VĂN HÓA-ĐỜI SỐNG- KỸ NĂNG SỐNG ĐẸP

Aikido – Chân võ đạo chính là yêu thương vạn vật và hòa hợp với vũ trụ

Aikido – Chân võ đạo chính là yêu thương vạn vật và hòa hợp với vũ trụ


Một buổi chiều mùa xuân, khi đoàn tàu chúng tôi đang vượt qua các vùng ngoại ô của Tokyo một cách êm ả.
Đột nhiên, một kẻ say rượu xiêu vẹo bước vào khoang tàu.
Anh ta hét lên và đẩy một người phụ nữ ngã.
Rất may là em bé trong tay cô không bị thương gì cả. sau đó, tên say rượu tiếp tục vung chân đá vào một bà lão gần đó nhưng không trúng.
Mọi người bắt đầu hoảng sợ và không ai dám nói một lời nào.
Là một võ sinh Aikido, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó.
Tôi lập tức đứng dậy, tiến về phía kẻ say rượu.
Thế nhưng, người bạn bên cạnh đã ngăn lại và nói:
“Thầy vẫn luôn nhắc nhở chúng ta, học Aikido là để giải quyết tranh chấp, chứ không phải kích động mâu thuẫn. Người có tâm tranh đấu sẽ mất đi mối liên hệ với vũ trụ”.

Học Aikido là để giải quyết tranh chấp, chứ không phải kích động mâu thuẫn. (Ảnh: jutta-schanze.de)

Vậy nhưng đối mặt với tình huống hiện tại, tôi nghĩ mình vẫn nên khống chế tên tội phạm và cứu người vô tội.
Nếu tôi không hành động, có thể ai đó sẽ bị thương.
Về phần kẻ say rượu, thấy tôi đứng dậy, hắn hét lên và xông đến định giao chiến. Bất ngờ, một tiếng gọi cất lên từ phía sau:
– Này!
Mọi người đều đồng loạt quay lại.
Thì ra, đó là một cụ già gầy gò. Cụ mặc một bộ kimono sạch sẽ và ngồi đó một cách an hòa.
Cụ bình tĩnh nhìn kẻ say rượu và nói:
– Hãy đến đây và nói chuyện với tôi.
Kẻ say rượu tỏ ra khinh khỉnh:
– Tại sao tôi phải nói chuyện với ông?
Cụ già vẫn ôn tồn:
– Anh đã uống gì vậy?
Tôi uống rượu sake. Nhưng đó không phải là việc của ông!”
– Wow! Tuyệt! Tôi cũng thích uống sake!  Mỗi buổi sáng, vợ chồng chúng tôi sẽ hâm nóng một nồi rượu sake nhỏ. Sau đó chúng tôi mang nó ra vườn, ngồi trên ghế tận hưởng không khí mát mẻ và ngắm những cây hồng. Đó thực sự là một cuộc sống tươi đẹp! Còn anh thì sao?

Mỗi sáng, vợ chồng chúng tôi hâm nóng một nồi rượu sake nhỏ. Ngồi trên ghế tận hưởng không khí mát mẻ và ngắm những cây hồng. (Ảnh: Pinterest)

Nghe ông lão kể, chẳng biết từ khi nào đôi mắt người đàn ông đã đẫm lệ:
– Tôi cũng thích hồng!
Ông già nhẹ nhàng nói với anh ấy:
– Có lẽ anh cũng có một người vợ tốt.
Anh ta nói với hai dòng nước mắt chảy dài:
– Vợ tôi qua đời rồi. Tôi không có vợ, không có gia đình, không có việc làm.
Cụ ông gật đầu, nhẹ nhàng nói với anh:
– Ta hiểu những điều cháu đã trải qua. Hãy ngồi xuống đây và nói chuyện với ta.
Người say rượu bước đến, gục đầu trên đầu gối của ông cụ.
Ông vuốt ve mái tóc rối bù của anh, trầm ngâm nghe anh kể chuyện.

“Ta hiểu những điều cháu đã trải qua. Hãy ngồi xuống đây và nói chuyện với ta”. (Ảnh minh họa từ: iza.ne.jp và gettyimages.com)

Lúc đó trái tim tôi như thắt lại. Tôi cảm thấy xấu hổ về sự liều lĩnh của mình.
Sự vô cảm đã khiến tôi không thể thấu hiểu người khác.
Sự lương thiện và lòng tốt đã đem đến trí tuệ cho ông cụ để  giải quyết mâu thuẫn, còn tôi chỉ biết dùng bạo lực.

Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, nếu như bắt gặp thì hãy trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng….
Đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.
(Trích Bên đời ta còn ai đó lạc loài – Phạm Lữ Ân

Aikido được sáng lập bởi Tổ sư Ueshiba Morihei.
Sinh ra trong gia đình thượng võ, ông đã tập luyện rất nhiều môn phái võ và đạt được nhiều thành tựu.
Thế nhưng, ông luôn khao khát một tinh thần hòa hợp trong võ thuật, nghĩa là lấy hòa ái làm kim chỉ nam.
Sau này, đến khi thấm nhuần được giáo lý của Thần giáo, ông đã kết hợp những triết lý cao siêu này làm phần hồn cho sở học võ thuật của ông và biến võ thuật thành võ đạo.
Và Aikido ra đời. Aikido được ghép bởi 3 chữ, “ai” có nghĩa là yêu thương, hòa hợp; “ki” mang ý tinh thần, khí chất; cuối cùng “do” chính là Đạo.

Tổ sư Ueshiba Morihei – Người sáng lập ra  Aikido. (Ảnh: Pinterest)

Trong một bài thuyết trình của Tổ sư Ueshiba Morihei trước công chúng, ông đã nói về môn phái Aikido như sau:
“Võ đạo không phải là công cụ để đánh ngã đối phương bằng sức mạnh hay vũ khí. Cũng không phải là để đưa thế giới đến sự huỷ diệt bằng vũ khí hay bằng các phương thức phi truyền thống.
Võ đạo thực sự là sự sắp xếp lại năng lượng bên trong của vũ trụ, bảo vệ nền hoà bình thế giới, tạo dựng và gìn giữ mọi thứ hoà hợp trong tự nhiên của nó.
Luyện tập võ đạo nâng cao sức mạnh, của thân thể, tâm hồn, tình thương đấng Kami, vị thần đem lại, gìn giữ và nuôi dưỡng vạn vật trong thiên nhiên”

Tổ sư Ueshiba Morihei đang dạy các học trò. (Ảnh: TumblrGallery.com)

Đúng như cái tên, Aikido không có những chiêu thuật hiểm ác để tấn công đối phương mà lấy tình thương làm tinh thần, lấy hòa hợp làm phương châm hành động và lấy khí lực làm cơ sở để hóa giải mọi mâu thuẫn trong cuộc sống.
Với một nhân sinh quan hoàn toàn thuận theo quy luật tự nhiên, Aikido chủ trương xây dựng một tinh thần võ đạo chân chính dựa trên tình yêu thương vạn vật.
Tình yêu thương thì không đố kỵ, tình yêu thương không có thù địch. Một người giỏi hôm nay, ngày mai sẽ có người khác giỏi hơn.
Tranh đấu chỉ là một trò ấu trĩ của những kẻ ngốc nghếch.

Aikido chính là võ đạo thực thụ, là phương tiện yêu thương của vũ trụ. Đó là người bảo vệ vạn vật, là phương tiện để mọi thứ có sự sống ở vị trí riêng của mình. Đó là nguồn sáng tạo, không chỉ của võ đạo mà còn của vạn vật, nuôi dưỡng sự trưởng thành và phát triển đó.
(Những di ngôn cuối cùng của Tổ sư Ueshiba Morihei)

Thiện Nam

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0914-098-111