen hay uống rượu say, cãi lộn, chửi bới, gây gổ, thậm chí ẩu đả.
Ông Năm lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy.
Sau đó, mời mọi người đến xem phim, hỏi họ có hay không, đẹp không?
Ai cũng cảm thấy xấu hổ.
Nhờ đó mà xóm Cồn gần như không còn nạn say rượu, chửi rủa hay đánh nhau.

Xóm cồn và lầu ông Năm. (Ảnh: delcampe.net)

Vì Nha Trang thường có bão táp nên ông Năm làm thêm trên nóc nhà một vòng tròn để dựng kính thiên văn.
Nhờ đó, ông biết được thời tiết nắng mưa để giúp ngư dân đi biển.
Ông làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen.
Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.
Thời bấy giờ, ngư dân tránh được tai họa do bão cũng đều là nhờ ông.
Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, ông Năm vội tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình.
Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn.
Từ hôm ấy, ông Năm được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho danh hiệu “người đã trị cơn sóng thần”.

Nhà nhân văn lớn nặng lòng với dân nghèo

Người dân xóm Cồn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về ông Năm của họ.
Kể rằng, một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông Năm bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đả động gì đến lỗi sai của người tài xế.

Dù là một tỷ phú, nhưng Alexandre Yersin luôn thích sống cùng những người dân lao động nghèo. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân thương là “ông Năm“. (Ảnh: delcampe.net)

Lần khác, ông gặp người nông phu nằm ngủ trên chiếc xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát đổi chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát cho họ ngủ ngon.
Ông Năm bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước, đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng.
Ông còn thường khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo.
Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn người khác, vì vậy ông thấy cần có bổn phận an ủi và giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không.
Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó.
Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.
(Trích Thư gửi mẹ của bác sĩ Alexandre Yersin)

Alexandre Yersin trong phòng làm việc của ông tại Viện Pasteur vào năm 1900. (Ảnh: pasteur.fr)

Alexandre Yersin đến với người Việt bằng một tấm lòng nhân văn và chân thật hiếm có.
Ông thông thạo tiếng Việt, sống chan hòa, vui buồn cùng bà con, như những người thân trong nhà.
Có người bảo ông không có vợ và phải sống cô độc, nhưng tôi cho rằng, ông không cô độc chút nào.
Ông có một trái tim đủ lớn để yêu thương và bao dung tất cả mọi người.

 Người ghi tên Đà Lạt vào bản đồ Việt Nam


Vào năm 1868, tức là 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến vùng đất cao nguyên lạnh, Dinh Điền Sứ Nguyễn Thông của triều đình nhà Nguyễn đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên.
Ông đã từng báo cáo cuộc khai hoang này lên triều đình nhà Nguyễn trong “Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng Thượng du”, nhưng vì việc thực hiện cuộc di dân lên vùng đất này để khai phá đòi hỏi rất nhiều kinh phí, nên vùng đất ấy đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.

Bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sau đó hơn một thập kỷ, vào năm 1881, bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans cũng đã đến cao nguyên Lâm Viên.
Nhưng vì chuyến đi của họ chỉ được biết trong giới thám hiểm mà không được giới thiệu đến công chúng, nên Đà Lạt lại một lần nữa bị bỏ quên.

Đồi cỏ hồng Đà Lạt. (Ảnh: Võ Trang)

Mãi đến năm 1893 (chính xác là thời khắc 3h30 chiều ngày 21/6/1893), bác sĩ Yersin cùng đoàn thám hiểm của mình chui ra từ một khu rừng rậm, đã ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú mà họ chưa bao giờ được trông thấy.
Chính từ thời điểm đó, Alexandre Yersin – với tư cách là một nhà thám hiểm, cố vấn của Toàn quyền Đông Dương, đã bắt đầu tạo ra những bước ngoặt lớn, những dấu mốc quan trọng đưa vùng đất này bước sang trang mới, để chúng ta có Đà Lạt ngàn hoa của ngày hôm nay.
Vậy nên, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, tuy bác sĩ Yersin không phải người đầu tiên thám hiểm ra Đà Lạt, nhưng ông là người có công khai sinh ra thành phố này và ghi tên nó vào bản đồ Việt Nam.

Đà Lạt vào Đông quyến rũ với những đồi cỏ tuyết. (Ảnh: hanhphan)

Có thể nói rằng, xứ sở này đã để lại trong tâm hồn bác sĩ Yersin những ấn tượng mạnh mẽ. Khí hậu mát mẻ, trong lành và vẻ đẹp tự nhiên đã gợi cho ông nhớ lại quê hương Thụy Sĩ thời thơ ấu.
Và, như một cơ duyên, bốn năm sau (1897), ông đã tích cực đề xuất với Toàn quyền Doumer chọn nơi này làm địa điểm xây dựng trạm điều dưỡng và nghỉ ngơi cho các quan chức Pháp ở Đông Dương.
Cuối cùng, sau nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu, tỉnh Đồng Nai Thượng – (tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này) đã chính thức ra đời.

Thành phố sương mù Đà Lạt – dù đến hàng trăm lần vẫn muốn quay lại. (Ảnh: goingo.com)

Và, ngôi trường đẹp nhất của thành phố đã được đặt với tên Grand Lycée Yersin (nay là Cao đẳng sư phạm Đà Lạt) như một sự tri ân dành cho vị bác sĩ tài ba và nặng lòng với xứ sở này.

Ngôi trường đẹp nhất của thành phố đã được đặt với tên Grand Lycée Yersin (nay là Cao đẳng sư phạm Đà Lạt). (Ảnh: hanhphan)

Trong lễ khai giảng khóa học đầu tiên, bác sĩ Yersin đã đến dự và xúc động phát biểu:

Tôi rất cảm động về tình cảm mà các em đối với tôi. Các em hãy tin rằng tôi cũng rất yêu mến và thân ái đối với các em…
Các em làm tôi nhớ đến việc phát hiện ra cao nguyên Lang Biang vào tháng 6 năm 1893 trong một cuộc tìm kiếm , nghiên cứu nhằm mục đích khai phá một vùng rừng núi phía Nam Trung phần cho đến lúc đó vẫn chưa ai biết…
Các em muốn đặt cho trường trung học đẹp đẽ này cái tên của người sống sót cuối cùng của phòng thí nghiệm Pasteur. Tôi xin cảm ơn các em.
(Trích Đáp từ của bác sĩ Yersin – Đọc tại trường trung học Yersin)

Nhiều người muốn biết tên Đà Lạt xuất phát từ đâu? Có người cho rằng đó là chữ viết tắt của Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sự mát lành cho những người khác.” Cũng có người nói rằng, tên Đà Lạt xuất phát từ chữ D’Lat trong nhật ký của bác sĩ Yersin.

Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sự mát lành cho những người khác.” (Ảnh: wetravel.tours)

Nhưng dù thế nào chăng nữa, hơn một trăm năm trôi qua, Đà Lạt của hôm nay đã trở thành “nơi cho người này niềm vui, người kia sự mát lành” đúng như ý nghĩa của nó.
Và trong suốt chặng đường dài ấy, hình ảnh bác sỹ Alexandre Yersin vẫn luôn in đậm trên mảnh đất cao nguyên xinh đẹp này.
Tên của ông không chỉ được đặt cho trường học, đường phố và công viên của thành phố mà còn luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất, trong trái tim và ký ức của những con người Đà Lạt…
(Bài viết sử dụng một số tư liệu trên Wikipedia và chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Trần Phong 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111